“Trăng mờ bên suối” của
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên là tác giả ca khúc nổi tiếng “Trăng
Mờ Bên Suối”. Ông còn là Giáo sư, Tiến sĩ Luật và Khoa Học Chính Trị, được bầu
vào Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại của Pháp. Ngoài ra, ông còn viết văn và làm
thơ.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh ngày 5 tháng 5 năm 1930, tại Phú
Xuân, Huế. NS Lê Mộng Nguyên dùng tên thật cho hầu hết các sáng tác, đôi khi
ông dùng một bút danh khác làYên Hà hoặc Lan Đào. Ông là con trai áp
út của một gia đình nho giáo, điền chủ ở tỉnh Thừa Thiên. Cha ông tên Lê Viết
Mưu, mẹ là bà Hồ Thị Ngô. Ông bà có bảy người con, trong đó Lê Mộng Hoàng, anh
của ông là một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng.
Lúc nhỏ, NS Lê Mộng Nguyên bắt đầu đi học ở trường làng Phú
Xuân, rồi vào học trường Tiểu học (École Primaire) Chaigneau ở Huế. Sau đó ông
thi tuyển vào trường trung học Khải Định và là một trong ba người đỗ đầu, được
Chính phủ cấp học bổng. Ông học ở đó từ 1943 đến khi thi Tú Tài năm 1950. NS Lê
Mộng Nguyên làm thơ, nhạc và viết văn từ thuở nhỏ, lúc 9 tuổi khởi sự làm thơ
và có nhiều bài được đăng trong nội san của trường trung học Khải Định với bút
danh Yên Hà.
NS Lê Mộng Nguyên thời trẻ
Năm 15 tuổi, trong một cuộc thi Văn chương Học sinh trường
Trung học, ông viết một bài về Phan Đình Phùng và đạt giải thưởng Hoàng Đế Bảo
Đại, năm đó ông cũng sáng tác ca khúc đầu tay “Xuân Tươi” (dưới bút hiệu Lan
Đào), được báo “Quốc Gia” đăng trong “Đặc San Mùa Xuân”. Năm 18 tuổi NS Lê Mộng
Nguyên đã được cấp thẻ nhà báo, cộng tác cùng nhiều tờ báo khi đó: Phật Giáo
Văn Tập, Quốc Gia, Việt Nam Tân Báo, Đường Mới.
Năm 1950, sau khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần tại Việt Nam, NS
Lê Mộng Nguyên sang Pháp du học, được ông Nguyễn Khoa Nam bảo lãnh tại Paris.
Ban đầu ông muốn theo học hòa âm tại Trường Âm Nhạc Paris nhưng sau đó bỏ ý định,
quay sang học luật tại Khoa Luật và Khoa Học Kinh Tế tại “Đại Học Paris 1
Panthéon Sorbonne” (Faculté de Droit et de Sciences Economiques).
Năm 1954, NS Lê Mộng Nguyên tốt nghiệp Cử Nhân Luật. Từ năm
1955 tới năm 1958, ông được mời làm Tùy viên kinh tế và xã hội cạnh Tòa Đại Sứ
Việt Nam tại Paris (Attaché économique et social près l’Ambassade du Vietnam à
Paris) dưới quyền của Đại sứ Việt Nam Phạm Duy Khiêm. Sau đó ông quay lại trường
đại học và thi đậu cuộc thi để được hành nghề luật sư.
Năm 1962, ông đậu Tiến Sĩ Quốc Gia (Doctorat d’État) với ba bằng
cao học về “Droit Public”, “Droit Privé” và “Sciences Politiques”. Sau khi thôi
hành nghề luật sư, năm 1967, NS Lê Mộng Nguyên dạy luật “Hiến Pháp” (Droit
constitutionnel) và “Khoa Học Chính Trị” (Sciences politiques) tại trường Đại học
thành phố Besançon, miền Đông nước Pháp.
NS Lê Mộng Nguyên
Năm 1985 ông quay lại Paris và giảng dạy tại “Đại học Paris 8
Saint Denis” đến khi về hưu năm 1997. Trong thời gian đó, ông cũng sáng tác nhiều
ca khúc, nhưng không phổ biến. Tuy ít tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng người
Việt tại Pháp, nhưng ông cũng đã ký tên ủng hộ việc cứu trợ nạn thuyền nhân vượt
biển. Sau khi về hưu, ông cộng tác với vài báo chí Việt tại hải ngoại, trong đó
có nguyệt san Nghệ Thuật của nhạc sĩ Lê Dinh và Hồn Việt của ký giả Vương Huyền.
NS Lê Mộng Nguyên thành hôn với Nicole Moulin, một phụ nữ người
Pháp vào ngày 8 tháng 1 năm 1959. Trước đó hai năm, họ gặp nhau sau một cuộc biểu
tình tại quận La Tinh Paris. Hai người không có con. Ông cũng chưa từng về lại
Việt Nam từ khi đi du học năm 1950.
Ngày 5 tháng 12 năm 1997, NS Lê Mộng Nguyên được bầu vào Hàn
Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại (Académie des Sciences d’Outre-Mer) của Pháp, thay
thế cho Cựu Hoàng Bảo Đại. Người được bầu vào Hàn Lâm Viện này phải có những
tác phẩm được xuất bản, những công trình nghiên cứu đáp ứng đường lối của hàn
lâm viện trong công cuộc phát triển văn hóa, khoa học, kinh tế, kỹ thuật hay
nhân loại của những quốc gia hải ngoại trong khối Pháp. NS Lê Mộng Nguyên là
người Pháp gốc Việt đầu tiên được bầu làm hội viên chính thức (membre
titulaire), có thể được bầu làm chủ tịch Hàn Lâm Viện này và có quyền bầu để chọn
người vào làm hội viên. Trước đó, đã có một số người Việt làm hội viên liên lạc
(membre correspondant) như Phạm Quỳnh, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng; hội
viên cộng tác (membre associé) Thái Văn Kiểm. Cựu Hoàng Bảo Đại cũng là hội
viên chính thức tự do (membre titulaire libre), có nghĩa là hội viên thực thụ
không thuộc ban (section) nào cả nhưng có quyền bỏ phiếu hay tranh cử bất cứ chức
vụ nào của Hàn Lâm Viện.
NS Lê Mộng Nguyên tự học nhạc từ khi còn nhỏ, học đánh đàn
mandoline với một người bạn học cùng lớp, sau đó có học guitar và violon. Ông
sáng tác ca khúc đầu tay “Xuân Tươi” vào năm 15 tuổi ký tên Lan Đào. Bài nhạc
“Mừng Khánh Đản” đã được Thượng Tọa Minh Châu nhờ ông sáng tác vào năm 1948
nhân dịp khánh thành Chùa Từ Đàm.
Nhạc phẩm nổi tiếng nhất của NS Lê Mộng Nguyên, “Trăng Mờ Bên
Suối”, được viết ngày 13 tháng 11, năm 1949 khi ông mới 19 tuổi. “Trăng Mờ Bên
Suối nói lên nỗi lòng của tác giả khi nhớ người yêu, nhớ sông Hương núi Ngự trước
khi lên đường sang Pháp du học vào năm 1950. Trong một bức thư trả lời một người
bạn, NS Lê Mộng Nguyên viết: “Bài trăng mờ bên suối viết ngày 13 tháng 11 năm
1949 (tôi còn giữ bản thảo), một buổi chiều không mưa ở nhà một mình tôi ở Huế
(đường Gia Long), với cây lục huyền cầm Y Pha nho, vừa nhạc vừa lời song song với
nhau, rất mau lẹ (từ 20 đến 30 phút là xong), trong một cuốn vở có phân ly
(papier millimétré) đầy ký chú những bài học Lý Hóa ở trường Khải Định”.
Lời hát của “Trăng Mờ Bên Suối” cổ điển và sang trọng,
khá giống với “Suối Mơ” của Văn Cao:
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào…
Suối mơ…lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng…người phương xa trong khói điêu tàn
Suối ơi…vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh
Nào những lúc trên thuyền say sưa
Nhìn trăng vừa lên, ai hay chia lìa
Sương khói biên thùy hiu hắt người đi xa trường sa…
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào…
Suối mơ…lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng…người phương xa trong khói điêu tàn
Suối ơi…vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh
Nào những lúc trên thuyền say sưa
Nhìn trăng vừa lên, ai hay chia lìa
Sương khói biên thùy hiu hắt người đi xa trường sa…
Tuy được viết vào cuối năm 1949, nhưng “Trăng Mờ Bên Suối” được
xem như một ca khúc tiền chiến và đã trở thành bất hủ của Tân Nhạc Việt Nam. Nhạc
sĩ/ Ca sĩ Thu Hồ là người hát “Trăng Mờ Bên Suối” đầu tiên trên đài phát thanh
Pháp Á năm 1949.
NS Lê Mộng Nguyên cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sáng tác
về Huế, miền Trung, ca tụng nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Ngoài những nhạc phẩm
có tính cách tranh đấu như “Vó Ngựa Giang Hồ” (1949), hay “Mùa Lúa Mới” và “Trường
Ca Quân Tiến”, từ thời thiếu niên ông đã sáng tác nhiều ca khúc lãng mạn “để tiếp
theo hứng cảm của các tác giả mà ông yêu chuộng như Văn Cao, Đặng Thế Phong…”.
Từ ngày sang Pháp học, ông viết các bản nhạc nói lên nỗi nhớ quê hương như
“Xuân Tha Hương”, “Lá Thư Cho Mẹ”, “Trời Âu”…Ông cũng viết bản “Bụi Đời”, “Người
Đã Trở Về” cho bộ phim “Bụi Đời” do anh trai ông là Lê Mộng Hoàng đạo diễn năm
1957.
Khoảng 1990, tại Việt Nam, một tuyển tập nhạc Phật giáo gồm
25 bài do NS Lê Mộng Nguyên viết trước năm 20 tuổi đã được Giáo hội Phật giáo
Việt Nam xuất bản.
Dưới đây mình có bài “Trăng Mờ Bên Suối hay là cuộc hành
trình trong một quá khứ lãng mạn và thương yêu” và 5 clips “Trăng Mờ Bên Suối” do
các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
Trăng Mờ Bên Suối hay là cuộc hành trình trong một quá khứ lãng
mạn và thương yêu
(Lê Mộng Nguyên – Paris)
Trong bài diễn văn mở đầu cuộc Tuyển Lựa Ca Sĩ Giải Cung Vàng
3 do Đài Tiếng Nói Việt Nam của ký giả Lê Thái và báo Nghệ Thuật của nhạc sĩ Lê
Dinh tổ chức đêm mồng một tháng tư năm 2000 tại Trung tâm Văn Hóa Xã Hội
Brossard (Québec, Gia Nã Đại) để kỷ niệm Đệ Tứ Chu Niên của Đài và để vinh danh
một “nhạc sĩ kỳ cựu” đã không ngần ngại bay từ Paris đến Montréal làm Chánh Chủ
Khảo, tôi có đôi lời nhắn nhủ 16 thí sinh được lựa chọn vào phần Chung Kết như
sau : “… Hãy hát một cách hồn nhiên, thành thật, nếu buồn thì phải cho người
nghe nhung nhớ, nếu khổ thì phải chia xẻ với khán thính giả mắt rưng rưng, nếu
vui thì phải hòa hợp với mùa xuân đang chớm nở… Tóm lại: các em phải làm thế
nào cho đồng bào hiện diện nơi đây được thông cảm với nhạc và lời của tác giả,
với người hát và với bối cảnh muôn hình vạn dạng của một quá khứ mà nhạc sĩ muốn
ghi lại cho đời…” Theo cùng một quan niệm, Trăng Mờ Bên Suối được viết
cách đây hơn nửa thế kỷ vào một ngày không mưa tại Huế để đánh dấu một mối tình
bất diệt nhưng đau khổ của hai đứa trẻ yêu nhau trong thời khói lửa…với linh
tính sẽ xa nhau mãi mãi (Tóc xanh nhuốm bạc màu nhân thế, Tưởng nhớ người xưa mộng
lỡ làng…Trời Âu, thơ LMN) sau một đêm gặp gỡ cuối cùng bên bờ suối, dưới ánh
trăng mờ: Ai hay chia lìa, Sương gió biên thùy, Hiu hắt người đi sa trường
xa…
Lúc bấy giờ, chiến tranh bùng nổ giữa quân đội Quốc gia (dưới
thời cựu hoàng Bảo Đại, Quốc trưởng kiêm Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày mồng
một tháng bảy 1949, với Tướng Nguyễn Văn Xuân, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng
Quốc phòng), dư luận xôn xao bàn tán về cuộc tổng động viên sắp ban hành… Với
cây đàn lục huyền cầm Y Pha Nho chiều hôm ấy (13 tháng 11 năm 1949), tâm hồn
xao xuyến và dưới một sự xúc cảm dạt dào, tôi đã viết rất mau lẹ (từ 20 tới 30
phút) trong một cuốn vở học trò và trên những trang giấy có phân ly (papier
millimétré) đầy ký chú những bài học Lý Hóa ở trường Quốc học Khải Định, một
tác phẩm mà sau này sẽ trở thành bất hủ, nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối. Ai là nhạc
thần trong sự sáng tác bài nhạc này đã làm cho ngay tác giả lúc nghe lại chiều
hôm ấy cũng phải rụng rời con tim?.
Nhiều người đã hỏi tôi và gần đây, Huyền Châu (nữ ca sĩ số một
hiện giờ ở Montréal) trong cuộc phỏng vấn Lê Mộng Nguyên trên Đài TNVN chiều
hôm 02/04/2000, muốn biết (tôi xin trích) “trong trường hợp nào và những tình cảm,
những kỷ niệm nào đã cho tác giả nguồn cảm hứng để sáng tác nhạc phẩm muôn thuở
TMBS mà nàng đã được hân hạnh và vinh dự trình bày đêm ca nhạc 01/04/2000”.
Linh tính một sự đau khổ trong tương lai vì phải rời quê cha đất tổ qua năm sau
(nghĩa là cuối năm 1950) cùng với óc tưởng tượng dồi dào của một học sinh 19 tuổi
đã làm cho tôi biến hóa những cuộc gặp nhau bên bờ sông Hương, sau Đài Trận
Vong Chiến Sĩ nằm trước cửa hai trường Khải Định-Đồng Khánh (Em ơi đã hứa bao lần,
Bên Bia đá nặng lời sông Hương thề… “Mấy Tờ Thư”, thơ LMN) và trên đường Nam
Giao (nơi trú ngụ của cô gái Huế người hoàng tộc mới tuổi dậy thì: Về nơi mô ?
Chiều Nam Giao, nhớ người Bến Ngự, nhớ lời ước thề… Bài Thơ Huế, nhạc LMN),
trong lúc chiều vàng mặt trời sắp xuống, thành một gặp gỡ cuối cùng bên bờ suối
vắng dưới ánh trăng mờ, mà ngay hoa lá cũng động lòng nức nở khóc nỗi chia ly:
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Ròi đây hai ngả biết tới phương nào…
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Ròi đây hai ngả biết tới phương nào…
Tôi vừa viết xong thì anh Lê Mộng Hoàng lúc ấy mới đi chơi về,
hát thử ngay với giọng ténor léger của anh rất xúc cảm, tôi quyết định gửi cho
danh ca Thu Hồ trính bày ba bốn hôm sau trên Đài Phát thanh Pháp Á (Radio
France-Asie) và ngay từ dạo ấy, TMBS đã sẩy tay tác giả để tự làm một cuộc đời
danh vọng, vượt cả không gian và thời gian, trải qua bao thế hệ. Để tường thuật
buối ca nhạc thân mật đêm 7 tháng 10-1978 tại Quán Trúc (tòa soạn báo Quê Mẹ ở
Paris), ký giả Hồ Trường An viết: “Anh Lê Mộng Nguyên, một nhạc sĩ lừng
danh trong thập niên 50, tác giả những bản ‘Trăng Mờ Bên Suối’, ‘Nhớ Huế’, ‘Bài
Thơ Huế’ hôm nay lên hát lại những tác phẩm của mình. Khoảng thời gian vắng
bóng trong giới âm nhạc quá dài, nên anh quên khá nhiều lời hát. Có kẻ nhắc dùm
anh và anh hát với cảm xúc dạt dào. Anh sáng tác nhạc như bỏ con rơi của mình
cho cuộc đời, không ngờ người đời còn giữ gìn cho anh” (Quê Mẹ số 26, ngày
14/10/1978, tr. 15).
Thật vậy! Tôi bỏ nhà ra đi từ cuối năm 1950 sau khi đã sáng
tác rất nhiều nhạc để lại cho Thu Hồ hát trên Đài Pháp Á và cho in nhiều lần tại
các nhà xuất bản Hương Mộc Lan, Tinh Hoa, Ái Hoa, An Phú hay Á Châu, vân vân.
Và sau đó những nam nữ ca sĩ danh tiếng không ai là không hát và thu thanh ít
nhất một lần và một bài TMBS. Từ đất Pháp, tôi được biết qua thư từ rằng vào
khoảng năm 1951-1952, TMBS được thính giả Đài Phát Thanh Việt Nam lựa chọn vào
8 bài hát hay nhất trong nước và từ ấy, vào đĩa 78, 45, 33 vòng, cassettes,
vidéo, CD… vân vân… ở quốc nội và hải ngoại…
Nhạc sĩ Trịnh Hưng kể lại cho tôi biết lúc anh còn là Bộ đội
Việt Minh làm Văn Công, anh đã nghe nhiều người hát TMBS vì đó là một bài hát
lãng mạn rất hợp với tâm trạng người lính mặc dầu chính phủ Cộng sản cẩm hát nhạc
ủy mị một cách gắt gao trong quân đội. Trịnh Hưng viết cho tôi trong thư đề
ngày 14/03/1998: Năm 1952 tôi về Thành, về Hà Nội, tôi đi đờn ở Dancing
cho lính Tây nhảy, họ cũng có chơi ở đó cho ai nhảy slow, và tôi về nhà có dạy
một số em học sinh đờn Hawaìi, họ học được ba tháng là thế nào cũng bắt tôi dạy
họ bài TMBS của anh vì vậy tôi cứ tướng là anh nhiều tuổi lắm. Khi đó tôi mới
ngoài 20, tôi tưởng là một người làm được bài nhạc đó chắc là đã lớn rồi, chứ
đâu có ngờ anh còn quá trẻ và làm nhạc thành công quá sớm, lúc đó tôi chưa làm
được một bài nhạc ngắn nào cả nên càng khâm phục. Rồi vào Saigon thì bài nhạc
đó cũng thịnh hành. Không một thanh niên hay thiếu nữ nào chả biết đến nó và
hát nó…
Lẽ dĩ nhiên là TMBS từ dạo ấy đã dính vào da tôi hơn cả một
danh thiếp! Người ta chẳng ai chú ý đến nghề nghiệp của tôi đã làm cho tôi sinh
sống ở đất khách quê người: Tôi chỉ cần tự giới thiệu là nhạc sĩ, tác giả
TMBS là ai cũng biết tiếng rồi ! Có người so sánh tôi với Alain-Fournier, tác
giả “Le Grand Meaulnes”, chỉ có một tác phẩm mà cũng đủ nổi tiếng khắp năm
Châu!
Nói vậy là không đúng, vì tôi làm nhạc từ 15 tuổi: bài Xuân
Tươi viết năm 1945, Xuân về chào đời, Ngàn thắm tươi, Xuân về đầy lời tràn núi
sông, Hát vang trong bao nhiêu lòng, Chào Quốc gia, mừng hát ca đời thắm hoa …
Nhạc tươi vui như mảnh đời vô tư của thời thơ trẻ, bài này dưới bút hiệu Lan
Đào được đăng báo Quốc Gia Đặc san Tết Mậu Tý.
Cũng trong năm ấy, bài nghiên cứu lịch sử “Phan Đình Phùng” của
tôi được đăng trên Việt Nam Tân Báo dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim; năm 18
tuối tôi được cấp Thẻ Nhà Báo (Carte de Presse), sau khi đã viết thơ và nhạc
cho Phật Giáo Văn Tập và làm trưởng ban hợp ca thanh, thiếu niên Phật tử ở Huế.
Chính tôi với tư cách tác giả bài Mừng Khánh Đản đã điều khiến ban hợp ca này
(với cây đàn vĩ cầm hồi ấy) trong dịp khánh thành chùa Từ Đàm rất lớn ở Huế năm
1948:
Ngày Rằm Tháng Tư nay về đây !
Ngày trần gian chào đón Đức Phật Từ tôn chúng ta
Ngàn ánh sáng tưng bừng lan trong nắng mai huy hoàng…
Ngày trần gian chào đón Đức Phật Từ tôn chúng ta
Ngàn ánh sáng tưng bừng lan trong nắng mai huy hoàng…
Năm 1948 cũng là năm tôi sáng tác Vó Ngựa Giang Hồ; bài này
được Hương Mộc Lan xuất bản năm 1949. Trong sách NHẠC LÝ Dẫn Giải do Lê Thương
đề tựa in năm1949, anh Giám đốc Trần Văn Đặng loan báo sẽ xuất bản “Chiều Thu”
của Lê Mộng Nguyên cùng với “Ngợi Trùng Dương” và “Trên Sông Hương” của Lưu Hữu
Phước. Bài “Một Chiều Thương Nhớ” viết năm 1949 (29/11) nghĩa là hai tuần sau
TMBS là sự tiếp nối của một mối tình dứt đoạn:
…Rồi đây sương gió duyên kiếp lỡ làng
Trời xa xăm lắm em biết đâu tìm
Lòng anh khắc khoải chờ mong
Mờ mịt trời Âu đôi lứa khóc âm thầm…
Trời xa xăm lắm em biết đâu tìm
Lòng anh khắc khoải chờ mong
Mờ mịt trời Âu đôi lứa khóc âm thầm…
Cũng như bài “Ly Hương” sáng tác năm 1950 trước khi tôi rời đất
nước là để kết thúc một cuộc tình từ nay dang dở:
…Chiều nay ly hương,
Rời xa nước non ngàn năm luyến lưu một đời gió sương,
Một chiều ly hương úa phai ngày ấy,
Con tàu lướt sóng về đến trời Âu…
Rời xa nước non ngàn năm luyến lưu một đời gió sương,
Một chiều ly hương úa phai ngày ấy,
Con tàu lướt sóng về đến trời Âu…
Những bài tôi làm trong năm 1950 rất nhiều (trước khi qua
Pháp du học tháng 10 -1950) trong đó có: Nhớ Huế (28/02/1950), Bài Thơ Huế, Ly
Hương… toàn muốn diễn tả cái đau đớn tận cùng của hai đứa trẻ đang gặp nhau
nhưng biết trước sẽ ngàn năm vĩnh biệt nhau:
Em của anh giờ nay ở đâu?
Tìm em anh dạo suốt canh thâu
Đường chia hai ngả anh đâu biết
Là sẽ ngàn năm vĩnh biệt nhau
Tìm em anh dạo suốt canh thâu
Đường chia hai ngả anh đâu biết
Là sẽ ngàn năm vĩnh biệt nhau
Bài thơ “Tìm Em” này của tôi (đăng trong CHTY 5-1999) đã được
nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc và do Khắc Dũng ca trong CD “Hẹn Về Phan Thiết”,
2000, Singapore). Sống trên đất Pháp từ ngày 05/10/1950, và để tặng người xưa
đã lập gia đình, tôi đã hứng cảm nhạc lòng ưu ái và đau khổ qua: Xuân Tha
Hương, Bên Dòng Sông Seine (Sông Seine, bao giờ ta về nước Nam ?), Thề Non Nước
(Thơ Tản Đà), Xuân Về Nhớ Mãi Quê Hương, Kiếp Giang hồ, Quê Tôi… và một thi tập
Đời Không Có Em (sẽ xuất bản).
Những bài nhạc mà tôi ưa thích và hay hát nhất hồi còn học
sinh cùng lớp với bạn Tôn Thất Niệm tại trường trung học Khải Định (cạnh trường
nữ học sinh Đồng Khánh ở Huế) và có thể có ảnh hưởng sau này (một phần nào
trong tiềm thức) việc sáng tác TMBS, là: “Thiên Thai” (Văn Cao), “Giọt Mưa Thu”
và “Con Thuyền Không Bến” (Đặng Thế Phong), “Ngày Về” (Hoàng Giác), “Đêm Đông”
(Nguyễn Văn Thương), “Biệt Ly” (Dzoãn Mẫn)…
Để nhắc lại thời tươi trẻ này, nhà văn học sử Nguyễn Cúc (tác
giả sách SAIGON 300 NĂM CŨ) đã ghi lại trong “Tiếng Sông Hương” (Kỷ Niệm 100
năm Trường Quốc Học: 1896-1996, Dallas 1996, tr. 252 trong LTS giới thiệu truyện
ngắn “Khúc Nhạc Trở Về” của tôi):
Học sinh Khải Định thế hệ 45, hay hát và hát hay có Tôn Thất
Niệm và Lê Mộng Nguyên. Bạn bè “hai phe” mỗi người thích một giọng hát riêng.
Tôn Thất Niệm, còn nhỏ đã “mệ” rồi, tiếng hát còn mệ hơn; giọng trầm, hơi “ấm”
với tiếng ngân microtone như lắng đọng trong tim xa vắng… lâng lâng.
Lê Mộng Nguyên, tiếng hát velato, nhẹ nhàng, ướt át, hụt hẵng
chơi vơi. Cũng cùng thế hệ 45, sáng tác nhạc (cũng là điều lạ lùng, hồi đó
không ai dạy cả) có Nguyễn Tăng Hích Trần Hoàn “Sơn Nữ Ca” rất “fantasia” và
Trăng Mờ Bên Suối Lê Mộng Nguyên, sáng tác rất luttuoso…Gặp lại Lê Mộng Nguyên
năm rồi ở Quartier Latin, đọc thêm lần nữa bài gởi đăng T.S.H.: “Khúc Nhạc Trở
Về”, thấy như vọng lại đâu đây âm hưởng “nhạc lòng tê tái…có biết phương nào”,
một thứ séquence mélodique của đường tơ chưa dứt (Symphonie inachevée) ngày
nào, năm xưa…rất Lê Mộng Nguyên.”
1945 xa xưa! Và nhân cuộc hành trình trở lại nguồn gốc hứng cảm
TMBS, tâm tưởng lại đưa đẩy tôi về thời gian sau Cách Mạng tháng 8: gia đình
tôi dạo ấy ở làng Phú Xuân, bên bờ sông Bình Lục, cạnh đô thành Huế, với Đập Đá
chia cách sông này với Hương giang, và bên kia là Thôn Vỹ Dạ…(bài Về Chơi Thôn
Vỹ, 1950). Tôi còn mãi trong trí nhớ (một thiếu niên 15 tuổi) cái hình ảnh hư ảo
của một ban ca nhạc rong, đi chỗ này qua chỗ khác để truyền bá tinh thần cách mạng
và luôn tiện là một cách sinh sống trong thời khói lửa, trong đó có một ông già
chơi đàn accordéon và với một đứa trẻ chừng 9 tuối, cùng hát bài “Sơn La” (thật
giống như trong “Sans Famille” của Hector Malot), theo cung ré mineur với những
âm thanh bình dị, dễ dàng: sol sol, la la, ré ré…(tôi không còn nhớ rõ đoạn tiếp),
nhưng sau này biết là của Đỗ Nhuận (có người nói “ông già” ấy chính là nhạc sĩ
ĐN). Nhạc rất buồn làm tôi rưng rưng nước mắt, bóc túi tìm xem có đồng xu nào để
trả ơn…Đêm ấy, trên đường về nhà dưới ánh trăng, tôi bàng hoàng liên tưởng đến
bức tranh linh động mà tôi vừa chứng kiến và văng vẳng còn trong tâm trí tiếng
hát đau khố như thốt tự đáy lòng của những kẻ bị tù đày dưới thời Pháp thuộc.
Có lẽ ở trong tiềm thức và trong lúc sáng tác TMBS bốn năm
sau, bằng cung ré mineur, những nốt nhạc bình dị và dễ thương đã thúc đẩy tôi
làm rất mau lẹ cho xong bài hát mà sau này (cũng rất mau lẹ) sẽ trở thành một
tình ca muôn thuở. Cái bình dị này được làm nổi bật trong chuyện ngày qua, Tạp
bút của Nguyễn Ngọc Diệp (TTVHXH Bruxelles, 1999) mà tôi đã giới thiệu trong
Nghệ Thuật (Montréal, Canada, số 58 tháng 01-1999), qua truyện 1 “Mùa Hè Đầu
Tiên”, với đoạn văn hóm hỉnh như sau:…Chị tôi lên tiếng trước:
– Vì Vịt bầu đờn hay, ta yêu cầu nhà ngươi trình diễn
bài người hẹn cùng ta đứng bên bụi chuối, nghe chưa? Hơn nữa nhà tau có bụi chuối
mà mi có đứng bên đó một lần phải không ? Xác nhận đi và đờn ngay, ta tha cho!…
Tau cũng đồng ý cho qua chuyện chuối chiếc, chừ thì trở lại chuyện hát hỏng,
nghe rõ mấy mụ o dọn mồm? – Tau hỏi thiệt Vịt bầu tại răng mà ai mới học đờn
mandoline cũng đờn bài bụi chuối ni? – Vì bài ni dễ đờn lắm, mi thấy chưa, này,
rề rề pha xôn la phà…
Tôi đã không bực mình vì người ta muốn đổi lời cho vui như thế
(mà chỉ mỉm cười và hãnh diện) vì đó là một chứng minh rằng “Trăng Mờ Bên Suối”
sẽ sống mãi trong tâm hồn và lý tưởng của những kẻ thương mến nhau! Xin cảm ơn
các bạn xa gần: tôi vừa tìm ra một trong những lý lẽ xác đáng về sự thành công
vĩnh viễn của một bài hát tôi viết cách đây hơn nửa thế kỷ. Xin tạm ngừng và
nhân dịp mùa Xuân Văn Nghệ của ái tình: tôi xin mến tặng (một lần nữa) nhạc phẩm
Trăng Mờ Bên Suối cho tất cả đồng bào khắp năm châu đã, đang, hoặc sẽ thề nguyện
yêu nhau trọn đời, với nhau và với tình sông nước như Tản Đà tiên sinh đã nhắc
nhở năm 1922 trong “Thề Non Nước” (LMN phổ nhạc):
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không…
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không…
Ngàn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề…
Non non nước nước không nguôi lời thề…
Trăng Mờ Bên Suối - Lệ Thu
Trăng Mờ Bên Suối - Ngọc Hạ
Trăng Mờ Bên Suối - Quang Dũng
Trăng Mờ Bên Suối - Thanh Thúy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét