Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Mùa xuân nguồn cảm hứng của các nhạc sĩ

Mùa xuân nguồn cảm hứng của các nhạc sĩ
Puskin, mặt trời của thơ ca Nga, đã từng thốt lên: “Mùa xuân là mùa yêu đương”, tôi thêm vào: mùa xuân còn là mùa của hy vọng, ước mơ và hoài bão lớn. Ở khía cạnh này, mùa xuân đã tạo ra những thăng hoa, gợi cho người nghệ sĩ niềm đam mê sáng tạo.
Xuân gõ cửa mọi trái tim, thức dậy mọi cuộc đời, làm đẹp tươi đất nước. Những cung bậc tình cảm, những thay đổi trong chặng đường đi lên của dân tộc đã và đang được các nhạc sĩ ghi lại bằng những ký âm, giai điệu đi cùng năm tháng, làm cho mỗi người lắng nghe, cùng chia sẻ, phấn khởi và tin yêu hơn.
Ai đã một lần nghe ca khúc Xuân chiến khu của nhạc sĩ Xuân Hồng, giai điệu hơi nhanh, vui nhộn, lại không tự hào về một “thời hoa đỏ”, những  tháng năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Tuy ở chiến khu, nhưng lòng người chiến sĩ đầy xuân, xuân của đất trời, xuân dân tộc: “Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi. Mùa xuân về trong chiến khu, gió đưa cây rừng xanh lá vi vu ú ú u như hát mừng mùa xuân thắng lợi... Xuân chiến khu nhớ tình làng quê xóm cũ, quyết lòng diệt tan kẻ thù, toàn dân ta hưởng trọn mùa xuân.” Biểu tượng Trường Sơn đã đi vào lời hiệu triệu giữ nước của Bác Hồ, đi vào thơ, vào nhạc, sống mãi trong lòng của các thế hệ. Bài ca Trường Sơn (nhạc: Trần Chung, lời: thơ Gia Dũng) mãi mãi là một khúc ca hoành tráng, lãng mạn về một thời:”Trường Sơn Đông nắng Tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình” (Tố Hữu), và mỗi lần nghe lại vẫn muốn nghe thêm, bởi giai điệu hành khúc nhắc ta phải hội nhập, tiến bước: “Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi! Đèo vút cao vượt qua mây gió. Đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân. Đi ta đi những trai làng Phù Đổng. Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân. ...Trường Sơn ơi! (ư ư) Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió. Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa. Đi ta đi tung cánh đại bàng, vang khúc nhạc lòng giải phóng (ư) miền Nam giải phóng (ư) miền Nam”. Những ca khúc đi cùng năm tháng, vang vọng bên tai ta như những đóm lửa sưởi ấm ta, nhắc nhở ta: hãy hát.
Nếu nhạc sĩ Cao Việt Bách đã mang đến cho chúng ta ca khúc sôi nổi Cung đàn mùa xuân (phỏng thơ Lưu Trọng Lư) với quan niệm mùa xuân không chỉ là mùa hoa mà là mùa vui, mùa của những bước thênh thang, lộng gió: “Em ơi vút lên một tiếng đàn. Kìa đàn đã so dây phím đàn đã lựa (ơ ơ). Đất nước mình xôn xao mùa vui đang nở rộ. Bình minh chiến thắng reo ca. Xuân về non nước bao la”; thì Xuân Hồng dâng tặng ta khúc ca bất tử: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, nhịp vừa phải, nhiệt tình, ngợi ca thành phố mang tên Bác, thành phố phát triển năng động nhất nước, đã từng được xem là “Hòn ngọt viễn đông”: “Thành phố Hồ Chí Minh năm nay, mùa xuân về rợp bóng cờ bay. Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé, chợ thêm đông chợ vui Bến Thành...Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình.”
Tôi đã nghe rất nhiều lần ca khúc: Đường tàu mùa xuân của Phạm Minh Tuấn, nhưng vẫn cứ thích nghe, phải vì biểu tượng tươi nguyên, trong sáng, hùng dũng, khí phách Phù Đổng, cháu con Bác Hồ mà giai điệu ngọt ngào khó quên: “Năm xưa anh phá núi em mở đường trên đỉnh Trường Sơn đồi núi trập trùng.
