Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Tản văn: “Có còn một khoảng trời thông?”

Tản văn: “Có còn một khoảng trời thông?” 
Giữa Đà Lạt sương sớm, trong một quán cà phê nhỏ ven đèo Prenn, anh bạn cùng bàn bỗng thốt vu vơ: “Con gái Đà Lạt giờ má đã bớt hồng…”. Một nhận xét đầy cảm tính. Thế mà lập tức được nhóm đàn ông chăm chú đặc biệt…
Đầu tiên, có người phản ứng: “Cũng vậy thôi, chỉ tại tâm trạng…”. Một người khác: “Ờ, đúng thiệt! Anh em để ý coi đi, đôi má con gái Đà Lạt giờ không còn độ ửng hồng đến đỏ au như cách đây mươi năm…”. Rồi chính “người phản ứng” cũng gật gù suy ngẫm: “À, mình nhận ra rồi, nhiều đôi má thiếu nữ đã trắng “toát” chứ không còn pha hồng. Nhiều lúc đôi má con gái Đà Lạt đỏ rựng, lấm chấm mồ hôi… y chang con gái xứ nóng!”. Một ông vỗ đùi: “A, ông này nói có lý!”.
Thế rồi một cuộc “mổ xẻ nguyên nhân… phai hồng” diễn ra đầy khí thế. “Tỷ lệ dùng mỹ phẩm đã… tăng đột biến, bớt dần… đôi má tự nhiên”. “Đà Lạt nóng lên, nhiệt độ bình quân tăng rõ rệt”. “Khí hậu Đà Lạt ngày càng khắc nghiệt, nóng lạnh thất thường, không còn điều hòa bình ổn”. “Xây dựng lộn xộn, nhiều mảng xanh bị đánh cắp, ô nhiễm môi trường; bầu không khí trong veo, cái lạnh dịu dàng, lắng ngọt của Đà Lạt đã… xa dần”. “Đà Lạt ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất là do… tự biến đổi”. “Nhiều lúc trời Đà Lạt nóng bức rất khó chịu, “má hồng đào” nào chịu cho nổi!”…  
Còn nhớ, hồi tôi làm sinh viên Đà Lạt, nhạc sĩ Từ Huy đã nổi lắm rồi. Tôi đánh giá ông cao nhất là bài Đà Lạt mộng mơ: … Ai cho em đôi má hồng đào. Và đôi môi dâu tươi thắm ngọt ngào. Để tôi khát khao… Ai cho em tiếng nói dịu dàng. Và đôi chân thon em bước nhẹ nhàng vào bao giấc mơ. Ai cho da em trắng ngọc ngà. Màu áo hoa tươi thơm hương đậm đà… Tôi hiểu, chàng trai xứ Quảng đã thăng hoa tột bực khi viết bài này. Để rồi Đà Lạt luôn thường trực trong ông như một niềm hạnh ngộ. Tôi càng hiểu hơn khi vì sao Đà Lạt có nhiều bài hát hay đến vậy.
Chẳng hiểu mấy chục năm sau, Từ Huy sẽ nghĩ gì khi nghe cuộc “tám” của chúng tôi? Thế nhưng chắc chắn ông sẽ đau khi Đà Lạt đang tự đánh mất đi vẻ đẹp không gì so sánh được…
Chỉ 20 năm trước, việc dùng nước đá trong ăn uống là hoàn toàn xa lạ ở Đà Lạt. Bây giờ thì bước chân vào quán nào cũng thấy nước đá, uống món gì cũng kèm nước đá. Không hiểu rồi những ly cà phê nóng, nước chanh nóng, bia “sex”,…quen thuộc của người Đà Lạt sẽ còn tồn tại bao lâu nữa? Hay rồi người yêu Đà Lạt dẫu có buộc quen nhưng vẫn nhói lòng khi nghe “cho cốc cà phê đá, ly trà đá, đá chanh, chai bia lạnh,…”hoặc “cho thêm xô đá” như bất kỳ vùng nhiệt nào!?.   
Hồi từ xứ nóng về Đà Lạt học và uống cà phê, nhiều đứa tiện miệng “cho ly cà phê đá”, cô chủ mỉm cười “ở đây không có đá…”. Khi ấy, nghề sản xuất nước đá chẳng phổ biến, nhiều quán hàng phải đợi đến 9-10 giờ mới có mối hàng đem đến một góc nước đá nhỏ. Bây giờ thì ngồi sớm ở dãy cà phê đối chợ Đà Lạt, thấy xe nước đá tấp vào nườm nượp…Chen giữa ly cà phê cốc thấp (cà phê nóng) là những ly thủy tinh được lắc rổn rảng (cà phê đá). Trong quán ăn nhậu thì tiếng “lắc ly đá” càng rổn rảng tợn!.
