Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Mắt học, tay chăm, đầu lo lắng

Mắt học, tay chăm, đầu lo lắng
Tôi như muốn ứa nước mắt khi lần đầu tiên bước vào nhà em Lệ. Nhà vắng bóng người, hai anh đang học thi học kỳ, ba đi đi làm để trả nợ cho chủ nợ tại Bình Điền, mẹ nằm viện vì bệnh “xe áp cơ” nặng. Còn em, đang vội vàng lo bữa ăn cho “con heo vàng” cái tài sản có lẽ là giá trị nhất trong nhà, tay kia cầm chổi suốt nhanh để chuẩn bị về bệnh viện chăm mẹ. 
Đi tới chỗ học của em, chỉ có cái bóng điện nheo nhắt, vài cuốn sách đơn sơ, tìm hoài chả thấy cái ghế ngồi học của em. Nóng bức, tối tăm, và một đống lộn xộn công việc nhà đang chờ em chính là khung cảnh nơi em mỗi đêm khuya vẫn cặm cụi học bài. Tự hỏi, không biết làm sao em có thể ngồi học bài trong hoàn cảnh như thế này được.    
Bước tiếp tới gần khu vực “con heo vàng”, bên trái là cái tủ để thức ăn, đồ dùng nấu ăn, mở ra, chả có gì ngoài cái bì muối có vẻ được gọi là đầy nhất, cạnh bên cái tủ là cái bếp củi, đếm tổng cộng chắc được bốn cái xoong trong đó có một cái dành cho chú “heo vàng”, một bồ lúa lưng có lẽ sẽ vơi theo số ngày mà mẹ em nằm viện do phải bán lo tiền viện phí, hoặc có thể một lúc nào đó chủ nợ đến hỏi thăm.         
Tôi chẳng giỏi viết văn, chẳng giỏi miêu tả, nên có lẽ tôi không thể lột tả hệt cái nghèo xơ xác, cái cảnh nhà thiếu thốn đủ bề như những gì mà đôi mắt rưng rưng mà lúc đó tôi quan sát.
Gặp em, và tôi cho em biết tôi đến để khảo sát cấp học bổng Ước mơ nhỏ cho em vào dịp tới. Một nụ cười tươi nở rộ trên khuôn mặt đầy lo âu, bộn bề công việc của em.      
 …Mẹ em là Nguyễn Thị Tiến, hiện đang bệnh nặng, nằm tại bệnh viện Đại học y Dược Huế. Kinh phí cho việc chữa bệnh tới đây mà bệnh viện yêu cầu là 40 triệu đồng. Thời gian nằm viện tổng cộng đã là 1 năm trước lúc tôi đến. Về cái chi tiết hơn của cái việc em theo chăm bệnh mẹ trong vòng một năm qua tôi không nhớ nỗi để trình bày đến các bạn. Vì sao ư? Vì lúc đó, tôi đâu còn tâm trí để ghi nhớ hết, tôi phải kiềm chế cái xúc động của mình để lựa lời an ủi em. 
Bố em là Lê Quang Quốc, bị hỏng một mắt, làm nghề thợ mộc, ngày công hiện tại là 120.000 đ/ngày. Và gần như một năm qua, bố em chỉ còn rãnh thời gian để chăm nom mấy sào ruộng lo cái miếng ăn cho cả nhà, không thể đi làm nghề mộc được vì phải ở nhà chăm vợ bệnh nặng. Cách đây ít  hôm, em Lệ nghỉ hè, thời gian em chăm mẹ được nhiều  hơn, thì bố phải đi làm cho chủ nợ ở Bình Điền để trả nợ. Gồng gánh trên vai miếng cơm manh áo cả gia đình đã nặng lại còn gánh thêm khối u sau gáy. Thật không thể tưởng tượng nỗi!!!
Em Lệ có hai anh trai, anh đầu học đến lớp 12, do gia đình không có điều kiện nên phải đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, sau đó vừa học vừa làm thêm trong vòng một năm, thi đậu đại học và giờ là sinh viên năm nhất trường Đại học Khoa học Huế. Anh trai thứ 2 là sinh viên năm thứ 2 trường đại học Nông Lâm. Tôi phải phục sát đất về gia đình em, nghèo mà vượt khó học giỏi. 
Cả 3 anh em đều là học đại học. Tôi nói vậy chắc  hẳn nhiều người đặt vấn đề sao ban đầu tôi giới thiệu em Lệ là lớp 12, đúng không?    
