Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Bản sắc văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam

Bản sắc văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam
Nếu như người Đức chính xác, kỉ luật, người Hoa thực dụng không khéo, người Nhật đoàn kết trung thành, người Tây Ban Nha cuồng nhiệt nghệ sĩ thì người Việt Nam là gì nhỉ? Người Việt Nam cần cù chịu thương chịu khó hay một người Việt khôn lanh, trễ hẹn, vô tổ chức? Tìm hiểu bản sắc văn hóa người Việt Nam đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý hơn. Cụ thể là hàng loạt các công trình, luận án lớn nhỏ lội ngược dòng tìm về bến nước cây đa, là bộ môn cơ sở văn hóa, chuyên ngành văn hóa học, Việt Nam học..được đưa vào chương trình giảng dạy chính thống trên các giảng đường đại học, cao đẳng. Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có bản sắc văn hóa hay không?
Văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả - Edouard Herriot.
     Nếu như văn minh là tìm cách hòa mình vào dòng chảy không ngừng của nhịp độ phát triển đi lên  với thế giới thì tìm về văn hóa lại là cú lội ngược dòng vào trong tâm khảm để tìm lại những giá trị bền vững, truyền thống, tinh hoa được kết tụ ngàn năm trong mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Không có một đất nước nào chỉ công nghiệp hóa, lãng quên vào việc giữ gìn văn hóa mà có thể tồn tại cân đối và lâu dài. Và có lẽ, trên thế giới này, chẳng một dân tộc nào chịu phải trả một cái giá quá đắt khi đánh rơi đi cái tôi riêng, khuôn mặt riêng, cá tính riêng của họ. “Cái tôi văn hóa”, hay người ta vẫn gọi là bản sắc văn hóa ấy , tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực mà vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
     “Bản” là cái cá thể, là cái riêng biệt, “sắc” là sắc thái, tính chất. Nếu hiểu theo nghĩa triết tự nôm na, “bản sắc văn hóa” có thể hiểu là những đặc điểm đặc sắc, tiêu biểu, mang tính bán thể của một của nền văn hóa nào đó. Nhưng dường như một định nghĩa quá nôm na nhưng vậy không đủ để thỏa mãn cho trí tuệ của con người. Cái khó hiểu trong định nghĩa “bản sắc văn hóa” không nằm ở hai chữ “bản sắc” và nằm trong phạm trù “văn hóa”.
     Về văn hóa, có định nghĩa tiếp cận từ góc độ lịch sử qua việc nhấn mạnh các quá trình kế thừa xã hội, truyền  thống và tính ổn định: “Văn hóa chính là bản thân con người, cho dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu cho một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống.”  Một số định nghĩa dựa vào chuẩn mực bằng cách nhấn mạnh đến các quan niệm về giá trị: “Văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội như các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử,... của một nhóm người”; hay các đặc điểm tâm lý qua việc nhấn mạnh vào quá trình thích nghi với môi trường, quá trình học hỏi, hình thành thói quen, lối ứng xử của con người: “Văn hoá là tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ chính là văn hóa, hay văn minh... Những sự thích nghi này được bảo đảm bằng con đường kết hợp những thủ thuật như biến đổi, chọn lọc và truyền đạt bằng kế thừa.” Chính vì sự đa dạng, muôn vẻ của khái niệm “văn hoá”, tổ chức UNESCO (năm 2002) chỉ đưa ra một định nghĩa mang tính gợi ý rằng: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.”
   Mỗi định nghĩa lại cho chúng ta một khía cạnh của văn hóa,Giống như bao phạm trù xã hội khác, thật khó để hình dung ra văn hóa là gì. Bản thân Cái “văn”, cái “đẹp” vốn đã khó định hình khi mà tư duy thẩm mĩ phụ thuộc vào mỗi người, mỗi thời đại, mỗi bước đi của lịch sử. Nếu như trước kia người Việt Nam cho  đàn ông búi tóc củ hành là đẹp tức là người xưa cho là văn hóa, thì ngày này búi tóc củ hành không còn nữa, nếu còn thậm chí bị cho là dị hợm. Nét văn hóa ấy đã thay đổi khi tâm lí còn người thay đổi (mà tâm lí thì luôn thay đổi) thì liệu giá trị văn hóa ấy có còn là văn hóa nữa không? Văn hóa ấy có được coi là bản sắc không khi vị quan tòa thời gian đang dần dần xóa tên đi nếp quen cũ đó. Trong những định nghĩa về văn hóa, khi mà yếu tố hệ thống, nhân sinh, lịch sử được đề cập một cách cụ thể và rõ ràng, thì tính giá trị- một yếu đặc trưng tiên quyết- thì dường như không được trực tiếp nêu lên. Nếu như văn hóa chỉ là hệ thống giá trị vật chất, tih thần, được con người tích lũy trong quá trình lao động thì khái niệm văn hóa vẫn chưa được phân tách rõ ràng giữa tiêu cực hay chỉ đơn thuần tích cực, văn hóa hay còn có cả phi văn hóa.
     Nếu như văn hóa là kết quả của một quá trình chọn lọc lâu dài của tự nhiên và xã hội thì bản sắc văn hóa hơn tất cả là tinh hoa kết đọng cuối cùng của quá trình chuyển mình không ngừng ấy. Nó là văn hóa được tinh chế lần hai, do một cá nhân, một dân tộc chọn để làm bộ mặt,để tổn tại thông qua lăng kính thẩm mĩ của riêng mình.
    Trong cái mơ hồ về khái niệm, tôi bắt gặp niềm trăn trở của nhà giáo Chu Văn Sơn:
 “Tìm kiếm bản sắc dân tộc cũng giống như đi tìm hồn quê. Đó là cuộc kiếm tìm nhiều khi thật vô vọng. Ít ai không cảm nhận được nó, thấy nó là một hiện hữu, một hiện thực. Nhưng tới gần thì nó cứ như bóng trong gương, trăng đáy nước, ảo ảnh trên sa mạc. Người tìm kiếm luôn phải đối diện với những câu hỏi nát óc: bản sắc là đơn thể hay tổng thể? thuộc nội dung hay hình thức? là thuộc tính hay phẩm chất? gồm cả tiêu cực hay chỉ thuần tích cực? là di sản hay luôn là tài sản? bất biến hay hằng biến? đóng hay mở? chỉ là kết tinh hay luôn là quá trình? là bệ phóng hay rào cản? chỉ khư khư giữ lấy hay cần cả cải cách làm mới? v.v... Dường như đó là vấn đề luôn làm vô vọng mọi nỗ lực nắm bắt thì phải. Nó chỉ cho người ta đến gần, chỉ tiệm cận chứ khó mà tiếp cận, khó mà chiếm lĩnh [..]Tôi quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi về bản chất. Để trả lời câu hỏi bản sắc là gì, trước đây, người ta thường nghiêng về tìm kiếm các đơn thể. Đến nay, việc chỉ ra một số cái này hay cái kia, rồi bảo rằng đó là bản sắc của dân tộc không còn là cách nhận diện tin cậy nữa rồi. Giữa cái và kiểu, xem ra bản sắc thật, nghiêng về kiểu nhiều hơn. Người Việt mình tài hoa. Đúng rồi. Nhưng bảo đó là bản sắc thì không đúng. Nói thế khác nào bảo người các dân tộc khác không tài hoa, khác nào xem tài hoa là độc quyền của người Việt. May chăng, có thể thấy dấu ấn nằm ở kiểu. Tài hoa kiểu này ra người Trung Quốc, tài hoa kiểu kia ra người Khơmer, tài hoa kiểu nọ ra người Nhật Bản, tài hoa kiểu khác ra người Việt Nam... Vì thế, ở phần tích cực, phần ưu điểm, bản sắc không chỉ nằm ở các giá trị, mà còn nằm ở cung cách tạo ra các giá trị, lựa chọn các giá trị nữa.
Tôi nghĩ, vẫn về phần tích cực thôi, bản sắc nằm nhiều ở kiểu lựa chọn những giá trị sống. Nói giá trị sống là nói giá trị tổng quát, có khả năng bao trùm tất cả mọi khía cạnh của việc sống và sáng tạo đối với mỗi cá thể cũng như đối với từng cộng đồng (nó không đơn thuần chỉ là 12 giá trị mà chương trình giá trị cuộc sống của Liên hợp quốc chủ trương). Việc cá nhân hay cộng đồng chọn loại giá trị này mà không chọn loại giá trị khác, xem trọng loại giá trị này hơn loại giá trị khác, chính là một khía cạnh quan trọng của bản sắc. Do đó, nếu xem bản sắc bao giờ cũng có phía kết tinh và phía biến đổi, thì nội dung các giá trị là phần dễ biến đổi (động), còn kiểu lựa chọn các giá trị khó biến đổi hơn (tĩnh). Có thể so sánh tương quan giữa giá trị và kiểu lựa chọn các giá trị trong bản sắc văn hóa với tương quan giữa phần ngữ pháp và từ vựng trong một ngôn ngữ. Ngữ pháp là phần tương đối ổn định, từ vựng thì biến đổi không ngừng. Vì thế, có thể xem kiểu lựa chọn như là một hạt nhân tương đối ổn định, giúp định dạng cho phía kết tinh của bản sắc. Không có sự định dạng này, thì cũng không thể có cái gọi là bản sắc.”
  Quả thật đến nay giới nghiên cứu vẫn cứ “tiệm cận” mãi với cái hồn của bản sắc văn hóa. Chu Văn Sơn không chỉ đưa ra những câu hỏi chìa khóa để gợi một cánh cửa mà một cách thật giản dị nhưng sâu sắc, ông đã đưa đến một định nghĩa bản sắc văn hóa hoàn chỉnh. Theo ông, bản sắc văn hóa không nằm ở đơn thể (những yếu tố đơn lẻ) mà nằm ở chỉnh thể: một kiểu sống, một kiểu lựa chọn giá trị sống của mỗi dân tộc. Bản sắc văn hóa bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống, bao gồm nội dung là các giá trị và biểu hiện là sự lựa chọn các giá trị. Ông cũng khẳng định tính kết tinh và biến đổi của bản sắc văn hóa như một thể mở, luôn chuyển mình, có sự giao lưu, đào thải nhất định. Quan điểm của thầy Chu Văn Sơn quả thực rất đáng lưu ý vì nó đã chú trọng nêu lên bản chất của tính bản sắc (bản chất khái quát , không đi vào đơn thể)chứ không mượn chức năng hay cách thức tồn tại của bản sắc văn hóa để định nghĩa cho một phạm trù. Có những “tấm gương” văn hóa trở nên nổi bật, không phải vì họ sáng tạo một nền văn hóa độc nhất mà họ đã sáng suốt và thành công lựa chọn cho mình một “kiểu” riêng để phát triển. Nổi bật nhất là Nhật Bản. Rõ ràng họ chịu ảnh hưởng Trung Quốc, nhưng lại tạo ra một hướng phát triển khắc hẳn. Thành tựu văn hoá của họ đã hoá thân vào mọi lĩnh vực và vươn xa ra toàn cầu. Lâu nay, mọi sản phẩm công nghiệp hiện đại của Nhật, ngoài chất lượng và bảo hành tuyệt hảo còn có kiểu cách không lẫn vào đâu được: đẹp mà lại còn có dáng vẻ rất Nhật. Văn hoá các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga... đều chịu ảnh hưởng của văn hoá Hy Lạp - La Mã cổ đại, được nhuộm thêm màu Cơ đốc giáo. Thế rồi mỗi nước tách ra một kiểu riêng, không hẳn biệt lập nhưng rất khó lẫn: Pháp điệu đàng, mơ mộng đến mức dài dòng văn tự; Đức suy tư dằn vặt kiểu triết học; Tây Ban Nha nồng nhiệt và khốc liệt; Nga có vẻ nặng nề, hơi thô nhưng tình cảm đằm thắm, buồn da diết...
   Giống như văn hóa “Không văn hóa nào có thể tồn tại nếu nó tìm cách trở nên độc tôn” thì bản sắc văn hóa cũng cần có sự giao lưu bồi tụ không ngừng. Cái “bồi tụ” đáng nói về bản sắc là sự  tích lũy kinh nghiệm văn hóa của nước bạn để làm giàu vốn hiểu biết, vốn văn hóa của nước mình, cũng như góp phần cho công cuộc văn minh hóa đất nước. Tôi từng biết 2 chuyện nhỏ, chẳng vui gì, về bản sắc.
Chuyện 1: để giao lưu văn hoá, hai nước Bulgarie và Senegal cử đoàn văn công sang thăm nhau. Đoàn Senegal đi trước, múa kiểu châu Phi rất bốc, được nhiệt liệt hoan nghênh. Chỉ có điều sau đó, bộ trưởng văn hoá nước Bul gửi thư cho đồng cấp nước Senegal đề nghị các nữ vũ công của nước này phải đeo nịt ngực cho hợp thuần phong nước Bulgarie. Vị bộ trưởng văn hoá Senegal trả lời đồng ý với điều kiện: sau đó, các nữ vũ công đoàn Bulgarie khi sang Senegal diễn cũng phải để ngực trần cho hợp thuần phong nước Se. Tất nhiên, bộ trưởng nước Bul sợ quá, phải rút lại lời đề nghị. Chuyện 2: tại một hội nghị về vấn đề Hội nhập văn hoá toàn cầu có một ông hiệu trưởng trường nghệ thuật cấp tỉnh của Pháp bảo rằng: “mai đây, khi văn hoá toàn cầu chung một mối thì chẳng cần phân biệt đâu là Việt Nam, đâu là Pháp nữa”.
Đó là mặt trái của toàn cầu hóa. Hội nhập là tất yếu, từ xưa đến nay các nền văn hóa toàn cầu không ngừng có sự giao thoa. Hội nhập là cơ hội để ta tiếp xúc với nhiều “giá trị”, nhưng cũng là thư thách buộc ta phải lựa chọn để ta kiểm định “kiểu” lựa chọn giá trị sống của mình. Sự giao lưu giữa các nền văn hóa là điều tất yếu để thỏa mãn tính mở của bản sắc văn hóa.
   Phải chăng nếu bản sắc văn hóa là nét riêng nét độc đáo thì sẽ là chủ nghĩa dân tôc hẹp hòi khi đề cao văn hóa của mình mà làm lu mờ nét riêng của người. Tức là anh đã đặt cho chúng ta câu hỏi “bản sắc văn hóa là cái gì hay là những gì?”. Xét riêng trong lãnh thổ Việt Nam đã có tới 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại mang một màu sắc, một dư vị riêng. Chính bản sắc văn hóa làm nên số 54 không hề nhỏ và khó trộn lẫn đó, nhưng cũng chính bản sắc văn hóa đã hòa cái nhiều thành cái duy cái: bản sắc văn hóa Việt Nam. Bản sắc văn hóa là là nhiều nhưng tụ lại làm một, là một nhưng là một chỉnh thể thống nhất của nhiều khía cạnh văn hóa khác nhau. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong tác phẩm “Văn hóa Việt Nam và các cách tiếp cận mới) cũng đã cho rằng: “văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tai. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một dân tộc người, một cái nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác. […] Bản sắc văn hóa, do đó, không phải là một vật mà là một kiểu quan hệ, kiểu quan hệ kết hợp, chắp nốt từ nhiều góc độ rất khác nhau nhưng tạo nên một thể thống nhất hữu cơ kì diệu”.
    Nhiều người đồng ý với quan điểm “Bản sắc văn hóa” mang ý nghĩa chỉ cái cốt lõi, chỉ những đặc trưng riêng của một cộng đồng văn hóa trong lịch sử phát triển, tạo cơ sở cho sự phân biệt, nhận diện sự khác nhau giữa tộc người này với tộc người khác, dân tộc này với dân tộc khác.  Định nghĩa đã đề cao bản sắc văn hóa tính nhận dạng văn hóa, phân biệt các loại hình văn hóa khác nhau để thấy được nét riêng nét chung. Có ai đó đã thốt lên rằng “thật là mỉa mai khi đi giữa London mà muốn chứng tỏ mình là người Việt Nam”. Cái mỉa mai kia phải chăng là nhận dạng văn hóa? Hay người ta hay nói với nhau rằng cứ nhìn cách xếp hàng là biết đó là người Việt Nam hay không. Người ta dùng “văn hóa xếp hàng”, “văn hóa chửi thề”, “văn hóa đái bậy” để nhận diện người Việt từ xưa đến nay, phải chăng những “văn hóa” ấy là “bản sắc”? Thế quả thật người kia đúng khi thấy mỉa mai khi nhận mình là người Việt giữa lòng thủ đô London phồn thịnh và văn minh nhường ấy. Hai ý kiến trên lại thật sai lầm khi chỉ hiểu đến sự nhận dạng, phân biệt mà quên đi yếu tố “cốt lõi”, yếu tố “văn hóa” để làm tiên đề cho sự nhận dạng đó. Những đặc trưng cốt lỗi của một nền văn hóa được cho là dấu hiệu phân biệt không giống như vết sẹo, nốt ruồi, màu mắt, kiểu tóc để phân biệt con người với con người. Riêng trong khái niệm văn hóa đã có tính “giá trị”. Nghĩa là những đặc trưng ấy phải hàm chứa một ý nghĩa nào đó. Bản sắc văn hóa phải có chiều sâu. Nếu như đi giữa London, bạn muốn chứng minh mình là người Việt Nam da vàng mũi tẹt thì đúng là mỉa mai, nhưng nếu như cũng là giữa lòng thủ đô London bạn có thể mặc áo dài, nói một câu “xin chào” bằng tiếng Việt, đó mới là bản sắc. Thật sai lầm khi lấy những yếu tố phi văn hóa để phân biệt các nền văn hóa.
Người ta hay nhìn vào những cái xấu mà quên đi bên cạnh đó còn nhiều hơn nữa những mặt tốt đẹp của con người. Ví dụ như khi ăn cơm chung một mâm, bạn có thể chỉ nhìn thấy những sự chung đụng ở bát canh bát mắm là mất vệ sinh, nhưng lại không thấy được sự hòa hợp âm dương trong từng món ăn, hay tính cộng đồng quanh mâm cơm nhỏ bé ấy. Định nghĩa trên nói về sự phân biệt, nói đến tính lịch sử nhưng lại chưa đề cập thật đầy đủ về tính giá trị của văn hóa và bản sắc văn hóa. “Đặc trưng riêng” phải là đặc trưng có giá trị nhân văn bền vững thì định nghĩa mới thực sự đầy đủ và bản sắc văn hóa mới mang đúng ý nghĩa của nó.
    Nói tóm lại, bản sắc văn hóa là một thể thống nhất các giá trị sống và cách lựa chọn các giá trị sống dựa  trên “tính cách, tâm lí của một dân tộc” (giáo sư Hà Văn Tấn) hay cộng đồng người. Bản sắc văn hóa không chỉ giúp định danh loại hình văn hóa, phân biệt cá nhân, dân tộc này với cá nhân dân tộc khác mà còn tạo nên một định hướng sống mang tính dân tộc, lịch sử, tạo nên những giá trị nhân văn bền vững, lâu dài. Bản sắc văn hóa chắc chắn phải là một thành tựu. Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng bản chất của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, các giá trị đặc trưng ấy ở "tầng nền" mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn. Do vậy, muốn nhận biết nó, phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững, thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn. Từ quan niệm chung như vậy, chúng ta có thể xem xét các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam.
    Nếu như người Đức chính xác, kỉ luật, người Hoa thực dụng không khéo, người Nhật đoàn kết trung thành, người Tây Ban Nha cuồng nhiệt nghệ sĩ thì người Việt Nam là gì nhỉ? Người Việt Nam cần cù chịu thương chịu khó hay một người Việt khôn lanh, trễ hẹn, vô tổ chức? Tìm hiểu bản sắc văn hóa người Việt Nam đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý hơn. Cụ thể là hàng loạt các công trình, luận án lớn nhỏ lội ngược dòng tìm về bến nước cây đa, là bộ môn cơ sở văn hóa, chuyên ngành văn hóa học, Việt Nam học..được đưa vào chương trình giảng dạy chính thống trên các giảng đường đại học, cao đẳng. Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có bản sắc văn hóa hay không?
     “Về văn hóa ta đã bắt chước người Tàu một cách mê mải và vô điều kiện. Nếu văn hóa của ta còn khác văn hóa Tàu thì cũng chỉ vì ta bắt chước chưa xong mà thôi. Văn hóa ta khác văn hóa Trung Hoa không phải ở chỗ ta thực sự khác mà là ở chỗ ta chưa bằng. Sự khác biệt ở trình độ nhiều hơn ở bản chất”
 (Trích “Tìm lại cội nguồn và văn hóa của người Việt” – Hà Văn Thùy)
     Nhiều người đánh giá Việt Nam không có bản sắc văn hóa, văn hóa Việt Nam chỉ là một nhánh nhỏ của nền văn hóa Trung Hoa, điểm khác nhau là ở trình độ. Thêm vào đó văn hóa Việt Nam không có tính ổn định bền vững mà liên tục biến đổi. Trước những thay đổi của lịch sử, nền văn hóa Việt Nam liên tục quay cuồng trong cơn biến đổi, không giữ vững bản sắc, trong khi rất nhiều cái mới du nhập thì cũng là sự mai một không hề ít của yếu tố truyền thống. Ví dụ khi cơn gió phương Tây tràn qua. Hãy cùng nhau xem lại thời khắc mà văn minh phương Tây “đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta” làm thay đổi nhiều điều mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã tổng kết trong sách “Thi nhân Việt Nam”:“Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây.
Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu tây, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây” (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1988, tr.10). Nhà phê bình đã không ngần ngại đánh giá rằng: “Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới. Trong công cuộc duy tân, ảnh hưởng của nó ít ra cũng ngang với ảnh hưởng những sách nghị luận của hiền triết Âu Mỹ, cùng những sách cổ động của Khang, Lương”. Yếu tố ngoại lai làm thay đổi văn hóa Việt nhiều đến mức nhà thơ Nguyễn Bính đã từng thốt lên rằng:
                                        Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
                                        Như hôm em đi lễ chùa
                                        Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
     Trước sự “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” cũng là câu hỏi lớn khi tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam, càng quan trọng hơn khi ngày càng nhiều yếu tố phi văn hóa diễn ra. Có lẽ dải đất hình chữ S chỉ có những tầng lớp văn hóa vay mượn trọn vẹn mà không có bản sắc riêng, lập trường riêng của mình?
      Trước hết phải khẳng định dân tộc Việt Nam có bản sắc văn hóa. Bằng chứng là trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trước bao nhiêu âm mưu đồng hóa người Việt, đưa người Việt trở về thời kì đồ đá…đều không thành. Bước cản trở đầu tiên mà quân thù gặp phải không chỉ là lòng tự tôn yêu nước, mà còn là lòng tự tôn văn hóa. Có thể nói rằng, không một người Việt nào từng cắp sách đến trường mà lại không biết đến những câu nổi tiếng trong “Bình Ngô Đại cáo”:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập…
     Nước ta là một nước văn hiến từ lâu. Một đất nước có cương vực, có văn hóa, phong tục độc lập, khác biệt với nước láng giềng phương Bắc. Mặc dù chúng ta đã từng dùng chung một thứ chữ vuông với họ nhưng văn chương của chúng ta vẫn là văn chương của người dân Đại Việt, thấm đẫm tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa của mình. Việc chế ra chữ Nôm, sáng tác văn học bằng chữ Nôm (song song với chữ Hán) thể hiện tinh thần độc lập, chủ động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo các công trình nghiên cứu đã cho rằng văn hóa Việt Nam có nguồn gốc khu vực Đông Nam Á, hơn nữa nhiều hình tượng trong văn hóa Trung Hoa có nguồn gốc vay mượn từ người Việt. Văn hóa Trung Quốc giống như Ấn Độ, phương Tây chỉ là sự giao thoa của các luồng văn hóa, khi gặp nhau ở Việt Nam đã bồi tụ phù sa, nhưng chất đất bản địa ngàn năm vẫn không bị biến đổi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với McNamara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Đại tướng hỏi: “Ông có biết vì sao nước Mỹ lại thua Việt Nam không?”. McNamara không trả lời được. Đại tướng đã nói với ông ta rằng: “Các ông thua là vì các ông đánh nhau với Việt Nam, nhưng không hiểu gì về văn hóa người Việt”. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ, đầy tự hào, cụ thể và tiêu biểu cho sự tồn tại và sức mạnh vượt lên tất cả của bản sắc văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam cũng không thể nhầm với người Trung Quốc, người Lào, Thái Lan,….là nhờ sự định hình rõ nét ở bản sắc văn hóa riêng biệt độc đáo. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết: Bản sắc dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo.”
    Có rất nhiều quan điểm khác nhau, nhiều tác phẩm khác nhau nói về nguồn gốc của bản sắc văn hóa Việt Nam. Tôi xin dẫn ra ý tưởng của TS Trương Gia Bình, vừa là nhà khoa học vừa là nhà doanh nghiệp lớn. Ông cho rằng: Bản sắc Văn hóa Việt Nam được quy định bởi môi trường sống với các đặc điểm sau: Khu vực nhiệt đới nhiều sông nước,l à điểm giao của nhiều nền văn minh., là một trong các trung tâm sớm của loài người. Bản sắc không  ngẫu nhiên mà hình thành, nó là kết quả tất yếu của mối quan hệ giữa con người và môi trường, trước hết là môi trường tự nhiên- môi trường sơ khai nhất.Xuất phát từ các đặc điểm địa lý và lịch sử trên, văn hóa Việt Nam gắn liền với các đặc thù của mình. Xétvề vị trí địa lí, Việt Nam nằm ở góc tận cùng phía Đông Nam mêm thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp điển hình. Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp biểu hiện ở văn hóa Việt Nam có những đặc điểm điển hình như sau: Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, nghề trồng trọt lúa nước buộc người dân phải sống định cư để canh tác, do đó có ý thức tôn trọng và ước vọng sống hòa bình với thiên nhiên. Do như cầu sinh tồn phụ thuộc vào tưới tiêu nên về mặt nhận thức hình thành lối tư duy tổng hợp, được đúng kết trong kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng phong phú đa dạng. Về mặt tổ chức cộng đồng, con người nông nghiệp ưa soosnng theo nguên tóc trong tình, dẫm tới các biểu hiện trọng đức, trọng văn,, trọng phụ nữ. Người Việt Nam có lối sống linh hoạt, luôn biến động sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống. Do sống định cư lâu dài, gắn bó với nhau nên ý thức coi trọng cộng đồng luôn được dề cao. Tuy nhiên mặt trái của lối sống linh hoạt là sự tùy tiện trong cuộc sống. Trong lối ứng xử với môi trường xã hội, người Việt Nam có thai độ dung hợp tôn trọng tiếp nhận, đối phó với những yếu tố ngoại lai luôn mềm mỏng hiếu hòa. Nói tóm lại, xuất phát từ các đặc điểm địa lý và lịch sử trên, văn hóa Việt Nam gắn liền với các đặc thù của mình:Nền  nông nghiệp lúa nước, tính bản địa, tính giao lưu.
