Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Qua bài thơ "Không đề" hiểu thêm tính sâu sắc của Văn Cao

 Qua bài thơ "Không đề" hiểu thêm
tính sâu sắc của Văn Cao

Nếu như ai đã từng thả bộ trên đôi bờ của một con sông, sẽ thấy mỗi bờ một khác, mỗi bờ vang lên những âm vọng rất riêng. Thưởng thức các sáng tạo của Văn Cao, dù là thơ hay nhạc, dường như ta cũng có cảm giác đang lắng nghe hai bờ đồng vọng: một bên là ào ạt xô bồ sự sống thời cuộc và bên bờ này là yên lặng những thông tuệ riêng tư. Các thủy lưu sáng tạo của Văn Cao cứ đập vỗ đi về giữa đôi bờ tưởng như khác biệt đó. Dẫu thế, vẫn áp mặt vào nhau, đôi bờ luôn hô hứng , đồng vọng, che đỡ, bồi đắp lẫn nhau làm ra những dòng chảy nhạc- thơ nhiều trữ lượng. Hai mà một là vì vậy- nhất quán trong một “cốt cách thi nhân”. Văn Cao là thế ! LÔI CUỐN và MÊ HOẶC. Cả hai đều phát huy sức mạnh tận độ, không cưỡng lại được, hết mình. Đó là gì nếu không phải là quyền phép tối thiêng của các bậc thiên tài !
Nhiều lúc tôi cứ trở đi trở lại câu hỏi này: tại sao Văn Cao lại thành công trong hai khu vực, trong khi đa số những người khác hoặc phải lựa chọn lấy một, hoặc chỉ thành công một mà thôi? Dưới đây là một câu trả lời ít nhiều sáng tỏ:
KHÔNG ĐỀ
Con thuyền đi qua
để lại sóng
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
Đoàn người đi qua
để lại bóng
Tôi không đi qua tôi
để lại gì ?
Văn Cao.
Một bài thơ bé nhỏ, có thể người đọc rất dễ bỏ qua. Qủa đúng thế! Bởi vì nó yên lặng quá, nó không ồn ào, không đao to búa lớn, nó như người sinh ra nó đang yên lặng cầm cốc rượu trên tay, mắt thả vào khoảng không vô định, nghĩ gì không ai biết… Tất cả từ con thuyền, đoàn tàu, đoàn người đi qua đều ít nhiều để lại dấu vết xác định của mình. Riêng” tôi không đi qua” và tôi càng “không đi qua tôi”, vậy thì tôi có gì để lại không? Ở đây ta hiểu được dụng ý của nhà thơ. “Đi qua” tức là đi hời hợt, bề ngoài, đi ẩu; nếu chỉ vậy thôi thì những gì anh để lại cũng chỉ là bèo bọt, hư ảnh, dễ tan, dễ vỡ, chẳng mấy chút giá trị gì. Ý nghĩ của Văn Cao mang tính chất triết lý sâu sắc đối với quan điểm sống của con người. Cũng như trong quan điểm nghệ thuật, người cầm bút phải biết tìm tòi, sáng tạo “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa ai có”. Nhưng Văn Cao là người không chịu “đi qua” , mà là “sống kỹ”, sống nhuyễn– sống kỹ với xung quanh và sống nhuyễn với chính mình. Sống siêng năng và trách nhiệm, sống với mình với người, cho mình, cho người , sống nhập cuộc với thời mình và sống nghiệm sinh trong từng khoảnh khắc của riêng mình. Nhờ thế, sự sống trong nhiều chiều kích cứ thế ngồn ngộn, tươi ròng , tinh chất lấp lánh trong từng câu chữ, từng nét nhạc- sự sống đã thăng hoa thành hương và rượu quý trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ.
Hơn nữa, khi tôi không chịu” đi qua tôi” , tức là tôi không chấp nhận biến mình thành “kẻ khác”. Nếu chấp nhận đi qua chính mình, nghĩa là anh chấp nhận đánh mất mình. Vô luận, dù thế nào cũng phải sống “là mình” , tránh thói sống “ba phải”, qua loa” rằm cũng ư, mười tư cũng gật”. Đó là một nguyên tắc sống , là kỷ luật thép, một bản lĩnh cao cường mang dáng dấp của một khí tiết đại trương phu đáng kính trọng. Bản lĩnh, bản sắc, phong cách, cốt cách cũng nhờ thế mà có được. “Tôi không đi qua tôi”là một tự nghiệm đau đớn và kiêu hãnh… Bản lĩnh ấy có thể so sánh với một Cao Bá Quát “trọng nghĩa khinh tài” mà suốt đời tâm niệm “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”. Chỉ có những bậc tài hoa khí phách mới tôn vinh tài hoa khí phách của nhau được xứng tầm như thế. Trong cái phút giây lặng im cúi đầu trước hoa mai như thế không biết Cao Bá Quát đã nghĩ gì? Một hình ảnh đẹp tráng nghĩa, một bức tranh bày tỏ và chứa đựng nhiều suy tư của một đấng nam phu. Cao Bá Quát đã nghĩ gì? Nghĩ mình là hoa mai hay nghĩ mai đang hóa thân thành một nam tử cầm thanh gươm đi rửa nhục anh hùng, những thế cuộc và chí của kẻ làm trai tài tử như ông. Trong khoảng lặng im thinh không đó, Cao Bá Quát có ngộ ra cái “chân tâm” của bản thể mình, của cuộc sống?
Vâng, vậy là “sống kỹ” và “sống là chính mình” đối lập hẳn với sống “dối” và sống khác mình. Tức là sống ẩu, sống nông cạn, sống bắt chước, a dua, sống xu thời vị thế, …Đây chính là lối sống của một số văn sĩ “nửa mùa” nhưng lại thích “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, cũng ra chiều cao siêu hơn người. Còn với Văn Cao, chính vì kiên định trong một lối sống kiêu hãnh như thế , mỗi sáng tạo của nghệ sĩ là một bảo đảm đầy sức thuyết phục và rất thiết thực đối với đời sống con người. Nhúng toàn bộ bản ngã của mình vào thế giới của cái vô ngã, vừa bảo toàn, vừa thâu nhận, ấy là khi nói bất cứ điều gì về anh là đã có phần đời của nhiều người khác. “Tiếng kêu của một khúc thép nung đỏ -trong chậu nước” không còn là chuyện của riêng mình mà nghe trong đó thấy cả một nỗi đời nhộn nhịp tiếng búa, tiếng đe, mồ hôi, vị mặn, cả tiếng nghiến răng và tiếng cười đồng loại. Đó là sự va chạm hết cỡ của”thủy” với “hỏa” để trở về một trạng thái “an nhiên” tọa trong chất thép. Trải qua 70 năm cõi thế, thi nhân đã đắc đạo từ khi nào?…
Viết đến đây, tự dưng một ý nghĩ bỗng đâu chen ngang, chẹt lấy ngòi bút tôi : mặc lòng, nói gì thì nói, và hình như lảm nhảm cả, với Văn Cao thi nhân :
“Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước”
Một nét Thiên Thai đang lãng đãng đâu đây quyện cả niềm trần…
Trần Huyền Nhung
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...