Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Tân nhạc Việt Nam - Nhạc tiền chiến

Tân nhạc Việt Nam - Nhạc tiền chiến
Tân nhạc (Vietnamese Modern Music) - Tên gọi khác: Nhạc tân thời (Vietnamese modern musical era), Nhạc cải cách (Vietnamese reformed music) - Là tên gọi thông dụng của dòng nhạc xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 1928.
Bối cảnh ra đời của Tân nhạc Việt Nam là những năm đầu thế kỷ 20. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi trong nghệ thuật văn học Việt Nam nói chung. Tân nhạc xuất hiện sau phong trào thơ mới và dòng văn học lãng mạn vài năm.
Giai đoạn trước 1937 được xem là giai đoạn chuẩn bị của Tân Nhạc. Trong bài Lịch sử tân nhạc Việt Nam nhạc sĩ Trần Quang Hải gọi đây là “giai đoạn tượng hình”. Còn nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng những năm đầu thập niên 1930 là “thời kỳ đi tìm nhạc ngữ mới”.
Âm Nhạc của Châu Âu theo chân những người Pháp vào Việt Nam từ rất sớm. Đầu tiên chính là những bài thánh ca trong các nhà thờ Công Giáo. Các linh mục Việt Nam được cũng được dạy về âm nhạc với mục đích truyền giáo. Tiếp đó người dân Việt Nam được làm quen với “nhạc nhà binh” qua các đội kèn đồng. Tầng lớp giàu có ở thành thị được tiếp xúc với nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển phương Tây.
Năm 1938 được coi là điểm mốc đánh dấu sự hình thành của Tân Nhạc Việt Nam với những buổi biểu diễn và thuyết trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội.
Sau thành công của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên và được sự ủng hộ của báo chí, nhiều nhóm nhạc được thành lập và các nhạc sĩ phổ biến rộng rãi những tác phẩm của mình. Và ngay từ thời kỳ này, nhiều nhạc sĩ tài năng đã ghi dấu ấn với các nhạc phẩm trữ tình lãng mạn. Một số thuật ngữ được dùng để chỉ nền tân nhạc Việt Nam giai đoạn này, phổ biến nhất là “Nhạc Tiền Chiến”. Dòng “Nhạc Tiền Chiến” này còn kéo dài tới năm 1954 và cả sau 1954 ở miền Nam.
Nhạc Tiền Chiến (tiếng Anh: Vietnamese pre-war music) là dòng nhạc đầu tiên của Tân Nhạc Việt Nam mang âm hưởng trữ tình lãng mạn xuất hiện vào cuối thập niên 1930. Các ca khúc tiền chiến thường có giai điệu trữ tình và lời ca giàu chất văn học. Ban đầu khái niệm “Nhạc Tiền Chiến” (nhạc trước thời kỳ chiến tranh) dùng để chỉ dòng nhạc mới tiếng Việt theo âm luật Tây phương trước khi chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, sau này, vì lý do chính trị, khái niệm này mở rộng với phong cách trữ tình lãng mạn, như “Dư Âm” của Nguyễn Văn Tý, “Trăng Mờ Bên Suối” của Lê Mộng Nguyên… và cả sau 1954 đối với một số nhạc sĩ ở miền Nam như Phạm Đình Chương, Cung Tiến…
Những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến:
NS Đặng Thế Phong
NS Đặng Thế Phong: Ông thuộc nhóm Nam Định, nhưng ông sớm rời bỏ thành phố để lên Hà Nội. Đầu 1941 Đặng Thế Phong vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Cuối 1941 ông trở lại Hà Nội và mất vào năm 1942 bởi bệnh lao. NS Đặng Thế Phong chỉ để lại ba nhạc phẩm “Đêm Thu, “Con Thuyền Không Bến” và “Giọt Mưa Thu”. Các sáng tác của ông được xem là tiêu biểu cho dòng “Nhạc Tiền Chiến” và có ảnh hưởng đến những nhạc sĩ sau đó.
NS Văn Cao
NS Văn Cao: Ông cũng ở Hải Phòng. Ban đầu ông thuộc nhóm Đồng Vọng của NS Hoàng Quý và có những sáng tác đầu tay như “Buồn Tàn Thu”, “Vui Lên Đường”. Năm 1941, NS Văn Cao lên Hà Nội, ông đã viết những nhạc phẩm giá trị vượt thời gian như “Trương Chi”, “Thiên Thai”, “Suối Mơ”, “Bến Xuân”…
NS Phạm Duy
NS Phạm Duy: Ban đầu là ca sĩ của gánh hát Đức Huy, nên NS Phạm Duy còn được xem như một trong những người đầu tiên đem thể loại nhạc này đi phổ biến khắp mọi miền đất nước. NS Phạm Duy gia nhập làng nhạc sĩ năm 1942 với bài “Cô Hái Mơ”, phổ thơ Nguyễn Bính, tiếp đó là những bản nhạc lãng mạn như “Cây Đàn Bỏ Quên”, “Tình Kỹ Nữ”, “Tiếng Bước Trên Đường Khuya” hay đậm chất dân ca như “Em Bé Quê”, “Tình Ca”, “Bà Mẹ Quê”, “Gánh Lúa”…NS Phạm Duy và NS Văn Cao là hai người bạn thân nên thường giúp đỡ nhau trong nghề, hai ông từng sáng tác chung các ca khúc “Bến Xuân”, “Suối Mơ”.
NS Phạm Duy là người có công đầu trong việc đem chất dân ca vào tân nhạc, điều này khiến nhạc cải cách xích lại gần với tầng lớp nông dân, dân nghèo.
NS Lê Thương
NS Lê Thương: Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho thời kỳ tiền chiến của Tân Nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của bộ ba ca khúc Hòn Vọng Phu bất hủ.
NS Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1914, tại phố Hàm Long, Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ là những nghệ sĩ cổ nhạc. Một bài viết khác cho rằng Lê Thương sinh tại Nam Định. Chi tiết về cuộc đời ông rất ít được nhắc tới. Theo hồi ký của NS Phạm Duy, NS Lê Thương sinh năm 1913 và là một thầy tu hoàn tục.
NS Dương Thiệu Tước
NS Dương Thiệu Tước: Ông là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng và được coi là một trong những nhạc sĩ tiền phong của Tân nhạc Việt Nam với các bài nổi tiếng.
NS Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định. Ông vào miền Nam sinh sống từ năm 1954. Tại Sài Gòn ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài Phát Thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy Lục Huyền Cầm/Tây Ban Cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.
NS Hoàng Quý
NS Hoàng Quý: Ông cũng là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, và là một trong những gương mặt tiên phong của Tân Nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của nhạc phẩm Cô Láng Giềng bất hủ.
NS Hoàng Quý sinh năm 1920 tại Hải Phòng, ông là anh trai của ông Hoàng Phú, tức nhạc sĩ Tô Vũ. Theo NS Phạm Duy, NS Hoàng Quý từng là học trò của NS Lê Thương tại trường Trung học Lê Lợi ở Hải Phòng vào cuối thập niên 1930. NS Hoàng Quý theo học nữ giáo sư âm nhạc Leperète dạy nhạc ở các trường trung học ở Hải Phòng. Nhờ có năng khiếu và ham học, NS Hoàng Quý tiếp thu âm nhạc khá tốt, chỉ một thời gian sau trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal.
NS Hoàng Giác
NS Hoàng Giác: Ông sinh năm 1924. Quê gốc của ông ở làng Chèm, nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là một nhạc sĩ và ca sĩ nhạc tiền chiến nổi tiếng khác của nền Tân Nhạc Việt Nam. Ông sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 ca khúc. Trong số đó, có những bài hát nổi tiếng và vượt thời gian như “Mơ Hoa”, “Ngày Về”, “Lỡ Cung Đàn”,…
Từ khi còn là học sinh, ông đã tìm tòi học hỏi nhạc theo các tài liệu sáng tác cũng như hòa thanh của Pháp. Năm 1945 ông viết ca khúc đầu tay “Mơ Hoa”. Ông khiêm tốn: “Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu.”
Dưới đây mình có trích đoạn bài “Lịch sử tân nhạc Việt Nam - Phần I”, cùng với 22 clips các bản nhạc tiền chiến tiêu biểu để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
Theo Wikipedia 
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...