Bần cùng và giàu có
Bần cùng và giàu có là hai danh từ nói về hai thân phận
khác nhau. Phần lớn trong nhận thức của con người đều cho rằng: người nghèo
cùng thì không có cái giàu có hiện hữu, và ngược lại, giàu có thì không có cái
nghèo khổ hiện hữu. Kỳ thật không phải như vậy. Trên thế gian, sự nghèo giàu thật
khó phân biệt. Người giàu vẫn có chỗ nghèo thiếu, và người nghèo khó vẫn có cái
phú quý tàng ẩn.
Nhan Hồi ở nơi đường cùng góc hẻm, nhà nát vách thưa, Cơm
ngày một chén chan với nước trong, nhưng trong lòng vẫn hết sức an lạc. Như vậy
ai dám kết luận ông ta là người nghèo đây?. Ngài Đại Ca Diếp Tôn giả ở nơi đồi
trọc suối cạn, ngoài ba tấm Cà sa, bình bát, cơm ngày một bữa ra, một vật lớn nhỏ
nào cũng không có. Thế nhưng, Ngài vẫn sống một cuộc đời tự tại giải thoát. Chúng
ta ai dám nói Tôn giả là người nghèo cùng.
Ngược lại mà thấy, người ở nhà cao cửa rộng, có kẻ hầu người
hạ, cơm bưng nước rót, đi thì có kẻ đưa người đón, nhưng ngày ngày bị đồng tiền
chế ngự tất bật, không chút thanh thản. Người đó đáng được gọi là người giàu có
chăng? Người đó mặc dù đời sống vật chất đầy đủ, tiền kho bạc núi, không thiếu
thứ gì, nhưng tâm lượng nhỏ nhoi, keo kiệt; một đồng cũng không dám bỏ ra. Lòng
tham vô đáy khiến cho tâm trí người đó chỉ biết nghĩ tới gom góp, mà gom góp
bao nhiêu cũng không thấy đủ. Bạn cho rằng đó là người giàu có chăng? Giữa hai
hạng người trên, ai là thật sự giàu có và ai là người nghèo khổ? Từ đó mà suy
ra, giàu nghèo không thể lấy tiền tài vật chất ra để đo lường.
Trên thế gian có người vật chất đầy đủ, nhưng họ luôn lấy
công việc làm vui, lòng họ luôn vui vẻ rộng mở tấm lòng để giúp đỡ người khác.
Người này về cuộc sống tinh thần, so cho cùng chẳng phải là bậc “Đại Phú Ông”
sao? Ngược lại những người ngày đêm không ngừng mong cầu cuộc sống vật chất,
chà đạp lên lợi ích của người khác. Phàm có chỗ được nào thì đều muốn tìm cách
chiếm hữu làm của riêng mình, những ngừơi như vậy tâm linh nghèo cùng không bút
mực nào tả xiết.
Kỳ thật, dựa trên quan điểm Phật giáo mà nhìn thì trên thế
gian vốn không có người nào là tột cùng nghèo khó. Nếu chúng ta sống với tâm hồn
vô tư, biết vận dụng thời gian vào những việc làm có ích, quảng kết thiện
duyên, tất nhiên thời gian đó là thời gian hữu ích phú quý. Hoặc bạn biết khéo
léo vận dụng ngôn từ chân thật thiện mỹ tán thán những chỗ tốt của người, cổ vũ
khích lệ người khác làm việc tốt; tất nhiên bạn sẽ là người giàu có ngôn ngữ,
phong phú âm thanh.
Hoặc bạn biết lấy nụ cười chân thiện khiêm cung, hoan hỷ đối
đãi với người, thì Tâm bạn đã sinh trưởng của báu vô giá. Hoặc bạn biết vận dụng
sức lực mình đi giúp đỡ người, phục vụ quần chúng. Đó chẳng phải bạn đã có nguồn
khí lực sung túc chân thật sao? Thế nên luận về sự giàu nghèo thì tâm tham
không biết đủ, vĩnh viễn sẽ là người nghèo cùng. Vui làm việc thiện nghĩa không một tơ hào so đo tính toán hơn thiệt, vĩnh viễn là người giàu có.
Khi nói đến giàu có, thì không chỉ nhìn những cái giàu có nhất
thời, mà phải nhìn cho ra cái tài phú trong suốt cả cuộc đời. Cũng không nên
nhìn cái tài phú của một người, mà phải nhìn cái tài phú trong sự cộng hữu. Và nhất
là không nên nhìn cái tài phú do sự vơ vét của người khác, mà cần phải nhìn xác
thật sự vận dụng tài phú đó. Đồng thời cũng không nên nhìn cái tài phú trên
hình tướng, mà cần phải nhìn cái tài phú vô tướng của nội tâm.
Người chân thật có trí tuệ, có tâm từ bi, có chính tín, có
tâm hoan hỷ, biết sống cuộc đời đạm bạc biết đủ với tâm tàm quý…Những đức tính
ây, chính là nguồn tài phú vô giá của mỗi chúng ta. Trong kinh Kim Cương Đức Phật
dạy rằng:
Mọi hành vô thường
Vạn pháp vô ngã
Sinh diệt diệt rồi
Tịch diệt là vui
Nếu chúng ta biết lấy bốn câu kệ trên mà vận dụng vào đời sống
thường nhật, và đem quảng kết thiện duyên, giảng dạy, hướng dẫn người khác cùng
tu tập chính pháp, thành tựu giác ngộ, giải thoát thì công đức pháp thí đó rộng
lớn muôn vàn so với công đức bố thí tài vật mà thế gian cho là quý giá như vàng
bạc, châu báu. Bởi thế, sự giàu có và nghèo khổ chúng ta nên quán sát như vậy.
Quảng Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét