Cảm nhận tập thơ “Sông muôn đời vẫn thế”
Cầm tập thơ “Sông muôn đời vẫn thế” do tác giả Trần Sang trao
tặng, tôi chợt liên tưởng đến con sông nhỏ trước nhà mình. Muôn đời nó vẫn ngày
hai buổi lớn ròng, bất chấp bìm bịp có kêu hay không; muôn đời nó vẫn khi lở
khi bồi bất chấp cuộc đời hay thay đổi; dù đục dù trong muôn đời nó vẫn chắc
mót phù sa cho ruộng đồng, rồi hòa mình với các dòng sông tìm mình về với biển.
khắc khoải bao kiếp người…
Sông muôn đời vẫn thế
ai trót mang lở bồi”
(Sông muôn đời vẫn thế)
Ví dòng sông như thời gian trôi, một đi không trở lại, như kiếp
người lận đận khi đục khi trong, ý tứ ấy không mới nhưng sao đọc những câu thơ
này lòng tôi cứ chờn chợn, nao nao giống như mỗi lần nghe câu hát: “Ôi! những
con thuyền giấy đã đi về đâu, để mình tôi nhớ nhung bây giờ…”. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
nhớ nhung dòng sông tuổi thơ, còn Trần Sang thì về với dòng sông quê nhà:
“Giữa bộn bề cuộc sống
tôi về bên bến sông
tự dưng mà muốn khóc
nước mắt chảy vào trong”
(Sông muôn đời vẫn thế)
Đọc đoạn thơ này tôi muốn nhảy ùm xuống dòng sông trước nhà,
mò kiếm tuổi thơ và giấu nước mắt vào trong làn nước!
Nước, nước, tập thơ Sông muôn đời vẫn thế nhuộm tràn màu nước.
Nước của hoài niệm tuổi thơ:
“Dòng nước ngày nào nuôi lớn tuổi thơ tôi
đã trôi vào cổ tích
tôi cúi đầu trước dòng sông
của một người mang đầy vết tích
ầng ậng nước mà không biết chảy về đâu…”
Nước của niềm đau quê ngày lũ lụt:
“quê sâu
lụt lớn
con đường đất ngày mưa
những ngón chân bấm xuống số phận…
đâu là nơi bấu víu
đâu là nơi tựa nương”
(Lụt sâu)
Ngay cả khi tác giả ngồi nhậu với bạn bè, tôi cảm thấy trên
mâm hình như cũng có nước:
“Nâng ly uống cạn chiều tà
thấy lòng ứa máu là đa cánh mây…”
(Uống rượu với bạn chiều nay)
Nhậu, dùng nước “chửa lửa”, khi có khi không, nhưng bản thân
rượu không bắt nguồn từ nước là gì?
Nhìn toàn tập, thơ Trần Sang nhuần nhị trong lời lẻ, giản dị
trong cú pháp, ít dụng công tạo chữ cầu kỳ mà nghiêng về phần thủ thỉ, bộc bạch:
“mười năm sao con không rứt ra được phố?
con cũng không biết mình đang chờ đợi một điều gì
và mắc nợ một nơi để đi về
mênh mông thương nhớ…”
(Mùi khói)
Hay:
“Nhiều lúc
sống ở thành phố thì muốn về quê
sống ở quê lại mơ thành phố
phố và quê cứ ám ảnh
trăn trở mãi không thôi… ”
(Nhiều lúc)
Có lẽ đây là thế mạnh của Trần Sang, thế mạnh của người con
gái không đẹp, không giàu nhưng có duyên và tấm lòng chân thật. Trong thơ, xúc
cảm chân thật bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.
“không có vùng gió nào thổi trong tôi
cơn buồn ngủ lên men
mộng du giữa đời thực
hành trình lê thê
ngày chắp vá đêm
đêm duỗi thẳng như một đường cong
mềm mại
hun hút
trôi
về nơi ngày và đêm không còn ranh giới
đó là hành trình tôi đang tới…”
(Hành trình)
Với hành trình này, tôi biết đừng hỏi tác giả đi đâu, đường
thẳng hay đường cong, chừng nào tới, bởi cõi thơ có khác gì… cõi trên - bồng bềnh
vô định. Chí có thể thông cảm nhà thơ như thông cảm với người phu đạp xe lôi,
hành trình là gò lưng rướn về phía trước nhưng không khi nào được phép bỏ lại
cái thùng nặng phía sau lưng.
“Sông muôn đời vẫn thế” là tập thơ đầu tay của một tác giả
chưa bước qua tuổi ba mươi, khó tránh được những vấp váp về ngôn ngữ, về kỹ thuật,
như trong bài “Con về” có câu: “Chuyện xưa bà kể vẳng lời đâu đây / Thương cho
cô Tấm hiền thay…”. Lời kể của bà - người bà miền Nam thì phải là cô
Cám - Cám hiền, Tấm dữ. Hay bài “Lá diêu bông thảnh thơi” có cảm xúc, có ý tứ
nhưng tác giả sử dụng thể “ngũ bát” đọc cứ nghe giật cục, thiếu nhạc tính vốn
có của thể thơ lục bát truyền thống.
Vậy là, có thêm “Sông muôn đời vẫn thế”, tủ sách tôi được chẵn
chòi 100 tập thơ, trong đó 99% là được tặng. In được tập thơ, nhất là tập đầu
tay, khác gì sinh được đứa con đầu lòng yêu quí, nhà thơ nào cũng vui, cũng tự
hào, vì công sức lao động của mình. Thế nhưng, đại đa số tác giả, những người
mang nặng đẻ đau ấy, chẳng hề có được một đồng nhuận bút! Thấy bìa sau ghi giá
bán 32.000 đồng mà không là 30.000 hay 40.000 cho dễ tính tiền, tôi hỏi, tác giả
Trần Sang cho biết đơn giản là toàn tập có 32 bài thơ!
Hỡi ơi! Sông muôn đời vẫn thế…
Đoàn Văn Đạt
Theo http://www.bongtram.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét