Tháng giêng Đà Lạt mưa phùn
Ngồi cà phê quán cóc, nhìn mưa phùn như tơ kéo qua xứ núi thì
không có thú vị nào bằng. Hoặc cảm giác hơn, là cùng với bạn gái đi trong mưa
phùn lắc thắc, để nghe mưa hôn trên tóc, trên môi, trên mắt; nếm được hương vị
của kỳ hoa dị thảo tỏa ra trong mưa.
Mưa phùn sẽ bắt người ta dừng lại,
nhìn ngắm và phủi phê tà áo, mơn trớn hạt mưa li ti đậu trên khăn, trên ve áo
len hồng, vàng, xanh, đỏ, tím…Để tận trong sâu thẳm con người, một nỗi nhớ dịu
dàng và mong manh lại bắt đầu da diết về Đà Lạt…
Đà Lạt là vùng khí hậu bất chợt, người
ta thường nói trong mỗi ngày có bốn mùa xảy ra. Đó là điều mà bất cứ ai đến Đà
Lạt cũng cảm nhận được.
Đặc biệt cái rét ra Giêng, và mưa
phùn giăng giăng là một thú vị khác nữa khiến phố núi lãng mạn, dễ thương hơn.
Bởi tháng Giêng tiết trời trong sáng, làm bừng lên cỏ cây hoa lá ở xứ Ngàn hoa.
Mọi vật dường như đẹp hơn, lộng lẫy
hơn. Nhưng nếu cứ thế, sẽ đơn điệu chăng?. Có lẽ hiểu được điều ấy, vị thần khí
hậu ở đây liền tung ra những cơn mưa phùn đắm đuối.
Mưa giăng giăng, thứ mưa không ướt
áo làm cho cảnh vật thêm một lần nữa mờ ảo trong cái se se lạnh đầy chất thơ…
Mưa phùn ở Đà Lạt khác với mưa bụi ở
miền Bắc. Mưa bụi lấm tấm. Mưa rây rải rác. Mưa phùn là hai thứ mưa ấy cộng lại.
Và trở thành thứ mưa u ảo, không thật, vô cớ… Thế mới làm bao du khách lang
thang với nó. Thứ mưa si tình ấy, ở quê núi người nông dân làm vườn gọi là mưa
hoa cà phê.
Đúng thế, hoa cà phê vào dịp tháng
Giêng nhú ra như chiếc răng nanh nhỏ xíu, nếu được những cơn mưa phùn tiếp sức
sẽ bật nở thơm ngát một vùng, làm hoang mang những nương dâu không người hái,
làm ngơ ngác những đồi tranh khô dại... Còn ở phố núi lại khác, mưa phùn tiếp sức
cho vạn loài hoa, nhất là hoa cỏ dại được chút ẩm ướt phủ dụ lại càng dâng hết
hương sắc của mình cho mùa xuân dậy thì căng mọng…
Một sáng, thấy mưa phùn giăng giăng
trên Hồ Xuân Hương, như chiếc rèm kéo qua không gian nước, một không gian tĩnh
lặng như câu thơ Hàn Mặc Tử:
Câu thơ trăng mờ, nhưng cũng có thể
mường tượng trong chính không gian mưa phùn này, tiếng thông reo lẫn trong tiếng
mưa reo thánh thoát, nhạy cảm trên mặt hồ… Đó là gu âm nhạc của thiên nhiên, chỉ
có lắng tâm mới nghe được bằng hồn, và lắng hồn mới nghe được bằng hư ảo… Và
Hàn Mặc Tử đã nghe được giữa Đà Lạt trăng mờ thứ âm nhạc ấy…
Đà Lạt mưa phùn, chỉ có tháng Giêng
là đẹp nhất. Mưa giữa hoa đào, những hạt mưa xuân sắc, nhỏ nhoi mà lộng lẫy, đọng
lại vị nước mắt của cô gái sắp đi lấy chồng xa.
Xốn xang hoa ban di thực. Lẻ loi phượng
tím mọng buồn. Và cô độc loài phượng trắng muộn màng, nuối tiếc! Nhất là Mimosa
vàng óng hạnh phúc, ong bướm mang phấn đi trong mưa làm thơm bao con đường vắng…
Đi trong cô đơn, mưa không phải là mưa, chỉ là nước mắt của núi khóc người tình
xa.
Vì vậy, mưa phùn ra Giêng còn có cái
tên là mưa tình nhân... Mưa u hoài, day dứt chỉ dành riêng cho hai người yêu
nhau có dịp nép vào nhau, chở che, nương tựa…Bản lĩnh người miền núi là che chở,
họ sẽ dang rộng cánh tay nồng nàn cho nhau, họ sẽ nói tự trong tim những lời
thì thầm như cỏ hoa, như mặt trời, để làm bừng nở trong nhau về một ngày hảnh nắng,
vàng hoe niềm chờ đợi…
Tháng Giêng Đà Lạt, lại có những tối
mưa phùn lấp nhấp, từng hạt nhỏ nhoi lay phay ngọn đèn đường. Mưa phùn làm vỡ vụn
những tiếng chuông Linh Sơn tự chìm vào sắc không.
Mưa phùn níu áo ai đó tạt vào quán
cóc, xoa xuýt hai tay bưng tô phở nóng, hoặc ngồi chồm hổm xuống lề đường, khuấy
đường tan lanh canh trong ly đậu nành ấm bụng. Mưa phùn là vậy, mưa trên dáng mẹ
khẳng khiu, dáng chị tất tả, mưa ray rứt tấm áo choàng mong manh…
Mưa phùn là nỗi nhớ nhung, khắc khoải
của người đi xa. Ở xứ nóng Sài Gòn, được đi Đà Lạt tắm mưa phùn là hạnh phúc,
cũng là hạnh phúc cho đứa con đi học xa thấp thỏm được bay về, ngồi bên ngôi
nhà nhỏ của mình, nhìn mưa phùn giăng mắc trên cây mận, cây đào... lòng bồi hồi
nhớ những ngày xưa cũ…Mưa phùn như ý nghĩ mong manh rằng có ai đó đang chờ ta
dưới cội hoa nào, cùng nhau ngắm tiếng chim sơn ca hót trong mưa tơ vàng, ngọt
ngào, dịu nhẹ nỗi nhớ về nhau…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét