Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Bài ca hy vọng và các thế hệ Việt Nam

Bài ca hy vọng và các thế hệ Việt Nam
Là một trong những ca khúc trữ tình kinh điển của dòng nhạc Trữ tình Cách mạng, Bài ca hy vọng đã sống trong lòng những người yêu nhạc Việt Nam hơn nửa thế kỉ. Kể từ khi ra đời năm 1958, những giai điệu đẹp, trong sáng của Bài ca hy vọng đã được cất lên qua bao nhiêu thế hệ ca sỹ Việt nam. Với một bài viết ngắn ngủi, có thể bỏ qua nhiều ca sỹ, nhiều bản thu âm, VTĐ chỉ mong được giới thiệu một cách khái quát, sơ lược nhất về những thế hệ ca sỹ đã từng sống, từng hát và từng hi vọng với Bài ca hy vọng.        
Thuộc thế hệ ca sĩ đầu tiên của nền TNCMVN (với Quốc Hương, Trần Khánh,Trần Thụ, Thương Huyền,Tân Nhân,…), Khánh Vân là nữ ca sỹ đầu tiên hát Bài ca hy vọng. Những ai đã từng nghe Khánh Vân hát Bài ca hy vọng thì không thể quên được giọng hát của người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Tôi cũng không phải ngoại lệ. “từng đôi chim bay đi…” một sự giản dị, thanh thản đến lạ thường. không chút giả dối , không chút màu mè, và cũng không có những sự trau chuốt về kĩ thuật thanh nhạc, Khánh Vân hát cho chính bản thân mình với tâm trạng của người con miền Nam tập kết ra Bắc hi vọng về ngày thống nhất đất nước, ngày trở về quê hương.
Một câu chuyện đầy xúc động, tôi được nghe kể từ chính Nhạc sĩ Văn Ký: Khi Khánh Vân được vào biểu diễn phục vụ Bác Hồ, Bác cười và nói: Hôm nay cháu học được bài gì mới đãi Bác nào?” Khánh Vân tự tin trả lời: Dạ có bài ca hy vọng ạ. Và Khánh Vân cất giọng hát: Từng đôi chim bay đi…về tương lai …cùng nhau cất cánh, kìa ánh sáng chân trời mới đangbừng chiếu….” cho đến khi Khánh Vân biểu diễn xong, Bác vẫn trầm ngâm suy nghĩ, rồi Người ôn tồn nói: “Cháu phải hát Bài ca hy vọng cho đồng bào miền Nam nghe!” Từ đấy, Bài ca hy vọng đã được thu âm và đến với đông đảo người dân qua làn sóng phát thanh của Đài PTTN VN.
Nghệ sĩ Khánh Vân
Giọng hát Khánh Vân vụt sáng như sao băng ở “Bài ca hy vọng” của Văn Ký. Rồi trôi nổi, rơi vỡ. Bạc mệnh đến như chị thì cũng có thể xem như một điển hình trong giới ca sĩ. Tình yêu đã khiến cho chị hát “Bài ca hy vọng” hay đến mức huyền diệu thì cũng chính tình yêu đã làm chị phát điên lên, đã cướp đi vĩnh viễn cái giọng vàng của chị.
Khánh Vân đã lang thang ở đâu, điên cười ở góc phố nào Sài Gòn, không ai biết đến nữa và kể cả khi cái chết ập đến, huyền thoại về chuyện tình của chị vẫn được nhắc tới một cách trân trọng. Và cuộc đời đã hiểu rằng phải sống đến thế nào, phải yêu đến thế nào mới có thể hát hay đến thế một bài hát hay vào hạng bậc nhất trong suốt cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký. Xin hương hồn chị được thanh thản.
Quay trở lại với Bài ca hi vọng, 1 tác phẩm đã ghi dấu tên tuổi của Khánh Vân, nhưng Mỹ Bình đã thể hiện với 1 cảm xúc hòan toàn khác. Thậm chí có thể nói, Mỹ Bình là người thể hiện Bài ca hi vọng hoàn hảo nhất. Bài ca hy vọng qua giọng hát Mỹ Bình lấp lánh như một chuỗi hạt sương mai, một niềm hy vọng trong sáng nhưng chắc chắn và mãnh liệt. Cái âm sắc trong trẻo tinh khiết ấy dễ làm cho ta cảm nhận người ca sỹ chỉ là một thiếu nữ mới lớn hồn nhiên, tươi trẻ và tràn đầy nhựa sống, dường như giọng hát Mỹ Bình sinh ra là để dành cho Bài ca hy vọngvậy.
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên
Trung Kiên sinh ngày 5/11/1939 cùng thế hệ với Mỹ Bình nhưng ông là một trường hợp đặc biệt vì có lẽ ông là nam ca sỹ duy nhất từng thể hiện Bài ca hy vọng. Bài ca hy vọng vốn được cho là ca khúc mang nhiều “âm tính” và phù hợp với phái nữ hơn. Thế nhưng với sự sáng tạo nghệ thuật đầy tinh tế, Trung Kiên đã thổi vào đó một tình cảm mạnh mẽ , phóng khoáng mà vẫn giữ được nét trữ tình của bài hát. Là một trong những ca sỹ có học vị cao nhất Việt nam (2 lần được cử đi học thanh nhạc bậc đại học và cao học tai Liên xô cũ, với học hàm Giáo sư ông hiện nay là giảng viên thanh nhạc duy nhất của Việt nam có khả năng đào tạo trình độ cao học),không vì thế mà Trung Kiên quá dựa dẫm vào kĩ thuật thanh nhạc dù Bài ca hy vọng cũng là một ca khúc khó. Trung Kiên thực sụ hiều nó và cảm nhận được nó , và với sự thông minh, xúc cảm nghệ thuật, Trung Kiên đã sáng tạo một Bài ca hy vọng của riêng ông, mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, được nhiều người yêu thich Sinh ngày 7-1-1951 tại Kiến An, Hải Phòng là học trò của Diệu Thúy và Trung Kiên. Được học tập tại NV Tchaikovsky và tu nghiệp nhiều nơi trên thế giới, từng tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp và không ít lần mang về giải cao.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung
Với giọng hát được dân trong nghề đánh giá là âm sắc tuyệt đẹp,vang khỏe trong tòan bộ âm vực, kĩ thuật điêu luyện Lê Dung có thể hát nhiều thể loại, từ những aria opera cổ điển,những trường ca, ca khúc các mạng truyền thống hùng tráng, những bài hát dân ca ngọt ngào cho đến những ca khúc tiến chiến hay những tình khúc Phú Quang lãng mạn gần đây. Sự ra đi quá sớm của Lê Dung năm 2001 là một mất mát lớn đối với nền âm nhạc nước nhà.
Tên tuổi Lê Dung gắn bó với nhiều ca khúc nổi tiếng trong đó có Bài ca hy vọng. Qua sự thể hiện của Lê Dung đã trở thành một tác phẩm sang trọng, đẹp quí phái, mang đầy tính học thuật. Với kĩ thuật thu âm tiến bộ hơn, đây có lẽ đây là bản Bài ca hy vọng được nhiều người biết đến nhất, yêu thich nhất. Khán giả cảm nhận một không khí thanh bình, êm ái, mát lạnh tới tận góc sâu nhất của tâm hồn qua sự thể hiện xuất sắc của Lê Dung.
Giọng hát Lê Dung đã chạm đến giới hạn của nghệ thuật ca hát. Chăm chút , tỉ mỉ ở từng note nhạc, nhưng có lẽ vì thế mà ca khúc mất đi phần nào sự giản dị, trong sáng vốn có. Nhưng sự sáng tạo nghệ thuật của Lê Dung là rất đáng trân trọng, Lê Dung không thể hát Bài ca hy vọng giống Khánh Vân, giống Mỹ Bình, như vậy Lê Dung sẽ không phải là Lê Dung nữa, sức sống của ca khúc và niềm yêu thích của khán giả đã chứng minh bà đã đúng.
Giảng viên Nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang
Rơ Chăm Phiang với Bài ca hy vọng: Thật đáng tiếc đây lại là bản Bài ca hy vọng ít được chú ý và ít đc yêu thich nhất (ngược hắn với bản của Lê Dung).Âm vực cao, rộng (có lẽ phải lên tới sól - g3 trong khi Khánh Linh hiện nay, may ra có thể rướn đến mí – e3, nói vậy để các bạn hiểu thôi – không phải để so sánh) giọng hát vang, khỏe và mạnh mẽ khác thường tạo cho người nghe cái cảm giác như bị dồn nén , đặc biệt trong đọan cao trào, dường như cá tính người Nghệ sĩ đã lấn át cả tác phẩm.
Nhưng thực sự không phải vậy, chỉ bởi vì Rơ Chăm Phiang không mang lại vẻ đài các qúi phái cho ca khúc này như người ta mong đợi, cô hát giản dị, thuần khiết với một vẻ chất phác dễ nhận thấy của người dân tộc, vậy thôi,(ở khía cạnh này tôi đánh giá cao hơn Lê Dung) nhưng cái âm hưởng lạ lạ từ một giọng hát Tây Nguyên mà cô mang tới, không được người ta đón nhận.
Điều tệ hại nhất của bản thu âm này chính là từ các nhạc sỹ phối khí với tiếng xập xình của đủ thứ nhạc cụ đã làm giảm giá trị giọng hát Rơ Chăm Phiang rất nhiều. Không nhất thiết là chỉ dùng piano, người ta có quyền sáng tạo, nhưng những nhạc cụ điện tử này hòan toàn không phù hợp với cô trong ca khúc này. Dù sao thì Bài ca hy vọng của Rơ Chăm Phiang cũng rất đáng nghe, bạn cũng nên biết về 1 trong những nghế sỹ đưong đại Việt Nam xuất sắc nhất hiện nay (trong cả lĩnh vực nhạc cổ điển và nhạc TTCM).
Ca sĩ Lan Anh
Lan Anh, Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hòan, Phương Nga, Hồng Vi,… tạm gọi là lớp nghệ sỹ hát nhạc TTCM thứ 4. Sinh ra sau ngày thống nhát đất nước, được hưởng trọn vẹn cuộc sống hòa bình,no đủ, hát nhạc TTCM đối với họ dường như chỉ là tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Khán giả, đặc biệt là những người yêu thich nhạc đỏ nhiệt tình ủng hộ, họ vẫn kiên trì và ngày đêm phấn đấu cho sự nghiệp âm nhạc của mình.
Được đào tạo hết sức bài bản, chất giọng đẹp bẩm sinh, cùng với một gưong mặt khả ái, Lan Anh đã gây được cảm tình với đông đảo khán thính giả. Giống như Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Dương, Lan Anh đã Refresh lại một loạt các ca khúc cách mạng đang dần bị lãng quên như Lời ca dâng Bác, Người lái đò trên sông Poko, Tiếng hát giữa rừng Pác bó,Tiếng đàn ta lư,…nhưng thành công nhất có lẽ là bài ca hi vọng.
Tại sao tôi lại đánh giá cao Bài ca hy vọng của Lan Anh? Tôi đã nghe Bài ca hy vọng của Phương Nga, Thăng Long,… họ đều hát hay, hoàn thành tốt hoặc trên mức yêu cấu kĩ thuật của bài hát (thậm chí tôi từng nghe Thăng Long hát chữ “chiếu” cao hơn hẳn với một note la (a2) rất sáng, đẹp). Nhưng với Lan Anh thì khác.Hát lại các ca khúc cũ đã được nhìều người thể hiện thành công mà vẫn được khán giả chấp nhận không phải lề điều dễ dàng.
Lan Anh đã vượt qua thử thách đó một cách đơn giản vì cô vừa hát được với sự giản dị của Khánh Vân, vừa mang tâm hồn tróng sáng, thánh thiện của Mỹ Bình mà vẫn hoàn thành xuất sắc các yêu cầu kĩ thuật của bài hát như Lê Dung. Điều cô thiếu chính là một kí ức “sống” về chiến tranh hoặc ít nhất là một sự trải nghiệm để có thể hiểu đầy đủ về ca khúc này.
Nhưng không sao, khi hòa bình người ta vẫn có quyền hi vọng chứ, nhất là một người trẻ như cô. Điều mới lạ mà Lan Anh đã mang vào ca khúc này chính là cảm nhận tươi mới của một người nghệ sỹ trẻ, thông minh, được sinh ra sau chiến tranh.Sự sáng tạo ca khúc về mặt tinh thần, không phải về hình thức (Lan Anh vẫn sử dụng cách hát chân phương với tiếng đệm piano quen thuộc).
Bài ca Hy vọng
Một hình ảnh Việt nam mới, trẻ trung, biết trân trọng những giá trị hào hùng của lịch sử, nhưng cũng biết quên đi quá khứ đau thương của chiến tranh để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Phải chăng đây mới chính là điều mà Văn Ký muốn nói. Tôi vẫn luôn chờ đợi, thế hệ ca sĩ của chúng tôi, những con người của thế kỉ 21, những con người của một Việt Nam hiện đại hơn, khỏe khoắn hơn, cá tính hơn và không thích lặp lại lối mòn. Bây giờ có thể chưa xuất hiện, nhưng tôi tin rồi sẽ lại được nghe những giai điệu của Bài ca hi vọng cất lên thật mới mẻ, lạ lẫm.
Biết đâu tôi sẽ được nghe một bài rap kết hợp với giai điệu ngọt ngào của Bài ca hy vọng, một bản phối electric,techno độc đáo hay là một Bài ca hy vọng với sự pha trộn jazz - new age đầy lãng mạn. Không bao giờ có giới hạn của sự sáng tạo, miễn là nó có một sức sống mới và đc khán giả chấp nhận. Bạn đã được chứng kiến số phận của một ca khúc nổi tiếng theo năm tháng, thời gian. Ở mỗi thời kì lịch sử nó lại mang một diện mạo mới và lại được công chúng mới đón nhận theo cách riêng.Diện mạo tương lai của Bài ca hy vọng thế nào tôi cũng chưa biết, nhưng tôi biết chắc là Bài ca hy vọng sẽ còn tồn tại, sẽ còn được các thế hệ ca sỹ hát và biểu diễn, sẽ luôn tươi mới như niềm hy vọng.   
VTĐ
Theo http://baicadicungnamthang.net/

1 nhận xét:

  1. Đây là ca khúc CM rất hay xuyên suốt 2 thế kỷ , mỗi khi nghe lại ca khúc này tôi thấy dòng máu trong trái tim của chúng ta chạy dồn lên mạnh hơn , nó mang lại nghị lực hy vọng giống như chúng ta đứng trước một giáo đường kinh thành vậy , CM u trải qua những thăng trầm , hôm nay nghe lại , lòng ta không thể không bùi ngùi khó tả ?

    Trả lờiXóa

  Khi nhà văn xuống mỏ Nhà văn đi thực  Khi nhà văn xuống mỏ – Ký của Y Ban Cập nhật ngày: 7 Thá  tế là một trong những hoạt động thường n...