Tôi sẽ chứng minh cho các bạn thấy, em Lệ sẽ là một sinh viên đại  học trong năm tới, không đơn giản là sinh viên bình thường, mà còn là một sinh viên ngoan, giỏi.   
Lượt qua những thành tích học tập của em Lệ. Em là học sinh giỏi 11 năm liên tiếp. Hiện tại đang là học sinh chuyên Văn tại trường Quốc Học, là ngôi trường nỗi tiếng toàn quốc. Theo tôi biết, ở các xã, thường mỗi xã chỉ có được  một em ưu tú lắm, hoặc được đầu tư đi học nhiều lắm mới thi đỗ vào trường Quốc Học.
Chưa dừng lại ở đó, em từng đạt giải nhì tiếng anh trên internet lớp 8, giải khuyến khích ngữ văn lớp 9 cấp tỉnh, là thành viên đội tuyển thi quốc gia môn ngữ văn lớp 10 và nhiều giải thưởng cấp thị xã khác.          
Để có những thành quả đó, em phải học rất nhiều, không phải học những giờ bình thường mà các bạn học sinh vẫn học bài mà là vào buổi khuya, vì những giờ “bình thường” đó em phải làm việc nhà.       
Em Lệ chia sẻ: “Ba em thì đi làm xa, hai anh bận  học thi học kì, mẹ thì nằm viện không đi lại được, hằng ngày em phải đạp xe đạp về viện chăm sóc mẹ. Bước vào năm cuối cấp, nên em cũng rất lo lắng và thường mang theo sách vở về viện để tranh thủ học. Hoàn cảnh khó khăn nhưng lại học giỏi, nên được dạy toán cho học thêm miễn phí, còn môn anh văn em học tại Trung Tâm Anh Ngữ Huyền Không dưới sự dẫn dắt của cô Phạm Thị Như Ý”.
      “Ngày bình thường em phải đạp xe 4 vòng khoảng 25 km để đi học, về nhà, về bệnh viện và lặp lại như vậy. Nhiều ngày em cảm thấy mệt lử do đạp xe, em thường đưa theo áo quần học buổi chiều để ở lại trường, ngồi ghế đá vào buổi trưa và ăn tạm xôi hộp hoặc mì  để tiếp tục học buổi chiều. Thế nên, mỗi sáng sớm, em dậy học bài và nấu cơm ăn cho chắc bụng, vừa khỏi tốn tiền ăn sáng, vừa đỡ đói vào buổi trưa. Em cũng nhiều lần bị ngất tại lớp do đạp xe quá nhiều dưới trời nắng và sẳn trong người bệnh huyết áp thấp.
Sách em xin sách cũ của các anh chị trước, kể cả vở cũng tận dụng được. Áo quần thì dùng đồ cũ, cặp cũ… Dù khó khăn, thiếu thốn đến mấy, với lòng đam mê học tập, em cũng sẽ vượt qua tất cả. Thỉnh thoảng nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa em cũng có chút tủi thân. Nhưng em luôn nghĩ rằng, mọi chuyện rồi sẽ qua và em tự hứa với bản thân là sẽ không bỏ cuộc giữa chừng. Em mong muốn sau này sẽ có được công việc ổn định để giúp đỡ gia đình, và nếu có thể, em quyết sẽ tìm hiểu và giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em.”  
Như vậy đã được xem là “mắt dành để học bài, tay dành để chăm mẹ, và đầu óc đang rối tung những lo lắng cho những gì sắp sảy ra” chưa các bạn nhỉ?     
Chia sẽ thêm về tình hình của mẹ, em ứa nước mắt chia sẻ: “Hễ có người hỏi thăm mẹ, em đều bảo là mẹ em đã đở hơn nhiều và sắp được ra viện. Dẫu biết đó là  lời nói dối cho chính mình và mọi người  nhưng em vẫn nghĩ lời nói ấy sẽ không làm hao mòn đi tinh thần lạc quan trong em và sẽ giúp mọi người bớt lo lắng hơn. Và có thể, biết đâu rằng, lời nói dối ấy không may lại trở thành hiện thực. Và mẹ em sẽ khỏe lại.  Em luôn tin tưởng như vậy…”     
Nghe câu “biết đâu lời nói dối ấy không may lại trở thành hiện thực” sao mà tôi thấy đau nhói lòng. Càng thương cho hoàn cảnh khó khăn của em tôi lại càng nể phục ý chỉ nghị lực của em bấy nhiêu. Có thể đó chính là cái ước mơ to nhất hiện tại của em. Mặc dù biết em buồn, nhưng tôi cũng cố hỏi thêm ước mơ sau này của em, để động viên em và được em chia sẻ:    
“Từ  chính bản thân mình cũng như em đã từng chứng kiến nhiều học sinh có hoàn cảnh khác, em đã thấu hiểu được những vất vả và sự thiếu thốn trong điều kiện học hành cũng như trong cuộc sống. Em mong muốn là tất cả học sinh trên mọi miền đất nước này đều sẽ có cuộc sống tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn. Em mơ ước sau này sẽ trở thành một nhân viên ngoại giao, được làm việc với các tổ chức trong nước cũng như nước ngoài và các tập đoàn, công ty du lịch lữ hành. Vì đó  là cơ hội để em có thể tiếp xúc, gặp gỡ được nhiều người, được đến nhiều quốc gia và những vùng đất khác nhau. Nhờ đó, em sẽ mở mang thêm kiến thức, hiểu biết về nhiều nền văn hóa phong phú khác nhau trong nước và trên thế giới. Không chỉ vậy, khi đó nhờ vào những mối quan hệ rộng với nhiều tổ chức, tập đoàn em sẽ có cơ hội để kêu gọi thêm nhiều tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em hiện tại, và những người già ngheo đơn cũng như những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo…Khi đó em sẽ phần nào báo đáp lại công ơn giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm đã chấp cánh cho ước mơ, thắp sáng niềm tin và sự nổ lực trong em. Thêm vào đó, em hi vọng với một phần công sức nhỏ nhoi của em, các học sinh cũng như các gia đình khó khăn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sẽ không còn những em nhỏ phải đi lang thang nơi đường phố vào những đêm khuya, và cũng sẽ không còn những học sinh phải sống trong cảnh thiệt thòi, thiếu thốn khi các em không biết tương lai ngày mai sẽ như thế nào, lo sợ rằng không biết sáng hôm sau mình có còn được đến trường như các bạn không vì  hoàn cảnh gia đình hiện tại quá khó khăn, thiếu thốn…Em hi vọng những ước mơ đó sẽ trở thành hiện thực.”
Qua buổi nói chuyện, tôi quyết định mua tặng cho em một cái quạt, trước hết có thể đưa về viện để quạt cho mẹ, sau đó, với cái hi vọng lời nói dối của em sẽ trở thành hiện thực thì cái quạt có thể giúp em xua đi phần nào cái nóng, để em có thể chuyên tâm hơn trong học tập.
Sau buổi nói chuyện, tôi trao đổi lại với Anh Đặng Thọ Dũng, Chủ tịch quỹ học bổng Ước Mơ Nhỏ. Dù kinh phí rất khó khăn nhưng anh Dũng cũng kịp thời quyết định trích cấp kịp thời 3.000.000 đồng gửi đến em học sinh hiếu học, hiếu hạnh và học giỏi Lê Thị Lệ.
Ngày hôm sau, tôi cầm trong tay 3.000.000 đ vội vàng đến trao cho em Lệ.
Em hết sức mừng khi thấy tôi đến, cầm trong tay phong bì Ước mơ nhỏ. Trao cho em, tôi căn dặn, nhớ dùng tiền để lo cho việc học tập của em tốt hơn nhé, cần việc gì cứ báo cho thầy, thầy sẽ cố gắng giúp đỡ trong khả năng của mình”.    
Nói cho công bằng, tôi cũng đang tự dối mình, vì tôi biết, số tiền đó, ngoài việc học thì em còn lo cho mẹ em đang nằm viện nữa.
Cũng trong dịp này, tôi tích cực liên hệ một số quỹ từ thiện để xin hỗ trợ. Quỹ từ thiện “Nhờ Ơn Phật” cũng quyết định trao hỗ trợ trực tiếp 2 triệu đồng cùng ngày, và một số Phật tử, nhà hảo tâm. Dù biết sẽ vơi bớt phần nào khó khăn cho em nhưng ắc hẳn là không đủ.  
Nhân đây, tôi cũng muốn kêu gọi các nhà hảo tâm quan tâm, chia sẻ với gia đình em Lệ. Thay mặt em, tôi xin chân thành cám ơn quí vị. 
Cuối cùng, tôi cũng cầu mong mẹ em sẽ khỏe lại, mong ước của em sẽ trở thành hiện thực.
Hoàn cảnh khó khăn... 
 Tài sản đáng giá nhất trong ngôi nhà

Góc học tập
Tác giả tặng quạt cho em Lệ
Bài và ảnh: Nguyễn Trọng 
 Theo http://uocmonho.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...