Bánh Tét ngày Tết ở Nam Bộ
“Chim kêu ba tiếng ngoài sông
Mau lo lựa nếp hết đông tết về”
Lo lựa nếp để gói bánh tét trước cúng ông bà tổ tiên, kế biếu
bà con lối xóm, sau cùng để ăn cho ba ngày tết. Do vậy, món bánh tét là loại
bánh không thể thiếu được vào dịp xuân về, là nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của
người Việt ở Nam bộ. Vì thế, một số người mới cho rằng cách gọi bánh tét có thể
được đọc trại từ bánh tết mà ra.
Cứ đến
khoảng 27, 28 tết là mấy bà nội trợ đã lo chuẩn bị nếp. Một ngày trước khi gói
bánh, nếp được đem đi ngâm và gút. Hôm sau, họ cắt mấy tàu lá chuối còn nguyên
và xanh um ở mé vườn hay sau hè. Lá chuối được rọc nhỏ lại theo kích cỡ đòn
bánh, rồi lau sạch và quét lên tí dầu ăn cho láng. Nếp gút lại thật kỹ, sau đó
mới bày lên lá với lớp nếp đến lớp nhân. Người gói bánh tiến hành gói phần lá
bên ngoài và gói ở 2 đầu bánh, rồi dùng sức buộc dây lạt thật chặt thân bánh,
phần dây thừa được gọi là đuôi bánh. Cách gói phần đầu bánh có hai dạng: Gói
theo kiểu hình tròn hay hình tam giác. Người gói bánh cột phần đuôi 2 hay 3,4
đòn bánh lại với nhau thành từng xâu, rồi bỏ vào nồi nước sôi trên lò than, lò
củi để luộc chín. Mấy đứa nhỏ ngồi xung quanh nồi bánh tét chụm lửa. Hồi còn nhỏ,
ai đã từng ngồi như thế thì chắc không thể quên được hình ảnh bập bùng của lò
than với âm thanh tí tách, cái háo hức mong đợi khi bánh được vớt khỏi nồi nước
luộc và cái hơi nóng tỏa ra làm ấm cả gian nhà bếp. Đó là cảm giác của ngày tết
sắp về ở từng gia đình. Độ chừng 3 đến 4 tiếng, người ta vớt bánh ra khỏi nồi
nước, treo thành từng xâu trên cái đòn dài của nhà bếp để bánh ráo nước và
tránh sự dòm ngó của lũ mèo, chuột. Sáng 30 cúng rước ông bà, họ cắt bánh thành
từng khoanh rồi đặt vào đĩa để cúng. Bánh cúng xong thì con cháu mới được ăn.
Khi ăn cũng là dịp để thưởng thức sự khéo léo của người nội trợ. Bánh tét ngon
là khi mở ra phần nếp không dính lá, nếp phải dẻo, mịn và trong, phần nhân phải
vừa ăn (không quá mặn cũng không quá ngọt) và có mùi thơm. Muốn được như vậy phải
biết kỹ thuật gói bánh. Nếp chọn là loại nếp thượng hạng, nếp rặt, không được
pha với thứ khác. Còn lá chuối là loại lá còn nguyên vẹn, không được rách để
tránh cho bánh bị “xì” khi nấu. Mặt khác, nếp phải được gút kỹ nhiều lần sao
cho thật sạch để khi ăn bánh phần nếp mới dẻo, mịn.
Kỹ lưỡng hơn nữa, khi gút người ta cho thêm muối vào cho nếp thêm sạch, dễ gút. Nước ngâm nếp phải được để trong lu vài ngày để lắng tạp chất xuống đáy. Điều này giúp bánh được giữ lâu hơn trong ba ngày tết. Khi gói bánh phải gói thật chặt, không được gói lỏng vì dễ làm hư bánh trong khi luộc. Đậu xanh ngâm kỹ, đãi vỏ thật sạch thì nhân mới ngon.
Kỹ lưỡng hơn nữa, khi gút người ta cho thêm muối vào cho nếp thêm sạch, dễ gút. Nước ngâm nếp phải được để trong lu vài ngày để lắng tạp chất xuống đáy. Điều này giúp bánh được giữ lâu hơn trong ba ngày tết. Khi gói bánh phải gói thật chặt, không được gói lỏng vì dễ làm hư bánh trong khi luộc. Đậu xanh ngâm kỹ, đãi vỏ thật sạch thì nhân mới ngon.
Nói là
bánh tét, nhưng dân Nam bộ chia làm 2 loại: Bánh tét mặn và bánh tét ngọt. Bánh
tét mặn là loại bánh tét có nhân đậu xanh với mỡ, thịt ba rọi, một số nơi còn
thêm hột vịt muối. Còn bánh tét ngọt gồm bánh tét nước tro, bánh tét nhân chuối,
nhân đậu xanh,…Bánh tét mặn được làm phổ biến vào dịp tết. Người ta chọn mỡ heo
hay thịt ba rọi còn tươi, rửa sạch và để ráo nước. Khi gói bánh thì để thịt, mỡ
trên lớp đậu xanh. Nếu gói bằng thịt ba rọi, khi cắt bánh, phần chính giữa vừa
trong vừa đục, trông rất bắt mắt. Còn bánh tét nhân mỡ thì phần mỡ trong vắt mới
ngon. Ở Tiền Giang, khi làm bánh tét nhân mỡ, mấy bà lấy mỡ ướp với tí đường, củ
hành tím rồi phơi trong thau nhôm chừng 5 đến 6 tiếng. Mỡ ướp hành tím làm cho
nhân không nặng mùi, thơm và dễ ăn, khác với ướp tỏi. Phơi mỡ trong thau nhôm để
lấy nhiệt cho mỡ dễ chín, săn chắc. Mấy ngày tết, sợ ăn bánh tét mặn ngán, bà
con còn gói thêm bánh tét ngọt để ăn thêm, đặc biệt ở một số gia đình ăn chay.
Bánh tét nước tro là loại bánh mà nếp được ngâm với nước tro tàu, phần nhân gồm
đậu xanh xào chung dừa nạo. Bánh có mùi thơm lạ, màu hơi đen, ăn rất ngon. Gọi
bánh tét chuối vì phần nhân được làm bằng chuối. Người ta chọn loại chuối xiêm
chín rục làm nhân. Khi cắt bánh, phần nhân có màu đỏ thẫm, vị ngọt tự nhiên. Ở
miệt Bến Tre còn có loại bánh tét không nhân. Bánh được làm toàn bằng nếp trộn
chung với đậu đen hay đậu phộng và nước cốt dừa, ăn rất béo và thơm. Còn ở Tiền
Giang, cũng bánh loại này, mấy bà còn cho thêm chuối xiêm chín đã bóp nhỏ vào hỗn
hợp đậu, nếp, nước cốt dừa, đậu đen rồi mới gói. Khi cắt ra, bánh gồm nhiều
màu, rất bắt mắt và có vị ngọt của chuối, vị bùi của đậu, vị béo của nước cốt dừa,
vị dẻo của nếp.
Ở Nam
bộ, khi ăn, bánh tét thường được dùng chung với dưa kiệu, dưa muối cho đỡ ngán.
Có người thích ngọt, khi ăn họ còn cho thêm đường trên mặt bánh. Người ta còn
dùng bánh tét thay cơm. Họ chan nước thịt kho tàu dầm tí ớt, trộn thêm dưa giá
hay dưa kiệu để ăn chung với bánh.
Ăn kiểu này thì ngon và hết sẩy! Vị béo, ngọt của bánh cùng vị chua chua của dưa giá, dưa kiệu và vị mặn mặn, cay cay của nước thịt kho tàu tạo nên một hương vị khó tả và nhớ mãi. Mấy bà nội trợ ở Tiền Giang còn làm thêm món củ cải trắng ngâm với nước tương hoặc nước mắm, bỏ trong hủ sành để ăn kèm với bánh tét.
Ăn kiểu này thì ngon và hết sẩy! Vị béo, ngọt của bánh cùng vị chua chua của dưa giá, dưa kiệu và vị mặn mặn, cay cay của nước thịt kho tàu tạo nên một hương vị khó tả và nhớ mãi. Mấy bà nội trợ ở Tiền Giang còn làm thêm món củ cải trắng ngâm với nước tương hoặc nước mắm, bỏ trong hủ sành để ăn kèm với bánh tét.
Bánh
tét ở Nam bộ có một số loại rất ngon, nổi tiếng, ăn thì khỏi chê, biếu rất sang
như: Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), Bánh tét lá cẩm (Cần Thơ) và bánh tét Tiền
Giang. Bánh tét Trà Cuôn có gốc tích từ xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà
Vinh. Phần nếp bánh có màu xanh, nhân đậu xanh, trong cùng là thịt mỡ và hột vịt
muối. Phần nếp có màu xanh do được làm từ nước lá chùm ngót giã nhuyễn trộn
vào. Đây được cho là cách làm bánh tét của người Khmer Trà Vinh. Theo người dân
Cần Thơ cho biết bánh tét lá cẩm có nguồn từ gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thủy. Dòng
họ này đã làm cho bánh độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước, sau đó cho nước
hòa chung với nếp. Do đó,khi cắt bên ngoài,bánh có màu tím than, phần nhân có
màu vàng của đậu, màu hồng của thịt, màu trắng của mỡ và màu đỏ của trứng vịt
muối, trông rất đẹp và duyên dáng. Còn bánh tét Tiền Giang có nhân thịt ba rọi,
tôm khô và hột vịt. Do nếp được ngâm nước lá dứa, nên khi ăn bánh có mùi thơm
nhẹ.
Bánh
tét là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ông bà tổ tiên hay trên bàn ăn vào
ba ngày tết của người dân đất phương Nam. Một đòn bánh tét tròn trịa, đầy đặn
phản ánh khát vọng về một cuộc sống no đủ của người dân Nam bộ- cư dân của vùng
đất mới. Mặt khác, trứng hột vịt muối- nguyên liệu chế biến thức ăn phổ biến của
người Hoa có mặt trong nhân bánh tét hay sự tiếp thu từ cách làm bánh của người
Khmer (bánh tét Trà Cuôn) đã phản ánh rõ nét sự giao lưu văn hóa ở vùng đất Nam
bộ. Sự khác biệt trong cách làm bánh tét ở một số địa phương như Tiền Giang, Bến
Tre, Trà Vinh và Cần Thơ thể hiện được tính thống nhất mà đa dạng của văn hóa ẩm
thực. Phải chăng đó chính là những nét nghĩa văn hóa của đòn bánh tét ngày tết ở
vùng đất phương Nam ấm áp và yên bình?.
Dương Hoàng Lộc
Nguồn: Nội san Xã hội Nhân văn,
Quý vị muốn thưởng thức bánh tét lá cẩm ngon từ lò bánh nổi tiếng Cần Thơ có thể tham khảm và đặt mua cơ sở bánh tét lá cẩm họ huỳnh tại website: https://ngonkhoe.com
Trả lờiXóa