       Văn hóa Việt Nam có nền tảng là văn hóa Đông Nam Á cổ đại nhưng liên tục bị tác động theo thời gian với sự tiếp xúc sâu sắc với các nền văn hóa lớn trên thế giới. Nằm ở ngã ba của nền văn minh Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây (sau này), tính giao lưu của văn hóa Việt Nam thể hiện trong ngôn ngữ, văn tự (Hán Nôm), trong hệ thống chính trị, trong tôn giáo-nghệ thuật...Văn hóa Việt Nam luôn có sự tiếp nhận. Tuy nhiên tính đặc trưng cơ bản nhất, quan trọng nhất là tính bản địa của nền văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam đã chứng minh khả năng Việt Nam hóa cao độ các nền văn hóa ngoại lai. Với mỗi cuộc tiếp xúc văn hóa khác nhau, người Việt Nam luôn tiếp thu một cách có chọn lọc và biến đổi đầy sáng tạo để biến cái của người thành của riêng ta. Có thể lấy rất nhiều ví dụ để khẳng định bản lĩnh văn hóa rất ấn tượng của ông cha ta. Ví như tư tưởng "trung quân" của Nho giáo: nếu như người Hán hiểu là trung thành với một ông Vua cụ thể (cá nhân ) thì người Việt gắn trung quân với ái quốc.Phật giáo vào Việt Nam được bản địa hóa mạnh mẽ như thờ Phật, cúng Đức thánh Trần Hưng Đạo, Phật Mẫu (người Việt Nam tôn đứa con gái nàng Man tương truyền sinh vào 8/4 được xem là Phật Tổ Việt Nam).Tính bản địa hóa thể hiện trong khả năng tích hợp Việt Nam như Đạo Cao đài, là sự tổng hợp hết thảy "vạn giáo" từ một gốc (Thượng đế) dưới các thể hiện khác nhau như Khổng Tử, Lão Tử, Thích ca, Giê su, Mohamet, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Victor Hugo, Tôn Dật Tiên...Trong kiến trúc, tính Việt Nam hóa thể hiện ngay trong khuôn khổ cứng nhắc nhất của Thiên chúa giáo như nhà thờ Phát Diệm - xây nhà thờ theo cung cách của Phật giáo.Tư tưởng quân sự của Tôn Tử Trung quốc là lấy sức mạnh đánh yếu thì tư tưởng quân sự Việt Nam là lấy ít địch nhiều..
      Tóm lại, bản sắc Việt Nam được xây dựng trên sự truyền thống và sáng tạo. Theo dòng chảy lịch sử, với một bản lĩnh văn hóa vững vàng và tài hoa sáng tạo linh hoạt, bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng thêm sâu sắc, giàu có, không hề có những dấu hiệu lai căng. Bản sắc văn hóa theo một cách thật tự nhiên, đã đi sâu vào nhận thức của con người, tạo nên bước đệm văn hóa, làm định hướng cho tư tưởng, tiếp nhận của con người. Những biểu hiện của bản sắc văn hóa Việt Nam có thể kể đến là:
a)     Ngôn ngữ
  Ngôn ngữ vừa là sản phẩn vừa là nhân tố câu thành nên văn hóa. Khi tiếp xúc với một nền văn hóa,  cái đầu tiên bạn bắt gặp trước hết đó hẳn là lời ăn tiếng nói, chữ viết. Mỗi dân tộc có một dấu ấn ngôn ngữ khác nhau. Khi người Trung Quốc xâm lược nước ta, bắt nước ta học tiếng Hán để nhằm đồng hóa đồng bào ta cũng là lúc ra đời chữ Nôm- loại chữ riêng của người Việt Nam thể hiện lập trường và ý chí cũng như trí tuệ của ông cha ta. Ngay từ xa xưa, vai trò tiên quyết của ngôn ngữ đã được khẳng định.
Đến khi chữ La tinh du nhập, trên cơ sở bộ chữ La tinh , người Việt cũng sáng tạo nên ngôn ngữ riêng của dân tộc. Đó là tiếng Việt mà ngày nay được sử dụng làm ngôn ngữ toàn dân. Trên địa bàn Việt Nam có 54 dân tộc an hem cùng sinh sống, mỗi dẫn tộc lại có một tiếng nói riêng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên người Việt trên cơ sở  dân số đã chọn tiếng Việt- tiếng nói và chữ Viết của người Kinh (người Việt) là tiếng nói chung. Thông qua ngôn ngữ (lời nói, chữ viết), nhiều nét bản sắc văn hóa với các giá trị đặc trưng của văn hóa tộc người được bộc lộ, được bảo tồn và phát huy trong các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên - xã hội và giữa con người với nhau.
b). Tập quán - Tín ngưỡng - Nghi lễ
- Mỗi dân tộc, mỗi tộc người thường có các hệ thống tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ của riêng mình. Mức độ và trình độ nhận thức để cấu thành nên thành tố văn hóa này gắn bó chặt chẽ với truyền thống văn hóa của chính dân tộc đó. Thường nhận thấy một số loại sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng - nghi lễ bộc lộ đặc trưng khác nhau giữa các tộc người, các dân tộc thiểu số:
+ Tập quán - tín ngưỡng thờ vật tổ, sùng bái tự nhiên.
+ Nghi lễ vòng đời người từ trước khi sinh ra đến sau khi mất đi.
+ Các đồ vật dùng cho nghi lễ và các hình thức tế lễ.
c). Luật tục, phong tục
- Là thiết chế văn hóa vô hình, là luật pháp riêng của cộng đồng nhằm thiết lập và được mọi thành viên tuân theo.  Ở mỗi dân tộc, mỗi tộc người, các điều luật tục, phong tục cũng khác nhau, thể hiện quan niệm, quan điểm của người dân trước việc quy định các sự việc, hiện tượng, điều khiển các hành vi, hành động của từng cá nhân, phục vụ mục đích bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và ổn định, phát triển đời sống xã hội và gìn giữ an ninh cộng đồng.
- Thông qua luật tục, phong tục ta thấy bản sắc văn hóa của từng dân tộc trong quá trình giáo dục nhân cách, đạo đức của con người theo những chuẩn mực văn hóa nhất định do cộng đồng quy định.
d). Lễ hội
- Là trung tâm sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp nhất và là nơi bộc lộ rực rỡ nhất bản sắc văn hóa của một cộng đồng nhất định. Quy tụ tại đây mọi loại hình tín ngưỡng, mọi sắc thái trang phục, sinh hoạt dân ca, trò chơi dân gian, và các hình thái nghi lễ của tộc người, của dân tộc. Lễ hội là nơi bảo lưu rõ nét nhất cho bản sắc văn hóa một dân tộc, một cộng đồng người trong một không gian văn hóa nhất định.
e). Trang phục - trang sức
- Trang phục là nơi thể hiện ý thức thẩm mỹ, nhu cầu thẩm mỹ và là nơi gửi gắm những nhận thức về thế giới tự nhiên và xã hội cũng như môi trường sống nói chung thông qua các biểu tượng hoa văn, màu sắc, hình ảnh được thêu trên áo, quần và các đồ trang sức khác nhau.
- Nhìn vào trang phục và cách trang sức ta có thể dễ nhận ra bản sắc văn hóa của một tộc người, của một dân tộc.
f) Trò chơi dân gian

- Trò chơi dân gian trong đời sống, trong các hoạt động lễ tiết, lễ hội của các dân tộc cũng thể hiện những bản sắc văn hóa riêng theo quan niệm và sáng tạo của người dân, đáp ứng nhu cầu giải trí, giáo dục thể chất và truyền dạy các tri thức về tự nhiên, xã hội hay gửi gắm những khuyên răn về nhân cách, đạo đức của thế hệ trước với thế hệ sau.
- Trong số các trò chơi dân gian, bao giờ cũng có những trò chơi nhất định được coi như “sáng tạo riêng” của một cộng đồng nhất định, được sản sinh ra sao cho phù hợp với điều kiện sống và nhu cầu của chính cộng đồng đó.
g). Nhà cửa - kiến trúc                           
- Ngôi nhà chính là nơi/ tấm gương phản ánh truyền thống văn hóa của một tộc người, một dân tộc. Sự hiện diện của cách kiến trúc và hình thức kiến trúc từ một ngôi nhà cụ thể không chỉ nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, tránh mưa nắng, mà còn thể hiện những tín ngưỡng, tập tục, những nhận thức về cách ứng xử với môi trường tự nhiên và quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo.  Đối với các tộc người, dân tộc miền núi, bản sắc văn hóa từ sự hiện diện của loại hình văn hóa vật thể này còn thể hiện rõ cả ở những khu nhà mồ, nhà kho, nhà bếp…
h) Sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trình diễn
- Mỗi dân tộc đều sáng tạo cho mình những thể loại dân ca với các làn điệu độc đáo, tạo nên bản sắc riêng, phản ánh tâm tư, tình cảm và đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các hình thức nghệ thuật cổ truyền, thể hiện các thủ pháp nghệ thuật đa dạng, phong phú, in đậm lối tư duy, khiếu thẩm mỹ của từng dân tộc. Các hệ thống nhạc cụ được người dân sáng tạo từ nguyên vật liệu của vùng đất mình cư trú, góp phần tạo ra diện mạo của nghệ thuật âm thanh và nghệ thuật trình diễn mang bản sắc độc đáo, đại diện cho bản làng, vùng, miền, tạo ra những truyền thống âm nhạc dân tộc quý báu.
         Những đề mục nêu trên tôi cho rằng đó là bản sắc văn hóa, nhưng là cái vỏ vật chất, cái vỏ biểu hiện của bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa còn nằm sâu hơn thế. Nó nằm ở cách người Việt Nam hình thành và sáng tạo nên lớp “vỏ bản sắc” kia. Hay nói cách khác, bản chất của bản sắc văn hóa nằm ở yếu tố con người, nằm ở tính cách và thị hiếu của một dân tộc, một cộng đồng người. Chính những yếu tố phi vật chất ấy mới là cách để con người tồn tại văn hóa và đào thải những giá trị không phù hợp với văn hóa. Giữa đời sống tinh thần của nhân dân ta, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một kho tàng ca dao để nói cái tình, một kho tàng truyện ngụ ngôn để nói cái lí, một kho tàng tục ngữ ca dao để nói cái tri thức… Yếu tố nội dung của chúng là những đúc kết của nhân dân về nhiều khía cạnh tư tưởng và cũng trở thành những “chân lí” hết sức đời thường, xuất phát từ cả lí trí lẫn trái tim, để giáo dục, dẫn dắt bao thế hệ người Việt. Tôi cho rằng những tư tưởng, tình cảm đó mới là sợi dây gắn kết lâu bền nhất của bản sắc văn hóa giữa các thế hệ khác nhau, làm nên một bản sắc bền vững và lâu dài.
    Nhiều người tỏ ra lo lắng cho bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kì hội nhập và phát triển. Hội nhập là tất yếu của quá trình toàn cầu hóa. Nó không chỉ đóng vai trò trong giao lưu kinh tế mà có tác động rất lớn tới các nền văn hóa. “Một thế giới phẳng” cũng là khi những nền văn hóa có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tiếp cận nhau một cách trực tiếp và mạnh mẽ. Đây cũng là thời điểm những thách thức về bản lĩnh văn hóa được nảy sinh, ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa những quan ngại về đạo đức, lối sống, về vấn đề giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa. Đặc biệt với Việt Nam trong thời kì này, ở những bước quá độ ban đầu của quá trình toàn cầu hóa, dường như những thay đổi chóng mặt về đời sống, kinh tế, quan hệ, những màu sắc mới mẻ của thế giới làm cho ta, đặc biệt là giới trẻ, ngỡ ngàng và bối rối, quá hấp dẫn để ham thích, quá nhanh để thích ứng, quá vội vã để hòa mình, quá đáng tiếc để lãng quên. Văn hóa Việt Nam hiện tại đang đứng trước ba vấn đề lớn đó là tác động xấu của yếu tố phi văn hóa, sự ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai và sự mất dần đi các yếu tố truyền thống đang nổi lên trong dư luận. Trước hết là yếu tố phi văn hóa. Đó là những “văn hóa” không đẹp của rất nhiều người Việt khi ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Cũng chẳng phải oan ức khi mà cứ nghĩ tới ngýời Việt Nam nhiều ngýời cả tây cả ta ðề có những ðáp án ðại loại nhý kiểu: “vãn hóa” cao su, “vãn hóa” xếp hàng, “vãn hóa” WC, “vãn hóa” giao thông, “văn hóa” chửi bậy, văn hóa “hôi của”…để mà nói “thế là người Việt Nam”. Chẳng biết có một quốc gia nào không khi mà một xe ô tô gặp tai nạn người dân hàng trăm người không ai cứu giúp, hè nhau vào hôi bia, mỗi người một ít, mệnh ai lấy vơ để người lái xe đứng van xin bất lực? Thậm chí những chuyện không hay mắt như vậy xảy ra thường xuyên tới nỗi chúng ta thấy bình thường, bình thường trước những cái bất thường thì thật đáng báo động. Đó là kết quả của kiểu sống tùy tiện của người Việt được hình thành từ lâu, lại thêm yếu tố cộng đồng tác động khiến các yếu tố tiêu cực càng diễn ra công khai hơn.
Thứ hai là yếu tố ngoại lai- những yếu tố bên ngoài tác động vào văn hóa việt. Trong một bài phỏng vấn, giáo sư Phan Ngọc có đưa ra những dẫn chứng rất sinh động: “Chúng ta có thể giỏi nhiều ngoại ngữ, điều đó rất quan trọng. Tuy nhiên tiếng Việt đủ phong phú và đã đủ sức giảng dạy tại bậc Đại học và sau Đại học. Không có lý gì một số bọn trẻ thích nói lẫn lộn tiếng Việt và tiếng Anh trong đời sống cộng đồng. Ngôn ngữ tuổi teen có cái thú vị riêng khi nhắn tin, nhưng tuyệt đối không thể lạm dụng trên ngôn ngữ viết. Chẳng hạn Nhân dịp Năm mới mà viết là x dịp 5 mới thì thật không thể chấp nhận được. Còn trong đời sống nhiều bạn trẻ đã làm hỏng ngôn ngữ , kiểu như Yết Kiêu vừa thôi (!), Tiền ăn bữa này Căm Pu Chia nhé(!) ...Trong kiến trúc không nên đánh mất những Làng tôi xanh bóng tre để thay vào đó những kiểu nhà có chóp , có mái lửng (chỉ nhô lên ở mặt tiền), chỉ quét vôi phía trước và bất chấp mọi quy hoạch (cả ở đô thị và Thủ đô cũng vậy). Việc thế hệ trẻ quay lưng lại với dân ca và nhạc cách mạng để chạy theo lối âm nhạc "thời thượng" với lời ca vô nghĩa làm thế hệ lớn tuổi không sao hiểu nổi”. Bên cạnh đó còn vô vàn các biểu hiện sính ngoại khác (fan cuồng thần tượng, cuồng trai đẹp, cuồng văn hóa bạn…). Đó là vấn đề phần nhiều ở giới trẻ. Nguyên nhân là do những thứ đó quá hấp dẫn hay ta không có nền tảng văn hóa truyền thống để giữ vững cái “tôi” riêng, lòng tự trọng, tự tôn riêng? Nếu như các biểu hiện thiếu tích cực của người việt có thể sửa thì đến yếu tố thứ 3, khi yếu tố truyền thống mất đi, lấy gì để bù đắp lại? Thực tế là văn hóa truyền thống đang mất dần chỗ đứng trong cuộc sống đời thường. Tivi chiếu tới tuồng chèo là chuyển kênh, đi thăm di tích, thắng cảnh thì đua nhau tạo dáng chụp ảnh… Các làng nghề truyền thống không còn như xưa nữa. Làng tranh Đông Hồ xưa nổi tiếng là vậy mà nay chỉ còn duy nhất gia đình hai nghệ nhân. Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới mà ở Việt Nam ngoài mấy khánh nước ngoài trả tiền xem thì cũng lẵng lẽ, chưa kể các loại hình văn hóa nghệ thuật khác.
    Việt Nam có cái gọi là văn hóa làng xã rất hay. Cái thứ đã ngấm vào máu và nuôi dưỡng hồn người.Sáng chủ nhật ở nhà, thức dậy và ra đầu ngõ để được nghe những tiếng chào hỏi nhau, chẳng hiểu sao mà nghe thôi cũng đủ thấy những cái đầu gật gù, những ánh mắt hấp háy. Người ta không chào như là những người đi xa hay lâu lắm mới gặp, vẫn nồng hậu nhưng có lẽ ngày nào người ta cũng chào nhau như vậy, như một cách nói "chào buổi sáng" thông thường. Tiếng râm ran của chợ, tiếng xèo xèo, khói và mùi thơm từ những bếp lan tỏa trong không gian, đã tạo nên cái vị rất đặc trưng của những sáng chủ nhật an nhàn hiếm hoi trong tôi. Bước vào một hàng quà sáng, ( cái thứ văn hóa ăn quà của người Việt thì lại là một thứ đáng bàn khác ), đứng chờ cũng nhận được một nụ cười nồng hậu bên dưới một chòm râu đã bạc : "Thôi thì mày đứng đấy chơi, xem ông bà bán hàng, đã được mấy khi mày đến...". Có cái gì thân quen lạ, mà tôi nhận ra đó là mùi vị của quê hương. Tôi thậm chí còn không có quá nhiều ấn tượng, chưa nói đến ký ức và tình cảm dành cho những con người đó. Nhưng vì chúng tôi cùng sống trên một mảnh đất - một mảnh đất vốn cũng lắm dị thường và không thiếu những tang thương, nhưng hơn hết thì nó kéo tất thảy những con người ở đây lại gần với nhau, bằng những truyền thống và những văn hóa lâu đời của nó. Mà tôi thì sẽ buồn lắm nếu những thứ đó mất đi. Tôi cũng gọi những điều mà sáng chủ nhật tôi cảm nhận được là văn hóa Việt, là bản sắc, là những tình cảm vô hình khó gọi tên nhưng chắc chắn đã tồn tại ở đấy lâu lắm rồi.
    Chúng ta thờ ơ với chính văn hóa của mình quá. Chúng ta chạy theo những thứ quá xa để rồi đánh mất những thứ thật gần. Với những người có tuổi,bản sắc ở dạng bảo tồn. Còn ở những người trẻ, văn hóa vẫn nằm ở khám phá, cái quan trọng là cách ta lựa chọn nó, giống như lựa chọn nó cho đúng với thuần phong mĩ tục. Cũng không thể trách hoàn toàn giới trẻ khi những giá trị tryền thống mất dần đi. Những thời đại khác nhau, những thị hiếu khác nhau. Không thể bắt một 18 tuổi phải thích ca trù, hát văn giai điệu kém hấp dẫn, ca từ cổ xưa xa cách quá trong khi có bao nhiêu dòng nhạc hiện đại đến bên tai chỉ sau một lần ấn chuột. Hơn nữa việc giáo dục tuyên truyền về văn hóa truyền thống chưa thực sự phát huy đúng mức. Văn hóa là gần nhưng khi không được tiếp cận đúng hướng thì trở nên mơ hồ, khó hiểu. Ví dụ như khi tìm hiểu về chầu văn, ta có thể tìm tài liệu về nguồn gốc, thậm chí thị phạm buổi chầu nhưng những nghi lễ, ca từ trong đó thực sự là khó hiểu. Nghĩa là việc đưa giới trẻ tới văn hóa bây giờ chỉ giống như cưỡi ngựa xem hoa, chỉ thấy được cái bên ngoài chứ không hiểu bản chất những thứ mình được bảo tồn, như thể xem cho có. Bản sắc văn hóa không có sức hấp dẫn nữa cũng bởi một phần nó được bảo tồn không đúng cách. Nhiều nét văn hóa xuất hiện xù xì, thô lệch, tưởng là bảo tồn văn hóa nhưng được bảo tồn hết sức phi văn hóa.Thật là cười ra nước mắt khi chứng kiến những lễ hội truyền thống thiêng liêng là vậy mà bây giờ xô bô bao nhiêu tệ nạn. Đi xem múa rối chục lần vẫn là tích rồng phun nước phun lửa diễn cho trẻ con xem, qua bao nhiêu năm không có gì đặc sắc. Hay là nghe hát quan họ trong đám cưới khách sạn cũng vậy, thật là kệch cỡm quá mức. Nếu như bảo tồn văn hóa xộc xệch như vậy có khác nào tiếp tay cho những yếu tố ngoại lai đồng hóa, lai căng người Việt?
      Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đang được ưu tiên hàng đầu ở nước ta. Đảng và nhà nước rất chú trọng  các giải phảp căn bả để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống:
- Củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú, đa dạng
   Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hoá trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại. Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, mại dâm, ma tuý, cờ bạc... Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá ở các cấp, đồng thời có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới một số công trình văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của đất nước. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá, chú trọng nâng cao đời sống văn hoá ở nông thôn, vùng khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các nhóm xã hội, giữa đô thị và nông thôn.
 - Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá truyền thống, cách mạng
   Tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm những phương thức thể hiện và phong cách nghệ thuật mới, đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Khắc phục yếu kém, nâng cao tính khoa học, sức thuyết phục của hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần hướng dẫn sự phát triển của sáng tạo văn học, nghệ thuật, từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam.
  Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá, văn nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hoá trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ và người nước ngoài. Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số. Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
       -  Phát triển hệ thống thông tin đại chúng
       Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước; khắc phục xu hướng thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới. Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản trong cả nước theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại.
Phát triển và mở rộng việc sử dụng internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh.
  - Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá
   Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hoá, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, báo chí, xuất bản. Xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài.
       Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hoá của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam. Thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả các sản phẩm văn hoá. Xây dựng cơ chế, chế tài ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hoá sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ.
    Đó là những biện pháp tổng quan nhất để dần thay đổi và gìn giữ bộ mặt của đất nước. Đối với cá nhân tôi, khi đã xác định những hạn chế của văn hóa trong thời kì này, cần cố những biện pháp cụ thể hơn, hấp dẫn hơn nữa để đưa văn hóa Việt Nam sống dậy  giữa đời sống và giữa tâm hồn con người. Trước hết để xây dựng một dân tộc văn hóa, phải hạn chế và loại bỏ những yếu tố phi văn hóa ra khỏi xã hội. Các vấn đề xã hội nêu trên rất khó giải quyết trong một sớm một chiều do đã ăn sâu vào trong thói quen của nhiều người nên cần có thời gian khắc phục. Ta có thể dùng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, truyền thông, cho đến những xử phạt pháp lí, coi những hành vi phi văn hóa cũng là phi pháp luật để có những chế tài nghiêm minh nhất. Vấn đề quan trọng hơn cả trong giữ gìn bản sắc văn hóa đó là giữ lại những nét văn hóa truyền thống của nó.
Theo tôi, để những yếu tố văn hóa tồn tại lâu dàu phải gồm hai yếu tố truyền thống và tạo mới. Truyền là trao lại, thống là tiếp nhận, thế hệ sau kế thừa chọn vẹn tinh hoa của thế hệ trước. Muốn vậy trước hết tinh hoa phải là tinh hoa. Phải giữ gìn văn hóa theo thể sống của nó, tức là theo hình thức diễn ngôn mà nó được nhắm tới, loại bỏ những tạp tố của đời sống thị trường mới ra khỏi sân khấu văn hóa dân gian, đưa người xem tiếp cận gần hơn nữa với bản chất của văn hóa truyền thống. Thứ hai là cải tạo, tức là chỉnh sửa để phù hơp hơn với thời đại. Song song với việc giữ gìn nguyên trạng lớp sơn son thiếc bạc mà bụi thời gian giàu giá trị của văn hóa, ta cũng cần có những sáng tạo để văn hóa truyền thống hấp dẫn hơn, đặc biệt là với giới trẻ. Giống như nghệ thuật tò he, trước đây chỉ có hình hoa, hình con giống, bây giờ có nhiều hình hoạt hình hơn cho mọi người lựa chọn. Vẫn màu đất nặn quen thuộc, vẫn đôi bàn tay nghệ nhân quen thuộc nhưng mỗi con tò he sinh ra sống với thời đại mới của nó. Hay như các làn điệu truyền thống, khi người ta đã biết thể sống của nó, sao lại không thể tiếp nhận văn hóa với một cách thức phối khí khác? Tôi thấy ấn tượng với một “lí ngựa ô” rock, một “bèo dạt mây trôi” ballat nhẹ nhàng, nghệ thuật múa dân gian đương đại uyển chuyển hơn…. Ta vẫn tiếp cận với văn hóa dân tộc, nhưng theo một góc độ mới. Để có thể tồn tại, bản sắc dân tộc không chỉ phải giữ trọn vẹn thể sống của nó mà còn có thể song song thổi hồn thời đại mới, tạo nên trước hết là tính hấp dẫn cho bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa Việt Nam càng đi sâu càng thấy thú vị, nhưng nếu chỉ đứng ngoài nhìn thì có khi chỉ thấy một nền nông nghiệp lúa nước lạc hậu. Việc giáo dục văn hóa là rất quan trọng. Giáo dục văn hóa chỉ bắt đầu ở bậc đại học là chưa đủ, ta cần cho các em tiếp cận ở những cấp học thấp hơn để có thể tìm hiểu sớm và sâu sắc hơn văn hóa. Giáo dục trên sách vở cũng là chưa đủ, việc giáo dục văn hóa phải gắn liền với sân khấu diễn xướng và đời sống hằng ngày để thể hiện trọn vẹn, sinh động hơn những giá trị của bản sắc Việt Nam.
 Nguyễn Đức Ngọc
Theo http://nguvan.hnue.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...