Những âm thanh xa lạ một thời Đà Lạt, giờ đã trở nên “cơm bữa”. Vẫn còn nhiều người như tôi cảm thấy “khó chịu” nhưng biết làm sao khi Đà Lạt nóng lên thế này, “không bỏ vài viên đá thì…say chết, khó uống”. Bạn bè Đà Lạt của tôi ngày trước ít than vãn bị viêm họng. Hoặc nếu có viêm họng thì không vì lý do “uống đá”. Nay thì đứa nào cũng lẹt khẹt. Hỏi lý do thì được trả lời “xài đá dữ quá”, “nhậu bia đá”…
Cũng như nghề kinh doanh nước đá, một số nghề như bán quạt điện, tủ lạnh,…cũng đang dần “lên ngôi” ở Đà Lạt. Cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Đà Lạt chỉ có duy nhất một quán ăn có…quạt điện; nằm chếch trước Bưu điện Lâm Đồng. Nay thì Đà Lạt đã “quạt hóa” chẳng những nơi quán xá mà ngay trong nhiều gia đình!
Ngang qua đồi Cù, bờ dây leo và dậu sắt đã chắn mất lối nhìn những nàng đồi cỏ nung ninh vàng nâng những chàng thông vi vu suy tưởng. Đồi Cù, trái tim của Đà Lạt thơ đã bị thắt lại, cho thuê làm sân golf cho quá ít người và không mang lợi mấy cho đất nước. Tài sản quý hiếm của cộng đồng nay chỉ được dành cho lác đác người chơi cù. Sao người ta không xây sân golf nơi khác, mà lại nơi này?.
Tôi nhớ như in, đương năm thứ hai Đại học Đà Lạt, đồi Cù bắt đầu được người ta san ủi, cắm rào. Lũ sinh viên ngẩn ngơ vì không còn nơi để đá banh, ngồi nhìn hồ Xuân Hương tìm thơ và hôn nhau trong hoang hoang vĩ đại. Đồi Cù vui buồn, gần gụi, máu thịt với chúng tôi với những câu thơ Bút Tre đại loại: Hẹn em ở góc đồi Cù / Khi đi nhớ đội cái… mũ màu hồng... Và thế là đau đáu một tình đồi trong tâm thức kẻ rời Đà Lạt, người ở lại, người quay về...
Giờ, muốn chụp ảnh đồi xưa, nhiều người phải luồn qua hàng rào gai tứa. Mà ống kính có thấy chi đâu khi tầm nhìn đã ngăn cách. Chụp lén được chút nhà đồi, dừng nhìn vào máy, lại bực mình chỉ thấy vướng các bụi cành đang được trồng gia cố hàng rào để bên trong kín biệt hơn. Đời đồi Cù đã được an bài; chẳng biết du khách và các bạn sinh viên của tôi phải đợi bao lâu nữa để có nơi tự tình…
Có một đoạn thơ trong trí nhớ tôi: Đà Lạt của tôi vó ngựa chiều mưa – lóc cóc dội về quán trọ – lữ khách dừng chân giữa đường mưa gió – ngước nhìn một khoảng trời thông. Một Đà Lạt lặng buồn, một Đà Lạt lịch lãm, khơi gợi những bước chân lãng du, những tính cách phóng khoáng…
Đà Lạt mở lòng tất cả, thân thiện và yên bình. Trong cảm nhận của tôi, Đà Lạt vẫn dội lên đậm đà hai chữ lịch lãm. Ai đến đây cũng thấy mình “phải” thế, “như” thế. Từ một gã trí thức hay một người đến kiếm đất làm thuê.
Một điều tôi nhận ra là người Đà Lạt rất trầm tĩnh. Một kiểu trầm tĩnh của cư dân cao nguyên mang chất châu Âu, nằm cách xa quốc lộ 1. Tôi còn cảm nhận ở sự nền nã của cư dân đất này. Chắc bởi “co” lại vì lạnh nên mọi thứ trong gia đình, của từng người không bày biện “tất tần tật” mà tinh tế, nhẹ nhàng pha nét hào hoa của một nội tâm giàu có…
Không ai buộc Đà Lạt phải dừng chân trầm tư mãi. Thế nhưng Đà Lạt đang “nóng nảy và vô tốc”. Đà Lạt phải phát triển, phải xây dựng. Nhưng không thể là kiểu bê tông hóa, cao tầng, bất chấp cảnh quan. Những chuyến xe về đây không thể phóng như điên, coi thường mạng sống hành khách. Sự bán buôn nhã nhặn, chân thật, giá cả phải chăng của người Đà Lạt đã mai một quá nhiều. Lắm khách du lịch và người dân tại chỗ đã không còn tín nhiệm nhiều khu vực bán buôn ở Đà Lạt…
Vẫn còn đó một lối sống lắng đọng, giàu suy tư sáng tạo rất riêng người Đà Lạt. Thế nhưng Đà Lạt đang tự đánh mất giá trị của mình trước bao dục vọng nóng vội “mau thấy, thu lãi nhanh”. Phải chăng văn hóa, phong cách Đà Lạt chưa đủ mạnh để tránh những cám dỗ thường tình…?
Nhiều khách du lịch háo hức đến Đà Lạt rồi “lủi thủi” ra đi cũng vì sự tàn phai phong cách “ngàn vàng” của chính mảnh đất danh giá này…
Tôi bỗng lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến một nhóm nữ sinh Đà Lạt “thắt nơ” áo dài, mặt mũi phừng phừng ngồi nghênh ngang trong quán lẩu, cầm vại bia đá “Dzô! Dzô…Chăm phần chăm…!”.
Ôi, Má Hồng Đà Lạt của tui…!. Rồi đây, Đà Lạt có còn một khoảng trời thông để người yêu ngước nhìn…?
 Đào Đức Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...