Đêm qua sân trước một cành mai
“Cáo tật thị chúng” là
một bài kệ nổi tiếng nhất của một thiền sư đời Lý, thiền sư Mãn Giác. Sư
xuất thân từ một gia đình hoàng tộc, cha làm chức cao trong triều. Khi còn trẻ
đã có tài cao học rộng nên được vào cung thân cận với vua, sau này xuất gia sư
trở thành bậc thầy của vua Lý Nhân Tông và Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan.
Một ngày mùa đông, vào tháng
11 năm 1096, lúc ấy Sư được 44 tuổi, thấy trong người yếu mệt và lâm bịnh.
Biết duyên trần đã dứt, Sư gọi các đệ tử đến, nói một bài kệ rồi an nhiên thị tịch:
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Từ trước tới nay, đã có bao
nhiêu giấy mực viết về bài kệ này, nhất là trong những ngày cuối năm, khi trời
đất đang giao mùa để đón chào một vòng vận hành mới. Viết thêm về bài thơ này
có dư thừa không? Theo thiển ý, một bài thơ Thiền, một câu kệ hay câu kinh
dù có nói đến ngàn lần cũng vẫn là mới mẻ, vì mỗi người đều có những cảm nhận
riêng biệt, có nhắc lại cũng không trùng hợp- cũng như một cảnh đẹp có thể
được nhìn qua nhiều lăng kính khác nhau, dù có được ghi lại bằng hình ảnh
hay tranh vẽ tới bao nhiêu lần cũng vẫn đem đến một cái nhìn mới lạ cho người
thưởng ngoạn.
Thơ thiền thường diễn tả
thiên nhiên, nhưng tuy nói đến cảnh mà thật ra là không phải tả cảnh bên ngoài,
mà nói lên cảnh giới “Tâm Cảnh Nhất Như” của sự thấy biết vô tâm vô
sự, không có niệm khởi phân biệt, tâm cảnh hòa đồng với nhau, như
Thiền Lão Thiền Sư đã nói trong câu thơ:
Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại
cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân
Trúc biếc hoa vàng chẳng cảnh ngoài
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân
Trúc biếc hoa vàng chẳng cảnh ngoài
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân
Xuân là nguồn cảm hứng vô tận. Bài “Cáo tật thị chúng” tuy mang nhiều nét xuân nhưng lại là một bài kệ
thị tịch, chứng tỏ thiền sư đã đạt đến mức tự tại tuyệt đỉnh ngay cả trước cái
chết. Thiền sư đứng bên bờ sinh tử, phía sau là quá khứ mịt mù, phía trước
là cõi không vô tận, hành trang đem theo là gì, để lại là gì? Gói ghém
trong vài câu thơ kệ vắn tắt là tinh tuý của tri kiến một đời mà thiền sư
muốn trao truyền lại cho kẻ hậu học. Kẻ hậu học viết bài này chỉ mong cảm
nhận được phần nào tâm ý của thiền sư để rút tỉa từ đó những điều ích lợi ứng dụng
vào cuộc sống thế gian này.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Xuân đến trăm hoa cười
Mùa xuân đến cây cối đâm chồi
nẩy lộc, trăm hoa đều đua nở, xuân qua rồi thì cành trơ trụi lá, trăm hoa
cũng đều tàn rụng theo. Hoa không tự đến tự đi được, mà chỉ khi xuân đến hoa mới
kết nụ mãn khai được, và xuân đi là hoa phải tàn úa. Đó là cảnh trí
của thiên nhiên theo quy luật luân hồi biến dịch, trùng trùng duyên khởi. Cuộc đời của con người cũng có khác gì cảnh sắc xuân hạ thu đông, sinh ra, phát
triển và trưởng thành rồi chết đi theo quy luật “thành trụ hoại không” hay
“sinh lão bệnh tử”. Tất cả đều từ nhân duyên khởi và cũng tan hoại theo
nhân duyên. Tất cả mọi việc đến đi đều theo quy trình và thời điểm của
nó. Nếu biết chấp nhận và sống tuỳ thuận theo duyên thì mọi hoàn cảnh trước
mắt đều xem như nước chẩy mây trôi, không vướng mắc vào những thăng trầm mà
chìm đắm trong vui mừng hay đau khổ. Tổ Đạt Ma đã nói như sau về Tuỳ
Duyên Hạnh: “Tất cả những sự đau khổ và vui sướng mà ta kinh nghiệm
đều tùy thuộc vào nhân duyên. Nếu chúng ta được một phước báu, như được
hưởng sự vinh quang, phú quý, thì đó là quả của nhân lành ta đã gieo từ trước.
