Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Giữa trưa hè bắt gặp "Một nhành xuân"

Giữa trưa hè bắt gặp "Một nhành xuân"
(Đọc tập thơ “Một nhành xuân” của tác giả Nguyễn Văn Long)
http://resources.tinhaiphong.vn/images/hoaphuongdo.vn.pngTập thơ “Một nhành xuân” của tác giả Nguyễn Văn Long (74 tuổi) đến tay tôi khi nắng hè gay gắt trên từng tán cây, dãy phố của đất Cảng. Không phải lần đầu bắt gặp những món quà tinh thần như thế, song cảm xúc qua 82 bài thơ của “Một nhành xuân” như cơn gió mát mang theo hơi thở mùa xuân.
Nắng
Nguyễn Văn Long
- Nắng xuân là nắng hơi hơi
Cho cây nẩy lộc đâm chồi trổ hoa
Én bầy chao liệng gần xa
Thoảng nghe bông bưởi trước nhà nhẹ rơi.
- Nắng hạ cái nắng giữa trời
Áo nâu thấm đẫm mồ hôi má hồng
Cánh cò chở nắng sang sông
Nhấp nhô nón trắng trên đồng lúa chiêm.
- Nắng thu khô ráo nhẹ êm
Cho hồng chín mọng đẹp đêm trăng rằm
Cho ai phơi lụa tơ tằm
Hương hồng hương cốm đẹp lòng lứa đôi.
- Nắng đông lại nắng hơi hơi
Khi nắng khi tắt bởi trời heo may
Hanh heo cành quế hao gầy
Ngủ đông tích nhựa đợi ngày sang xuân.
Bốn mùa thời tiết xoay vần
Con người thì vẫn cứ xuân bốn mùa.
Hồn thơ xuân không tuổi
Nhà thơ Minh Trí, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng cảm nhận điều này từ những vần thơ của tác giả Nguyễn Văn Long. Đọc lên, thấy như không phải là tứ thơ của một người bước qua tuổi “thất thập”, từng câu thơ, đoạn thơ, ý thơ vẫn nồng nàn, da diết thổn thức như chàng trai khấp khởi đến giờ hẹn với người yêu.
Hồn thơ không tuổi ấy thể hiện rõ hơn trong bài thơ “Đêm hè”. Những câu thơ trong trẻo, hồn nhiên như tâm hồn của cậu bé đang cắp sách tới trường: “Cây bàng nặng trĩu tiếng ve/ Sáo diều treo tít ngọn tre cuối làng/ Bên thềm chú mướp mơ màng/ Nhà chuột có giỗ đang sang mời mình/ Cành Giao thức đợi hoa Quỳnh/ Lão già rót ánh trăng thanh pha trà/ Hương nhài thoang thoảng lướt qua/ Nồng nàn thi vị chén trà đêm trăng/ Rót mời chú Cuội chị Hằng/ Thưởng trà ngắm cảnh đêm trăng thanh bình”. Hiện lên trong bài thơ là khung cảnh đêm trăng thanh bình đầy ắp ánh sáng, âm thanh và cả mùi thơm thoang thoảng quý phái của hoa quỳnh. Xen trong đó là vị đượm nồng của trà ướp hương nhài mà người đàn ông đang thưởng thức. Ông già ấy có thể cũng chính là tác giả Nguyễn Văn Long đang thưởng trà cùng với ánh trăng. Và trong đêm ấy, tác giả tưởng như mình đang pha trà bằng ánh trăng thanh sáng lòa cả trời đất.
Cũng như những tâm hồn yêu thơ khác của nhiều người có duyên với thi ca đang gắn bó với các câu lạc bộ thơ trên địa bàn thành phố, tác giả Nguyễn Văn Long hiện là hội viên của các câu lạc bộ thơ Núi Voi (An Lão), câu lạc bộ thơ Trần Tất Văn. Ông cũng là hội viên Hội Cựu giáo chức xã Tân Viên (An Lão). Rời bục giảng sau một thời gian dài làm công tác quản lý, tác giả Nguyễn Văn Long thấy mình bén duyên với thi ca. Để rồi, cảm xúc cứ nảy lên thành từng vần, từng điệu, từng tứ thơ dạt dào với tuổi xuân phơi phới.
Người nặng tình với thi ca
Đọc 82 bài thơ, thấy rõ tác giả nặng tình với thi ca, với thiên nhiên. Trước những cảnh đẹp của đất trời, lòng người trở nên nhẹ nhàng, thư thái và thăng hoa. Ở bài thơ “Một nhành xuân” được lấy làm tựa đề cho cả tập thơ này là hồn thơ gắn với tình yêu quê hương An Lão của tác giả. Cảnh đẹp sông, núi, ruộng đồng, người và đất An Lão được vẽ trong bức tranh thơ thật thi vị. “Lên đỉnh Ông Voi ngắm cảnh xuân/ Bức tranh An Lão đẹp vô ngần/ Sông Vàng uốn khúc ai vờn vẽ/ Bến Bạc ngược xuôi đẹp sắc xuân…”
Không chỉ bài thơ này, đúng như tựa đề của cả tập thơ, mùa xuân hiện diện trong từng ý thơ của tác giả. Thấy ở đây là quê hương An Lão thanh bình và mộc mạc, hiếu khách, giàu truyền thống văn hóa. Rồi những khúc ca văng vẳng trong “Hội làng 1”, “Hội làng 2”, “Nếu anh về An Lão”, “Một nhành xuân” như lời mời gọi bạn bè bốn phương về thăm quê của người yêu thơ 74 tuổi này.
Phần lớn những bài thơ trong “Một nhành xuân” được gom cảm xúc trong những chuyến đi suốt cuộc đời của tác giả. Có chuyến đi tính bằng thời gian. Như những câu thơ:
“Thời gian gom sáng tối/ Tạo thành ngày thành đêm/ Tuổi già gom quá khứ/ Thành ký ức cuộc đời” (Gom)
Có chuyến đi tính bằng khoảng cách, địa giới hành chính:
“Em gái người Mông vẻ dịu dàng/ Đi từ con dốc xuống Hà Giang/ Gặp tôi ngơ ngác bên bờ suối/ Lúng túng chờ em hỏi thăm đàng/ Cán bộ từ đâu đến Hà Giang?/ Chợ tình lối ấy cứ rẽ sang/ Em cùng về chợ Khâu Vai đấy/ Em dẫn anh đi hết đoạn đàng…” (Chợ tình Khâu Vai)
Lại có những chuyến đi đếm qua các mùa “Nắng”, “Mưa”, “Hoa cải”, “Hoa lý”…Mỗi một bài thơ ghi lại một dấu ấn thời gian. Để thấy cuộc đời có những điểm nhấn khó quên. Càng trở nên sâu nặng khi được gửi vào trong từng vần thơ. Cũng có thể gọi đây là một món quà xuân mà tác giả dành tặng quê hương An Lão, như một món quà tri ân tặng vùng đất mà ông gắn bó cả đời. 
Phong Phong / baohaiphong.com.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...