Tâm sự chiều thu - Nhạc & lời: Lê Dinh
Tháng 10 năm 2009 tôi thực hiện chương trình "Thu Vấn Vương 2" cho website Cỏ Thơm với một số bản
nhạc về mùa Thu của nhiều tác giả. Tình cờ tôi tìm được bài "Tâm Sự Chiều
Thu" của Nhạc sĩ Lê Dinh, do ca sĩ Khánh Ly hát trong băng nhạc "Quê
Hương Việt Nam - Thanh Bình Về Với Quê Hương", phát hành trước 1975. Bản
nhạc này Nhạc sĩ Lê Dinh soạn theo thể điệu tango, được hòa âm với tốc độ vừa
phải và theo ý riêng tôi: Khánh Ly diễn tả bài này rất ngọt ngào tình cảm. Tôi
cũng thích những lời trữ tình và nặng tình quê hương của Nhạc Sĩ Lê Dinh, thí dụ
như những câu kết:
Mơ rằng Thu năm nay
Anh về đây chung xây
thanh bình non sông đất nước hòa vui
Em nhìn anh, em nói:
"Anh về vui khắp trời
Thu này, mùa Thu mới đẹp tươi!"
Mơ rằng Thu năm nay
Anh về đây chung xây
thanh bình non sông đất nước hòa vui
Em nhìn anh, em nói:
"Anh về vui khắp trời
Thu này, mùa Thu mới đẹp tươi!"
Thật là may mắn vì anh còn giữ bản
do Nhà Xuất Bản Tinh Hoa Miền Nam ấn hành ngày 6 tháng 10 năm 1960 - hôm nay
là đúng sinh nhật thứ 51 của bản nhạc này! Nhạc sĩ Lê Dinh còn
nhớ rõ bài này được ban nhạc Võ Đức Thu (tác giả bài "Quyết Tiến")
trình bày lần đầu tiên trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, qua giọng ca của Thái
Thanh.
Cảm ơn Nhạc sĩ Lê Dinh đã cung cấp tài liệu quý báu.
Khánh Ly trình bày: "Tâm Sự Chiều Thu" của Nhạc Sĩ Lê Dinh
Nhạc Sĩ Lê Dinh (thời 1960 - hình sau bìa bản nhạc
do Nhà Xuất Bản Tinh Hoa Miền Nam ấn hành)
Anh Dũng
Theo http://cothommagazine.com/
NHẠC SĨ LÊ DINH
Buổi sáng êm dịu của tháng tư, còn dính lại chút sương mù
trên ngọn Eiffel, tôi đã ngắm ngọn tháp bằng cái nhìn của người ngoại quốc du
ngoạn, cộng với cái nhìn tươi xanh chênh vênh hiện ra nhiều vẻ đẹp của buổi sớm
mai. Cảm giác buổi sớm mai, đầu óc trống trơn tôi như con bướm chập chờn lởn vởn,
từ đoá hoa này sang đoá hoa khác, chẳng có một giới hạn nào để dừng lại nơi
đâu. Các nét đều linh động trong khoảng mù mờ, như bức tranh tràn ra khỏi
khung, làm cho đôi mắt ướt át tôi rất gợi cảm lẳng lơ. Ðắm đuối lắm! Ðắm đuối
trong ảo tưởng, để liếc mắt đưa tình với chính mình, lúc nào trong lòng cũng
gìn giữ sự réo rắt trong sáng của thiên nhiên, đang hiện lên tất cả những nét đẹp
trước mắt.
Buổi sáng qua đi, buổi chiều hiện đến, quầng lượn trước mắt
ánh đèn đêm, với bầu không khí ồn ào. Bên bờ sông Seine vẫn gió, tất cả thành
nhạt nhòa sau lưng. Trên những bức tượng đồng, đầy đủ những dáng vẻ độc đáo, nó
tự nhiên như ngang tàng, phóng túng trong cái duyên của Tây phương, qua nét
điêu khắc độc đáo, với những vẻ đẹp hiện đại, do bàn tay người nghệ sĩ điêu khắc
nào đó, đã đóng góp nơi đây, một chất lượng văn học nghệ thuật vô giá. Nghệ thuật
là do tài năng sáng tạo của các cá nhân, cũng như thơ, nhạc là muôn đời, nó sống
bằng giá trị của nó mà chẳng cần nương tựa vào cái gì cả. Cảnh vật nơi này bao
nhiêu năm vẫn thế, làm choáng ngợp nhiều người. Bờ sông Seine vẫn lộng gió,
phát ra những âm thanh như kim ngân, khẽ gõ vào những lâu đài lam sậm, của niềm
tự hào cả dân tộc ở thế kỷ này.