Khi duyên hết, mọi sự sẽ chấm dứt. Cần gì phải vui mừng khi nó đến? “
Những gì đến rồi sẽ đi như một
giòng nước chẩy qua không bao giờ trở lại. Con người bị cuốn hút theo những
hoàn cảnh trước mắt, quên đi giòng thời gian vô tình trôi qua mang theo tất cả
vào dĩ vãng nhanh như gió thổi, để rồi một lúc chợt nhận ra tuổi già đã đến lúc
nào.
Tuổi già là một trong những
cái khổ căn bản của con người trong tiến trình sinh lão bệnh tử. Tất
cả đều mất mát, tàn hoại, để cuối cùng không còn lại gì. Một con người sinh ra
rồi lớn lên với bao nhiêu diễn biến trong cuộc đời, bỗng chốc mọi sự đều xóa sạch,
con người ấy cũng biến mất trên thế gian này. Đối với phàm nhân như chúng ta,
đây là cả một viễn tượng hãi hùng không ai muốn nghĩ đến. Tuổi đời càng
chồng chất, người ta càng bám víu vào những gì đã qua, có khi chỉ còn muốn sống
trong quá khứ của thời vàng son xa xưa.
Còn thiền sư thì sao?
Trước
mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Trên đầu già đến rồi
Thiền sư sống giữa thế gian
vẫn phải đối phó với những vấn đề của một con người nhưng không vướng mắc
vào đó. Những việc đến rồi đi mãi sẽ không bao giờ trở lại, quá khứ
không nắm bắt được, tương lai cũng không thể biết được, chỉ có hiện tại
là lúc để sống thực và làm những gì có thể làm. “Trên đầu già đến rồi”, đó là điều tự nhiên như thời tiết bốn mùa, như ngày đêm sáng tối,
có gì phải sợ hãi, buồn phiền - trong mọi lúc, thiền sư vẫn “sống bất biến
trong giòng đời vạn biến”, bởi vì đã nhận ra được cái thường hằng ngay
trong cái thường biến, đã thấy được chân lý của đời sống để có được cái nhìn
Như Thị đối với vạn pháp.
Nhưng đến một lúc nào đó,
ngay cả tuổi già cũng chấm dứt, và người ta đối diện với một viễn ảnh đáng sợ
nhất, đó là cái chết của chính bản thân mình. Con người chết đi có phải
là mất hết tất cả không? Có gì còn lại khi thân xác này đã trở về cát bụi, khi
tâm trí này đã tan vào hư vô? Câu hỏi đặt ra khẩn thiết nhất cho mỗi người,
dù bất cứ ở giai đoạn nào của cuộc đời, là “làm sao đối phó với sự sống chết của
mình”? Đó cũng là cỗi rễ, là nguyên nhân khiến Thái Tử Tất Đạt Đa xưa kia
đã từ bỏ hết cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để đi tìm một con đường giải
thoát vượt ngoài sinh tử.
Thiền sư đã biết được bộ mặt
thật của sinh tử nên khi thị tịch rời bỏ báo thân cũng nhẹ nhàng và tự
nhiên như chiếc lá rụng, như cánh hoa rơi. Nhưng khác với cánh hoa tàn úa
vô tình rơi trở về lòng đất, thiền sư vượt ra ngoài cái hữu hạn của mọi duyên hợp
giả tạm để trở về với cái vô hạn của bản tánh bất sinh bất diệt.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Đêm qua sân trước một cành mai
Trong cảnh héo úa của xuân
tàn hoa rụng, nổi bật lên hình ảnh một cành mai tươi mát không nhuốm mầu thời
gian, tượng trưng cho một cái gì vững chãi, thường hằng và bất sinh bất diệt. Cái vô sinh diệt ấy ở đâu? Những gì làm nên sắc thân ngày nay không phải ngẫu
nhiên hay tự nhiên có được, mà do những yếu tố, những nhân duyên từ quá khứ vô
cùng vô tận hợp thành. Cái gì đã hiện hữu trước khi con người ngày nay có mặt sẽ
vẫn còn đó khi con người ấy mất đi. Cái không hình không tướng, không
sinh không diệt ấy được gọi là Bộ Mặt Thực Nguyên Thủy, hay Bản Lai Diện Mục
trong Thiền môn. Bản lai diện mục chỉ được nhận ra nơi chính tự thân mình,
không thể tìm ở đâu thấy được. Xưa kia, Tổ Huệ Năng khi bị Tuệ Minh đuổi
theo sát nút để dành lấy y bát, đã thức tỉnh Tuệ Minh với câu nói như sau:
“Không nghĩ thiện, không
nghĩ ác, cái gì là Bản Lai Diện Mục của Thượng Tọa Minh?”
Cành mai của bản tính vô
sinh vô diệt bao giờ cũng có sẵn trên đất tâm từ nguyên thuỷ. Tâm thường
được ví như đất, nơi gieo trồng đủ mọi hạt giống thiện hay ác - nếu nuôi dưỡng
hạt giống thiện sẽ trở thành thánh, thành Phật, còn nuôi dưỡng hạt giống ác sẽ
trở thành ma thành quỷ - vì thế, sự đau khổ hay an lạc là do chính chúng
ta tạo ra cho mình vậy. Như Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã nói trong Ngộ Tánh Luận: “Khi tam
độc có trong tâm, đó gọi là quốc độ (đất) ô uế bất tịnh. Khi tam độc không có
trong tâm, đó gọi là quốc độ thanh tịnh. Kinh nói: "Nếu quốc độ tràn ngập
những ô uế bất tịnh thì không thể có chư phật thế tôn xuất ra từ đó được."
Ô uế bất tịnh đó là vô minh và tam độc. Chư phật thế tôn đó là tâm giác ngộ
thanh tịnh vậy.”
Sân trước tượng trưng cho
tâm đối cảnh của con người - ngay trong tâm đối cảnh đầy vọng động đó vẫn có
tâm giác ngộ như một cành mai bất sinh bất diệt hiện diện - vì thế, tìm Phật là
ở ngay nơi tâm bình thường của chúng ta chứ không phải ở đâu khác, như Tổ Đạt
Ma đã nói: “Trực chỉ Nhân Tâm, kiến tánh thành Phật”.
Nhưng cành mai đã ở đó từ
đêm qua - tại sao là đêm qua? Đêm qua là quá khứ, một quá khứ từ vô thủy, cho
nên cũng kéo dài đến vô chung. Từ quá khứ vô thủy, bóng tối dầy đặc của
vô minh đã che khuất tâm ta, nhưng tánh giác ngộ vẫn luôn ở đó, không bao giờ
mất đi - tựa như núi bị mây che khuất bao phủ, nhưng núi vẫn có ở đó, không mất
đi.
Nói đến hoa mai ở đây, chữ
“Mai” theo Hán tự không phải là loại mai vàng thường nở vào dịp Tết ở miền Nam
Việt Nam, mà thuộc về giống cây “mơ” hay “mận” - hoa thường kết nụ trong những
điều kiện khắc nghiệt của những ngày cuối đông, nên ngay trong vẻ đẹp
mong manh của hoa đã hàm chứa một sức sống mạnh mẽ và kiên cố. Vì thế,
tuy cành mai của bản chất bất sinh bất diệt bao giờ cũng thường trú nơi chúng
ta, nhưng bởi vì những vọng tưởng sâu dầy từ muôn đời muôn kiếp đã che lấp nên nhận ra được bản chất ấy không phải là điều tự nhiên dễ dàng, nếu không có
một quá trình công phu điều ngự tâm thức. Tổ Hoàng Bá nói trong câu thơ
sau:
Bất thụ nhất phiên hàn
triệt cốt
Chẩm đắc mai hoa phát tị hương
Nếu không một bận thấu sương lạnh
Sao được trước mũi ngát hương mai
Chẩm đắc mai hoa phát tị hương
Nếu không một bận thấu sương lạnh
Sao được trước mũi ngát hương mai
Nếu không năng ra sân trước, làm sao thấy được mai nở cuối đông? Không
thường quán chiếu thân tâm, làm sao thấy được bản lai diện mục? Chỉ cần
phát tâm Bồ Đề kiên cố, quyết đi theo con đường giải thoát, một lúc
nào đó tuệ giác được khai mở, bừng ngộ bản tính vô sinh vô diệt nơi tự thân, là
như hoa mai kia hé nhụy, nụ sen kia tỏa ngát hương thơm, vạn pháp đều hiển lộ
chân lý rõ ràng trong ánh sáng thường chiếu của Tánh Giác như nắng ban mai. Đó là sự bừng nở đóa hoa chân thường của tâm giác ngộ - khi nở ra sẽ
mở một con đường thoát ly khỏi mê hồn trận của những kiếp đời trầm luân trong
nghiệp báo vay trả. Và đột nhiên, chuyện sinh tử bỗng trở thành giấc mộng
hôm qua. Hoa nở thấy Phật, chẳng phải chúng ta vẫn thường nói đến điều đó
trong câu kinh tụng thường nhật này hay sao?.
Mùa đông, cuối tháng 12 2010
Ngọc Bảo
Theo http://www.erct.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét