Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Trần Thanh Mại và hai tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học trước 1945

Trần Thanh Mại và hai tác phẩm 
nghiên cứu phê bình văn học trước 1945
Trần Thanh Mại (1908-1965) (1) đã từng viết truyện ngắn (Ngọn gió rừng, 1932), ký sự lịch sử (Tuy Lý Vương, 1938), tiểu thuyết lịch sử (Ngô Vương Quyền, 1944). Song các thể loại này dường như chỉ là những thử nghiệm, chưa đủ để lại dấu ấn cho ngòi bút Trần Thanh Mại. Ông thực sự nổi tiếng  khi bước vào lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học với các tác phẩm Trông dòng sông Vị (1935), Hàn Mặc Tử (1941) và Đời văn (1942 – tập hợp các bài báo). Ở bài viết này chúng tôi chú ý đến hai tác phẩm có tính chất chuyên luận, được viết trước năm 1945, trong đó Trần Thanh Mại dựng lại chân dung của hai nhà thơ nổi tiếng Trần Tế Xương và Hàn Mặc Tử.
Xuất hiện cùng thời với Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hải Triều, Trương Tửu, Trương Chính… nhưng Trần Thanh Mại lại mang một phong cách riêng rất “độc đáo” (chữ dùng của Hồng Diệu). Theo đánh giá của Vũ Ngọc Phan, lối phê bình của Thiếu Sơn “thủ cựu nước đôi”, của Hoài Thanh “rặt những cái hay cái đẹp”, của Trương Tửu “thiên kiến, không công bình”, của Trương Chính “tuy đã có phương pháp nhưng chưa sâu sắc thấy đâu hay khen đó, thấy đâu dở chê đó”… thì phương pháp phê bình của Trần Thanh Mại khách quan và “tiến bộ hơn, tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế”.
Để tìm hiểu phong cách của mỗi nhà văn, chúng ta có rất nhiều căn cứ. Một trong những căn cứ đó là cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu và cùng với nó là ngôn ngữ được dùng trong quá trình tìm hiểu đối tượng. Trần Thanh Mại đã tạo cho mình một phong cách riêng đứng “biệt lập” so với các nhà nghiên cứu khác ở cách tiếp cận đối tượng đó. Nếu các nhà nghiên cứu khác chỉ coi tác phẩm là đối tượng của mình, thì Trần Thanh Mại, ngoài tác phẩm, ông đặc biệt coi trọng tiểu sử tác giả, nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng cuộc đời tác giả. Ngay lúc đó, ông đã có một quan niệm rất mới về phương pháp phê bình “với phương pháp mới, xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi đã phân tích ra từng cử chỉ, từng tính tình của nhà thi sĩ, từng giai thoại trong đời người. Những cái ấy, mà bề ngoài tưởng như vô bổ ích, và chỉ để kéo cho dài dòng, tựu trung đều ăn nhịp với nhau như những vòng của một sợi dây chuyền để mà ảnh hưởng đến cái đích của người viết sách muốn đi tới: cắt nghĩa thi phẩm của nhà thơ. Không rõ thấu hết những cái vặt vãnh thắc mắc trong đời một  nhà thi sĩ thì không sao hiểu hết được thơ của người ấy”(2) . Như vậy, Trần Thanh Mại đã áp dụng phương pháp xã hội – tiểu sử, lấy hoàn cảnh xã hội và tiểu sử  nhà thơ để tìm hiểu quá trình sáng tác và tác phẩm. Với phương pháp phê bình mới này, ông đã được Thanh Lãng đánh giá rất cao: “nếu Trần Thanh Mại không khai sinh ra phương pháp cắt nghĩa khách quan thì ông cũng là người hầu như đầu tiên đã áp dụng nó vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Nếu Trần Thanh Mại không phải là lãnh đạo khai mở ra một kỉ nguyên mới trong quan niệm phê bình tại Việt Nam thì ít ra ông cũng đánh dấu một chặng đường mới: từ đây các nhà phê bình chú trọng nhiều đến việc nghiên cứu hoàn cảnh và thân thế nhà văn để biện minh cho sự nghiệp của nhà văn”(3). Phương pháp này giúp cho người nghiên cứu hiểu sâu hơn mối quan hệ tác giả – tác phẩm, có nghĩa là hiểu được ảnh hưởng nhiều mặt  của chủ thể sáng tạo tới sáng tác của họ. Trước sau Trần Thanh Mại vẫn trung thành với phương pháp của mình. Tuy vậy, nhà nghiên cứu phê bình văn học cùng thời Vũ Ngọc Phan đã không xếp Trần Thanh Mại vào đội ngũ những nhà phê bình và không công nhận ông là người có phương pháp phê bình mới. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã đưa Trần Thanh Mại vào danh sách những nhà viết lịch sử ký sự và truyện ký cùng với Phan Trần Chúc, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Triệu Luật và Ngô Văn Triện (Trúc Khê). Theo Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại là người có sở trường về viết truyện ký hơn là viết phê bình. Sau này cũng có một vài ý kiến đồng tình với quan niệm của Vũ Ngọc Phan, cho rằng Trần Thanh Mại đã để cho lối “thuật truyện” lấn át văn chương phê bình,…Ông chưa phải là một nhà phê bình nghiêm túc, thiếu “tinh thần khoa học” (Nguyễn Văn Trung, Hương Trà…).
Đương thời, Kiều Thanh Quế cũng cho rằng phương pháp của Trần Thanh Mại không có gì mới, không đáng tự hào, bởi ở phương Tây người ta thường áp dụng phương pháp này để nghiên cứu tác giả.
Theo chúng tôi, điều quan trọng để đánh giá một tác giả, một tác phẩm là tác giả, tác phẩm đó có đóng góp gì mới cho đời sống văn học nước nhà, chứ không phải tác giả, tác phẩm đó thuộc trào lưu, khuynh hướng nào. Vì vậy, trước hết phải khẳng định Trần Thanh Mại là một trong những người có công khai phá, mở đường cho bộ môn nghiên cứu phê bình văn học vốn còn rất mới mẻ trong những năm đầu thế kỷ XX. Sau nữa, ông là người đầu tiên đặt ngòi bút khám phá thế giới thơ ca của Trần Tế Xương và Hàn Mặc Tử thông qua hai tác phẩm Trông dòng sông Vị và Hàn Mặc Tử.
Vì áp dụng phương pháp phê bình tiểu sử nên cả hai tác phẩm đều nghiêng về “thuật chuyện” hơn là phê bình tác phẩm. Trông dòng sông Vị có 14 chương thì chỉ có 5 chương phê bình văn chương ông Tú Xương, còn lại 9 chương nói về cuộc đời nhà thơ. Hàn Mặc Tử  cũng vậy, phần bình luận văn chương chiếm một nửa (7 chương) so với phần viết về tiểu sử của nhà thơ (14 chương). Có nhà nghiên cứu cho rằng Trần Thanh Mại đã dành quá nhiều cảm hứng cho việc miêu tả tiểu sử tác giả nên có phần sơ sài khi phân tích văn chương (Nguyễn Thị Thanh Xuân). Và Trần Thanh Mại đã “gia nhập giọng tiểu thuyết” vào phê bình văn chương (Vũ Ngọc Phan). Nhưng có người lại đề cao lối “tư duy khoa học” và phương pháp phê bình của Trần Thanh Mại. Trong Tạp chí Văn học số 3 năm 2004, Tiến sĩ Trịnh Bá Đĩnh coi Trần Thanh Mại là đại diện tiêu biểu cho những người viết phê bình theo lối tư duy khoa học. Bởi vì  ông đã lý giải thơ ca bằng những tình huống cuộc đời, trong một không gian – thời gian cụ thể của lịch sử, có nghĩa là Trần Thanh Mại đã “cắt nghĩa thơ của Tú Xương và Hàn Mặc Tử chứ không nhắm đến cuộc đời của họ”. “Khoa học” hơn là Trần Thanh Mại đã tìm kiếm trong các sách y học và văn học kiến thức về mối quan hệ giữa trăng và bệnh hủi để lý giải nguyên nhân sâu xa của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Vẫn theo Trịnh Bá Đĩnh, sở dĩ Vũ Ngọc Phan không coiTrông dòng sông Vị và Hàn Mặc Tử là những tác phẩm phê bình, vì không muốn thừa nhận một lối phê bình nằm ngoài quan niệm của mình. Theo chúng tôi, dùTrông dòng sông Vị và Hàn Mặc Tử có viết theo lối truyện kí hay phê bình theo tư duy khoa học thì cũng không làm giảm đi giá trị của cả hai tác phẩm. Bằng chứng là hơn 60 năm qua kể từ khi các tác phẩm ra đời, dù những đóng góp của Trần Thanh Mại chưa được đánh giá thật công bằng nhưng hầu hết đều phải thừa nhận đó là hai công trình nghiên cứu phê bình văn học. Và rõ ràng, nhờ có một phương pháp phê bình mới mà Trần Thanh Mại đã để lại dấu ấn cá nhân khá sâu sắc.
