Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Chùm truyện viết cho
thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Cô thấy cả bốn  bạn “ứng cử viên” đều là những bạn học tốt, xứng đáng tham gia Ban Cán sự lớp. Trong số bốn bạn này sẽ có một bạn là Lớp trưởng, ba bạn khác là lớp phó. Nhưng trước mắt từng bạn sẽ tập làm lớp trưởng trong một tuần lễ. Sau đó cô sẽ xem xét để chọn lớp trưởng cho cả năm học. Tuần lễ đầu tiên, cô cử bạn Phương làm lớp trưởng. Bảy giờ tối nay, bốn bạn trong Ban Cán sự lớp sẽ mở máy vào phòng học để họp với cô. Cô sẽ giao nhiệm vụ cụ thể và hướng dẫn cho từng bạn làm việc của mình. Nào, bây giờ thì lớp ta vào học bài học mới hôm nay…
BỆNH NHƯNG KHÔNG NGHỈ HỌC
Sáng sớm ngày hôm sau, vừa thức dậy, Phương đã mở cửa qua phòng bên nhưng bố mẹ đã bảo phải đeo khẩu trang mới được đi nhanh qua để làm vệ sinh buổi sáng. Bố đo nhiệt độ cho Phương, thấy còn dưới 37 độ. Bố hỏi:
– Con thấy trong người có khỏe không?
– Dạ. Con thấy khỏe hơn tối qua.
– Vậy thì uống thuốc, ăn sáng rồi chuẩn bị vào lớp học.
Phương hỏi mẹ:
– Em Quỳnh đã dậy chưa ạ?
– Chưa! Em vẫn còn ngủ.
– Con nhớ em Quỳnh quá. Cho con xuống phòng bà nội nhìn em một lúc đi…
– Không được! Con muốn em bị lây bệnh à?
– Đâu có! Con chỉ muốn nhìn em thôi…
Phương bắt đầu phải sinh hoạt một mình. Ba mẹ đi làm, ông nội vẫn kèm Phương vào lớp trực tuyến. Nhờ cửa thông hai phòng là cửa kính nên ông ngồi bên ngoài cửa vẫn nhìn thấy Phương ngồi học bên trong. Phương cũng nhìn thấy ông nên yên tâm học.
Trên màn hình, cô điểm danh lớp học. Cô hỏi Phương:
– Phương có khỏe không mà vẫn vào lớp học vậy?
Phương bấm nút “Mic” để trả lời cô:
– Thưa cô con đã bớt sốt nên xin cô cho con vào học ạ.
– Cô biểu dương Phương có tinh thần ham học. Tuy nhiên nếu thấy mệt thì con cứ báo cho cô biết rồi nghỉ học nhé!
Tiết học môn Tiếng Việt qua bài vần khó hơn, gồm ba âm. Đó là vần ang, ăng, âng. Phương vốn học môn tiếng Việt được cô khen nên tập đọc ba vần này dễ dàng. Thì ra vần không chỉ có hai âm mà còn có đến ba âm. Lúc nghỉ giải lao, Phương hỏi ông nội:
– Thế có vần bốn âm không ông nội ơi?
– Có chứ. Từ từ rồi con sẽ được học.
– Nhưng con muốn biết trước một vần có bốn âm. Ông nội ví dụ cho con biết đi…
– Thì… Như tên của con đó. Vần là ư, ơ, ngờ ương. Có vần ương, muốn có tiếng Phương, ta thêm âm gì?
– Dạ. Ta thêm âm đôi Phờ phía trước. Phờ ương phương, Phương! Hay quá ông nội ơi!
Phương nói như reo.
Niềm vui giúp Phương thấy trong người khỏe hơn hẳn.
Mười giờ rưỡi là xong buổi học. Phương chào cô, chào các bạn rồi tắt máy. Ông nội cũng đi xuống nhà dưới sau khi động viên Phương ở lại một mình, nghỉ ngơi hay xem phim hoạt hình một lúc. Sau đó Phương lấy đồ chơi ra chơi một mình thêm một lúc nữa. Cuối cùng Phương lăn ra… ngủ!
Ở MỘT MÌNH BUỒN ƠI LÀ BUỒN!
Chưa bao giờ Phương phải ở một mình trong một phòng riêng như lần này. Ngoài giờ học trực tuyến ra, Phương chỉ còn biết mở máy truyền hình xem phim hoạt hình. Nhưng bà nội bảo không được xem nhiều, sẽ hại mắt. Ông nội thì thỉnh thoảng lại lên lầu kiểm tra xem Phương đang làm gì. Thấy Phương xem truyền hình lâu quá là ông bảo tắt ngay, lấy sách giáo khoa ra tập đọc hay lấy tập vở ra tập viết. Phương không dám cãi, mau chóng làm theo lời ông. Ông đưa cho Phương một quyển truyện mỏng, bảo đọc dần. Chữ nào không đọc được hay không hiểu thì hỏi, ông sẽ hướng dẫn hoặc giải thích. Chán đọc thì nằm ngủ cho mau khỏe.
Nhờ đã viết bài buổi chiều nên buổi tối, sau khi cả nhà cơm nước xong, Phương chỉ còn đọc bài cho bố ghi âm, ghi hình gửi cho cô là xong. Tuy vậy, thời gian trống trải lại khiến Phương thấy buồn ơi là buồn. Phương chỉ chờ em Quỳnh ngủ, mẹ lên lầu để hai mẹ con nói chuyện với nhau từ hai phòng kế bên nhau, cách một cánh cửa kính.
May là khoảng mười giờ, khi đã ngủ được thì Phương ngủ một mạch đến sáu giờ sáng. Đeo khẩu trang đi nhanh qua phòng vệ sinh trở về, Phương đã thấy phần ăn sáng của mình được dọn sẵn trên chiếc bàn thấp. Ngồi ăn một mình ngày ba bữa sáng, trưa, chiều, nhiều lúc Phương khóc một mình.
Mẹ an ủi:
– Cố gắng đi con. Vài hôm nữa hết bệnh, con lại được ngồi ăn với gia đình…
Không cố gắng thì Phương biết làm sao bây giờ.
NGÀY KIỂM TRA HỌC KỲ MỘT SẮP ĐẾN
Phương hỏi bố:
– Đến ngày kiểm tra thì con đã khỏi bệnh chưa hả bố?
– Bố cũng chưa biết nữa. Nếu con khỏe thì dự kiểm tra, còn mệt thì bố xin cô cho phép không tham dự…
– Không được đâu! Con phải dự kiểm tra…
– Vậy thì con phải chăm uống thuốc, chăm ăn cơm, uống sữa để có sức khỏe.
Mẹ lúc nào cũng an ủi Phương:
– Mẹ chắc là con sẽ khỏe để dự kiểm tra mà. Xong kiểm tra, con sẽ hết bệnh để còn dự thôi nôi em Quỳnh nữa chứ!
– Ôi! Thích quá! Hôm ấy em Quỳnh được mặc váy đẹp, con cũng mặc váy đẹp nữa… Mà… có bánh kem không hả mẹ? Con thèm ăn bánh kem lắm…
– Chắc chắn là sẽ có. Nhưng trước hết con phải khỏi bệnh, dự kiểm tra học kỳ có kết quả tốt.
Phương chăm đọc bài hơn. Ngày nào ông nội cũng khen. Khi Phương đọc bài có tên Đà Lạt, ông hỏi:
– Con có biết Đà Lạt là gì không? Đà Lạt ở đâu không?
– Con không biết.
– Con đã từng đi Đà Lạt với bố mẹ mà chắc vì lúc ấy còn nhỏ, con không nhớ đó thôi. Đà Lạt là tên một thành phố du lịch. Đà Lạt có đặc điểm là trồng rất nhiều hoa, có rừng thông và thời tiết lạnh. Hết dịch rồi, nhà mình sẽ tổ chức đi Đà Lạt chơi. Con có thích không?
– Con thích lắm…
Được ông nội giải thích về Đà Lạt, Phưong thấy bài tập đọc có ý nghĩa hơn, đọc lên nghe thích thú hơn.
Trước ngày kiểm tra học kỳ, bố làm “tét nhanh” cho Phương. Bố vui mừng thông báo cho cả nhà biết là Phương đã âm tính. Nhưng vẫn phải kiêng thêm một tuần nữa theo quy định.
Phương vui lắm. Kiêng thêm một tuần nữa, phải tiếp tục ở một mình một phòng thêm bảy ngày nữa, bây giờ thì chẳng sao cả. Vì điều quan trọng nhất là Phương được dự kiểm tra học kỳ. Phương mong được biết mình có kết quả học tập thế nào. Phương đã cố gắng lắm mà!
EM QUỲNH BỊ SỐT
Trước ngày kiểm tra của Phương thì em Quỳnh bị sốt. Cả nhà ai cũng lo lắng.
Việc đầu tiên là mẹ làm “tét nhanh” cho em Quỳnh. Phương biết là người lớn lo em Quỳnh bị lây bệnh cúm từ Phương. Nếu đúng như vậy thì Phương có lỗi lớn lắm. Mà chẳng lẽ Phương chỉ đứng bên ngoài cửa sổ nhìn em ở trong phòng bà nội mà cũng lây bệnh cho em sao?
May quá, em không bị dương tính. Đúng buổi sáng Phương chuẩn bị vào lớp dự kiểm tra thì em giảm sốt. Cùng lúc, mẹ phát hiện em mọc thêm hai cái răng phía trong miệng. Thì ra em bị sốt do mọc răng mới thôi.
Cả nhà thở phào. Phương cũng yên tâm sẵn sàng dự buổi kiểm tra.
PHƯƠNG ĐỌC BÀI THƠ MÈO CON ĐI HỌC
Sáng ngày kiểm tra học kỳ của Phương, bố xin phép nghỉ để ở nhà chụp lại bài viết Tiếng Việt và bài tập môn Toán gửi cô. Thực ra việc này ông nội cũng làm được nhưng vì mắt ông nhìn kém nên nếu làm sẽ không tốt bằng bố.
Tám giờ thì bắt đầu vào kiểm tra nhưng bảy giờ rưỡi Phương đã “vào lớp” để nghe cô phổ biến nội quy. Bố ngồi bên kia cửa kính, chỗ của ông nội ngồi thời gian Phương phải cách ly. Khi Phương quay ra nhìn bố một tí, Phương thấy bố đưa ngón tay cái lên, nheo mắt với mình. Phương hiểu rồi. Bố đang động viên Phương “Cố lên!”.
Hai môn Toán và Tiếng Việt viết được cho bài làm trước vì cả lớp ngồi làm đồng loạt. Cả hai môn này Phương đều hoàn thành trước thời hạn nên có thời gian tự kiểm tra lại bài làm của mình.
Môn Tiếng Việt đọc được kiểm tra cuối cùng vì học trò phải thi riêng từng đứa. Bài nào cũng có thời hạn chứ không phải như lúc ôn tập dù đọc chậm nhưng cứ đọc đến hết là được. Vì vậy nhiều bạn đọc chậm, đọc chưa hết bài đã hết giờ. Cô lần lượt gọi tên theo vần. Số thứ tự trong lớp của Phương là 26 và Phương phải đọc bài thơ “Mèo con đi học”. Hay quá! Đây là bài Phương đã học trong sách giáo khoa, đã được cô khen là đọc tốt.
“Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì… ”
Phương đọc đúng vần ANG ở hai tiếng “Chang chang” chứ không như vài bạn đọc sai là “Chan chan” khi ôn tập. Sau khi đọc xong, cô hỏi một câu: “Mèo con mang theo những gì?”. Phương trả lời ngay: “Mèo con mang theo bút chì và một mẩu bánh mì”. Những tức là phải nhiều hơn một. và ở đây là hai!
Vậy là Phương hoàn thành buổi kiểm tra hoàn toàn như ý. Bố khen Phương. Ông nội lên lầu xem tình hình, nghe bố kể cũng khen Phương.
Được khen Phương rất thích!
– Thế liệu con có được đánh giá là Tốt không hả bố?
– Bài kiểm tra mới là một phần kết quả thôi con à. Cô còn kết hợp với kết quả các buổi học trực tuyến mới đưa ra đánh giá cuối cùng. Mình phải chờ…
Chờ ư? Hồi hộp quá…
THÔI NÔI EM QUỲNH
Bố mẹ tổ chức lễ thôi nôi cho em Quỳnh ở một phòng rộng của quán ăn Phát Đạt. Đây là quán ăn quen thuộc của gia dình Phương mỗi khi nhà có việc gì cần đãi khách.
Thật vừa vặn làm sao khi Phương đã hết hẳn bệnh cúm trước đó ba ngày. Lên tắc xi cùng cả nhà đi qua quán, Phương đeo khẩu trang như mọi người, vào trong phòng mới mở ra.
Trong phòng, nhà quán trang trí một tấm phông có dòng chữ “Chúc mừng thôi nôi bé Quỳnh”, phía trước có treo nhiều quả bong bóng bay và bong bóng thường, đủ màu sắc.
Mọi người tranh thủ chụp ảnh với em Quỳnh. Buổi này, em được mẹ mặc cho cái áo đầm màu hồng mới mua, mái tóc lơ thơ được cột hai túm chòng lên nhìn rất lạ mắt. Em được đeo sợi dây chuyền vàng nhỏ xíu của Phương cho mượn, hai tay đeo hai chiếc vòng, chân đi giày cũng màu hồng. Phần Phương, Phương cũg mặc váy, đi giày cùng màu hồng như em. Hai chị em thì phải giống nhau chứ lỵ.
Đầu tiên em Quỳnh được mẹ bế, chụp ảnh với gia đình nhỏ bốn người của em. Kế là em chụp với ông bà nội. Bà nội tặng em một sợi dây chuyền như của Phương. Ông  nội thì tặng một bao thư (Tò mò lắm! Không biết có bao nhiêu tiền trong ấy?). Kế nữa là em Quỳnh chụp với gia đình bác Phụng thuê xe từ Sài Gòn về, gia đình cô Liên, gia đình chú Trung, cô Tú… Ông bà ngoại và gia đình má Ba đến sau cũng lần lượt chụp ảnh và tặng quà em Quỳnh. Tất nhiên là em chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra và cái bao thư nào được tặng em cũng chỉ cầm trong tay một tí xíu rồi… ném đi. Phương là người nhặt các bao thư lên, giữ cẩn thận cho em. Mẹ đã mua sẵn cho em con heo đất để dành tiên mừng thôi nôi.
Thôi nôi chưa phải là sinh nhật tròn một tuổi nhưng mọi người vẫn vỗ tay hát bài “Hép Py Bơớc đê”. Nghe hát là em Quỳnh ngồi trên chiếc ghế riêng của mình mà bố đem theo, miệng cười toe, đầu gật gù, hai tay vỗ mãi.
Có các anh chị bên nội, bên ngoại, Phương rất vui. Xem như bù đắp cho hai tuần lễ phải sống cách ly. Giờ này nhớ lại những ngày buồn ấy mà rùng mình. Dù sao Phương cũng đã vượt qua bệnh cúm, vượt qua buổi kiểm tra học kỳ.
Trên bàn có quá nhiều món ăn. Đám trẻ có mấy món ăn riêng như khoai tây chiên, mì xào lòng, cơm chiên thập cẩm, bánh phồng tôm… Ngồi chung một góc bàn, Phương cùng anh chị em hào hứng ăn các món ưa thích, uống nước ngọt. Hôm nay được tự do ăn, tự do uống, không gì thích bằng. Đám trẻ lại thi nhau ăn nên trong khi những người lớn mới ăn được một nửa thực đơn thì trẻ con đã xong bữa, đòi ăn bánh kem.
Bà nội nói với Phương:
– Bữa cơm nào ở nhà, con cũng ăn chậm nhất. Sao hôm nay lại ăn nhanh thế?
Phương chẳng biết phải trả lời thế nào.
Ừ nhỉ! Tại sao lại thế nhỉ!
PHƯƠNG NÓI THẬT
Buổi học sáng đầu tuần, trong giờ ôn bài cô hỏi:
– Trong hai ngày nghỉ tuần trước, cô đã dặn là bắt đầu từ tuần này các con chỉ phải tập viết rồi nhờ phụ huynh chụp bài viết gửi cho cô xem. Còn việc tập đọc thì không phải ghi âm gửi nữa mà chỉ đọc cho phụ huynh nghe thôi. Cô đã nhận được bài tập viết của cả lớp. Nhưng cô biết chắc là có một số bạn đã không đọc bài cho phụ huynh nghe. Vậy cô hỏi, các con phải thành thật trả lời cho cô biết, là những ai đã không đọc bài? Ai không đọc thì giơ tay lên.
Phương nhìn vào màn hình, thấy vài bạn giơ tay. Phương cũng giơ tay. Cô đọc tên những bạn tự nhận là không đọc bài mà tên của Phương được đọc đầu tiên. Xong, cô nói:
– Trước hết cô biểu dương mấy bạn đã tự giác nhận lỗi. Mình làm lỗi, làm sai thì thành thật nhận, vậy là rất đáng khen. Nhưng các bạn này đều phải nhận sự phê bình nghiêm khắc của cô vì đã không thực hiện điều cô dặn. Riêng bạn Phương sao lại không đọc bài cho phụ huynh nghe? Phương là một trong các bạn đọc giỏi nhưng không vì thế mà không làm theo lời cô dặn. Hay là hôm qua mải dự thôi nôi của em mà quên? Thế bây giờ cô muốn nghe bạn Phương đọc bài, con có đọc được không?
– Dạ thưa cô, con xin lỗi. Con sẽ đọc bài ngay đây ạ.
Phương mở sách, đọc to, rõ ràng và đúng toàn bài tập đọc.
Cô nói:
– Trước hết, cô ghi nhận là bạn Phương đã thành thật nhận thiếu sót của mình và biết xin lỗi. Thứ nhì, cô khen con đọc tốt. lưu loát. Từ nay, con phải nhớ đọc bài ở nhà cho phụ huynh nghe hàng ngày. Đành rằng con đã tập đọc tốt rồi nhưng nếu chịu khó luyện thêm thì sẽ đọc được hay và nhanh hơn nữa…
Ông nội ngồi kèm nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Vào giờ nghỉ giải lao, ông đã nhắc lại lời cô, khen Phương thành thật nhưng phê bình việc quên đọc bài cho bố mẹ nghe.  Ông nói thêm:
– Người xưa có nói: Văn ôn võ luyện. Học chữ, con cần phải ôn tập nhiều lần thì mới nhớ lâu được. Con nhớ đấy!
PHƯƠNG TẬP LÀM LỚP TRƯỞNG
Qua học kỳ Hai, cô cho họp lớp để bầu Ban Cán sự lớp gồm lớp trưởng và ba lớp phó. Trước khi bầu, cô cho biết Ban Cán sự lớp sẽ giúp cô một số việc để điều hành lớp học. Rồi cô hỏi:
– Bạn nào muốn làm lớp trưởng, lớp phó thì giơ cao tay lên.
Có đến… hơn nửa lớp giơ tay! Phương hơi ngần ngại rồi cũng tham gia.
Cô nói thêm:
– Làm lớp trưởng, lớp phó thì trước hết phải học tốt. Vậy bạn nào tự thấy mình học còn chưa tốt thì nên rút lui. Nhưng nếu vẫn muốn làm thì cứ tiếp tục giơ tay.
Hàng loạt cánh tay bỏ xuống. Cuối cùng chỉ còn bốn bạn, trong đó có Phương là đủ tự tin giữ ý kiến. Cô nói:
– Cô thấy cả bốn  bạn “ứng cử viên” đều là những bạn học tốt, xứng đáng tham gia Ban Cán sự lớp. Trong số bốn bạn này sẽ có một bạn là Lớp trưởng, ba bạn khác là lớp phó. Nhưng trước mắt từng bạn sẽ tập làm lớp trưởng trong một tuần lễ. Sau đó cô sẽ xem xét để chọn lớp trưởng cho cả năm học. Tuần lễ đầu tiên, cô cử bạn Phương làm lớp trưởng. Bảy giờ tối nay, bốn bạn trong Ban Cán sự lớp sẽ mở máy vào phòng học để họp với cô. Cô sẽ giao nhiệm vụ cụ thể và hướng dẫn cho từng bạn làm việc của mình. Nào, bây giờ thì lớp ta vào học bài học mới hôm nay…
Tan học, Phương xuống nhà khoe bà nội:
– Con được cô cho làm lớp trưởng đấy!
– Bà biết rồi. Ông nội vừa báo tin. Bà chúc mừng con nhé. Làm lớp trưởng là phải gương mẫu, phải cố gắng làm đúng, làm đủ những việc cô giao cho, nhớ chưa?
– Con biết rồi! Nhưng đến tối nay họp với cô con mới biết mình phải làm những việc gì… Hi hi… (Phương không nén nổi sự vui thích) Con cũng được họp với cô giống như bố họp với cô vậy…
Bảy giờ tối, cả nhà vừa cơm nước xong trước đó vài phút. Phương lên lầu, mở máy vào “phòng học”. Cô và ba bạn khác trong Ban Cán sự lớp cũng có mặt đúng giờ để họp.
Trước hết, cô chúc mừng Ban Cán sự lớp và động viên tất cả sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình. Kế đó, cô nói về nhiệm vụ chung của Ban Cán sự là giúp cô điều hành sinh hoạt của lớp học sao cho có trật tự, giúp các bạn tập trung học tập tốt hơn… Khi giao nhiệm vụ lớp trưởng, cô nói:
– Bạn Phương sẽ thay cô điểm danh các bạn trong lớp vào đầu giờ học để cuối cùng báo cho cô biết buổi học có bao nhiêu bạn có mặt, mấy bạn vào lớp trễ và bạn nào vắng mặt. Cô sẽ gửi danh sách lớp mình cho phụ huynh để in ra giấy giúp bạn Phương làm công việc điểm danh. Bạn Phương có tự tin mình sẽ làm được không?
– Dạ thưa cô, con sẽ làm được ạ…
Cô tiếp tục giao việc cho từng bạn lớp phó. Phương cùng lắng nghe để biết sau tuần lễ “thử việc” lớp trưởng đầu tiên, qua “thử việc” lớp phó, mình sẽ phải làm gì.
Dù tự tin nhưng Phương vẫn không tránh khỏi hồi hộp. Bình tĩnh – Tự tin – Chiến thắng! Phương nhớ đã được nghe câu này nhiều lần trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của các anh chị lớn trên truyền hình mà chính ông nội cũng còn thích xem. Phương cũng phải như thế thôi…
18/3/2024
Nguyễn Thái Hải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải Cô thấy cả bốn  bạn “ứng cử viên” đều là những bạn học tốt, xứng đáng tham gia Ban Cán ...