Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Những gương mặt văn học của một vùng đất

Những gương mặt văn học của một vùng đất
Sau lũy tre xanh xưa đầm ấm. Tiếng sáo ru êm đưa nhẹ ngân. Xanh đồng lúa in trên đồi xa. Êm gió đưa sóng ru làn lúa… Bao cánh hoa nay đã tàn úa. Đâu tìm thấy những khi chiều buông. Lòng tràn ngập mối tình thơ.. (Sau lũy tre - Nhật Bằng).
Chẳng biết tự bao giờ, cuộc đời tôi lại gắn bó với La Gi – Vùng đất cuối cùng của cực Nam Trung bộ. La Gi trong tâm tưởng chúng tôi là bầu trời và dải đất chạy dài ven biển từ mũi điện Kê Gà đến tận suối nước nóng Bình Châu. Từ những năm 70 của thế kỷ 20, tôi say mê tiểu thuyết "Hoa bươm bướm" của nhà văn Võ Hồng. Trong tác phẩm này, nhà văn Võ Hồng đã có một chương ngắn viết về đất trời Bình Tuy – tên gọi của Hàm Tân – La Gi bây giờ. Và, trong tiểu thuyết của Võ Hồng, La Gi là một miền biển xanh bát ngát, tiếp giáp với rừng đại ngàn  mênh mông như một bức tranh tuyệt đẹp. Đời sống La Gi thanh bình, tách rời khỏi những biến động thời cuộc của đất nước. Có lẽ, những trang văn tuyệt vời, qua bút pháp tài hoa của nhà văn Võ Hồng viết về La Gi ngày ấy đã tạo được ấn tượng trong tôi về La Gi một miền quê êm đềm với biển xanh, cát trắng và rực rỡ nắng vàng phương Nam. Cũng từ ấy, qua báo chí xuất bản ở miền Nam trước đây, La Gi còn thu  hút tôi với những trang văn, vần thơ của những tác giả được chính vùng quê La Gi sinh ra và nuôi lớn, cũng như những tác giả đã từng gắn bó đời mình với quê hương La Gi. Đó là: Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Xuân Ly Băng, Châu Anh, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Yên Thảo, Phan Chính, Trần Văn Sơn...
Với Nguiễn Ngu Í, từ năm 1946, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận xét: "Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Hữu Ngư) là một thanh niên có tài, nhiều mơ mộng và nhiều cao vọng, nhiều quá... mà không thực hiện được nên dẫn đến u uất trong lòng". Quả thực vậy, Nguiễn Ngu Í là một con người đa tài, nhiều khổ lụy, u uất trong cuộc đời trải dài theo những biến động của lịch sử đất nước. Người đọc yêu quý ông là một nhà thơ, một nhà báo có tài. Ông đã có những bài phỏng vấn đặc sắc các nhân vật tên tuổi trên các lĩnh vực văn học, báo chí, sân khấu, nghệ thuật... của miền Nam trước đây. Những bài phỏng vấn của ông rất mới, khác xa với những người cùng thời, có giá trị cho những ai làm tài liệu tham khảo văn học. Thơ của ông u uất một nỗi niềm. Nhưng, với những bài thơ ông viết về quê hương, chúng ta thấy La Gi đẹp như tranh thủy mạc. Trần Yên Thảo có những câu thơ phiêu bồng và đầy kiêu bạc, anh còn viết truyện ngắn. Từ năm 1970, tạp chí Văn đã xuất bản rộng rãi tập truyện ngắn "Mắc cạn" của Trần Yên Thảo. Với bút danh Đỗ Nghê, cùng những bài thơ tình mượt mà, Đỗ Hồng Ngọc còn có những bài thơ phản đối chiến tranh Việt Nam thức tỉnh con tim người đọc giữa một thời đỏ đen lẫn lộn. Từ năm 1973, Phan Chính và Trần Hữu Ngư (Phan Trần) chủ trương thực hiện tạp chí "Đất mới". Có lẽ, đây là tạp chí văn học đầu tiên của vùng đất La Gi. Phan Chính và Trần Hữu Ngư đã giới thiệu những nét đẹp của vùng đất mới La Gi - Bình Tuy, những gương mặt văn học non trẻ của quê hương mình đến những người yêu văn chương thời bấy giờ.