Cư ngụ tại Paris, thỉnh thoảng tôi có người quen đến từ
phương xa, là y như khuấy lên trong tâm hồn tôi, cái vùng tĩnh lặng hiu hiu ấy,
thành một sân khấu sôi động, bừng lên những màu sắc rực rỡ. Và, người mà tôi gặp
hôm nay là nhạc sĩ Lê Dinh, trên một sân khấu đại nhạc hội ca vũ nhạc tại Paris,
trong một ngày cuối tuần năm 2003 vừa qua, (do Trung tâm Thúy Nga thực hiện trực
tiếp thu hình). Ðây là lần thứ hai tôi vào lại sân khấu này, với ý định gặp người
nhạc sĩ mà tôi có nhiều cảm mến, về dòng nhạc mộc mạc, đơn sơ, dễ dàng hòa tâm
hồn mình vào những âm điệu chứa chan tình cảm, rất gần gũi với tôi, một thời dĩ
vãng xa xưa…
Dĩ vãng xưa ấy đó mà… nó là nguồn gốc của sự biết của con người,
rất quan trọng trong đời sống ta, vì không có nó, ta không thể biết được những
điều gì đã qua, và cái ngày tôi còn là một cô gái đầu óc non nớt, với tuổi mười
ba chỉ biết quanh quẩn ở trong xó làng. Thường sinh hoạt dưới mái chùa vào ngày
chủ nhật. Từ một con bé bận đầm xanh, áo lam, ngắn tay. Ðến khi thành cô thiếu
nữ, miệng biết tủm tỉm cười với trai làng, vẫn còn múa đi múa lại, những vũ
khúc êm ả rừng núi cao nguyên, âm thầm tịch mịch xứ Thượng của Lê Dinh. Bây giờ
nhớ lại, tôi vẫn lưu luyến xúc cảm mãnh liệt, hai má cứ giật giật bừng bừng,
khi tôi đang nằm trên bãi cỏ, chìm trong cây lá. Mắt nhìn bầu trời bao la, với
hàng triệu ức ngôi sao lấp lánh, vô biên vô tận của trời đất, khi hình ảnh:
"Chiều lên bản Thượng" sâm sẩm vừa tắt nắng của Lê Dinh, Minh Kỳ làm
thành một tiếng gọi xa xăm rõ rệt theo "Tiếng hát Mường Luông" ở
trong "Nỗi buồn Châu Pha" chính là bức màn âm u sâu sắc của mình, một
cách đơn giản chân thành.
Dòng nhạc đi chung với những cái uốn éo thân hình, tay chân của
bọn con gái chúng tôi gồm 11 đứa, trong cái xà rông dài được quấn từ rốn xuống
chân, áo sát nách hở bụng. Ðầu quấn miếng vải có màu đỏ tím. Phía bên con trai
cũng 10 đứa, mặc quần xà lỏn, được quấn ngang bụng bằng lá dừa, đầu cũng quấn
lá dừa. Hoá trang đám thanh niên lấy son nồi, quệt đầy lọ nghẹ trên mặt. Khi tiếng
trống bắt đầu, ban vũ con gái uyển chuyển thân hình mềm mại qua lại. Hai bàn
tay đưa cao ẻo lả trong cơn mộng mê ly, theo khúc nhạc thâm trầm vào cõi lòng
thầm kín. Ban vũ bên con trai cũng nhôn nhao. Tay cầm cây gậy xập xình, luồn dưới
chân giật tới giật lui. Ðầu ngoảnh đi ngoảnh lại, rồi rúc xuống nhẹ nhàng dưới
hai cánh tay con gái rúc rích cười, theo tiếng nhạc tính tình tang: Rừng
ơi vang lên muôn lời ca, xa xa trong màn sương âm u khi chiều xuống…
Nhạc
sĩ Lê Dinh
Tôi sinh hoạt văn nghệ ở chùa, do các chị tập múa để trình diễn
trong những ngày Ðại lễ Phật Ðản, có khi múa trong những buổi cắm trại, quanh
bên đống lửa lộ thiên. Lúc đó đứng chung với các bạn tôi cao hơn một cái đầu,
vì vậy mà khi múa, tôi được chọn làm "nữ chúa rừng xanh" được quấn
cái xà rông đỏ, đeo bông tai màu đỏ, khăn quấn đầu cũng màu đỏ. Một màu đỏ từ đầu
đến chân, biểu tượng sự oai nghi của quyền lực. Hai cổ chân tôi đeo hai cái kiềng
toòng teng, bước đi nghe rổn rẻng rất lạ tai. Rồi mỗi ngày lớn thêm lên tí nữa,
tôi thường nghe trên các đài phát thanh với dòng nhạc Lê Dinh, qua giọng của ca
sĩ Hoàng Oanh:
Anh nói rằng trọn đời yêu em
Sao nỡ đành lòng nào lại quên
Câu tình yêu giữ không nhạt màu
Câu mình thương đến khi bạc đầu
Bây giờ trả lại trăng sao.. (Tình yêu trả lại trăng sao - 1964)
Sao nỡ đành lòng nào lại quên
Câu tình yêu giữ không nhạt màu
Câu mình thương đến khi bạc đầu
Bây giờ trả lại trăng sao.. (Tình yêu trả lại trăng sao - 1964)
Rồi đến : "Ga chiều", "Xác pháo nhà ai"
v.v…
Nói đến Lê Dinh ai mê nhạc cũng không quên bài: Hà Tiên, Ga
chiều, Tình yêu trả lại trăng sao… Lời nhạc Lê Dinh đơn sơ dễ hiểu, mộc mạc đi
thẳng vào tâm hồn người nghe một cách thích thú, nói vậy không phải tôi nói bạn
cũng thích như tôi, hễ có người sản xuất những văn nghệ phẩm, là tôi thích học
hỏi của kẻ khác. Mình đi tìm cái hạnh phúc mà không cần nhọc công dụng sức chi
cả. Tôi nghe vọng cổ, nghe hát bội, hát chèo tôi biết mê say. Anh chị nghe nhạc
cổ điển Tây phương, nhạc Âu Mỹ biết hay, cũng đam mê…Vậy chưa chắc cái sướng và
cái đam mê ai hơn ai ?
Tôi đã gặp nhạc sĩ Lê Dinh một lần tại Montreal trong một buổi
văn nghệ, và người nghệ sĩ này đã để lại tôi ấn tượng khó quên. Tôi kính mến
thái độ vui vẻ, nhiệt thành, đơn giản mộc mạc thẳng thắn, ẩn trong cái nghiêm
túc của một nhạc sĩ, có đức tin về phương pháp làm việc, với sự cần cù nhẫn nại,
đã đem lại lòng quí mến và tin tưởng trong giới nghệ sĩ. Tôi biết nhạc sĩ Lê
Dinh có đời sống tinh thần trong âm thầm, nhưng đầy hăng hái kiên nhẫn, đó là nền
tảng cho một đời sống về tinh thần. Tâm hồn của một người nghệ sĩ dồi dào, thì
sự sung sướng cũng rộng rãi hơn.
Sau khi định cư tại thành phố Montreal (Canada) đã ổn định được
đời sống gia đình, và để gây cho mình sự hứng thú bền bĩ, nhạc sĩ Lê Dinh chủ
trương thực hiện tờ Nguyệt san Nghệ Thuật là để duy trì sự cố gắng, và có đường
lối rõ ràng. Văn nghệ làm nẩy sinh vào tâm hồn nghệ sĩ, luôn luôn nhìn đời với
những khía cạnh màu sắc mới lạ. Lê Dinh sáng tác những bài nhạc mới sau này như
: Bài hát của người điên, Cho người tình cũ, Nắng bên này sông, 10 bài hận ca,
Thương về Gò Công… đều mang khắc khoải của người sống xa quê hương. Sau nhảy ra
làm đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam với Lê Thái. Tất cả môn sinh hoạt văn nghệ,
liên quan đến trong tâm hồn người nghệ sĩ, nó phản ảnh đời sống, tình cảm, tư
tưởng của một nhạc sĩ. Nhưng cũng rất không đơn giản khi làm về báo chí văn nghệ.
Trước năm 1975 Lê Dinh cùng với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng
thành lập nhóm Lê Minh Bằng. "Ba cây chụm lại thành hòn núi cao" có
khác, nên rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như : Gõ cửa, Chuyện tình Lan và Ðiệp,
Căn nhà ngoại ô, Linh hồn tượng đá, Ðêm nguyện cầu... Nhóm Lê Minh Bằng cũng đã
đào tạo nên những ca sĩ nổi tiếng như: Giáng Thu, Trang Mỹ Dung, Hải Lý, Mạnh
Quỳnh, Ngọc Tuyết…
Sau biến cố 1975 nhóm Lê Minh Bằng mỗi người một nơi. Nhạc sĩ
Anh Bằng sinh sống ở California (Nhà xuất bản băng nhạc Asia, Dạ Lan). Lê Dinh
cùng với gia đình sống ở Montreal (Canada). Minh Kỳ thì đã mất vào đầu tháng 9
năm 1975 trong vụ nổ ở trại cải tạo Long Khánh.
Cuộc đối thoại giữa người giới thiệu chương trình nhà văn
Nguyễn Ngọc Ngạn, và nhạc sĩ Lê Dinh dưới ánh đèn sân khấu Thúy Nga tại Paris
2003 đêm nay, làm bừng dậy ý nghĩa đời nghệ sĩ không bị nhoè đi, giữa thương
trường ồn ào, và bụi bặm, khơi lại trong đời sống tinh thần, đã một thời từng gởi
gấm, nhiều tình cảm sâu xa của nỗi nhớ mình, trong các nhạc phẩm nổi tiếng bắt
đầu từ năm 1956 cho đến nay, với tất cả hơn 200 nhạc phẩm trước năm 1975, đã được
thu dĩa bởi các hãng: Tân Thanh, Continental, Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam… Sau
năm 1975 các nhạc phẩm lại được thu vào dĩa: Thúy Nga Paris, Asia USA…với các
giọng ca: Như Quỳnh, Phương Dung, Thanh Thúy, Mỹ Huyền, Hoàng Lan, Kim Ngọc
Khánh, Dalena, Nhật Trường, Giao Linh, Thanh Tuyền, Lưu Hồng, Trần Thị Thu,
Nguyệt Lan…
Nghe những lời nhạc của Lê Dinh tôi có cảm nhận: Người nghe
không có sự suy nghĩ với cái nghĩa rộng của nó, mà dòng nhạc đi thẳng một cách
mạch lạc vào đời sống tình cảm người ta mà thôi. Nhạc là âm thanh để cảm nhận,
tất cả chung quanh chỉ là cái khung để chúng ta sinh hoạt, nếu ta quá quan trọng
sẽ làm giảm mất đi cái chân giá trị của sự sáng tạo, một sự sáng tạo trong bóng
tối, trong im lặng cũng là một vết sáng của đêm đông, và người sáng tạo là người
biết định đoạt hành động mình, biết trù liệu đến sự tín ngưỡng và số phận của
mình.
Ðể thả hồn bâng khuâng rung động về kỷ niệm, những màn vũ hoang dã trong nhạc
điệu trữ tình, tôi đến gặp nhạc sĩ Lê Dinh gốc người miền Nam, tại khách sạn
Kyriad trong quận 19 Paris để nhớ lại một kỷ niệm, cách đây hai năm, tôi đã hân
hạnh gặp nhạc sĩ rất còn nồng nhiệt, trong một trái tim nghệ sĩ, để cho tôi thẹn
thùng, e ấp thật thà trong Tiếng Hát Mường Luông, Chiều Lên Bản Thượng v.v…bên
núi rừng xinh xinh, xanh ngát mênh mông.
Bích Xuân
Theo http://cothommagazine.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét