Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Con đường từ âm nhạc đến toán học và công tác quản lý

Con đường từ âm nhạc đến toán học 
và công tác quản lý
Hoàng Lê Minh sinh năm 1957, là con thứ hai trong gia đình có 2 chị em. Thuở nhỏ, chàng thanh niên Hoàng Lê Minh nổi tiếng là thông minh và nghịch ngợm.
Với niềm đam mê và sự tò mò tìm hiểu, Hoàng Lê Minh thực sự thích thú với các máy móc, chai lọ đủ màu sắc đặc biệt là khi tận tay vặn núm điều khiển máy chiếu phim, chọn kênh trong phòng thí nghiệm mỗi khi được các anh chị sinh viên, cô chú cán bộ cho vào chơi. Ngay từ những ngày đó, trở thành một điệp báo viên vô tuyến là ước mơ của chàng thanh niên Hoàng Lê Minh.
Nhưng ước mơ chỉ là ước mơ! Bởi theo sắp đặt của gia đình, Hoàng Lê Minh phải theo học lớp Sơ cấp đàn Accordeon tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Đây là bộ môn nghệ thuật dành cho những học sinh có năng khiếu, phải trải qua kỳ thi tuyển và được Nhà nước cấp học bổng. Dường như có chút thừa hưởng gen âm nhạc từ gia đình, cộng với sự thông minh nên Hoàng Lê Minh chơi đàn rất khá, được các thầy cô Trường Nhạc quý mến và có ý định giới thiệu đi học đàn Accordeon tại CHDC Đức ... Lúc đó nếu cứ tiếp tục con đường âm nhạc thì có lẽ anh sẽ trở thành một nghệ sĩ? Nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đến với anh. Mùa hè năm 1970, anh tình cờ tham dự một lớp học hè (3 tuần) môn toán do thầy Tôn Thân giảng. “Mê” cách giảng bài của thầy Thân, anh đã xin gia đình cho thi vào lớp 7 năng khiếu Toán của Trường cấp II Trưng Vương A Hà Nội.
Năm đó, anh đã thi đậu. Và thật không ngờ! Chỉ trong một thời gian ngắn, thầy Tôn Thân đã truyền cho Hoàng Lê Minh sự ham thích, lòng say mê đặc biệt với môn học này. Anh nhớ lại: “Lớp năng khiếu 7K của tôi lúc bấy giờ có 27 học sinh, do thầy Tôn Thân làm chủ nhiệm. Với tôi, trước đó chưa bao giờ được học bồi dưỡng về toán và chưa thực sự “xao động” với môn học này. Những người bạn như Vũ Đình Hoà, Đặng Hoàng Trung, Nguyễn Quốc Thắng sau này cùng tôi đi thi trong đội tuyển Olympic Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam cũng học cùng lớp 7K với tôi. Việc được vào học lớp 7K Trường Trưng Vương A Hà Nội lúc bấy giờ thực sự là một bước ngoặt lớn nhất trong đời tôi, đã hướng tôi đến với Toán học. Mặc dù chỉ học với thầy Tôn Thân có một năm lớp 7, nhưng đó là thời gian đầy ắp kỷ niệm và đáng ghi nhớ trong mỗi chúng tôi. Để rồi, sau này tôi nhận ra rằng muốn thành đạt trong cuộc đời cần phải trải qua những bước ngoặt. Đối với việc phát triển năng khiếu và tư duy khoa học, nhất là toán học, những bước ngoặt này càng phải đến từ rất sớm, có thể là vào cuối những năm ở cấp 2 (Trung học cơ sở), đầu cấp 3 (Trung học phổ thông)”.
Tốt nghiệp lớp năng khiếu Toán Trương Vương A Hà Nội, anh thi vào khối chuyên Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội và được cử đi thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tại Beclin (CHDC Đức) năm 1974. Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế. Đội tuyển có 5 học sinh do thầy Lê Hải Châu và TS. Phan Đức Chính phụ trách. Kết quả năm đó thật vui mừng vì 5 người đi thi thì 4 người đạt huy chương: anh Hoàng Lê Minh đạt huy chương Vàng, anh Vũ Đình Hòe đạt huy chương bạc, anh Đặng Thành Trung và Tạ Hồng Quảng đạt huy chương đồng, anh Nguyễn Quốc Thắng cũng chỉ có thiếu 1 điểm thì giành huy chương đồng. Thật vinh dự và tự hào, vì rằng, cũng như Việt Nam lần đầu tiên tham dự Olympic Toán quốc tế nhưng với đội tuyển Cu Ba khi tham dự kỳ thi này ở Matxcơva năm 1973 chỉ được tặng 1 bằng khen…Anh kể lại: Khi đó, tôi đang học lớp 10 tại Khối chuyên toán ĐHTH Hà Nội (Khối A0). Đội tuyển của chúng tôi được tuyển lựa từ những “lò” của các địa phương khác nhau và trải qua 3 vòng thi. Chúng tôi tập trung học ôn theo những chủ đề mà các thầy Phan Đức Chính, thầy Hoàng Tụy tự lựa chọn chứ không hề ôn luyện theo bài mẫu. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác vui mừng khi được nhận tấm huy chương từ Chủ tịch Hội đồng thi quốc tế - GS. Wolfong Engels. Tôi hiểu một điều rằng việc học ở Khối chuyên toán A0 và đi thi học sinh giỏi, được giải thưởng, kể cả giải thưởng Quốc tế có lẽ không có điều gì đặc biệt lắm. Nhưng với tôi được huy chương Vàng, lại ngay trong lần thi đầu tiên thì đúng là tôi rất bất ngờ và không hề dám nghĩ tới. Và tất nhiên là rất vui! Phần vui cho cá nhân cũng có, nhưng vui mừng hơn là cho gia đình, cho Tổ quốc Việt Nam vì cảm thấy mình rất tự hào là người Việt Nam, không thua kém bạn bè năm châu”.
Sau kỳ thi Toán quốc tế năm ấy, sau một thời gian học dự bị ngoại ngữ để chuẩn bị du học Liên Xô, Hoàng Lê Minh đã lựa chọn chuyên ngành Toán lý thuyết, Khoa Toán - Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp - Trường đại học danh tiếng nhất của khối XHCN thời bấy giờ (1975 - 1980). Sau đó tiếp tục học tiến sĩ ngành Toán (1981 - 1984), tham gia nghiên cứu khoa học và là nghiên cứu viên của Viện Toán thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (1985-1987). Mặc dù có cơ hội làm việc lâu dài ở một số trường và viện ở nước ngoài với mức lương khá cao (khoảng 2000 USD/tháng) nhưng với suy nghĩ “ở quê hương, gia đình, bạn bè, bố mẹ và học trò cũng đang cần sự đóng góp trí tuệ và công sức của những người như tôi” nên Hoàng Lê Minh đã quyết định trở về Việt Nam.
Sau 12 năm học tập và công tác ở nước ngoài, với tấm bằng tiến sĩ, anh đã trở về giảng dạy tại Khoa Toán, Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (từ năm 1987 - 2001)… Cũng trong thời gian đó, anh đã nhiều lần tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở Pháp, Anh, Italya, Nhật, Singapo. Năm 2000, anh tham gia nhóm công tác giúp UBND TP. Hồ Chí Minh xây dựng dự án Khu Công viên Phần mềm Quang Trung; năm 2001 tham gia xây dựng Dự án Khu Công nghệ Phần mềm, sau đó được cử làm Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Với năng lực quản lý, anh đã được UBND thành phố mời làm Trưởng Ban Quản lý dự án Công nghệ Thông tin (năm 2003), đồng thời làm Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố. Khi Sở Bưu chính- Viễn thông tại TP.Hồ Chí Minh được thành lập năm 2005, anh chuyển sang Sở và với cương vị Phó giám đốc phụ trách hoạt động công nghệ thông tin. Khi được hỏi tại sao không tiếp tục làm khoa học, nghiên cứu và đóng góp cho lĩnh vực khoa học, anh tâm tự: “Sự nghiệp của tôi xuất phát từ một nhà khoa học, nhà giáo, nay trở thành nhà quản lý. Có lẽ đây cũng là bước ngoặt. Tôi nghĩ thực sự nhờ làm khoa học mà tôi đã có được tất cả những gì hiện nay tôi có: gia đình, bạn bè, nhà cửa, được đi đây đi đó, được học nhiều, biết nhiều...”. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, anh vẫn có thể tiếp tục làm khoa học, tiếp tục tham gia giảng dạy tại các trường, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhưng đã 2 năm nay, anh gắn bó với công tác quản lý bởi “tôi cảm thấy ở vị trí này, mình có thể có ích nhiều hơn cho đồng nghiệp (các nhà khoa học, các nhà giáo, học trò) và cho xã hội, cho đất nước (so với các công trình khoa học, các bằng cấp, chức danh khoa học của bản thân...)”. Hy vọng rằng trong thời gian tới anh sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp.
Việt Cương
 Theo http://100years.vnu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...