Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Giọng hát Lê Dung xoáy thẳng vào trái tim người nghe

Giọng hát Lê Dung xoáy thẳng 
vào trái tim người nghe
...Những ngày sau tết này là dịp chúng ta nhớ về ca sĩ Lê Dung nhân hơn chục năm chị ra đi. Tôi không là người trong ngành âm nhạc, nhưng có dịp quen và biết chị cho đến ngày chị đổ bệnh và qua đời. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi biết chị vào giữa năm 1980, khi chúng tôi là những thằng lính đóng quân sau ngôi nhà cấp 4 khu văn công quân đội Mai dịch. Trưa trưa, chiều chiều chúng tôi được nghe chị “hát vo” trong căn nhà lụp xụp đó. Thấy chúng tôi tò mò đứng đằng sau cửa sổ nghe chị hát. Không kiêu kỳ, xa cách, chị mời chúng tôi đến nhà chị chơi. Những thằng lính trơn được chị mời vào nhà nói chuyện là một vinh sự lớn, tuy lúc đó chị chưa nổi tiếng. Cháu Tuấn, con trai của chị với anh Tân lúc đó còn rất nhỏ. Mẹ chị cũng sống với chị trong căn nhà nhỏ đó.
Sau này, trước khi chị mất vài tháng, chúng tôi đến nhà chị chơi trong ngôi nhà rộng rãi, lạnh tanh vắng bóng người đàn ông nhưng rất khang trang nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai. Hôm đó chị lại nhắc lại kỷ niệm khi đơn vị chúng tôi hát bài Vì nhân dân quên mình. Chị cười rồi hát lại cách hát của chúng tôi. Chúng mày hát như thế này này: “Vì nhân dân là quến mình, vì nhân dân là hí sinh…” rồi chị cười rất lớn. Hôm  đó chị cũng nói với chúng tôi rằng khi hát bài hát Họa mi hót trong mưa của Dương Thụ chị đã rút hết ruột.
Tôi thấy chị Dung chỉ hát hay khi hát những bài của Nguyễn Đình Thi, Văn Cao và Dương Thụ. Vào những năm 80 chị đã gặt hái được thành công sau khi có thứ hạng trong cuộc thi tại Matxcơva. Chị đã được nhiều rạp và các chương trình mời, nhiều đêm chúng tôi đón chị rồi chở chị đi bằng xe đạp từ rạp Công nhân đến rạp Hồng Hà rồi lại đến Cửa Đông vào Bộ quốc phòng cho chị đi hát. Mệt nhưng chị em rất vui. Từ “chạy sô” có lẽ bắt đầu có từ hồi đó. Sống với anh sĩ quan Phòng cháy chữa cháy được vài năm chị đến với Khắc Huề, rồi khi gặp Hồng Thanh Quang “thằng em bé nhỏ” chị cũng chẳng cho ai một đứa con nào. Nghe tin chị bị đột quỵ. Đêm hôm đó tôi vào viện Việt Xô thăm chị, nhưng chị có biết gì đâu, chị mê man nằm trên băng ca cấp cứu hồi sức đã vài ba ngày. Chỉ có Tuấn, con trai chị là người thân thích duy nhất, bạn bè bên chị trong những ngày cuối cùng chỉ có vợ chồng anh Quang Thọ và anh Tân người chồng đầu của chị.  
Ngày đưa chị lên Thanh Tước, bạn bè, người quen của chị có mặt trên nghĩa trang ngơ ngác nhìn nhau hỏi có thấy ông này không, có thấy thằng kia không. Tuyệt nhiên không thấy có tên những người được nhắc. Chỉ có anh Tân đứng ngoài nhìn theo từng bước chân của cháu Tuấn. Thương chị, trong cáo phó dán trước cửa nhà Tang lễ Việt Xô người đứng tên duy nhất là cháu Tuấn con trai chị. Đến đây tôi lại nghĩ đến ngày chị em Kiều đi hội Đạm thanh, lại nghĩ đến lời Vương Quan giải thích cho hai bà chị Kiều - Vân khi đứng trước mộ Đạm Tiên. Nhanh thật.hơn chục năm rồi còn gì... Xin gửi vài dòng như một nén hương tưởng nhớ đến người chị mà tôi đã quen biết và có nhiều kỷ niệm…" “…Tôi gặp Lê Dung lần đầu năm 1978, khi đó cô đang là nghệ sĩ của đoàn Quân khu 3. Nhưng qua giọng hát còn tương đối vô danh lúc ấy của Lê Dung, tôi đã nhận ra những tố chất không thể coi thường được. Chúng tôi chơi với nhau như anh em, rất hồn hậu. Năm 1981, sau chuyến đi thực tế Thanh Hóa về, tôi viết ca khúc "Qua cầu Hàm Rồng" và chuyển cho Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh. Nhạc sĩ Hữu Thanh đã chọn Lê Dung thể hiện ca khúc này và cô đã hát rất thành công. Khi Lê Dung sống với nghệ sĩ Khắc Huề, chúng tôi vẫn gặp nhau, nhưng câu chuyện về âm nhạc ít hơn những câu chuyện đời thường. Sau đó Lê Dung sang Nga học tại Trường Âm nhạc Tchaikovsky. Năm 1989 Lê Dung về nước, gặp lại tôi, cô chân thành hỏi: “Anh tính giúp em xem bây giờ em nên bắt đầu lại bằng cái gì cho mới mẻ”. 
Đó là những năm sau đổi mới, đời sống âm nhạc đang chứng kiến sự trở lại của những nhạc phẩm tiền chiến. Tôi nghĩ Lê Dung có thể bước vào hát những ca khúc tiền chiến, vì chất giọng của cô rất có ưu thế với dòng nhạc này. Quả nhiên, Lê Dung hát các tuyệt phẩm của Nam Cao, Đoàn Chuẩn hay đến nỗi người ta chỉ có thể so sánh cô với ca sĩ Thái Thanh. Lê Dung rất vui vì thành công ấy. Cuối năm 1990 có một cuộc biểu diễn của Lê Dung ở báo Quân đội nhân dân.
Sau chương trình, chúng tôi cùng ra Hồ Tây ngồi trò chuyện, không ngờ trong số đó có một người rất yêu Lê Dung. Lê Dung có hỏi tôi về người đó, tôi nói, đấy là một thi sĩ và tôi đã từng giới thiệu thơ của anh ấy tại Canada. Tôi bảo Lê Dung rằng, nếu đó là người yêu em thành thật thì em phải có một sự "xúc tiến" nào đó. Hãy nhớ rằng người ta chỉ lấy người yêu mình chứ đừng nên lấy người mình yêu. Nói với Lê Dung như vậy nhưng tôi vẫn vô cùng bất ngờ khi câu chuyện này lại trở thành sự thật ít lâu sau đó. Phải nói rằng, khi sống trong niềm hạnh phúc của tình yêu, Lê Dung hát hay và có nhiều thành công mới. Cô hát ca khúc của các nhạc sĩ Phú Quang, Nguyễn Cường, Dương Thụ rất thành công. Nhưng Lê Dung hát nhạc Phú Quang là hợp nhất. Vì đang sống trong giai đoạn đẹp đẽ, thăng hoa nhất của tình yêu mà Lê Dung đã hát rất hay ca khúc Khúc mùa thu của Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang. Trong suốt thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, chúng ta đã chứng kiến một Lê Dung lồng lộng trong hình ảnh của một ca sĩ hát hay vào bậc nhất của thời đại mình, sau những Thương Huyền, Khánh Vân, Tân Nhân, Bích Liên… Đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Lê Dung, theo quan niệm của riêng tôi, đấy là đêm Lê Dung trình diễn cùng ca sĩ rất nổi tiếng của Hy Lạp Nana Mouskori. Đêm nhạc đó, ngoài những bài hát Việt Nam, Lê Dung đã hát một bài hát tiếng Anh mà tôi cho đó là định mệnh của Lê Dung, bài hát "My way" (Con đường của tôi).
Nghe bài hát xong không hiểu sao tôi thấy buồn, một nỗi buồn mênh mang khó gọi thành lời. Nó giống như một linh cảm báo rằng mình sắp phải chịu đựng một cảm giác nào đó về sự mất mát, giống như lần cuối cùng ta được gặp một bậc tài danh. Thời điểm ấy, Lê Dung đang sống trong đổ vỡ. Câu chuyện cũ đã là một câu chuyện đẹp nhưng buồn. Lê Dung nói chuyện với tôi mà rơm rớm nước mắt. Tôi an ủi Lê Dung rằng đã là nghệ sĩ thì phải chấp nhận cô đơn đến tận cùng. Nói như vậy thôi, nhưng tôi không thể tin rằng chính là cái mùa xuân ấy, mùa xuân cách đây hơn chục năm Lê Dung đã vĩnh biệt cõi đời, để lại giọng hát mà tôi gọi là giọng hát "vàng đen". Tôi trân trọng Lê Dung không chỉ ở chỗ Lê Dung đã tạo ra một đỉnh cao trong âm nhạc, mà Lê Dung còn kịp chăm sóc và giáo dưỡng nên một thế hệ ca sĩ mới. Nghe các học trò của Lê Dung hát bây giờ, tôi có cảm giác như Lê Dung vẫn đang ở đâu đó.
Nhưng để tìm ra một giọng hát xoáy thẳng vào cuộc đời ta, khiến cho ta phải thổn thức, dằn vặt, đau đớn, thì có lẽ không ai làm được như Lê Dung. Lê Dung đã đến với cuộc đời và nghệ thuật bằng chính con người thật của mình, không tô vẽ thêm bất cứ điều gì. Trong bất cứ một khoảnh khắc nào của đời sống, Lê Dung cũng sống đến tận cùng. Đó là phẩm chất của một nghệ sĩ chân chính. Khi tôi dịch những câu thơ này của một nhà thơ nước ngoài, không hiểu sao tôi thường liên tưởng đến Lê Dung. "Khi cảm xúc bức ta phải viết một bài thơ là lúc nó ném lên đấu trường một tên nô lệ. Chính ở đấy, nghệ thuật tắt bất ngờ, chỉ còn số phận và đất thở". Sau khi Lê Dung mất, tôi có viết một bài báo, sau này in trong cuốn "Những người đàn bà của thế kỷ XX" với tựa "Lê Dung: Nửa chừng xuân thoắt gãy cành tương tư…". Tôi nghĩ rằng, giữa sự sống và cái chết, con người ta luôn phải bình thản. Lê Dung dừng lại ở một đỉnh cao tuyệt vời, đấy là thành công của cuộc đời Lê Dung. Nhưng tôi vẫn tiếc Lê Dung, như tiếc Ngọc Tân. Giá mà họ còn hát với chúng ta…” 
Bài ca hy vọng - Văn Ký - Lê Dung
Đông Hà - Thụy Kha
Theo http://baicadicungnamthang.net/
Kể thêm về “Bài ca hy vọng”...
Nhạc sĩ Văn Ký -Giải thưởng Nhà nước về VHNT là cán bộ lão thành cách mạng, năm nay đã 84 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội. ông đã cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam hơn 400 ca khúc, nhạc giao hưởng, nhạc kịch và nhạc phim. Tác phẩm âm nhạc của ông đậm chất trữ tình, yêu đời và trong sáng, được đông đảo công chúng mến mộ.
“Bài ca hy vọng” là một trong những ca khúc nổi tiếng của Văn Ký, viết năm 1958. Ngày đó đất nước ta còn tạm bị chia cắt thành hai miền. ông viết “Bài ca hy vọng” với mong muốn gửi vào giai điệu âm nhạc và lời ca những niềm tin, khát vọng cháy bỏng về tương lai, đất nước ta nhất định sẽ đến ngày chiến thắng, hai miền Nam -Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Thế nhưng thời đó có ý kiến phê bình là bài hát này thiếu thực tế chiến đấu và sản xuất, đề nghị ông sửa lại một số ca từ. ông không đồng ý sửa và gửi bài hát này cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Không ngờ Ban văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam giao ngay cho Khánh Vân là nữ ca sĩ người miền Nam tập và thu thanh. Bằng giọng hát truyền cảm của mình, Khánh Vân đã thể hiện thành công “Bài ca hy vọng”. Qua sóng phát thanh, bài hát được truyền đi khắp cả nước, đến với đồng bào miền Nam và đi khắp thế giới. Bài hát nói lên được khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước của nhân dân ta ngày đó, được khán giả cả nước nồng nhiệt đón nhận và yêu thích.
Nhạc sĩ Văn Ký
Cố NSƯT Minh Hiến, nguyên Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, từng kể: Một lần, Khánh Vân được cùng các anh em nghệ sĩ trong đoàn vào biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Bác hỏi chị Khánh Vân có bài hát nào mới hát cho Bác nghe. Khánh Vân đã hát “Bài ca hy vọng”. Bác Hồ xem văn nghệ thường rất sôi nổi và vui, nhưng khi nghe Khánh Vân hát xong “Bài ca hy vọng”, Người ngồi lặng hồi lâu vì xúc động, sau đó bảo Khánh Vân là cháu hãy hát bài hát này thật hay cho đồng bào miền Nam nghe…
Hồi chiến tranh, có lần ông cùng mấy đồng nghiệp đạp xe đạp từ Hà Nội vào thâm nhập thực tế tận Vĩnh Linh. Hôm qua thị trấn Hồ Xá, bất ngờ ông nghe cô phát thanh viên đọc trên đài truyện “Sống như Anh” của Trần Đình Vân, có đoạn nói rằng, “Bài ca hy vọng” được các chị em trong nhà tù Mỹ -ngụy dạy nhau hát và hát cho nhau nghe để động viên nhau chiến đấu, tăng thêm sức mạnh và niềm tin vào Đảng, Bác Hồ... ông đã xúc động đến tuôn trào nước mắt...
“Bài ca hy vọng” đã được các nghệ sĩ Khánh Vân và NSưT Bích Liên hát thường xuyên trên Đài Tiếng nói Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ, được mang đi giới thiệu và biểu diễn ở 40 nước trên thế giới. Tiếp đến là NSND Lê Dung, các ca sĩ trẻ Lan Anh, Khánh Linh, Thanh Thúy... thể hiện rất thành công. Bài hát còn được sử dụng thường xuyên tại nhiều Hội diễn, Liên hoan và các cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng khắp cả nước. Tác phẩm còn được chuyển soạn cho độc tấu ghi ta, viôlông, pianô và cho các dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc...
Trong bộ phim “Đừng đốt”, chuyển thể từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm do NSND Đặng Nhật Minh viết kịch bản và đạo diễn, “Bài ca hy vọng” là bài hát khi còn sống liệt sĩ Đặng Thùy Trâm yêu thích đã được đưa vào nhạc phim, dựng thành hình ảnh xúc động khi chị Trâm hát bài hát này phục vụ anh em thương binh trong trạm xá. Hình ảnh cuối phim, chị Trâm đạp xe đạp theo chiều dài đất nước, trên nền giai điệu “Bài ca hy vọng” thổn thức, dạt dào...
Bài và ảnh: Hoàng Nam
Theo http://www.baomoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thẻ nhớ vô tri

Thẻ nhớ vô tri Anh bạn thẻ nhớ từ ngày mua về đến giờ, cứ bị nhốt suốt trong máy ảnh, hôm nay mới được ra ngoài, tung tảy, tự mình nhìn ng...