Trầm tư Đà Lạt
Có người hỏi tôi: Phải chăng Đà Lạt không chỉ là thành
phố hoa, mà còn là nơi có rất nhiều câu chuyện hoang đường ma quái, khó giải
thích…?. Thật không dễ trả lời…! Có lẽ vì núi rừng Langbiang bốn mùa khói tỏa
sương vương. Có lẽ vì đồi cao ngàn đêm thông reo gió hú. Có lẽ vì thác từ thượng
nguồn quanh năm thinh lặng tuôn đổ. Có lẽ vì suối muôn thuở an nhiên róc rách.
Tất cả những điều này hòa nhập với thung lũng vực sâu; với những con đường lên
cao xuống thấp của miền núi; với hừng đông mặt trời ngái ngủ trú ẩn trong tầng
tầng lớp lớp mây; với hoàng hôn chiều tà trầm lặng đi vào tối, để màu huỳnh
quanh của bảy sắc đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím lặng chìm giữa tịch dương. Chính
từ giao diện hư hư thực thực, sắc sắc không không này, Đà Lạt mặc nhiên
được mệnh danh là thành đô huyền thoại, là thành đô mù sương, là thành đô hư ảo.
Vốn đã là huyền thoại mù sương hư ảo, có tặng thêm cho Đà Lạt những điều liêu
trai chí dị, thiết tưởng cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Đà Lạt hư ảo. Đà Lạt mù sương. Đà Lạt
huyền thoại. Đà Lạt liêu trai chí dị… Vì thế những điều khởi từ Đà Lạt đều như ảo
như thực. Nói là thực thật không sai. Nói là hư cũng rất đúng. Khẳng định rằng
không cũng được. Quyết đoán rằng có cũng xong. Đặt cảm quan riêng dưới bất cứ
chiều kích nội tâm nào, khách phương xa cũng thấy Đà Lạt và người Đà Lạt dư đầy
mộng mơ lãng mạn! Người và cảnh của Đà Lạt chính là chất liệu, để người đời xưa
cũng như người đời nay xuất thần viết về một Đà Lạt thần tiên hay một Đà Lạt
liêu trai chí dị, theo sự suy tưởng rất riêng của họ. Cư dân Đà Lạt viết về cao
nguyên thân yêu của mình, không giống du khách lên chơi Langbiang viết về
Đà Lạt. Mỗi người một cảnh một vẻ. Những cảnh những vẻ này gửi gấm trong từng
câu chữ, có thể khiến độc giả hình dung ra một Đà Lạt đẹp như huyền thoại, cũng
có thể khiến độc giả thấy Đà Lạt buồn như đường vào cổ mộ. Vì sao? Xin thưa: Nếu
như suối reo thác đổ và bốn mùa hoa đua nở, khiến Đà Lạt đích thực là non bồng
nước nhược của thần tiên; thì thung lũng hoang vu, đồi thông hiu quạnh, dốc đèo
chơi vơi lại biến Đà Lạt thành một cõi đi về âm cảnh hun hút thẳm sâu. Tưởng
như từng góc phố từng đường đèo, là nơi trú ẩn của những linh hồn còn vấn
vương niềm thương nỗi nhớ trần gian. Chính vì thế, có những người ở Đà Lạt thấy
an vui, có những người lên Đà Lạt thấy buồn sầu. Tùy theo cảm nhận của
tâm hồn, mỗi người có một hoài niệm rất khác nhau khi nhớ về Đà Lạt.
Tạo hóa hào phóng ban tặng cho Đà Lạt
một thiên nhiên hùng vĩ có thác, có suối, có núi, có đồi, có chim ríu rít
hót, có tiếng vượn lanh lảnh hú, có tiếng muông thú kêu vang giữa rừng thẳm. Ngần
ấy điều hòa quyện với làn hơi nước bốc lên giữa khói sương mây, đủ để dung nhan
của Đà Lạt thật gần mà cũng thật xa, thật lãng mạn mà cũng thật hư ảo, thật
thanh thoát mà cũng thật vô thường. Đường lên cao nguyên dư đầy truyền thuyết,
ghi đậm dấu ấn của hằng hà sa số vong linh. Những truyền thuyết này, ở chừng mực
nào đó, đã khiến cho sắc hoa màu lá của Đa Lạt gờn gợn nỗi niềm thương cảm, khi
nhớ về những người đã đi xa đi khuất vào ngàn thu.
Ai cũng biết, từ Sài Gòn lên Đà Lạt
theo quốc lộ 20, phải đi ngang đèo Bảo Lộc ( B’lao) và núi Lu Bu, nơi có đèo
Chuối. Đường đi khúc khuỷu quanh co, nếu tài xế không cẩn thận rất dễ xảy ra
tai nạn. Càng đi lên cao càng thấy nhiều thông. Những cây thông miên trường thẳng
tắp theo từng cây số đường đèo, chạy dài đến tận chân núi. Càng lên cao
lá cành của rừng thông càng khác nhau. Người ta có thể thấy rõ hàng thông ba
lá, hàng thông năm lá… Phong cảnh thật hoang sơ, bí ẩn. Trên dốc đá cheo leo trổ
sinh những cánh hoa tím nho nhỏ. Hoa tím giăng mắc khắp thành vách rêu phong,
nhận chìm đường đèo trong gam màu tịnh yên hư ảo. Xa xa, là rừng chuối.
Những cây chuối thoắt ẩn thoắt ẩn giữa triền núi mù mịt sương. Đi được nửa đường
đèo uốn lượn khúc khuỷu hình chữ U sẽ gặp Miếu Ba Cô, một thắng cảnh đầy thần
khí, đầy phong vị tâm linh u nhã.
Miếu Ba Cô trên đèo Bảo Lộc
Các chuyến xe từ Đà Lạt về Sài Gòn,
hay từ Sài Gòn lên Đà Lạt đi gần đến nơi đây đều chạy rất chậm, và thường
dừng lại để vào miếu thắp hương chú nguyện cho người quá cố. Điện thờ Ba Cô thiết
kế theo kiểu miếu cổ có rồng chầu uốn khúc, khói trầm hương luôn nghi ngút. Ở
đây không có thác đổ ào ào. Chỉ có giòng suối thinh lặng lững lờ trôi bên dưới
và hàng thông xanh thẳm đứng sừng sững trên cao, như thì thầm kể cho đời nghe
cái chết thương tâm của ba cô gái trẻ. Đã rất xa xôi kể từ thời Pháp thuộc, trong
chiều mù sương mưa như giông bão, một chiếc xe lạc tay lái lao xuống vực. Tai nạn
khủng khiếp này cướp đi sinh mạng của ba người con gái rất trẻ. Oan hồn lẩn khuất,
vật vờ phiêu hốt giữa đồi núi chập chùng. Những hôm sương mù phủ trùm mặt đất
mưa nghẽn đường về, tương truyền rằng xe đò đi ngang thường thấy ba cô gái nắm
tay nhau, dẫn đường chỉ lối an toàn cho từng xe đi lên đi xuống ở khúc quanh ngặt
nghèo này. Chính vì thế, cư dân quanh vùng và khách thập phương đã lập ra miếu
thờ.
Thuở xưa, những lần từ Đà Lạt về Sài Gòn đi ngang đây, tôi luôn ghé vào kính viếng. Nhìn bài vị quyện khói hương, tôi ngỡ như Tam Vị Linh Hiển vẫn chưa quên cõi đời! Có hai truyền thuyết nói về ba bóng ma trên đường đèo Bảo Lộc. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Ngày xưa có ba tiểu thư xinh đẹp còn rất trẻ, con gái của những gia đình quyền quý giàu sang thuộc quân đội Pháp thời ấy. Mùa hè, ba tiểu thư từ Sài Gòn lên chơi Đà Lạt gặp tai nạn ngay khúc quanh này. Ba cô gái rất linh thiêng, thường hiện ra chỉ đường cho xe chạy, trong những hôm sương mù phủ trùm vạn vật. Có một điều rất lạ, tất cả các du khách đi qua miếu của ba cô đều không thể chụp hình. Hình chụp được cũng sẽ bị nhoè hay rách nát…
Thuở xưa, những lần từ Đà Lạt về Sài Gòn đi ngang đây, tôi luôn ghé vào kính viếng. Nhìn bài vị quyện khói hương, tôi ngỡ như Tam Vị Linh Hiển vẫn chưa quên cõi đời! Có hai truyền thuyết nói về ba bóng ma trên đường đèo Bảo Lộc. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Ngày xưa có ba tiểu thư xinh đẹp còn rất trẻ, con gái của những gia đình quyền quý giàu sang thuộc quân đội Pháp thời ấy. Mùa hè, ba tiểu thư từ Sài Gòn lên chơi Đà Lạt gặp tai nạn ngay khúc quanh này. Ba cô gái rất linh thiêng, thường hiện ra chỉ đường cho xe chạy, trong những hôm sương mù phủ trùm vạn vật. Có một điều rất lạ, tất cả các du khách đi qua miếu của ba cô đều không thể chụp hình. Hình chụp được cũng sẽ bị nhoè hay rách nát…
Truyền thuyết thứ hai ghi chép như
sau: Không thể nhớ chính xác vào giữa thập niên 50 hay đầu thập niên 60, chỉ biết
rằng thuở ấy có ba cô sinh viên tên Loan-Hòa-Thảo là người Bảo Lộc, học ở Sài
Gòn. Một lần ba cô về nhà, chẳng may đi ngang khúc quanh hiểm trở, xe bị lật
lao xuống vực. Ba cô sinh viên, cùng những người đồng hành đều thiệt mạng. Sau
tai nạn thảm khốc này không lâu, chiếc xe chở khách du lịch từ Sài Gòn lên Đà Lạt
đi đến đúng khúc quanh này cũng bị lật, lao xuống vực.
May mắn thay, trong đoàn có bốn người sống sót gồm ba cô gái và một chàng trai. Dù bị thương tích, cả bốn người đều cố gắng khích lệ nhau từ đáy vực leo lên mặt đường. Chàng trai bị thương tích nặng nhất, các cô gái đã dìu dắt kéo anh lên. Vừa đến nơi anh ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện anh hỏi thăm về ba cô bạn, nhưng mọi người bảo chỉ có mình anh. Họ cho biết hành khách đều tử nạn. Riêng anh, chẳng hiểu bằng cách nào lại có thể từ vực thẳm leo lên. Khi anh miêu tả hình dáng và ước chừng tuổi tác của ba cô gái, người ta nghĩ ngay đến Loan-Hòa-Thảo.
May mắn thay, trong đoàn có bốn người sống sót gồm ba cô gái và một chàng trai. Dù bị thương tích, cả bốn người đều cố gắng khích lệ nhau từ đáy vực leo lên mặt đường. Chàng trai bị thương tích nặng nhất, các cô gái đã dìu dắt kéo anh lên. Vừa đến nơi anh ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện anh hỏi thăm về ba cô bạn, nhưng mọi người bảo chỉ có mình anh. Họ cho biết hành khách đều tử nạn. Riêng anh, chẳng hiểu bằng cách nào lại có thể từ vực thẳm leo lên. Khi anh miêu tả hình dáng và ước chừng tuổi tác của ba cô gái, người ta nghĩ ngay đến Loan-Hòa-Thảo.
Cư dân quanh vùng cho rằng ba cô gái
đã hiện thân cứu giúp chàng trai trẻ, người đồng trang lứa với họ. Sau đó, người
ta lập ngôi miếu nhỏ ngay chân đèo để cầu cho hương linh của ba cô gái, và cầu
cho các nạn nhân chết tại nơi đây được siêu thăng tịnh độ. Từ khi có khói hương
tỏa lan trong ngôi miếu, tai nạn ở khúc đường này cũng bớt. Xe chở hành khách vẫn
thường thấy thấp thoáng bóng ba cô gái trong những hôm sương mù, ra hiệu cho họ
chạy chậm, chờ đến khi xe qua khỏi khúc quanh ngặt nghèo bóng ba cô gái mới biến
mất. Thời gian đi không đợi. Đoàn xe xuôi ngược suốt lộ trình lên cao nguyên
Langbiang, vẫn dừng lại Miếu Ba Cô để thắp hương.
Nhưng không ai thấy ba cô gái xuất hiện nữa. Có lẽ hương linh của họ đã phiêu diêu miền cực lạc, an trú tận cõi Không. Ngoài hai truyền thuyết về Miếu Ba Cô, Đà Lạt còn dư đầy âm hưởng liêu trai vì có ngôi nhà ma ở lưng chừng đèo Prenn, ẩn hiện giữa rừng thông lộng gió. Ngôi biệt thự đẹp một thời vang bóng này giờ đây gần như hoang phế, trống trải, các khung cửa đều bị long bật, gãy đổ. Nghe nói, chủ nhân là một quan ba người Pháp. Ông này ăn chơi trác táng, từng mời một vũ nữ trẻ đến nhà uống rượu rồi cưỡng bức, khiến cô gái uất hận nhảy lầu tự tử. Kể từ đó, ngôi biệt thự trở thành cõi u minh, đầy oan hồn trú ngụ. Những năm đầu của thập niên 60, một cô gái trẻ khác không hiểu vì lý do gì cũng đã đến đây thắt cổ chết. Rồi người ta lại phát giác ra hai cái xác, nằm co quắp trên tầng lầu. Trên ngọn đồi, đằng sau ngôi biệt thự có mồ mả của ba sinh linh bé bỏng vừa mới chào đời. Và còn nhiều cái chết bí ẩn khác ở trong ngôi nhà, nhưng vì thời gian xảy ra quá lâu, bây giờ chẳng còn mấy ai nhớ đầu đuôi tự sự.
Tiếng lành đồn gần, chuyện ma quái đồn
xa. Truyền thuyết về Miếu Ba Cô, về ngôi biệt thự ma ở giữa đèo Prenn, khiến đường
lên Đà Lạt đồng nghĩa với đường vào một cõi hoang vu, bí ẩn. Thành phố cao
nguyên không chỉ thơm ngát hương ngàn hoa, mà còn phảng phất cái se lạnh của
cơn mưa rào, của cơn gió hiu hiu, gợi nhớ những bóng hình đã đi qua phố. Những
bóng hình đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn vật vờ phiêu hốt giữa thành vách mờ
sương vì chưa quên dương thế. Tôi chào đời ở Đà Lạt, lớn khôn theo nhịp đời âm
vang giữa tiếng thác từ thượng nguồn tuôn đổ. Tôi chưa hề thấy ma, cũng chưa hề
thấy những hình ảnh quái lạ nào, trong suốt tháng năm còn đi và về trên những
con đường quen thuộc. Nhưng tôi luôn cảm nhận rất rõ: Có ai đó ẩn nấp trong một
góc phố, thinh lặng nhìn tôi, trong khi chung quanh lặng ngắt như tờ, chỉ có tiếng
gió thì thầm lời thân ái giữa lưng đồi đầy phấn thông vàng.
Từ cảm nhận rất riêng này, tôi cho rằng
thành đô Đà Lạt không chỉ là nơi để cõi người ta vui sống, mà còn là cố hương
đón hồn muôn năm cũ tìm về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét