Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Lên đến cổng trời

Lên đến cổng trời
Buổi sáng tháng năm, từ thị xã Hà Giang, chừng 2 tiếng đồng hồ loanh quanh qua bao dốc, bao đồi, bao ngôi nhà lặng lẽ, bao nương ngô chênh vênh trên những triền núi, tôi mới đến được cổng trời Quản Bạ lần đầu tiên trong đời.
Tom, cậu lái xe trẻ của Báo Thừa Thiên Huế buông lời nhận xét: “Dốc không cao, không dựng đứng như A Lưới nhưng sao cứ lên mãi, lên mãi”. Ừ nhỉ! Lên đến tận cổng trời Quản Bạ mới cảm thấy đầy đủ sự chơi vơi của vùng đất trời nơi biên cương cực bắc của Tổ quốc. Tới rồi mới hay, lời người không sai về địa danh kỳ bí, nơi mà bầu trời hầu như quanh năm chỉ có mưa và mù, để rồi dân gian truyền tụng mãi câu ca rằng “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” và “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”.
Đây mới là cổng trời. Qua cổng trời là thị trấn Tam Sơn. Tiếp đến là cao nguyên đá Đồng Văn, là Lũng Cú, nóc nhà của Việt Nam, nơi mà “cúi mặt sát đất, ngẩng đầu đụng trời”. Còn nữa là Mèo Vạc, nơi có chợ tình Khâu Vai, chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Tôi như miên man trong trong ý tưởng khám phá vùng đất phên dậu diệu kỳ của Tổ quốc...
 Trở lại với con đường vừa mới đi qua. Năm 1939, người Pháp mở con đường này như cửa ngõ đầu tiên và cho đến này vẫn là con đường độc đạo đi lên “cổng trời”, đi lên cao nguyên Đồng Văn. Cuộc sống nơi vùng núi cao này còn nghèo nàn nên cũng không có gì lạ khi con đường vẫn đầy vẻ hiểm nguy và hoang vắng như ngày nào.
Lên đến độ cao chừng 1.000 mét, mây mù che phủ cả lối đi ngoằn ngoèo. Xe chạy cứ như len lỏi giữa trùng vây mây trời. Lâu nay thỉnh thoảng xem ti vi giờ tôi mới có dịp chứng thực cảnh tượng những đàn trâu cứ lững thững trên đường như đi về phía vô định, mới bắt gặp từng tốp dăm ba trẻ nhỏ nhởn nhơ ngồi trên những phiến đá, hờ hững nhìn những chuyến xe đi qua.
Chuyện rằng, người Mông chiếm đa số có tổ tiên vốn xuất xứ từ miền Nam sông Trường Giang, Trung Quốc. Họ có những xung đột và bị người Hán chèn ép nên đành phải thiên di về phía Nam, định cư ở vùng cực Bắc này cách nay chừng 300 năm. Những nơi địa hình thấp, lưng chừng núi đã có chủ, người Mông đành kiếm chỗ dung thân trên cao, thích nghi với vùng núi đá. Ở tận non cao, mỗi lần xuống núi, chủ yếu đi chợ, là cả hành trình của người Mông. Đường sá xa xôi. Một lần đi là một lần khó. Vậy nên, họ đi như một lập trình sẵn có của tạo hoá, không vội vàng, không gấp gáp. Chồng lâu ngày xuống chợ quá chén, vợ chẳng hề rầy la. Họ tìm đến một gốc cây to bên vệ đường. Chồng gối đầu lên đùi vợ, cứ thế mà chìm sâu trong giấc mộng say. Sau đó lại tiếp tục cuộc hành trình về lại với non cao. Một hình ảnh quá đẹp và ấn tượng. Tôi nghe và bị hấp hẫn bởi lối kể chuyện có duyên của anh Đặng Quang Vượng, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang với cả sự háo hức lãng mạn.
Gọi là “cổng trời” quả thực không sai. Với 1.500 mét so với mặt nước biển, đây là đỉnh cao nhất của con đèo hun hút. Từ đây, nhìn lại thấy mênh mông núi đồi nhấp nhô. Một thế giới mới là thung lũng Tam Sơn của huyện Quản Bạ hiện ra trước mắt.
 Còn nhớ, trên đường đi, anh Vượng cứ lo và áy náy hoài. Anh sợ rằng, mây mù sẽ che lấp, không cho những người bạn Huế cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp tuyệt vời của núi Cô Tiên. Nỗi lo thân thương của Vượng như tan đi khi trước mắt tôi là cảnh tượng non núi hữu tình của vùng thung lũng Tam Sơn.
Giờ thì tôi mới bắt đầu tìm hiểu về người bạn cùng đi. Đặng Quang Vượng vốn quê tận vùng trung du rừng cọ đồi chè Phú Thọ. Đi bộ đội chống Mỹ từ năm 1972. Năm 1978, chuyển ngành sang làm báo. Số phận cứ đưa đẩy thế nào để rồi hơn 30 năm qua, anh sống và gắn bó với vùng biên giới cực bắc Hà Giang. Ngoài làm báo, anh còn làm thơ và viết văn. Năm 2006, Vượng xuất bản truyện thơ “Sự tích núi Cô Tiên”, lý giải một cách thật lãng mạn vẻ đẹp huyền bí của núi Cô Tiên đang hiển hiện trước mắt chúng tôi.
Chuyện của Vượng bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa có một bầy tiên nữ xuống trần, phát hiện ra thung lũng thị trấn Tam Sơn có vẻ đẹp tuyệt vời. Có một chàng trai si tình tên Lía trộm nhìn, đem lòng cảm thương đã đánh cắp đôi cánh mỏng của một tiên nữ đẹp trong bầy. Mất đôi cánh diệu kỳ, nàng tiên trẻ tái tê khi chị em đều đã ra về lúc hoàng hôn buôn xuống. Đang lúc éo le thì chàng Lía si tình xuất hiện, thật thà thú nhận tội lỗi. Vậy là họ nên nghĩa chồng vợ, rồi có con với nhau. Chuyện xảy ra khi nàng tiên vô tình phát hiện ra nơi cất dấu đôi cánh mỏng của mình. Nỗi nhớ thượng giới không nguôi buộc nàng phải từ biệt cõi trần. Thương chồng, thương con gái nhỏ, nàng để lại đôi bầu vú của mình để sớm khuya nuôi con khôn lớn. Bầu vú đó chính là núi Cô Tiên dưới cổng trời Quản Bạ, trông giống như đôi vú người thiếu nữ.
Bất giác, tôi lại nhớ đến và thầm cảm ơn Đặng Quang Vượng đã là đồng hành của mình trong lần đầu tiên khám phá cổng trời Quản Bạ. Phải có một cái nhìn đầy lãng mạn, phải có sự gắn bó da diết với Hà Giang, để rồi cũng như tôi, một kẻ đến từ phương xa, Vượng mới có được một ý tưởng tuyệt vời đến thế. Đứng trên này cổng trời nhìn xuống, thấy mồn một 2 trái núi Cô Tiên nảy căng như bầu ngực thiếu nữ tuổi xuân thì!
Nơi cổng trời xa xăm và thăm thẳm này là cuộc sống đầy khó khăn. Trên đường đi, tôi đã bắt gặp nhiều thiếu nữ múc từng ca nước nhỏ từ những hố đá bên những triền núi. Trên cao không đào được giếng, người Mông cùng bà con nhiều dân tộc anh em đã phải trông cậy vào nguồn nước trời cho kia. Khỏi nhiều lời, họ đã phải khổ sở thế nào với giọt nước ở nơi có tiền cũng chẳng dễ mua được. Rồi nữa là sự mưu sinh hàng ngày.
Anh Vượng bảo với tôi rằng, đá ở đây nhiều hơn đất đến nỗi người chết cũng không đào được cái huyệt cho đúng đủ kích thước, thôi đành phải lấy đá xếp vây quanh. Ngót nghét ba phần tư là núi đá vôi, khí hậu lại khắc nghiệt nên chỉ còn lại cây ngô ăn ở đời đời kiếp kiếp với người Mông. Tầng đất mỏng dính phủ lên mạch đá vôi nghèo dinh dưỡng, thân ngô trồng còi cọc, nhỏ nhắn nhưng chớ có mà phụ.
Cuộc sống và văn hoá của bà con người Mông ở cổng trời Quản Bạ này xoay quanh hạt ngô. Bà con người Mông dùng ngô hạt xay nhỏ như bột để đồ (xôi) lên ăn thay cơm, gọi là mèn mén.
Cũng từ bột ngô, người ta chế ra rất nhiều bánh ngon dùng trong các dịp Tết, lễ. Và cũng từ ngô, người Quản Bạ và Hà Giang có đặc sản rượu ngô. Buổi chiều đầu tiên mới đến Hà Giang, tôi đã được thưởng thức rượu ngô. Tạng người tôi vốn sợ các loại rượu bia. Bạn mời nhiệt tình quá, cạn một chén nhỏ lại một cái bắt tay thật chặt, nên liều mà quá chén. Tưởng rằng, ngày mai ngủ dậy có mà hoa đầu, nhức mắt. Vậy mà lạ thay, đầu óc lại cứ nhẹ tênh. Đem chuyện thắc mắc, một anh bạn khá sành chuyện ăn nhậu ở Báo Hà Giang giải thích cứ... như thật. Loại rượu ngô ở đây được nấu bằng thứ ngô bản địa trồng trên đá cùng với thứ men lá truyền thống nên uống vào có vị ngọt và thơm của ngô, uống quá chén hôm sau cũng không bị mệt do độ cồn trong rượu không cao. Uống rượu ngô và cứ tưởng tượng rằng, đồng bào Mông đã gùi từng gùi đất đổ vào những hốc đá rồi tra từng hạt ngô vào đó.
Chỉ mùa đông thôi, trên những triền núi cơ man là đá, thứ đá xám xịt. Nhưng sang mùa xuân, mùa hạ, màu đá xám lạnh lùng lại nhường chỗ cho màu xanh bạt ngàn của ngô. Rồi từ ngô ấy chưng cất để thành rượu là bao công sức nhọc nhằn. Hèn chi mà nó lạ, nó quý, cứ ngấm sâu mãi vào tâm can.
Tôi không có được sự hữu duyên nên đến Tam Sơn vào đúng phiên chợ đông vui nhưng cũng đã cảm nhận được bản sắc đậm đà của một vùng quê miền sơn cước qua những dãy hàng quán nhỏ nhắn vòng vèo, qua các loại rau rừng cùng những mặt hàng thổ cẩm bày bán, qua những bước đi và dáng điệu nhẹ nhàng, chậm rãi của những con người mới gặp.
Trời ở Hà Giang buổi sáng hửng nắng và ấm nóng, còn ở đây lại lất phất mưa và lạnh. Dạo một vòng quanh phố xá và ghé thăm chợ thị, chúng tôi tạt vào một quán ăn thuộc loại sang trọng nhất của thị trấn. Anh Vượng cùng các bạn ở Báo Hà Giang bảo vui, hôm nay sẽ đãi các bạn Huế thịt gà đen, các loại rau rừng, và đặc biệt là ăn thắng cố, uống rượu ngô Thanh Vân. Hành trình Bắc du lần này, tôi phát hiện nhiều điều lạ. Chẳng hạn như cách tiếp thị các món ăn đặc sản của những hàng quán dọc đường. Nào là lợn cắp nách, heo hoả tiễn...Nào là gà kiến, gà đồi và đến đây là loại gà đen, đen tuyền từ chân đến thịt, là một loại gà được dùng như vị thuốc ở vùng cao Hà Giang này. Tôi có thói quen, đến đâu cũng cố mà đi, cố mà hỏi và cũng tìm cách tiếp cận được các loại thức ăn đặc sản cho biết.
Buổi tối hôm trước, ngủ ở khách sạn ở thị xã, anh em rủ nhau đi ăn đêm. Vào một quán nhỏ ven đường, nghe cô hàng quán đon đả mời vậy là lần đầu tiên trong đời “lỡ dại” thưởng thức món thắng dền, một thứ chè thập cẩm, có hương vị của ngô, chỉ một chén nhỏ là nhớ mãi không quên. Còn bây giờ là món thắng cố. Cũng là “thắng” nhưng đây là một món hầm toàn bộ thịt xương nội tạng trâu, lợn, dê hay ngựa...; là đặc sản của người Mông. Đọc “Miền Tây” và “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, tôi đã nghe tả về món ăn này. Ngay chuyện tên gọi cũng đã có chuyện để bàn.
Có người bảo với tôi rằng, thắng cố là do nói ngọng, còn đích thực thì phải gọi là tháng cố. Tiếng dân tộc, tháng là canh, là nước; còn cố là cái chảo, cái nồi. Kẻ khách lạ như tôi mà bàn chuyện danh xưng cũng bất tiện. Chỉ biết, trước mắt tôi bây giờ là một tô thắng cố lợn ắp đầy. Nó có tất trong đó đủ loại xương, thịt và nội tạng. Rồi nữa là những loại gia vị của núi rừng: Thảo quả, hạt dồi, gừng, tỏi... Ngửi thấy có mùi đặc trưng, rất riêng, như mùi của sầu riêng, của loại mắm tôm. Mùi vị ấy, cách chế biến ấy... thoạt đầu cũng ngại ngại, nhất là cái khoản an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng rồi cũng nhanh chóng thích nghi, nhất là sau khi nhấp một ngụm rượu ngô Đồng Văn.
Ăn thắng cố, uống rượu ngô giữa chốn thanh thiên bạch nhật ở phố núi Tam Sơn, thấp thoáng đằng xa là nét lãng mạn của núi đôi Cô Tiên, chợt thèm sao được là chàng trai Mông cùng vợ xuống núi, để lỡ có quá chén mà lỡ say thì tay đây mời tựa cho say giấc nồng, cho bỏ công lặn lội từ Huế ra đây, lên tận cổng trời Hà Giang.
Cứ nghĩ đến cung đường dốc đèo thăm thẳm và ngút ngàn, cứ nghĩ đến cuộc sống thầm lặng và chịu đựng nơi vùng cao biên ải, mới thấy rằng, nơi tận cổng trời này, sống giữa mây núi bạt ngàn mà thiếu những giấc mơ đẹp thì còn gì nữa là cuộc đời. Từ đây lên đến Đồng Văn, rồi qua Mèo Vạc, đường đi ngút ngàn, xa ngái. Còn một tuần nữa mới đến phiên chợ tình Khâu Vai. Vậy là bỏ công tôi mất rồi. Thôi đành, sống với giấc mơ được chứng kiến phiên chợ tình bắt nguồn từ một truyện kể đẹp.
Rằng, ngày xưa có đôi trai gái thuộc hai bộ lạc yêu nhau. Tình yêu của họ bị ngăn cản bởi lệ tục và sự hiềm khích. Một ngày kia, họ đang ngồi trên núi cao, chợt thấy 2 bộ tộc đánh nhau quyết liệt ở dưới kia. Biết tình yêu của mình là nguyên nhân chính của tai hoạ, tránh sự đổ máu, họ đau đớn chia tay nhau và hẹn mỗi năm, đúng một lần vào ngày ấy gặp nhau ở nơi từng họ hẹn là Khâu Vai. Cũng dần dần từ đó, chợ tình Khâu Vai trở thành điểm hẹn hò cho những đôi trai gái có tình yêu dang dở. Có lẽ, trên thế gian này, ý tưởng về phiên chợ tình Khâu Vai chỉ duy nhất có một ở vùng cổng trời Hà Giang này. Nó cho thấy, tâm hồn của những con người gắn cuộc đời mình trên đỉnh non cao, nghèo khổ mà khoáng đạt, không có chỗ cho sự hận thù và ắp đầy tình nhân ái.
Tôi cũng vậy, bỗng thấy mình như một kẻ khác lạ khi chạm bước đến “cổng trời”. Như thực mà lại cũng như mơ. Như lạc vào một thế giới lạ, mênh mông quá với bao khám phá bất ngờ. Và tôi mơ mình lạc bước vào phiên chợ tình Khâu Vai, thấy những trai gái say rượu ngủ quên bên đường; mơ thấy núi đá cao và bóng dáng ai đó mỏng manh cứ như khói như sương... Tháng năm này, đã một lần, tôi lên tới cổng trời Quản Bạ. Mới lần đầu chạm đến cổng trời mà tôi đã có tâm trạng của chàng Lía thuở nào trong giấc mộng vàng của người bạn mới quen Đặng Quang Vượng.
Đình Nam
Theo http://www.baothuathienhue.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...