"Năm năm rồi không gặp,
Mười năm mất nhau chăng?
Có mất nhau không?"
Cũng đã gần năm năm rồi, kể từ ngày chia tay tạm biệt với Bác Duy, "ông
già hiện đại". Những ngày xa xưa ấy, tôi được hân hạnh biết Bác "in
person", lâu lâu lại nhà thăm Bác, lúc nào cũng thấy Bác cần mẫn ngồi trước
computer, lúc thì soạn bài nhạc, khi thì viết một trang web mới cho website của
Bác. Tôi không ngờ một ông cụ trên 80 tuổi mà có thể tự design các web pages bằng
notepad, hiểu biết cặn kẽ các tags đến như vậy! Sau này, khi đọc kỹ Hồi Ký Một,
thì chuyện này quá hiển nhiên, Ông đã biết mày mò tự lắp ráp các đồ điện tử từ
nhỏ.
Nghe nhạc Phạm Duy nhiều, đọc Hồi Ký và các chuyên luận khác như Ngàn Lời Ca
Khác (viết về Lời Việt Phạm Duy), nhất là sau khi bỏ ra nhiều thời gian rảnh rỗi
để nghiên cứu nhạc Phạm Duy, rồi đọc sách Anh Mỹ cùng so sánh chúng với các kỹ
thuật viết nhạc của PD, tôi cảm thấy rất khâm phục sức làm việc của ông. Tôi
cũng hay so sánh cách làm việc và sức sáng tạo của ông cùng với cách làm việc của
... tôi và các software tôi design cho hãng, thì tôi càng thấy nể ông rất nhiều.
Trong hơn mười năm qua, tôi có viết nhiều software về CAD, dùng để automate mấy
cái routines, thay vì phải vẽ bằng tay thì lâu lắc, tôi tự học rồi viết bằng
Lisp, C++, Java, v.v. nói chung là CAD software nào nó cho language gì thì mình
dùng cái đó để viết. Tôi viết rất nhiều routines như vậy, và cũng có rất nhiều
người trong hãng sử dụng software hằng ngày, và tôi cũng phải maintain và thêm
features khi họ cần. Nói chung là tôi rất tự hào với những software này, và
nâng niu chúng cũng giống như những hai đứa con thật ngoài đời của tôi vậy.
Trong mắt tôi, tôi nghĩ rằng những người sử dụng software của tôi không thể nào
ghét tôi được, cũng như họ không thể nào chỉ thích software của tôi mà không
thích tôi. Tôi và software của tôi là một, ai cần feature mới, cứ email cho
tôi, thường thì tôi chỉ dẫn ngay, nếu thêm được là tôi thêm liền, không nề hà.
Nói dài dòng như vậy, để bạn thấy nếu tôi coi trọng software tôi làm ra bao
nhiêu, tôi nghĩ nhạc sĩ Phạm Duy sẽ tự hào về những đứa con tinh thần của ông
nhiều gấp trăm lần, ngàn lần như vậy. Thử tưởng tượng một ngày nào đó software
của tôi không còn chạy được nữa, vì cả hãng đã bỏ sang Operating System của
Apple hay một variant của Unix, chắc là tôi buồn chết! Thành ra trong khi đang
nghe bài "Nghìn năm vẫn chưa quên" trong CD Vol 6. mới nhất, tôi liên
miên lan man nghĩ về dòng nhạc và con người Phạm Duy, sẽ có bất tử không, sẽ có
"nghìn năm vẫn chưa quên" hay không? Tôi cũng muốn "chủ
quan" mà nói rằng "nhạc sẽ bất tử", nhưng vì không có dữ kiện
khoa học (scientific data) để làm chứng, nhưng tôi tin là 6 CD vừa qua và CD
Vol 7 sắp tới là những hạt mầm rất tốt để gieo trồng những tuyệt phẩm của dòng
nhạc Phạm Duy cho những thế hệ nghe nhạc sắp tới vậy.
Ở trong ngành software, cũng như trong các ngành khác, có những tài liệu do các
bậc đàn anh đi trước sáng tạo ra, rồi những người sau dựa trên thành quả của người
đi trước mà làm mới nó, thêm vào nó, nói như thành ngữ Mỹ là lớp đi sau đứng
trên vai của các ông khổng lồ (standing on the shoulders of the giants). Các
sách học kinh điển như the "Mythical Man-Month" (Brooks),
"Design Patterns" (của GoF), "The C Programing Language"
(K&R) là những sách gối đầu giường của dân "nerds" như tôi.
Tương
tự như vậy, thế hệ tôi, rồi nay đến con tôi, khi học piano là phải học các tác
phẩm kinh điển từ dễ đến khó của Bach, Mozart, Beethoven, Clementi, Schumann,
v.v. Mới đây thôi, con tôi mới được học quyển Burgmueller với 25 bài tập piano,
tôi thấy ... ghen với nó quá, vì hồi nhỏ tôi không có sách này để học, chỉ biết
có Hanon và vài ba quyển Czerny mà thôi. Trở lại với nhạc Phạm Duy, từ nay người
nghe có thêm 70+ bài để tập, để nghe, để so sánh thế nào là nhạc hay, lời viết
hay. Nếu dùng nhạc Phạm Duy để làm chuẩn mực cho sự sáng tạo, cách khai triển
bài nhạc, cách đặt lời, v.v. thì Tân Nhạc Việt Nam quốc nội từ nay về sau chỉ
có đi lên chứ không thể nào đi xuống được. Bạn có thể thấy ngay từ trong các
bài soạn hòa âm trong các Vol từ 1 đến 6. Nhạc đã hay, hòa âm lại rất công phu
và sáng tạo, nên nghe rất "đã".
Được biết Bác vẫn mạnh khỏe, đang tịnh dưỡng, tôi rất mừng. Năm năm rồi không gặp,
mười năm vẫn chưa quên. "Ánh mắt với nụ cười" của Bác Duy vẫn còn đôn
hậu và tinh anh lắm, vẫn là hình ảnh thân thuộc ấy bên computer, hệt như năm
năm trước mỗi khi tôi đến nhà Bác ở Thị Trấn Giữa Đàng. Tôi chắc Bác rất vui vì
những đứa con tinh thần của Bác đã, đang, và sẽ luôn là hành trang của những người
hâm mộ nhạc Bác trong và ngoài cõi Việt Nam. Năm năm, mười năm, trăm năm, ngàn
năm, những con số có còn ý nghĩa không, một khi trong lòng người hâm mộ như tôi
nó đã là bất tử?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét