Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Vẻ đẹp
của Hà Nội đều tìm thấy trong âm nhạc
Đã viết những cuốn sách nghiên cứu phê bình âm nhạc như Phần
Nhạc mới trong bộ Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu – lý luận – phê bình
âm nhạc thế kỷ XX (2003), Giao hưởng một đời người (2007), Nhà
phê bình âm nhạc, anh là ai?(2008) và gần đây nhất là cuốn Đây Thăng
Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội (2009), Nguyễn Thị Minh Châu được đánh giá
là cây bút điêu luyện, sắc sảo hiếm thấy trong giới phê bình âm nhạc.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hàng chục năm xa Hà Nội, giờ
trở lại làm dân tạm trú ở Hà Nội, số phận luôn “buộc” vào chị những mối duyên nợ
với Hà Thành. Có thể thấy phần nào mối duyên nợ ấy trong cuộc trò chuyện với chị.
- Tại sao chị viết cuốn sách Đây Thăng Long, đây Đông
Đô, đây Hà Nội?
Nhiều người tin rằng Hà Nội là thành phố có nhiều ca khúc nhất
thế giới, thậm chí còn muốn thu gom cho đủ con số 1000 nhân dịp chào mừng 1000
năm Thăng Long - Hà Nội. Tôn vinh Hà Nội bằng cách chỉ chạy theo những con số thì
rõ là nhiễm căn bệnh thành tích rồi. Số lượng chưa nói được gì, điều quan trọng
là chất lượng nghệ thuật của cái số lượng ấy lại chưa được khám phá. Nói về bài
hát, các nhà bình luận thường dựa trên nội dung đề tài và “tán” theo lời ca, nửa
còn lại làm nên giá trị một ca khúc là ngôn ngữ âm nhạc lại luôn bị lờ đi.
Ngoài ra còn một mảng hết sức quan trọng là nhạc giao hưởng, thính phòng và hợp
xướng rất ít được nhắc tới. Chính khí nhạc mới là yếu tố quyết định cho âm nhạc
chuyên nghiệp Việt Nam hội nhập với diễn đàn quốc tế. Cuốn sách này
là bước đầu khám phá giá trị tượng đài Hà Nội bằng âm thanh không chỉ qua nghệ
thuật biểu hiện của lời ca, mà quan trọng hơn, đó là âm nhạc.
- Cảm nhận suốt chiều dài hơn 70 năm của các nhạc phẩm về Hà
Nội, liệu chị có thể phác vài nét về đề tài nội dung của bức tranh âm nhạc này?
Những nét đặc trưng của Hà Nội đều có thể tìm thấy trong âm
nhạc. Trước hết đây là thành phố sông hồ: sông Hồng như một biểu tượng quê
hương, hồ Gươm linh thiêng trong màu sắc huyền thoại, hồ Tây lãng mạn trong cảm
xúc tình yêu... Hà Nội còn là thành phố bốn mùa, trong đó mùa thu được nhắc tới
nhiều nhất vì liên quan đến những sự kiện lịch sử của Thủ đô và đó cũng là mùa
của tình yêu. Còn có rất nhiều hình ảnh tiêu biểu khác: phố phường Hà Nội xưa
và nay, thiếu nữ Hà Nội duyên dáng và dịu dàng, con người Tràng An hào hoa và
thanh lịch, truyền thống Hà Nội văn hiến và hào hùng...
- Và có thể thấy gì về ngôn ngữ âm nhạc trong tác phẩm về thủ
đô?
Nhờ số lượng phong phú nên chỉ riêng những tác phẩm về Hà Nội
cũng đã phản ánh những nét chính của nền âm nhạc mới Việt Nam. Trước hết
là tính phổ cập và chất ca xướng nhờ sử dụng chất liệu dân ca. Vì là nơi hội tụ
tinh hoa đất nước nên ở đây gặp đủ mặt dân ca dân vũ của ba miền Bắc - Trung - Nam.
Xuất hiện nhiều hơn cả là phong cách ả đào, dù ca trù không phải là “đặc sản”
riêng của Hà thành, có lẽ cái chất ngâm ngợi, sâu lắng và tinh tế của ca trù rất
hợp với tính cách người Hà Nội xưa.
Tính đại chúng và tính thời sự cũng được thấy rõ trong cách sử
dụng giai điệu ca khúc trong tác phẩm khí nhạc. Và còn một đặc điểm rất Việt Nam,
đó là ngữ điệu tiếng nói có thể biến thành giai điệu âm nhạc không lời.
- Có những tác giả, tác phẩm viết về Hà Nội mà
chị đặc biệt yêu quí không?
- Tựa đề Đây thăng long, đây Đông Đô, đây Hà Nội được
lấy từ bài hát Người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Đình Thi, người bố dượng
mà chị yêu quí như cha ruột. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm về ông?
Tôi gần ông và chịu ảnh hưởng từ ông nhiều hơn ba ruột. Ông
là người Hà Nội gốc, một người “rất Hà Nội”: nho nhã, sâu sắc, uyên bác, khiêm
nhường, kín đáo... Ông muốn giữ những kỉ niệm riêng tư cho riêng mình. Tôi giống
ông ở điểm này. Nếu nhất định phải chia sẻ thì tôi chỉ có thể kể lại chi tiết
mà tôi đã nói trong cuốn Đây Thăng long, đây Đông Đô, đây Hà Nội... Vào
những ngày cuối trước khi hôn mê ông có dặn tôi nhiều thứ và trong câu chuyện lộn
xộn đó ông có nhắc đếnNgười Hà Nội. Ông mong được trả lại câu kết như bản
gốc chứ đừng thêm cái từ “chiến thắng!” cao vút lên như người ta vẫn hát.
- Còn kỉ niệm về Hà Nội?
Với tôi, Hà Nội là tuổi thơ, là mối tình đầu và có lẽ cũng là
mối tình cuối.
- Hà Nội đã mở rộng, những con đường chật ních người, một Hà
Nội dịu dàng, trầm lắng thì có lẽ chỉ còn trong hoài niệm. Hà Nội giờ đây có
còn chút “chất nhạc” nào gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ không?
Trong chiến tranh Hà Nội đâu có êm đềm nên thơ mà vẫn gợi cảm
hứng cho bao tuyệt phẩm. Dù có ồn ào pha tạp đến đâu thì cuộc sống vẫn đầy ắp
những rung động với đủ cung bậc của những hỉ-nộ-ái-ố. Âm nhạc là phương tiện thể
hiện ra những cảm xúc đó.
- Các bài hát về Hà Nội nổi tiếng phần lớn là những tác phẩm
của những thế hệ trước. Gần đây, các nhạc sĩ trẻ có cho ra tác phẩm nào về Hà Nội
đáng nghe không?
Khẳng định bây giờ không có tác phẩm hay như thời trước e rằng
vội vã. So với trước kia, sáng tác hiện nay nói chung và về Hà Nội nói riêng rõ
ràng phong phú hơn không chỉ về số lượng mà cả về phong cách và ngôn ngữ biểu
hiện. Được tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài, các nhạc sĩ trẻ luôn tìm
tòi thử nghiệm để ngày càng vững vàng hơn trong việc chứng tỏ cái tôi của mình,
nhất là trong sáng tác khí nhạc chuyên nghiệp. Cái thiếu là môi trường kích lệ
sáng tạo và sự hỗ trợ đưa những tác phẩm chuyên nghiệp đến với công chúng. Chỉ
khi tác phẩm được sống bằng âm thanh thực sự thì mới có thể biết nó đáng nghe
hay không. Và thời gian sẽ trả lời tác phẩm có giá trị bền lâu hay không.
- Kỹ sư hay nhìn đời bằng con mắt của những khối hình, nhà
toán học thì nhìn đâu cũng thấy logic, thế còn chị, một người đeo đuổi âm nhạc,
đã từng cảm nhận cuộc sống đất Hà Thành như những giai điệu bao giờ chưa?
Chẳng những đã từng, mà còn nhiều lần. Tôi đối mặt với những
“bức bối” bằng cách viết ca khúc cho riêng mình. Không ít lần giai điệu đã nảy
ra trên đường đi và bài hát đã ra đời ngay trên đường phố Hà Nội. Một trong những
bài hát không công bố đó có đoạn thế này: Cứ đi cho đời ta/ Biết thế gian gần
xa/ Đến khi nào nhận ra/ Không đâu bằng ở nhà. “Nhà” đây chính là Hà Nội.
- Chỉ một từ thôi, Hà Nội trong mắt Nguyễn Thị Minh Châu là
gì?
Là từ NHÀ viết hoa.
- Cám ơn chị vì những chia sẻ của mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét