Những ca khúc kinh điển vượt thời gian trong tân nhạc Việt Nam. Đầu
tiên là bài “Dư Âm” của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
NS Nguyễn Văn Tý sinh
ngày 5 tháng 3 năm 1925 tại Vinh, Nghệ An, quê gốc ở xã Phú Cường, huyện Sóc
Sơn, thành phố Hà Nội, còn quê hiện giờ ở Vĩnh Phúc. Xuất thân trong một gia
đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là “trùm một phường bát âm của miền quê
Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào”, sau vào làm thợ máy nhà máy
xe lửa Trường Thi ở Nghệ An.
Thuở bé, NS Nguyễn Văn Tý học
ở trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của
Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo,
ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở
đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè.
Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi
đàn guitar Hawaii.
Từ năm 1944, ông đi hát
trong phòng trà ở Vinh kiếm sống. Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào
Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc
Nghệ An. Theo lời của NS Nguyễn Văn Tý, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi
là Trưởng Phòng Thông Tin huyện Thanh Chương.
Nguyễn Văn Tý và bà Bạch Lệ,
năm 1952
Bài “Dư Âm” nổi tiếng được
ông sáng tác khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà người bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ
An. “Dư Âm” viết về cô em gái của người bạn đó. Cũng vì bản nhạc này ông bị đơn
vị đưa ra kiểm điểm vì đã sáng tác một bài hát quá ủy mị, không hợp với thời kỳ
đó. Tuy nhiên, bài hát “Dư Âm” sau này lại rất nổi tiếng và được hát nhiều tại
miền Nam. Ngoài ra ông còn sáng tác bài “Mùa Hoa Nở”, “Pha Màu Luống Cày”…
Đến 1951, Nguyễn Văn Tý chuyển
về công tác ở Chi Hội Văn Nghệ Liên Khu IV. Năm 1952, ông quen biết với bà Nguyễn
Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và sau đó hai người thành hôn. Thời
gian này ông sáng tác những bài như “Vượt Trùng Dương” (1952), “Tiếng Hát
Dôi-a” (1953) và đặc biệt là ca khúc nổi tiếng “Mẹ Yêu Con” (1956).
Nguyễn Văn Tý sáng tác được
khá nhiều bài hát, nhưng “Dư Âm” có thể coi là ca khúc tiền chiến duy nhất của
ông. Ca khúc tuy không được phổ biến ở miền Bắc trong những năm chiến tranh
nhưng lại được biểu diễn nhiều ở miền Nam trước năm 1975. Về sau ca khúc được
lưu hành rộng rãi, trở thành một trong những bản tình ca được nhiều công chúng
yêu thích. Sau này ông có viết thêm bài “Dư Âm 2” mang tên “Một Ánh Sao Trời
(1988).
DƯ ÂM
Nguyễn Văn Tý
Đêm qua mơ dáng em đang ôm
đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời
Anh yêu tiếng hát êm như lời
nguyền đẹp bao ước mơ
Anh như lầu vắng em như ánh trăng reo muôn ý thơ
Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến….
Tim anh băng giá đang nhại ngùng câu năm tháng mong chờ
Hẹn em từ muôn kiếp trước
Nhớ em mấy thuở bạc đầu
Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
Em để cung đàn đưa anh về đâu?
Dư âm tiếng hát reo lên
trong lòng anh bao nhớ nhung
Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung
Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng.
Dưới đây mình có bài “Mối
tình khắc khoải của Nguyễn Văn Tý sau ‘Dư âm’: Em để cung đàn đưa anh về đâu?”
và 6 clips ca khúc “Dư Âm” do những ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện
việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Trần Lê Túy Phượng
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
(1952)
Mối tình khắc khoải của Nguyễn Văn Tý sau ‘Dư âm’: Em để cung
đàn đưa anh về đâu?
(Nguyên Minh – Thể thao
& Văn hóa Cuối tuần)
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày
tình khúc Dư âm ra đời, ít ai biết ban đầu nó chỉ là một sáng tác “tính làm
chơi bỏ túi” của anh bộ đội kháng chiến Nguyễn Văn Tý nhưng cuối cùng lọt ra
ngoài rồi như gió bay đi “không còn cách nào chặn lại”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để lại
cho đời rất nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng Dư âm vẫn được xem là sáng tác đáng
nhớ nhất của ông bởi nó được lồng bằng cảm xúc của một mối tình không thể cập bến.
Làm chơi mà thành thật
Năm 1949 nhạc sĩ Nguyễn Văn
Tý là trưởng đoàn văn công của Sư đoàn 304 (tương đương tiểu đoàn trưởng) và
cũng đang là một chàng trai cô đơn. Người vợ đầu tiên của ông đã mất 6 năm trước
và nỗi buồn cũng ít nhiều vơi đi. Thấy vậy bạn bè giới thiệu với ông rất nhiều
bạn gái nhưng rồi cũng chẳng tới đâu. “Hồi còn trẻ tôi trông được lắm, mặt
mày sáng láng đầy đặn, hiền lành lại có hai má lúm đồng tiền. Nhiều nhà tướng số
bảo tôi có số đào hoa, hấp dẫn phụ nữ. Nhưng thực tế lại đụng đâu hỏng đó. Có
được tình yêu quả là khó vô cùng”, nhạc sĩ nói.
Một ngày đẹp trời, một người
bạn thân rủ ông về nhà mình chơi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà ấy có 2 người con
gái: người chị 22 tuổi và cô em mới vừa 16. Cốt ý của người bạn là muốn làm mai
nhạc sĩ cho cô chị mà cũng vì thời ấy con gái đến tuổi 18 mới được phép nói đến
chuyện lấy chồng vì vậy người chị 22 tuổi ra mắt còn cô em phải tránh mặt.
Buổi hôm ấy nói chuyện cũng
chẳng tới đâu cho đến lúc cô em “bất thần xuất hiện, đến sau lưng chị, tì cằm
vào ghế chị ngồi và nhìn tôi với đôi mắt đen tròn lay láy. Ôi! Đôi mắt kỳ diệu
đã hút hồn khiến tôi sững sờ, đờ đẫn, rồi lặng im như người mất hồn”. Thấy anh
chàng nhạc sĩ 26 tuổi Nguyễn Văn Tý bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và… đứng
dậy bỏ đi. Cô em sợ quá, cũng đi luôn vào trong.
Lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
hiểu rằng mình đã dính phải tình yêu sét đánh và ông cũng tin cô gái 16 tuổi
kia ít nhiều cũng có tình cảm với mình. Sau đó, bị gia đình cấm bén mảng vì cô
em còn quá nhỏ, nhưng vì quá nhớ nhung nên anh vẫn đánh bạo ghé thăm, song chỉ
được ngồi ngoài sân trò chuyện cùng với người bạn thân.
Một đêm trăng sáng, khi hai
người bạn đang ngồi trò chuyện, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý một lần nữa rụng tim khi
thấy cô em ra ngoài thềm ngồi hong tóc. Hong tóc xong cô ôm đàn ngồi hát khe khẽ.
Đó là khoảnh khắc đã tạo nên câu hát: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu
muôn tiếng tơ”…
Ít người biết rằng hình bóng
cô gái là nỗi đau tiếp nối của một mối tình sâu nặng khác bị thất lạc vào giữa
năm 1949 của nhạc sĩ. Và khi nhìn thấy cô, những cung bậc tình yêu xưa như thể
tái sinh.
Tối hôm ấy ra về, nhạc sĩ
Nguyễn Văn Tý mang nặng trong lòng sự tan vỡ. Về đến đơn vị, khi mọi người đã
ngủ, ông thắp ngọn đèn dầu, ngồi trong tấm cót cuộn tròn, viết Dư âm, một mạch,
không sửa chữ nào. Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể lại trong hồi ký “Trái tim
tôi lúc đó tan nát lắm rồi. Không thế sao lại hạ bút viết câu Tim anh băng giá
đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ”. Bài hát sau đó được phổ biến khắp nơi
và trở thành nhạc trong bộ phim Kiếp hoa ở vùng tạm chiếm Hà Nội.
Dư âm là mãi mãi
Dư âm là một bài tình ca buồn
đẹp nao lòng và số phận của những liên quan cũng buồn chẳng kém.
8 năm sau (1958), nhạc sĩ
Nguyễn Văn Tý gặp lại Hằng (cô gái 16 tuổi năm xưa) trên đường về đơn vị ở Vĩnh
Yên. Lúc ấy Hằng cũng đi bộ đội và đã lấy chồng. Nhạc sĩ nhớ lại: “Một chiều đi
đến Vĩnh Yên, trời chuẩn bị mưa, tôi ghé vào một doanh trại trên đồi trú mưa.
Nhưng vừa nộp xong giấy tờ cho bảo vệ, tôi bỗng thấy một người trong trang phục
quân đội chỉnh tề từ xa đi tới.
Tôi vô cùng hoảng hốt khi nhận
ra người đó chính là Hằng. Hình như cô ấy cũng nhận ra tôi nên dừng lại từ xa.
Tôi vội vàng vào trạm bảo vệ xin lại giấy tờ, rồi như người mất hồn đi qua mặt
cô, ra cổng và đi thật nhanh như chạy trốn. Kỳ thực trong thâm tâm tôi lúc ấy
chỉ nghĩ rằng: Không muốn để ai hiểu lầm tôi mượn cớ để được gặp người mình
yêu”.
Và cũng bởi lúc ấy, Dư âm…
không được phép phổ biến. Năm 1953, người sáng tác ra nó bị phê bình, kiểm điểm
và bị kỷ luật trong một đợt chỉnh huấn. Lúc này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa kết
hôn với người vợ thứ hai, Nguyễn Thị Bạch Lệ (cưới năm 1952, bà là em gái của
nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương). Ông còn phải đi khắp nơi để nói chuyện “bài xích”
chính bài hát mình sáng tác, cho nhiều người nghe. Sau này ông nhớ lại: “Tôi có
đi, nhưng nói không được, vì nói tới đâu người ta lại cười đến đó”. Trong hồi
ký viết tháng 2/1987 của mình ông viết: “Thực tế hồi đó lịch sử đã sang trang,
nhưng phải nói thật, chủ yếu mới là về mặt chính trị. Còn văn học nghệ thuật,
ai kiểm soát được những cái đầu còn mang nặng những tàn dư xưa”.
Năm 1988 khi đang ở Sài Gòn,
một hôm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gặp một người bạn gái, “người đó đã nhìn tôi cũng
với đôi mắt đen tròn” khiến ông nhớ lại đôi mắt của người con gái 38 năm về trước
đã cho ông một Dư âm. Và một lần nữa, từ đôi mắt của một người con gái khác,
ông viết bài hát Một ánh sao trời. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, ông mang bản
nhạc tặng cô gái và nói thật: “Đôi mắt em giống hệt đôi mắt của người đã
cho tôi một Dư âm”. Người con gái ấy im lặng và ba hôm sau nhờ người đem trả lại
bản nhạc với dòng chữ: “Để anh làm việc khác!”. “Nếu biết thế, thà
tôi đừng nói ra điều ấy còn hơn”, nhạc sĩ ân hận. Bài hát ấy sau này được gọi
tên khác là Dư âm 2.
Người con gái 16 tuổi ngày
xưa giờ đã mất nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “đến bây giờ và suốt đời có lẽ
tôi vẫn yêu. Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi
16 ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để
mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ”.
Dư Âm – Nguyễn Văn Tý – Tuấn
Ngọc
Dư Âm – Nguyễn Văn Tý – Lê
Dung
Dư Âm – Nguyễn Văn Tý – Sĩ
Phú
Thu Âm Trước 1975
Dư Âm – Dalena & Anh Khoa
Dư Âm – Nguyễn Văn Tý – Vũ
Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét