Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Ðức Huy - Tuổi trẻ, tình yêu và cuộc đời trong âm nhạc

Ðức Huy - Tuổi trẻ, tình yêu 
và cuộc đời trong âm nhạc
(Trích từ tuyển tập nhạc Ðức Huy  

Người tình trăm năm và những sáng tác mới) 
Và thời gian qua đi. Ðến nay đã gần 30 năm, kể từ ngày Ðức Huy chập chững bước vào thế giới âm thanh qua dáng dấp của một cậu học trò trung học. Trải qua một thời gian dài Huy hoạt động với các ban nhạc trẻ Việt Nam nổi tiếng, với các club Mỹ và các chương trình truyền hình. Tôi không muốn nói đến một Ðức Huy trong thời kỳ này, mà muốn nhìn vào Ðức Huy qua một khía cạnh khác, khía cạnh sáng tạo âm nhạc.
Cơn Mưa Phùa đánh dấu cho thời kỳ chuyển hướng của Huy vào năm 1969. Một nét nhạcc êm dịu không cầu kỳ và những lời ca như kể lể, buồn man mác, nhẹ nhàng và êm ả là những điều dễ nhận thấy qua tác phẩm đầu tay này... Cơn Mưa Phùn của Huy lúc đó như lạc lõng giữa rất nhiều khuynh hướng âm nhạc, những khuynh hướng phần lớn có tính cách " thời trang" và nặng phần thương mại... Khởi đầu lúc đó đáng được coi như là một sự can đảm: Hướng dẫn thính giả với một sự thưởng ngoạn mới lạ. Huy muốn tìm cho mình một hướng đi khác, nhằm đạt được sự gần gũi với tâm hồn của giới trẻ hơn. Tác phẩm đầu tay của Huy vào lúc đó chưa được đón tiếp nồng nhiệt cho lắm vì còn phải đuơng đầu với một dòng thác lũ âm nhạc thời trang, nhưng nó đã được hết sức chú ý bởi một số người trẻ biết thưởng thức nghệ thuật, và tìm được chính mình trong sự diễn đạt âm thanh và lời ca. Và số người nghe và yêu nhạc Ðức Huy mỗi ngày một lớn rộng qua những nhạc phẩm sáng tác kế tiếp như:
Nếu Xa Nhau
Bay Ði Cánh Chim Biển
Đường Xa Ướt Mưa
Và Tôi Cũng Yêu Em
Mùa Ðông Sắp Ðến
Yêu Em Dài Lâu
Em Ði (viết chung lời với Phù Du) ... 

Thính giả đã nhận ra một cái "chất" rất là Ðức Huy qua những nhạc phẩm này. Và họ cũng đã nhận ra những gì mình muốn diễn tả đều được Ðức Huy mượn lời ca và âm thanh nói lên tất cả.
Lối xâm nhập của Ðức Huy trong giới nghe nhạc không mạnh mẽ, không ồn ào. Cái " chất Ðức Huy" không phải dễ thích hợp ngay lúc đầu. Phải nghe qua vài lần mới thấm, phải nghe vào những lúc tĩnh mịch, một mình ta với ta mới thấy cái "chất Ðức Huy" nó đi vào một cách từ từ những mãnh liêt. Con đường của Huy đi tuy chậm nhưng bền bỉ, tuy có gặp một vài trở ngại, nhưng đường ta, ta cứ đi, nhạc ta, ta cứ làm. Và cho đến bây giờ, một cách khách quan, mọi người đều công nhận rằng Huy đã thành công, một sự thành công không ồn ào náo nhiệt, nhưng âm thầm và chắc chắn. Sau hơn 20 năm kể từ ngày cho ra đời tác phẩm đầu tay, với gần 30 nhạc phẩm và sự trau dồi thêm về âm nhạc đã chứng tỏ một sự làm việc cẩn thận, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tung ra một sáng tác mới.
Nét đặc biệt trong nhạc của Huy là sự giản dị và thành thật. Nó đã dần dần thấm vào đời sống tình cảm, vào tâm sự người nghe lúc nào không biết vì chính người nghe tự bản thân cũng đã có những xúc cảm, những rung động y hệt. Và đó chính là hội nhập, sự hòa đồng tình cảm giữa người nghệ sĩ sáng tác và người thưởng ngoạn một cách rất tự nhiên. Huy đã đến với thính giả bằng cách nói lên những gì anh muốn nói - hoặc chính người nghe muốn nói, nhưng thiếu sự diễn tả - một cách không cầu kỳ mà còn có thể nói là rất mộc mạc, tự nhiên không tính toán , gượng ép...Anh không phải là nhà thơ, anh cũng chẳng phải là nhà văn, anh chỉ là người biết nói bằng một ngôn từ bình dị và một nét nhạc trẻ trung. Anh chỉ là một người có tâm hồn, biết diễn tả bằng âm nhạc. Bạn ưa

... Mặc jeans và áo trắng
... Yêu người già và yêu trẻ thơ
... Yêu bữa cơm canh cà và điếu thuốc ... 

thật quá giản dị nhưng chưa có ai diễn tả dùm bạn. Ðức Huy đã làm điều ấy. Anh hay chị đâu biết mình có "Người bạn thân tên Buồn" . Ðức Huy đã khám phá giùm anh chị... Ðức Huy đã đặt ra hộ bạn những câu hỏi rất thực tế:
Ai biết được cuộc sống vật chất dư thừa này
Không thiếu những đêm trằn trọc thức giấc
Cuộc sống của người đi được có chắc sướng không anh?
Hỏi những người còn ở lại ai không muốn ra đi? 

Tình yêu trong nhạc phẩm của Huy cũng được diễn tả một cách rất đơn giản. Dĩ nhiên trong tình yêu sao khỏi có buồn bã, nhớ nhung, đau khổ, nhưng nơi Huy nó đã được diễn tả một cách rất nhẹ nhàng như:
Giấc mơ của tôi và cánh chim Hải âu 
Bay ra khỏi tầm tay và tiếng sóng 
như
Một sớm mai thức dậy 
Tình yêu rời chăn gối 
Bay theo những cơn mưa phùn 
hoặc như
Những ngày vui qua như thoáng mây 
Những ngày buồn chập chùng tựa dòng sông sâu 
hay
Mưa thu buồn buồn đời anh bấy lâu 
Gió Thu sầu hát bài ca nhớ nhau 
Tình yêu nơi Huy phơn phớt như những cơn mưa phùn, hoang vu như một "Mùa Ðông Sắp Ðến Trong Thành Phố" ... Nếu có sự xa cách, đau khổ thì Huy chỉ
...Xin làm mây Thu 
khóc em dài những tháng mưa Ngâu 

...Xin làm dòng sông 
Nhớ em nhiều những thoáng mênh mông 
Chứ không hề kêu gào thảm thiết, đến nỗi muốn.... tự tử chết theo người tình ! Nếu có nhớ nhung thì
...Anh về ôm đàn viết khúc nhạc tình nào em biết đâu 
Chứ không có thể ...nổi điên lên được! 
Khi xúc cảm tình yêu dâng cao thì chỉ xin 
...Mơ yêu em thiết tha như yêu lần đầu 
hay
...Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập 
Cho thiên thu là một giây 
Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật 
Ðến khi loài chim quên lối bay 
hoặc ... táo bạo hơn một chút thì
...Cho anh yêu em thêm một lần nữa 
Hay quyến rũ một cách rất tự nhiên
... Ngại đường xa ướt mưa
Em muốn anh đưa em về
Sao em không ở lại đây đêm nay? 

Quả là vừa dễ thương, lãng mạn vừa rất ... thực tế ! Ðó chính là những điều anh, chị muốn nói, tôi muốn nói, và Ðức Huy đã nói dùm chúng ta.
Bẵng đi một thời gian, hình như kể từ năm 83 sau khi tung ra nhạc phẩm " Ðể Quên Con Tim" (mấy năm gần đây được coi như là một trong những nhạc phẩm được ưa chuộng nhất trong giới nghe nhạc), Huy đã ngừng sáng tác để " bay đi như cánh chim biển hiền lành" và " theo tiếng hát của người thủy thủ" lênh đênh trình diễn trên những du thuyền lớn qua Tahiti, Caribbean, Bahamas, Hawaii ... Trong thời gian đó Huy đã thai nghén một số những nhạc phẩm nổi tiếng sau này được tung ra khi anh trở về đất liền như:
Người Tình Trăm Năm
Và Con Tim Ðã Vui Trở Lại
Tiếng Mưa Ðêm
Màu Mắt Nhung
Một Tình Yêu
Trái Tim Ngục Tù
Như Ðã Dấu Yêu... 

Tất cả đã được thu vào CD và băng nhạc do trung tâm nhạc mới sản xuất. Số lượng tiêu thụ rất đáng khích lệ, nhất là trong những buổi trình diễn của Huy, khán giả đã chen lấn nhau để xin được chữ ký lưu niệm của anh trên băng nhạc hoặc CD. Họ đến với anh một cách rất chân tình và cởi mở. Số lượng khán thính giả yêu nhạc Ðức Huy càng ngày càng đông đảo vì họ đã tìm thấy tình cảm và con người của mình thể hiện qua những nhạc phẩm của anh. Ðiều đó chứng tỏ Huy đang "đạt" và đang " tới" những gì anh thường ấp ủ...
Tôi không dám đi sâu vào vấn đề kỹ thuật vì ngoài khả năng. Chỉ đứng riêng trên cương vị của một người nghe, tôi có thể nói rằng Ðức Huy là một nghệ sĩ đã trưởng thành trong lãnh vực âm nhạc, đáng giữ một ngôi vị cao trong sinh hoạt văn nghệ hiện nay. Với con đường đi vạch sẵn, anh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi và bổ xung nhiều cái hay lạ vào việc sáng tạo của mình. Ðức Huy sẽ còn tiếp tục đi trên con đường của riêng anh. Và thời gian cũng sẽ qua đi, nhưng tôi tin rằng mọi người sẽ còn hắc tới mãi " nhạc Ðức Huy" ... 
Trường Kỳ 
Theo http://www.dactrung.com/
ÐI XA VỚI ÐỨC HUY 

"Một tuổi trẻ bình an, 
trong một thế giới đã già" 

Bốn mươi bảy tuổi, hơi gầy, một chút xanh xao trên khuôn mặt xương, nhưng bù lại cái đuôi tóc rất nhỏ ở sau ót, điểm thời trang của giới trẻ hơn rất nhiều so với số tuổi của anh.
Người ta hay ví von: "Văn tức là người" và có lẽ ở âm nhạc và trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, ta cũng có thể nói: "Ca khúc tức là người" Nếu hiểu "Văn dĩ tải đạo" thì người ta cũng lại bắt gặp nơi Đức Huy những "Ca khúc tải tình yêu tuổi trẻ"
Nghe các ca khúc của Đức Huy, dù bạn còn trẻ hay đã luống tuổi, bạn sẽ vẫn cảm thấy trái tim mình như còn đọng lại một chút mặt trời tình yêu trong những âm thanh ngọt ngào, lãng mạn. Rất lãng mạn.
Có thể nói Đức Huy là một trong số ít nhạc sĩ mà những ca khúc của mình hòan toàn viết cho tình yêu, cho tuổi trẻ Việt Nam. Và người ta sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng giới trẻ trong và ngoài nước rất "yêu" những ca khúc của anh.
Chúng ta đã từng biết âm nhạc Đức Huy, từng nghe anh hát, giờ đây thử nghe Đức Huy kể...
Đức Huy chào đời tại Sơn Tây, miền đất trng châu của đồng bằng Bắc Việt. Năm 1954, di cư vào Nam, Huy theo gia đình phiêu bạt suốt dọc chiều dài của quê hương từ Đà Nẵng, Đà Lạt, qua Nha Trang, vào tới Sài Gòn... Vùng đất mới, con người mới là những vết cắt, cắm sâu vào tiềm thức anh. Đối với Đức Huy mỗi một cảnh trí quê hương đều tựa như một nốt nhạc ch mỗi cung điệu. Âm thanh phát ra từ con người ở từng địa phương đều để lại dấu ấn trong âm nhạc anh.
Cái thưở còn đi học đệ ngũ, đệ tứ ở trường Nguyễn Trãi đường Phan Đình Phùng, nhạc trẻ thế giới đã rung động trái tim tràng đầy âm thanh Đức Huy. Anh đón nhận những âm hưởng mới mốt cách vội vã, không chọn lọc. Đó là những chuổi âm thanh " cuồng loạn" của The Beatles, The Shadows, Rolling Stones.... Những âm thanh bùng vỡ đến với Đức Huy trở thành những tiếng gió thổi qua cành lá. Nghe "đả" rồi Huy tập "chơi" . Và chàng tuổi trẻ rất "sữa" Đức Huy lúc bấy giờ mới khoảng 15, 16 tuổi nhưng đã được một ban nhạc trẻ nhà nghề Les Vampires mời tham gia. "Tôi may mắn được các bạn lớn tuổi hơn đưa tay giúp đỡ..." Đó là năm 1963, một dấu mốc trong đời Đức Huy. Và thế là Đức Huy bước vào nghề.
Chơi nghề đàn vài năm rồi lại thích hát. Hát chán rồi lại sáng tác "để có cái gì cho mình hát chứ!"
"Cơn mưa phùn" là sáng tác đầu tay của Đức Huy được thính giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Sau " Cơn mưa phùn" là " Nếu xa nhau" , " Bay đi cánh chim biển" . Mê nhạc nhưng vẫn không xao việc học, Huy ra trường Văn Khoa năm 1972. Được lệnh động viên nhưng không thích đi sĩ quan, Đức Huy chọn con đường binh nhì địa phương quân đóng ở Bình Dương cho gần Sài Gòn. Lợi dụng thời gian đó, từ 1973 đến 1975 anh viết liên tiếp mấy bài, trong đó có bài "Mùa thu cho em" . Có một vài "ca khúc" khá nữa ra đời, không thích lắm, nhưng lỡ là "con" rồi đành phải nhận.
Đức Huy là một trong những người "chạy" khỏi Sài Gòn sớm nhất. Sống trong trại Subic Bay ở Phi Luật Tân vài tuần, gặp một người bạn đang làm "dẫn dắt viên" cho các trẻ em mồ côi Việt Nam, móc nối cho làm the công việc đó. Ngày 1 tháng Năm 75, Huy đã có mặt ở San Francisco. Học nhạc ở đó mấy năm, vừa học vừa làm việc văn phòng, chơi cho một ban nhạc Á Châu ở Chinatown liên tiếp bốn năm. Thế là lại đi theo nhạc luôn.

Đến năm 1985, một chuyển hướng mới có dịp cho Huy qua Hawaii đàn và hát trên một du thuyền chở khác du lịch quanh các hòn đảo thơ mộng củ những vù Tahiti, Carribean, Jamica, Mexico. Ngao du trên các hải đả đó bốn năm. Lại chán. Về Mỹ, học nhiếp ảnh một năm. Lại chán. Bạn bè rủ hát lại, viết lại, ừ thì hát, thì viết. "Phố nhỏ" , "Như đã dấu yêu" , "Trái tim ngục tù" , "Chiều hôm nay" ... lần lượt ra đời.
Hiện nay, Huy phải làm việc nhiều, có một studio 16 tracks vừa hòa âm cho các ca khúc của mình, vừa tự phát hành các băng nhạc của thân hữu và của Huy.
Nghĩ về các ca khúc Việt Nam, Đức Huy cho rằng trên thực tế lời trong các bài ca thường góp phần rất trong sự thành công của các ca khúc đó. Trường hợp Trịnh Công Sơn là một. Nó về TCS, Đức Huy có vẻ đăm chiêu. Anh cho biết anh rất nể phục người nhạc sĩ này. Sơn đối với Huy vừa là một mẫu mực vừa là một tình bạn gắn bó từ lâu. Theo anh, lời ca của Sơn đã vượt lên ngôn ngữ, lời ca như lời thơ.
Âm nhạc, theo Đức Huy là một sự giải bày nỗi niềm. Nhưng phải đơn sơ và mộc mạc. Những câu hát mộc mạc dựa trên một nền nhạc có giai điệu nhẹ sẽ dễ đi vào lòng người. Người nghe trước hết về lời ca, sau là âm giai. Co người nó nhạc của Huy hơi bình dân. Nhưng không phải, thật ra đó là chất lãng mạn rút ra từ mọi góc cạnh củ cuộc đời.
Nói về văn chương sách vở, Đức Huy cho biết hồi còn học ở Văn Khoa, anh rất thích cuốn "The Arrangment" của Elia Kazan. "Nói đến cuốn đó bây giờ tôi còn rởn da gà." Chính từ cuốn đó, Huy đã viết "Cơn mưa phùn" . Sách vở chiếm nhiều thì giờ của người ta. Huy không có thì giờ. Nếu đọc thì rất kén. Chẳng hạn Huy đặc biệt ưa thích tạp chí Văn, Thế Kỷ 21. Thích đọc cả các sách về "Thiền"
Đức Huy, một nghệ sĩ đích thực sống giữa cuộc đời cùng chúng ta. Với anh, mỗi một giọt mưa, một cánh chim, mỗi một hạt cát, một góc phố, mỗi một mẩu nắng, một góc cạnh nhỏ nhoi bình thường nhất trong cuộc sống này mà Đức Huy bắt gặp, đều trỏ hành những mở đầu cho các ca khúc của anh.
Âm nhạc của Đức Huy chính là tiếng nói của một tuổi trẻ bình an trong một thế giới đã già. 
Mùa thu 1994 
Nguyễn Xuân Hoàng 
Theo http://www.dactrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Một số đặc trưng bản thể của văn bản văn học Hành trình từ Các vấn đề của khoa học văn học (Chủ biên, Nxb KHXH, 1990) đến Từ văn bản đến...