Dùng lối văn kể chuyện để viết phê bình, Trông dòng sông Vị đã dựng lại cả cuộc đời và không khí thời đại Tú Xương đang sống. Lúc đó, cuốn này đã bị Vũ Ngọc Phan chê nhiều hơn khen. Sau 1945, Trần Thanh Mại tiếp tục trở lại đề tài này, điều chỉnh những quan niệm và nhận định sai lầm của mình về Trần Tế Xương (Đấu tranh chống lại quan niệm sai lầm về Tú Xương, 1957; Tú Xương, con người và nhà thơ,viết chung với con là Trần Tuấn Lộ, NXB Văn hoá,1961). Điều đó cho thấy Trần Thanh Mại là người tâm huyết với nghề, chung thuỷ với đối tượng nghiên cứu mà mình đã yêu thích và lựa chọn. Mặc dù Trông dòng sông Vị còn nhiều hạn chế, nhưng đặt vào bối cảnh xã hội nói chung và hoạt động phê bình văn học nói riêng của những năm 30 đầu thế kỷ, đó lại là thành công và sự đóng góp của Trần Thanh Mại. Dành tỷ lệ một phần ba công trình để viết về sự nghiệp thơ văn Trần Tế Xương,Trần Thanh Mại đã làm bật lên giá trị nghệ thuật thơ trào phúng của Tú Xương. Ông có nhiều nhận định sắc sảo, tinh tế về “năng lực huyền bí” có sức cuốn hút người đọc trong thơ Tú Xương. Trần Thanh Mại là người đầu tiên phát hiện và đề cao “trí mẫn tuệ” cùng tài trào phúng của cụ Tú qua những vần thơ chế giễu các ông đốc học, chế giễu việc thi  cử, chế giễu những điều chướng tai gai mắt trong xã hội và đặc biệt là qua các bài thơ tự trào độc đáo của ông. Nhận xét về bài thơ chế giễu ông Đốc học có vết lang ở cổ, Trần Thanh Mại viết “ thi nhân chỉ lơ lửng tặng cho một bài thất ngôn tứ tuyệt, văn khí khoan hoà, tư tưởng tao nhã, mà nghiệm ra thật “đau quá đòn thù, rát hơn lửa bỏng”.
Ông cũng phát hiện ra cái “tiểu xảo” của Tú Xương khi tặng cho ông Phòng thành tên Pháo cái biệt danh “Thành đen kịt”, Tú Xương đã “châm phúng một cách cay nghiệt độc địa có thể làm chết điếng người đi”, hoặc viết nên những vần thơ “kín đáo, mạnh mẽ, tao nhã mà cay độc gớm ghê!”. Trần Thanh Mại đánh giá cao cái tài của nhà thơ sông Vị và cho rằng phải đến ngót nửa thế kỉ sau, chúng ta “hoạ chăng mới có một người, một thôi theo đòi “trường trào phúng” của Trần Tế Xương đã thiết lập ra (đó là Tú Mỡ, tác giả cuốn Dòng nước ngược)”. Tú Xương đã đạt đến đỉnh cao của thơ trào phúng Việt Nam. Ở ông lối thơ trào phúng đã lấn át lối thơ khẩu khí. Trần Thanh Mại đã phê phán thẳng thắn Trần tế Xương khi có lúc nhà thơ này sáng tác lối thơ khẩu khí mà ông cho là “giả dối”, dùng để “lường gạt”, “che lấp sự thực, bôi lọ chân lý”. Nhưng ông cũng đồng thời đề cao Tú Xương, coi đó là “nhà duy vật triết học”. Trần Thanh Mại viết rằng “Ông Tú Xương là một nhà duy vật triết học mà ông không biết”. Điều này đã bị Vũ Ngọc Phan phê phán bởi sự suy diễn, võ đoán, thiếu căn cứ khoa học. Trần Tế Xương chỉ là “một nhà thơ vô tín ngưỡng”, và sự vô tín ngưỡng không thể đồng nghĩa với duy vật được. Trần Thanh Mại đã đưa ra nhiều nhận xét thú vị về sự tài tình, độc đáo của Trần Tế Xương trong dòng thơ trào phúng khi viết “thơ Tú Xương nhẹ nhàng, lưu loát, ngân lên có một nhạc điệu êm ái du dương. Thơ Tú Xương không có vẻ đài các như thơ Thanh Quan, vẻ hùng tráng như thơ Nguyễn Công Trứ, không gò gẫm như của Lê Thánh Tôn, hay yêu quái như của Hồ Xuân Hương. Nhưng cái mà Tú Xương có, mà ít ai có, là cái bình dị, cái tự nhiên”(4),  hay “… đối với Trần Tế Xương, cũng như Nguyễn Khuyến, tư tưởng ở trong óc ra thế nào thì được dùng ngay thế ấy, lanh lẹ, tươi tắn, không trau chuốt, không gọt đẽo, không dụng công. Hơi văn đã đi ra như một luồng nước chảy xuôi dòng, êm, khoẻ, mau”, “ông Tú Xương dùng chữ cũng như anh phường xiếc vứt ba quả dùng những quả của mình:
         Chớ thấy câu Kinh mà mặc kệ
         Ai ngỡ chữ sắc hoá ra không.
Luôn trong một hơi, thảnh thơi, tự nhiên, như vô tình mà nói, ông đã khéo dùng những chữ Kinh, kệ, sắc, không của nhà Phật để chọi với nhau”(5).
Đó là những “lời khen” xác đáng. Nhưng xen giữa những lời khen đó ông lại “khen” “thơ Vị Xuyên là một lối thơ cẩu thả. Lời nói ấy không phải là một lời chỉ trích có thể di hại đến danh tiếng ông, mà chính là một lời khen thì thật khó đồng tình. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan cũng chỉ ra cách dùng từ chưa chính xác của Trần Thanh Mại, theo ông hai chữ “cẩu thả” ở đây nên dùng bằng hai chữ “dễ dàng”, như vậy mới đảm bảo được sự nhất quán về tư tưởng.
Trông dòng sông Vị, nói như Vũ Ngọc Phan “nếu là một quyển truyện kể thì còn được, vì có vài đoạn chép có duyên, chứ nếu là một quyển phê bình thì thật có nhiều khuyết điểm”. Nhưng theo chúng tôi, dù có một vài hạn chế như đã nói ở trên, đây vẫn là cuốn phê bình đầu tiên đánh giá tương đối khách quan và công bằng những giá trị vốn có trong di sản thơ ca Tú Xương, một “di sản quí báu vô ngần” đối với nền văn học nước nhà. Và bản thân  Trần Thanh Mại, trong lời cuối sách cũng khiêm tốn bày tỏ quan điểm của mình khi viết cuốn sách này “tôi đã trân trọng kính tặng cho vong linh nhà thi sĩ mà tôi yêu một tác phẩm sơ sài, hèn mọn, càng sơ sài, càng hèn mọn khi đem so sánh với các văn nghiệp quí giá của Tú Xương, nhưng đó là một tang chứng để tỏ tấm lòng biết ơn của một kẻ hậu sinh đối với tiền bối”.
Hạn chế của Trần Thanh Mại là hạn chế của hoàn cảnh lịch sử. Khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, nhận thức của nhà văn cũng biến đổi theo. Bởi vậy, hơn hai mươi năm sau khi cuốn sách ra đời, Trần Thanh Mại đã nhìn nhận lại quan điểm của mình và thay đổi cách đánh giá đối với nhà thơ Trần Tế Xương trong cuốn Đấu tranh chống lại quan niệm sai lầm về Tú Xương. Sau Trần Thanh Mại còn có nhiều người tiếp tục nghiên cứu về Tú Xương, trong số đó có nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân. Một chuyên luận đặc sắc về Thời và thơ Tú Xương ra đời năm 1962 là bản tổng kết đầy đủ và khá trọn vẹn về cuộc đời và thơ văn của nhà thơ trào phúng xuất sắc, “vừa hiện thực, vừa trữ tình” này. Như vậy là cùng với Trần Thanh Mại, hai mươi bảy năm sau Nguyễn Tuân đã góp phần hoàn thiện thêm chân dung của nhà thơ Trần Tế Xương vẫn với văn phong của thể loại bút ký trong phê bình.
Tiếp theo Trông dòng sông Vị, Hàn Mặc Tử là một “nỗ lực đã đi đến thành công” (Thanh Lãng) của Trần Thanh Mại. Vượt lên cuốn phê bình đầu tay, Hàn Mặc Tửthực sự gây ấn tượng và để lại nhiều dư vị cho người đọc. Ngay sau khi Hàn Mặc Tử mất (1940), trên các số báo của tờ Người mới xuất hiện khá nhiều bài viết ca ngợi tài thơ và tỏ niềm thương xót đối với cuộc đời bất hạnh của ông (Bích Khê, Chế Lan Viên, Trọng Miên, Quách Tấn, Trần Tái Phùng, Trần Thanh Địch…). Chế Lan Viên  khẳng định “Tử là một thiên tài, Tử mới chính thật là thiên tài trên cái nghèo kém của đất nước này”. Quách Tấn coi Hàn Mặc Tử là “người tình cũ của thơ Đường luật”. Trần Tái Phùng mô tả vẻ đẹp đến nao lòng trong thơ Hàn Mặc Tử “Nghệ thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỷ của chúng ta và hai bờ sông dàn bày không biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng người”. Trọng Miên cũng viết “một thiên tài đã chết: Hàn Mặc Tử! Một nguồn thơ tân kỳ, làm bằng máu, bằng lệ, bằng hồn với tất cả say sưa, rung động của một người hoàn toàn đau khổ”. Thế giới thơ Hàn “đầy trăng”, “đầy mộng”, là chốn “vườn mơ, bến tình” , mà người đi trong “Mơ ước”, “Huyền diệu” vượt hẳn ra ngoài “Hư linh”. Hàn Mặc Tử đã tạo ra một sự “rung động mới lạ” và có sức “truyền mạnh sâu sắc trong những thời sau”. Dường như khi Hàn Mặc Tử đi rồi người ta mới chợt nhận ra sự thiếu vắng khó lấp đầy của một giọng thơ kỳ lạ nhưng lại có ma lực hết sức mạnh mẽ. Hàn Mặc Tử đã tạo ra những cuộc tranh luận kéo dài đầy “kịch tính” trong đời sống văn chương. Người ta gọi ông là “con rồng trong nhóm tứ linh”, “vị chúa của Trường thơ loạn”, “một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam”, “một đỉnh cao, chói loà trong văn học thế kỷ”…
Dẫu vậy, các bài báo chỉ là sự khám phá thế giới thơ ca của Hàn Mặc Tử ở từng góc nhìn khác nhau theo cảm nhận chủ quan, chưa có sự lý giải khách quan, khoa học về những ảnh hưởng và căn nguyên đã tạo nên giọng thơ dị biệt “không bờ bến càng đi xa càng ớn lạnh” của Hàn Mặc Tử.
Người  có công mở ra một hướng tiếp cận mới và nghiên cứu tương đối toàn diện thơ Hàn Mặc Tử chính là Trần Thanh Mại, sau đó là Hoài Thanh – Hoài Chân và Vũ Ngọc Phan.
Trong lời tựa cuốn Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đã viết “khảo cứu về đời thi sĩ Hàn Mặc Tử, tôi phải xét rõ các thời đại chàng đã sống qua. Tôi phải viếng các xứ chàng đã ở và sau cùng, tôi phải hỏi tất cả các người có liên quan đến đời chàng”. Có nghĩa là, ông không phê bình theo nhận thức chủ quan. Ông quan tâm đến tất cả các sợi dây liên hệ đã góp phần kết nối cuộc đời thi sĩ và tạo nên ảnh hưởng đối với Hàn Mặc Tử. Từ Trông dòng sông Vị đến Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đều áp dụng một phương pháp phê bình như đã nói ở trên  là phê bình xã hội – tiểu sử. Điều này ngày càng khẳng định Trần Thanh Mại đã chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái phê bình khách quan ở Pháp thế kỷ XIX. Cũng chính nhờ phương pháp này, Trần Thanh Mại đã giải mã được mọi bí ẩn, huyền diệu trong thơ Hàn Mặc Tử. Trần Thanh Mại đã bám sát cuộc đời “ly kỳ đặc biệt, đầy đau thương, đầy khổ não” của Hàn Mặc Tử để cắt nghĩa những vần thơ mãi mãi làm rưng rưng nhiều thế hệ người đọc.
Gái quê là tập thơ đầu tiên (xuất bản năm 1936) đánh dấu bước thay đổi về quan niệm thơ của Hàn Mặc Tử. Đánh giá Gái quê, Trần Thanh Mại viết “Gái quê của Hàn Mặc Tử như khoảng vườn trùm trong một bầu sương lam nhạt, chứa một nhạc điệu mơ màng và lối ngữ ngôn cổ phong còn lưu chưa dứt khoát”. Ông đã có sự cảm nhận tinh tế đối với cái “rung cảm dịu dàng, chất phác” cái “nhạc điệu du dương, uyển chuyển, lời thơ êm ái tự nhiên” trong hồn thơ Hàn Mặc Tử thể hiện qua Gái quê. Ông cũng dự cảm được ở Hàn Mặc Tử một “thiên tài đầy hứa hẹn”, và “cái mùi hương ở Đau thương và Xuân như ý đã phảng phất” ở ngay tập Gái quênày. Bằng ngòi bút phê bình sắc bén và năng lực cảm thụ thơ tinh tế, Trần Thanh Mại đã có những nhận xét đầy ấn tượng và sắc sảo. Về bài thơ Bẽn lẽn (trong tậpGái quê) ông viết “ mỗi chữ ở đây đều có một linh hồn, mỗi chữ là một nguồn “hoạt động lực” nó dắt tay nhau mà nhảy lên một bản khiêu vũ thần tiên”, và chính vì cái “thần tiên” có “linh hồn” đó mà bài thơ đã đem lại những “rung động say sưa” cho người đọc. Hơn thế Trần Thanh Mại còn gọi đó là những hình ảnh mang tính “ảo thuật quái dị”. Thơ Hàn Mặc Tử dường như đã vượt lên những rung cảm trần thế  mà đến với người đọc.
Người ta nói nhiều thiên tài được sinh ra từ trong đói, nghèo và đau khổ. Tất nhiên không phải thiên tài nào cũng vậy, nhưng điều đó lại đúng trong trường hợp của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Khi cắt nghĩa nguồn thi cảm mới mẻ và mãnh liệt của Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại cho rằng “Hàn Mặc Tử có mắc phải bệnh hoạn thì văn chương Việt Nam mới mở ra những cõi trời lạ lùng, mới mẻ”. Bởi bản thân Hàn Mặc Tử cũng tự thừa nhận “Hàn Mặc Tử là một người điên vì bệnh hoạn. Trong thời kỳ ấy, óc mở rất mau, các tế bào trong não đều sinh sản thêm, dắt linh cảm người đến một vườn tư tưởng cao siêu lạ, và vì thế những bài thơ tân kỳ có dịp ra đời, nó ở ngoài mức trình độ hiểu biết của người thường…”. Có thể nói “nguồn thi cảm vô tận” của Hàn Mặc Tử đã rút ra từ trong “nguồn đau khổ vô tận của chàng”. Ảnh hưởng của căn bệnh nan y vào thơ Hàn Mặc Tử rất rõ rệt, rõ đến mức Trần Thanh Mại phải viết rằng “cả thơ, cả bệnh, dậy lên một lần. Cơn bệnh hăng chừng nào thì mạch thơ mạnh chừng ấy”. Những ý tứ, từ ngữ về căn bệnh của ông có thể tìm thấy nhan nhản trong thơ, đó là những chữ đầy ấn tượng như: tê dại, sượng sần, da diết, tê mê, chết điếng, vô tri… Thơ Hàn Mặc Tử quả có một sức gợi và ám ảnh mạnh mẽ đối với người đọc:
         Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,
         Mỗi lời thơ đều dính não cân ta;
         Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
         Cho mê man chết điếng cả làn da.
         Cứ để cho ta ngất ngư trong vũng huyết,
         Thử niềm đau trên mảnh giấy mong manh
         Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
         Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh.
Trần Thanh Mại là một trong những người nghiên cứu khá kỹ lưỡng và đã phát hiện ra nhiều điều thú vị trong gia tài thơ ca quí giá của Hàn Mặc Tử nhờ hiểu được hoàn cảnh và môi trường sống cũng như các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến cuộc đời thi sĩ.
“Hai cái luận đề yêu dấu” nổi bật lên rõ rệt trong tập Đau thương của Hàn Mặc Tử, đó là  Trăng và hồn. Trăng và hồn là “hai cái ám ảnh ghê gớm mà thi sĩ không thoát li được”. Dường như giữa trăng và căn bệnh của thi sĩ có mối liên hệ mật thiết, sự đau đớn hay thuyên giảm của căn bệnh lên xuống theo sự lên xuống của con trăng. Những bài Một đêm trăng, Say trăng, trăng vàng trăng ngọc… đều là sự bùng phát dữ dội của chứng bệnh “nan y” được thể hiện bằng thơ. Trăng và hồn tràn ngập, lai láng trong những giấc chiêm bao của Hàn Mặc Tử. Rất nhiều bài thơ mang tựa đề hồn: Trút linh hồn, Với hồn, Biển hồn ai, Hãy nhập hồn em, Hồn lìa khỏi cổ, Hồn là ai?hồn mà Hàn Mặc Tử thường mộng thấy là hồn lìa khỏi xác để đi chơi một mình, để đánh nhau với chàng và để rồi cả hai đều phải chết. Nỗi ám ảnh về cái chết, về bệnh tật không lúc nào nguôi ngoai trong suy nghĩ của nhà thơ. Mộng và thực, thực và mộng luôn gắn bó, ẩn hiện trong thơ Hàn Mặc Tử.
Ý thơ, lời thơ chứa đựng tâm trạng điên loạn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của một con người mà cuộc sống đang gần kề cái chết. Thi hứng trong thơ Hàn Mặc Tử bắt nguồn từ nỗi đau của bệnh tật, từ tâm trạng đắng cay, chua xót của những cuộc tình dang dở, từ cái nghèo túng, bần hàn của cuộc sống. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao Hàn Mặc Tử lại đặt cho tập thơ của mình cái tựa đề “Đau thương”. Những nỗi đau trong cuộc đời đã quật ngã con người vật chất nhưng lại làm bừng sáng lên khả năng sáng tạo trong ông. Vì vậy bên cạnh nỗi đau của một thân xác và tâm hồn rớm máu, vẫn có một Hàn Mặc Tử “tỉnh táo, mạch máu tuôn chảy êm ả dịu dàng”, đó là lúc phần thơ tự nhiên, không chịu ảnh hưởng của bệnh (trăng, chiêm bao và hồn) xuất hiện. Những bài thơ này “rất khỏe khoắn đơn sơ. Âm nhạc reo lên một cách thong thả nhẹ nhàng, uyển chuyển như một tiếng ngân thanh kéo dài mãi không ngừng. “Những bài nho nhỏ như bài Đà Lạt trăng mờ, Huyền ảo, Mùa xuân chín, Đây thôn vĩ dạ, Siêu thoát… đã đủ biểu hiện tài bao quát của Hàn Mặc Tử và có thể kể trong những bài hay nhất của nền thơ Việt Nam, của nền thơ hoàn cầu” – đó là lời đánh giá của Trần Thanh Mại về những bài thơ được làm khi “thi nhân tỉnh táo”. Trần Thanh Mại đã nhận định đúng, Đau thương là một trong những tập thơ có giá trị và là tập thơ xuất sắc nhất của Hàn Mặc Tử.
Viết về hai tập thơ tiếp theo Xuân như ý và Thượng thanh khí, Trần Thanh Mại dường như cũng bị hút vào cái mạch thơ “dị biệt” và độc đáo của Hàn Mặc Tử. Ông viết “hồn thơ của thi sĩ càng ngày càng xa cõi thế gian và mọi thứ tình tứ của người thường, như một làn tằm hương bốc tỏa lên cao, cao mãi, khí thơ của thi sĩ cũng vượt ra ngoài cả bầu không khí trần gian mà dâng lên tận những tầng khinh khí thiên không…”. Thế giới thơ của Hàn Mặc Tử được kết bằng âm nhạc, hương hoa và màu sắc. Cái Mùa Xuân như ý được thi sĩ ca tụng không phải là cái xuân tầm thường, mà là “cái xuân màu nhiệm…, chưa bao giờ ai từng thưởng thức”. Hàn Mặc Tử đã mang đến cho thơ một thi pháp hoàn toàn mới lạ. Tư tưởng và lời thơ cao siêu, thanh khiết của thi sĩ họ Hàn bắt nguồn từ nỗi đau, từ ảnh hưởng nguồn tư tưởng của đạo Thiên chúa. Vì vậy trong lời tựa Xuân như ý, thi sĩ đã bày tỏ niềm tin vào phép màu nhiệm của Đức chúa Trời “Lạy Chúa Trời đi ! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chang vô vàn phước lộc…”. Với Xuân như ý, Thượng thanh khí… Hàn Mặc Tử đã từ trường phái tượng trưng chuyển dần sang hiện thực, góp phần đáng kể vào quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Trong con mắt và cảm nhận của Trần Thanh Mại, Hàn Mặc Tử có thể sánh ngang với Tuôcghênhiep của Nga, Lý Bạch, Bồ Tùng Linh của Trung Quốc… bởi vì ông có một “nghệ thuật yêu quái”, “một ảo thuật đích thực”, khiến cho tư tưởng, ngôn ngữ hóa thành “linh động một cách dễ sợ, như dưới cái quyết của một viên phù thủy cao tay ấn”. Trần Thanh Mại đã dùng lời Tô Đông Pha để nói về tài nghệ tuyệt vời của Hàn Mặc Tử trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ: văn thơ Hàn Mặc Tử “có khi lách nhẹ qua các áng hoa luống cỏ, nhưng đến khi cần cũng đục xẻ nổi cả những tảng núi sườn non, đánh đổ tất cả cái gì cản trở”.
Ông đồng thời cũng hiểu được cội nguồn tạo nên giá trị và những dấu ấn đặc biệt mà Hàn Mặc Tử đã để lại trong những vần thơ được sáng tác trong trạng thái thăng hoa nhất của cảm xúc. Thơ Hàn Mặc Tử là sự giao hòa của ngôn ngữ Á – Âu, của hai nguồn văn hóa Phật giáo và Thiên chúa giáo, của những đau đớn tột cùng của thể xác và những bí ẩn diệu kỳ của tâm linh… tất cả được nương náu, ẩn chứa vào những vần thơ đầy âm thanh và nhạc điệu. Trần Thanh Mại đã coi Hàn Mặc Tử là “nhà thi sĩ Việt Nam có cái nghệ thuật âm nhạc tài tình nhất”, dường như bài thơ nào, câu thơ nào cũng vang lên tiếng nhạc. Ông đã chọn hai bài thơ tiêu biểu: Đà Lạt trăng mờ và Đây thôn Vĩ dạ để chứng minh cho nhận định của mình. Mặc dù cả hai bài thơ đều không được gieo vần một cách đúng luật, nhưng đó lại là những bài thơ xuất sắc, không phải chỉ đối với riêng nhà thơ mà đối với cả nền thơ Việt Nam bởi sự êm ái, du dương của nhạc điệu. Thơ Hàn Mặc Tử có ảnh hưởng sâu rộng trong làng thơ Việt Nam và bản thân ông được coi là một nhà thơ “biệt lập hẳn ra một cõi, một cõi nguy nga đồ sộ, ngát hơi hương và vang tiếng nhạc”. Thi sĩ mang dấu ấn của riêng mình, không nhòa lẫn với bất cứ thi nhân nào trên văn đàn.
Một số phận đặc biệt với những năm tháng sống trong đau đớn, giày vò cả về thể phách lẫn linh hồn, Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời những bài thơ thật đặc biệt và tinh túy. Trần Thanh Mại đã đánh giá không sai khi cho rằng “Hàn Mặc Tử là người đầu tiên trong thế kỷ XX mở ra một cuộc cải cách lớn cho văn chương Việt Nam và thành công một cách vinh quang rực rỡ”. Với một tập chuyên luận dày dặn, dấu ấn của nhà nghiên cứu phê bình tài hoa đã in đậm qua từng trang sách. Cuộc đời đầy bất hạnh, thương đau với những thi phẩm độc đáo, bí ẩn của Hàn Mặc Tử trở thành nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ bạn đọc. Có thể nói ngoài Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín là những người được xem như có nhiều duyên nợ  với thi sĩ, thì Trần Thanh Mại cũng được coi là người có nhiều đóng góp trong việc truyền bá thơ văn Hàn Mặc Tử, đồng thời có những dự cảm, tiên tri về ảnh hưởng của dòng thơ độc đáo có một không hai này trong lịch sử thơ ca Việt Nam.
Sau ông có nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục khai mở mạch thơ của hai thi sĩ này ở nhiều bình diện khác nhau nhưng công đầu mãi thuộc về nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại. Nhưng điều quan trọng hơn, điều đã làm cho tên tuổi của ông sống mãi trong tiềm thức bạn đọc đó là sự lôi cuốn bởi một văn phong mượt mà, gợi cảm, giàu chất tự sự trong các công trình nghiên cứu của ông.
Ở một phương diện khác, với con đường tiếp cận khác, nhà phê bình Hoài Thanh “đã theo Hàn Mặc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch thơ Quần tiên hội”, và phải thốt lên “tôi đã mệt lả” (Hoài Thanh- Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam 1932-1941. NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr.197). Bằng cảm xúc và ấn tượng chủ quan, Hoài Thanh đã có nhiều nhận xét sắc sảo về từng chặng đường thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử từ thơ Đường luật đến Gái quê, Đau thương (Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và hồn điên), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.  Theo ông, thế giới thơ Hàn Mặc Tử nói chung là một “thế giới kỳ dị”, “lạ lùng”. Gái quêbộc lộ “một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi”. Trong Mật đắng “lời thơ như dính máu”, “ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồng sáng lạ chói cả mắt”. Hay Máu cuồng và hồn điên đã làm tác giả của Thi nhân Việt Nam  phải “rùng mình, ngơ ngác”, và cảm thấy “trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử ta không hiểu được… một tác phẩm như vậy, ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán” – Hoài Thanh dường như “bất lực” trước lối thơ tượng trưng của Hàn Mặc Tử, nhưng ông vẫn nắm bắt được cái hồn trong một số bài thơ của thi sĩ họ Hàn.
Giống như Hoài Thanh, nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng phê bình theo ấn tượng chủ quan. Khi đánh giá cuốn Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại, ông viết “quyển Hàn Mặc Tử có tính chất một quyển truyện ký hơn là một quyển phê bình thơ Hàn Mặc, vì những trang có thể coi là những trang phê bình là phần nhỏ trong quyển sách; sau nữa tác giả chỉ phê bình có một mặt, chỉ cố tìm những cái hay của Hàn Mặc Tử để khen ngợi thôi”. Chẳng hạn Trần Thanh Mại đã khen thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử từ đầu đến cuối. Với tập Gái quê “cũng đều là những lời tán thưởng” Xuân như ý là “tập thơ ca tụng cái xuân thơ tho tốt đẹp của trời đất…”. Về Cẩm châu duyên cũng “không thể bỏ qua mà không xét đến hai tác phẩm tân kỳ có một không hai ấy của văn học Việt Nam…”, ông cho rằng Trần Thanh Mại không phải là một “nhà phê bình dè dặt”. Và thừa nhận Trần Thanh Mại đã rất tiến bộ, “tiến bộ về những điều xét nhận tỉ mỉ và cả về cách hành văn nữa”.
Đồng quan điểm với Vũ Ngọc Phan là Kiều Thanh Quế, theo ông “từ Trông dòng sông Vị đến Hàn Mặc Tử Trần Thanh Mại tiến rất nhiều”. Lối phê bình văn chương và thân thế Trần Tế Xương ở Trông dòng sông Vị còn “giản dị”, đến Hàn Mặc Tử đã có nhiều đoạn “đối chiếu rất đúng”, nghĩa là ông đã phát hiện ra mối liên hệ gần gũi giữa thơ và tâm trạng của một người mắc căn bệnh nan y qua một số bài thơ mà tiêu biểu là bài “Hồn lìa khỏi xác”. Ông cho rằng phương pháp tìm hiểu thơ văn  qua cuộc đời nhà thơ đã giúp Trần Thanh Mại hiểu sâu đối tượng. Song vì hiểu, vì “xót thương” cho số phận bất hạnh của Hàn Mặc Tử, nên đôi lúc đã có lời “tán tụng” quá đáng, khiến cho độc giả ngờ vực thi tài Hàn Mặc Tử. Tuy vậy, “quyển Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại vẫn đáng đặt cạnh những quyển hữu danh biên tập về thân thế, sự nghiệp văn chương của bao thi sĩ nước nhà khác”, đó là lời nhận xét của Kiều Thanh Quế về Trần Thanh Mại in trong Tạp chí Tri tân số 46, tháng 5 năm 1942.
Với hai tác phẩm vừa tiêu biểu cho trào lưu phê bình còn thưa thớt lúc đó, vừa có tính chất mở đường cho việc nghiên cứu  chân dung hai nhà thơ Trần Tế Xương và Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại thực sự trở thành người ghi công cho khuynh hướng nghiên cứu chân dung tác giả bằng phương pháp phê bình xã hội-tiểu sử1.
(1) Theo gia đình cung cấp, Trần Thanh Mại sinh ngày 03-2-1908.
(2) Trần Thanh Mại: Hàn Mặc Tử. Nxb. Huế, 1941; tr.4.
(3) Thanh Lãng: Phê bình văn học; tr.310-311.
(4) Trông dòng sông Vị, 1941; tr.38.
(5) Sđd; tr.84.   
Tôn Thảo Miên
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học 
Theo http://phebinhvanhoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không thử, làm sao mà biết được

Không thử, làm sao mà biết được! Giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Hắn nằm đó. Say rượu. Say thuốc. Say tình. Tôi bước tới bước lui. Rồi tôi...