Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Khói trời mênh mông - Vài cảm nghĩ

Khói trời mênh mông - Vài cảm nghĩ
Gần đây, nhân nghe lại nhạc phẩm “Khói Trời Mênh Mông” trong một CD cũ nhan đề “Đá Xanh”, với chủ đề nhạc tình của Lê Uyên Phương và Trịnh Công Sơn (TCS), tôi lan man nghĩ về các chuyện bên lề, sau đó viết xuống đây gọi là chia xẻ với các bạn yêu âm nhạc đồng điệu.
1. Ca Từ
“Khói Trời Mênh Mông” (KTMM) [1] không được nổi tiếng lắm như các nhạc phẩm khác của TCS nói chung và của tập nhạc có cùng tên, xuất bản năm 1972.[2] Trong 12 bài ở danh sách, có lẽ hai bài nổi tiếng nhất là “Tưởng Rằng Đã Quên” và “Yêu Dấu Tan Theo”. Tuy nhiên, ca từ của KTMM cũng rất xuất sắc, không kém gì hai bài trên.
Xuyên suốt cả bài hát là cả một không gian bao la bàng bạc (áo em gió lộng, những đêm gió lộng, gió trời lênh đênh, giữa trời hư không) xen kẽ với những chi tiết nhỏ (cỏ lá buồn tênh, dấu chim xa nguồn, những cánh bèo xanh) để làm tương phản khung cảnh ấy. Không những bao la cả về không gian mà cả về thời gian (tháng năm quá rộng) làm tác giả liên tưởng đến người yêu đang thấp thoáng đâu đây. Những cảm giác lẫn lộn giữa thực và ảo này quả thực đã làm tăng sự “lãng đãng” của nhạc phẩm rất nhiều. Ta biết sự mất mát “em” là có thực (bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông, tên em là vết thương khô), nhưng sao ta vẫn thấy em đang còn ở đây, vẫn muốn biết em đang nghĩ gì (có còn trong em những cây nến hồng, những cầu qua sông, những chút tình duyên).
Một cuộc tình cũng rất lãng đãng, được gói gọn lại trong vài câu:
Còn gì đâu những môi xưa hồng
Vùng tuổi xanh thoảng bay như gió
Ngày rồi qua tháng năm đâu ngờ
Tên em là vết thương khô
Cái kết luận thật bất ngờ! Tôi liên tưởng đến một bài hát khác tả thực hơn nhiều nhưng cũng đầy sự luyến tiếc không kém là bài Michèle với tiếng hát Gérard Lenorman [3]:
Michèle, c'est bien loin tout ça
Les rues, les cafés joyeux
Mêmes les trains de banlieue
Se moquent de toi, se moquent de moi

2. Nhạc thuật
Tôi nghĩ phiên khúc của bài nhạc rất hay, các câu nhạc đối nhau rất chỉnh. Câu nhạc được ngắt thành những đoạn hai chữ rất gọn ghẽ, rất phù hợp với điệu valse nhẹ nhàng kể lể. Các chữ có tính chất không gian hay quan trọng đều được đặt ở những nhịp mạnh (phố xưa, dấu đạn, cỏ lá, buồn tênh, áo lộng, bay như gió, vết thương khô, hư không, v.v.).
TCS chọn âm giai trưởng rất phù hợp vì nó có vẻ buồn lãng đãng và bao la hơn là dùng âm giai thứ. Dùng âm giai trưởng cũng tránh được việc phải dùng các nốt nhạc ở hợp âm V7 để hóa giải về chủ âm I như ở âm giai thứ.
Điệp khúc theo tôi không được đặc sắc như ở phiên khúc, vì nó không có một nét nhạc thật riêng biệt, nó nghe như những bài không nổi tiếng khác của TCS. Nếu không có hai câu cuối với ca từ xuất sắc đã cứu vãn:
Ngày rồi qua tháng năm đâu ngờ
Tên em là vết thương khô
thì có lẽ cả điệp khúc ta có thể gọi là một thất bại chăng? Và có lẽ vì thế mà nhạc phẩm không nổi tiếng chăng, cho dù phiên khúc rất đạt?
Và chính tại điểm này mà tôi muốn nhấn mạnh đến cái tài tình của người hòa âm phối khí, đã mặc thêm áo, kết thêm hoa cho nhạc phẩm, làm cho cái đã hay lại càng hay thêm, còn cái không hay lắm thì tìm cách sửa để cho cái hay nổi bật và tương phản lên thêm. Từng bài, từng bài, người nghệ sĩ diễn dịch những nhạc phẩm đã hay chưa thành danh trên vòm trời âm nhạc theo phong cách của mình, dẫn dắt người nghe một cách vô tình hay cố ý thưởng thức nhạc theo một phong cách hòa âm riêng, cá tính riêng, qua đó nâng cao nghệ thuật thưởng thức âm nhạc của người nghe.
3. Hòa âm phối khí
Đây là một đề tài thuộc loại “không bao giờ cạn” của riêng tôi! Mỗi lần tôi nghe một nhạc phẩm nào, Á hay Âu, cổ điển hay thời trang, tôi đều lắng nghe xem người nhạc sĩ đã làm những gì để mô tả ý nhạc. Tôi đánh giá rất cao sự thưởng ngoạn của giới sành điệu Việt Nam, hỏi thì hầu như ai cũng thích Paul Mauriat, Richard Clayderman, ABBA, Bee Gees, rồi gần đây là Céline Dion, Andreas Bocelli (với đĩa nhạc Amore qua tài nghệ phối nhạc của David Foster). Nhạc Pháp thì ai mà chẳng biết các ca sĩ thời xưa 60’, 70’ như Dalida, Sylvie Vartan, Francoise Hardy, France Gall, Christophe, Pierre Bachelet v.v và v.v. Điều tôi muốn nói tới là các ca sĩ nhạc sĩ trên, ngoài tiếng hát, đều có lối hòa âm phối khí riêng, làm tăng thêm sức mạnh của bản nhạc rất nhiều. Chúng ta thảy đều được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường nhạc lành mạnh ấy, nên có lẽ rất “khó tính” (picky) mỗi khi nghe nhạc.
Cho nên, nếu “Khói Trời Mênh Mông” được phối nhạc bởi một ai khác, thì có lẽ tôi đã cho “qua phà” rồi, nhưng vì do nhạc sĩ Duy Cường (DC) hòa âm nên tôi bèn lắng tai. Nói cho ngay, không phải bài nào anh hòa âm cũng thành công, nhưng tôi thú thật tôi biết nhiều nhạc phẩm Việt cũng là do nghe nhiều CD do anh phụ trách phần hòa âm.[4] Sau đây tôi xin trình bày ý kiến riêng của tôi về cách anh hòa âm KTMM.
0:00 -> 0:29 : Đây là phần nhập đề của bài, DC dùng tiếng synth của harp gảy những biến đổi hòa âm rất thú vị của phiên khúc, tạo cho người nghe một liên kết với phiên khúc.
0:30 -> 1:10 : Thiên Phượng bắt đầu hát phiên khúc với nhạc nền cũng chỉ có harp đệm các liên ba appergiated. Lúc 0:50 thì DC cho thêm vào tiếng sáo có echo nhẹ làm nền ở trên cùng, tạo cảm giác xa vắng, bao la. Ta cũng nghe tiếng lục lạc réo rắt xa xa như nước chảy.
1:11 -> 1:45: Phiên khúc 2 với hòa âm dày hơn, có thêm tiếng sáo phụ họa, và tiếng trống tiếng bass hòa vào. Ta còn nghe thêm được một câu đệm xuyên xuốt toàn bài (fa /do re/do re/ do fa/do re) làm cả bài rất gắn bó với nhau vì ngoài giai điệu chính, bài còn có các giai điệu phụ này bổ túc khi cần. Cách viết này rất được DC sử dụng nói riêng, và các ban nhạc nổi tiếng khác sử dụng. Thí dụ như trong bài Michèle do Paul Mauriat hòa âm (dĩa The Best of Paul Mauriat Vol. 6), tiếng organ được sử dụng làm “hook” rất thích hợp, tạo nét riêng cho bài.
1:46 -> 2:20: Điệp khúc. DC hiểu giới hạn nhạc thuật của điệp khúc nên anh không cho hòa âm cầu kỳ vào, rất đơn giản. Hợp âm lúc “mưa phùn” nghe hơi “chướng tai” vì về hợp âm chủ nhanh quá. Tuy nhiên ở hai câu cuối (Ngày rồi qua … vết thương khô) hòa âm dào dạt hơn, chuyển hòa âm nhiều hơn, làm hai câu nhạc này nghe hay hơn rất nhiều.
2:21 -> 2:46: Biết là phiên khúc hay, nên DC phải tận dụng nó tối đa. Thay vì để Thiên Phượng hát lại, DC để ban nhạc chơi solo lại phần phiên khúc.
2:47 -> 2:56: Thay vì dùng đúng phiên khúc, DC đổi (modulate) âm giai liên tục, tạo nên một cảm giác lạ tai và lôi cuốn, rất đặc sắc!
2:57 -> 3:01 : Trở lại câu đệm (fa /do re/do re/ do fa/do re) hai lần, tạo nên mong muốn nghe lại giọng hát và điệp khúc.
3:02 -> 3:36: Điệp khúc đệm hệt như lần trước.
3:37 -> 3:41 : Trở lại câu đệm (fa /do re/do re/ do fa/do re) hai lần.
3:41 -> 5:05 : Phiên khúc 2 rồi hết. Chú ý là phiên khúc được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, so với điệp khúc chỉ có hai lần.
Như bạn đã nghe và thấy, DC biết cách làm tăng điểm mạnh và che lấp điểm yếu của nhạc phẩm, chưa kể với cách đặt hòa âm rất tân kỳ, nghe rất quyến rũ.
4. Lời cám ơn
Như tôi có nói thoảng qua ở trên, tôi biết được rất nhiều nhạc Việt Nam là qua anh Duy Cường. Qua các CD bày bán trên thị trường, anh giới thiệu đến tôi những Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Đức Huy, Ngô Thụy Miên, Đăng Khánh, Mai Anh Việt, Hoàng Thị Bích Ngọc, v.v. Cũng qua tài nghệ của anh, tôi tìm mua nhạc Thái Hiền, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, Khánh Hà, v.v. để xem anh đã làm giàu bản nhạc và tăng sức quyến rũ của giọng hát ra sao. Tôi ước lượng anh đã hòa âm trên một ngàn bản nhạc! Thật đáng nể!
Cảm ơn anh Duy Cường, nhờ có anh mà đời sống tinh thần của tôi đã phong phú hơn biết bao. Xin mến chúc anh nhiều sức khỏe và có thêm những tìm tòi mới cho âm nhạc nước nhà.

Khói Trời Mênh Mông - Various  Artists 

Khói trời mênh mông - Khánh Ly - Zing Mp3

Học Trò

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...