Năm nay cũng những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống. Tự hào nào bao cô gái, tự hào nào những chàng trai. Tuổi thanh xuân sức như Phù Đổng cháu con của Bác Hồ đi mở đường tàu thống nhất quê hương.”; và giai điệu dâng lên, khiến ta thêm tin yêu để sống “Bạn ơi! Tất cả vì tương lai mai sau quê mẹ đẹp giàu. Đường tàu ta thắm bao tình nghĩa, tàu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng”. Nhưng rồi, không ai khác, chính nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng đã đánh thức ta: hãy đừng quên những gì đã qua, hãy tin, hãy sống cho xứng đáng cùng mùa xuân. Với ca khúc Mùa xuân (phỏng thơ Êlena Sưpơman), hát như nói, thật sự xúc động mãnh liệt, mang đầy kịch tính, ca khúc mang tính nhân văn sâu sắc: “Điều đó rồi xảy ra. Em biết và em biết. Một mai anh chiến thắng trở về. Đôi vai gầy và đôi mắt sâu. Tóc đã điểm bạc. Làn da nay rám màu sương gió Ơ ơ ơ ơ ơ ơ. Bởi chiến tranh. Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa. Và từ đấy. Em nhận ra anh và từ đấy em nhận ra anh không phải trong thơ không phải trong mơ. Em chồm dậy chạy đến rồi khóc. Anh người chiến sĩ. Và chiếc áo năm tháng dãi dầu. Anh người chiến sĩ. Và chiếc áo mưa nắng bạc màu. Đôi tay bâng khuâng. Nâng cành hoa tím. Và anh nói tặng em mùa xuân.”.
Mùa xuân đã làm nên bao điều kỳ diệu, tạo ra những cảm xúc ngọt ngào để người nghệ sĩ có những phút thăng hoa, sáng tạo. Nhiều nhạc sĩ viết về mùa xuân, nhiều ca khúc vẫn còn được công chúng hát mãi. Trong số này, Bến xuân của ông hoàng âm nhạc Văn Cao vẫn còn lay động bao thế hệ “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân. Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u u u u ú. Cành đào chen nắng chan hòa. Chim ca thương mến chim ngân nga u u u u u. Hồn mùa xuân ngây ngất trầm vương”. Và cũng chẳng hiểu nữa, Trịnh Công Sơn vẫn cứ mãi bên đời, giai điệu nhẹ nhàng, bỗng thoát lan tràn trong không gian như khúc hát ru da diết “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng. Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài, trôi mãi trôi trên ngàn năm”. Lan man cùng giai điệu mùa xuân, nếu vậy thì hẳn sẽ thiếu nhiều tên tuổi không có mặt trong bài viết ngắn này nên tôi muốn điểm giúp các bạn những khúc ca hành trình cùng chúng ta trong những năm tháng tiếp theo: Đi qua vùng cỏ non (Trần Long Ẩn), Bến cảng quê hương tôi (Hồ bắc), Chiều xuân (Ngọc Châu), Mùa xuân đến rồi đó (Trần Chung), Đường chúng ta đi (nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách), Em đi chùa Hương (nhạc Trung Đức, lời thơ Nguyễn Nhược Pháp), Sông Dak Krông mùa xuân về (Tố Hải), Cùng hành quân giữa mùa xuân (Cẩm La), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Cô gái Pa Kô (Huy Thục), Mùa xuân gọi (Trần Tiến), Mùa xuân cô nuôi dạy trẻ (Nguyễn Văn Tý), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân)...và từ đó, chúng ta bắt đầu hát về mùa xuân mới.
Bùi Minh Vũ
Theo http://buiminhvu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải Cô thấy cả bốn  bạn “ứng cử viên” đều là những bạn học tốt, xứng đáng tham gia Ban Cán ...