Làng chài bến Thượng ven sông La - thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh)
trong một sáng sớm đầu thu dường như trong trẻo và mát lành hơn mọi ngày. Đâu
đó trên gương mặt những người lướt qua tôi vẫn còn đậm dấu ấn một thời lam lũ,
nổi trôi đầy nhục nhằn nhưng cuộc sống của họ giờ đã khác xưa nhiều...
Quá khứ nổi trôi
Có lẽ chẳng có làng chài nào đặc biệt như ở làng chài ấy, tất
cả họ đều là ngư dân Quảng Bình phiêu dạt qua những con sông từ hàng chục thập
kỷ rồi hội tụ về đây và neo lại bến sông này. Ông Trần Văn Thuỷ - ngư dân đầu
tiên của xóm mà chúng tôi gặp là một người đàn ông có nước da đen cháy, hiền
lành, vạm vỡ nom rõ là dân lao động và gương mặt ông là nơi hội tụ của nắng của
gió của những dập dềnh con sóng. Sau những chào hỏi, nước nôi ông kể cho tôi
nghe về những tháng năm khốn khó của đời mình. Quảng Bình quê ông là chỗ sông hẹp
mà ngư dân lại đông, cá tôm không thể phát triển kịp với nhu cầu đánh bắt của
con người nên ông đã cùng gia đình nhỏ của mình ra đi - ấy là năm 1979. Từ đó,
sông nước là nơi ông cư trú, con thuyền là ngôi nhà và cứ thế ông đã đi qua không
biết bao nhiêu khúc sông, bao nhiêu khúc đời với những buồn vui của kiếp người
phiêu dạt. Những đứa con được sinh ra, lớn lên trên sông nước và bám vào sông
nước sống lại cuộc đời cha mẹ chúng. Những đứa con gái lớn lớn một chút, đến tuổi
lấy chồng thì lại leo lên thuyền nhà khác để sống và sinh con đẻ cái. Cứ thế những
đứa trẻ nơi đây không biết đến trường học là gì, vậy nên có những đứa lớn tồng
ngồng, 15, 16 tuổi rồi mà chẳng biết mặt mũi con chữ tròn méo thế nào. Làm sao
chúng có thể đi học khi từng bữa cơm là từng gánh nặng oằn vai và cuộc sống của
gia đình thì nay đây mai đó như thế. Có những nơi vì điều kiện thiên nhiên mà họ
không thể ở lâu nhưng có những nơi là do chính quyền địa phương không cho ở.
Ông Thuỷ kể với tôi về những lần họ bị chính quyền địa phương trục xuất khỏi địa
bàn mà đôi mắt ngân ngấn nước. Đận ấy, phiêu dạt hết vùng quê này đến vùng quê
khác ông Thuỷ đã gặp những người đồng hương cùng cảnh ngộ rồi gắn bó với nhau,
lâu dần họ thành một làng di động trên sông với 8 hộ gia đình. Cuộc sống chỉ có
trời nước cá tôm, không một tấc đất, không nghề phụ và tách biệt hẳn với đời sống
trên cạn. Họ chỉ quan hệ với người dân trên bờ bằng con đường giao thương mua
bán lương thực, thực phẩm mà thôi. Bà con vạn chài ở đây đều là những tín đồ Thiên
Chúa Giáo, thế nhưng mỗi khi tiếng chuông nhà nguyện vang lên từ một nhà thờ
nào đó họ cũng chỉ biết âm thầm nhớ đau đáu những buổi cầu kinh ở xa lắc xa lơ
quê mình mà thôi. Tưởng như họ cứ đời nối đời, mãi lạc lõng, trôi nổi giữa
cuộc đời như vậy, cho đến một ngày …
…và những trang mới của cuộc đời
Năm 1988, những gia đình vạn chài bàn nhau neo lại bến
Thượng thuộc xóm 7- thị trấn Đức Thọ bởi về đây họ được sống gần gũi và chan
hoà với người dân trên bờ nhất, họ không còn gặp những cái nhìn miệt thị như đã
từng phải trải qua ở một vài nơi, đây cũng là nơi họ nhận được nhiều sự quan
tâm của chính quyền sở tại. Lúc bấy giờ số hộ gia đình đã lên đến con số hàng
chục chứ không còn là 8 hộ như thuở trước nữa. Thời gian đầu họ đã được làm thủ
tục tạm trú, được tham gia vào các sinh hoạt xã hội trên bờ, 100% trẻ em đã được
đến trường thậm chí còn được miễn giảm học phí, các cơ quan đoàn thể như Hội phụ
nữ, Đoàn thanh niên còn giúp đỡ về quần áo sách vở nhằm động viên các em đến
trường… Tiếp đó, cấp uỷ, chính quyền xóm 7 đã báo cáo lên cấp trên làm thủ tục
nhập khẩu và bước đầu giải quyết đất ở cho họ. Ông Nguyễn Quốc Tuấn- Phó Chủ tịch
thị trấn Đức Thọ nói : “Chúng tôi đã làm được một việc rất khó khăn bởi vì họ
là thành phần dân cư phức tạp, quen sống không có tổ chức, trình độ văn hoá và
nhận thức xã hội thấp, không có ý thức pháp luật, kế hoạch hoá gia đình…Nhận