Kể từ năm 1975 đến nay, gần 35 năm, lực lượng sáng tác văn học ở La Gi không ngừng được bổ sung và phát triển. Sau năm 1975, Xuân Ly Băng, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Hữu Ngư, Phan Chính... vẫn tiếp tục sáng tác, thường xuyên xuất hiện trên các báo tạp chí văn nghệ trong và ngoài nước.
Về thơ, lần lượt có thêm: Huy Đạt, Đoàn Thuận, Nguyễn Huỳnh Sa là những người sinh ra và lớn lên tại La Gi. Và, Trần Hoàng Vy, Nhất Liên Hương, Phan Thanh Hải, Ngô Văn Tuấn, Trần Kim Trung, Phạm Tường Đại, Thái Anh... là những người nhận La Gi làm quê hương thứ hai của mình.
Về văn xuôi, xuất hiện: Nguyễn Ngọc Thuần, Lương Minh Vũ, Hải Âu.
Âm nhạc có: Đức An, Quốc Chi, Phạm Đăng Phúc, Võ Thiện Thanh, Hải Âu...
Những cây bút sinh ra hoặc gắn bó đời mình với La Gi đều thành danh, tác phẩm của các anh lan tỏa sâu rộng, được những người yêu văn chương, âm nhạc trong và ngoài nước đón nhận một cách nồng nhiệt. Qua tác phẩm, chúng ta bắt gặp: Huy Đạt vững một niềm tin vào lí tưởng cách mạng. Ngô Văn Tuấn, Trần Kim Trung...với những vần thơ dung dị, chân thật, đầy ắp tình người trong cuộc sống. Một Nguyễn Huỳnh Sa, Đoàn Thuận...với những vần thơ ngọt lịm hương vị ca dao đất mẹ, đầy sâu sắc, rung động tận sâu thẳm lòng người. Phan Thanh Hải với những dạt dào cảm xúc trong tình yêu lứa đôi. Lương Minh Vũ với những truyện ngắn hấp dẫn, đầy ắp kỷ niệm một thời trong quân đội và những trần trụi của cuộc sống đời thường. Bên cạnh những bài thơ đầy ưu tư, trăn trở thế thái nhân tình, Trần Hữu Ngư còn có những trang tùy bút đầy chất thơ, hoài niệm hình bóng quê nhà thân thương một thời chưa xa... Những tác giả ở La Gi, dù làm thơ, viết văn, soạn nhạc đều viết về La Gi với tất cả tình cảm yêu mến vùng quê mình đang sống và đã từng gắn bó. Chính họ là những người đã làm đẹp thêm đất trời La Gi. Thơ, văn, nhạc của các anh bàng bạc hình ảnh, hơi thở, sự sống của quê hương La Gi thân thương. Mỗi người một nét riêng, nhưng tất cả đều viết về tình yêu, về cuộc sống, về quê hương đất nước với những rung động chân thật đầy tha thiết với cuộc đời. Chính Huy Đạt, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Chính, Đoàn Thuận, Trần Yên Thảo, Phan Thanh Hải, Ngô Văn Tuấn, Nguyễn Huỳnh Sa, Nguyễn Ngọc Thuần, Lương Minh Vũ... và nhiều người khác đã tạo ra một diện mạo mới trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật của La Gi hôm nay. Xin cảm ơn những người cầm bút ở La Gi thân yêu. Nhờ có họ, quê hương ta đẹp hơn, đáng yêu hơn trong cuộc đời này.
  Nguồn tin: Lê Ngọc Trác 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...