thêm một bộ phận dân cư như thế vào quản lý gây ra nhiều cản trở cho sự phát
triển của toàn thị trấn. Tuy nhiên, tình người vẫn là trên hết nên chúng tôi đã
tạo điều kiện thuận lợi cho họ định cư trên địa bàn và tiến hành giáo dục pháp
luật, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, của Nhà nước cho họ”. Theo bà
con ngư dân thì chính quyền địa phương nơi đây đã làm biến đổi hoàn toàn đời sống
của họ và con cháu họ. Thay vì sống ở trên thuyền họ đã có nhà cửa, được sinh
hoạt trong các tổ chức, đoàn thể, được thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công
dân, được hưởng các chính sách xã hội và được tham gia vào các hoạt động văn
hoá tinh thần của địa phương như văn nghệ, đua thuyền, bơi lội. Ông Tự - một
“già làng” khoe với tôi, đội đưa thuyền xóm chài do ông làm đội trưởng là niềm
tự hào không những của xóm, của thị trấn mà còn của cả huyện bởi năm nào đội
cũng mang về những giải cao trong các cuộc đua thuyền toàn huyện cũng như toàn
tỉnh. Ông còn cho biết thêm, ngư dân xóm chài rất say mê các hoạt động này, có
những người sẵn sàng bỏ cả những chuyến đánh bắt cá tiền triệu ngoài biển để ở
nhà tập luyện khi có giải đấu như anh Chính, anh Nhân...
Song song với đời sống tinh thần, đời sống vật chất cũng thay đổi rõ rệt, các cấp chính quyền đã dành cho họ nhiều nguồn vốn để phát triển kinh tế như vốn xoá đói giảm nghèo, vốn từ Dự án tạo việc làm với tổng số được vay hơn 200 triệu đồng. Nhiều gia đình đã đầu tư nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế rất cao như gia đình ông Trần Văn Thuỷ, ông Trần Đình Tự… Gia đình ông Thuỷ và ông Tự hiện là hai hộ giàu nhất xóm và là hai hộ mạnh dạn đầu tư trên 200 triệu đồng mua tàu lớn để ra biển đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, mặc dù con cái đông như ông Thuỷ có tới 7 người con nhưng đến nay họ đã lập gia đình ra ở riêng, nhà cửa đàng hoàng đầy đủ tiện nghi và con cái được học hành đến nơi đến chốn. Xóm chài hiện chưa có ai học đến bậc Đại học nhưng các thế hệ con cháu vạn chài nhiều người đã trưởng thành, một số được học hành có nghề nghiệp ổn định và không phải sống lại cuộc sống bấp bênh, nghèo đói mà cha ông họ đã trải qua.
Song song với đời sống tinh thần, đời sống vật chất cũng thay đổi rõ rệt, các cấp chính quyền đã dành cho họ nhiều nguồn vốn để phát triển kinh tế như vốn xoá đói giảm nghèo, vốn từ Dự án tạo việc làm với tổng số được vay hơn 200 triệu đồng. Nhiều gia đình đã đầu tư nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế rất cao như gia đình ông Trần Văn Thuỷ, ông Trần Đình Tự… Gia đình ông Thuỷ và ông Tự hiện là hai hộ giàu nhất xóm và là hai hộ mạnh dạn đầu tư trên 200 triệu đồng mua tàu lớn để ra biển đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, mặc dù con cái đông như ông Thuỷ có tới 7 người con nhưng đến nay họ đã lập gia đình ra ở riêng, nhà cửa đàng hoàng đầy đủ tiện nghi và con cái được học hành đến nơi đến chốn. Xóm chài hiện chưa có ai học đến bậc Đại học nhưng các thế hệ con cháu vạn chài nhiều người đã trưởng thành, một số được học hành có nghề nghiệp ổn định và không phải sống lại cuộc sống bấp bênh, nghèo đói mà cha ông họ đã trải qua.
Thay lời kết
Tôi dã đi nhiều nơi, qua nhiều vùng sông nước, đã chứng kiến
cuộc mưu sinh của nghề chài lưới và biết rằng cuộc sống hiện tại của ngư dân Bến
Thượng thực sự là giấc mơ ngàn đời của rất nhiều kiếp vạn đò đang ngày ngày nổi
trôi trên những khúc quanh sông nước quê mình. Người Việt vốn có truyền thống
tương thân, tương ái và tôi mong rằng việc làm như chính quyền thị trấn Đức Thọ
sẽ ngày càng phổ biến hơn nữa trên nhiều vùng quê của đất nước. Làm thế nào để
những bến sông thật sự trở thành bến đỗ của tình đời, tình người đang là vấn đề
cần sự quan tâm của những người có trách nhiệm trong xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét