Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Dòng sông của Huế trong thơ một ông Hoàng triều Nguyễn

Dòng sông của Huế trong thơ 
một ông Hoàng triều Nguyễn
Xưa nay, trong văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, Huế được nói đến rất nhiều, nhất là với những người con của Huế trong đó có những hoàng tử của triều Nguyễn đặc biệt là các hoàng tử của triều vua Minh Mạng.
Trong số những hoàng tử của vị vua này có hai người nổi tiếng thơ hay, được người đương thời vinh danh cùng với Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát qua hai vế đối:
“Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ 
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.”
(Văn như Siêu, Quát mờ Tiền Hán/ 
Thơ đến Tùng, Tuy (1) vượt Thịnh Đường).
 (Lê Nguyễn Lưu dịch)
Ở đây, chúng tôi muốn nói đến thơ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, một trong hai vị hoàng tử đó. Thơ “ông hoàng Mười” Miên Thẩm hầu hết được viết bằng chữ Hán. Thơ ông viết về nhiều đề tài, chủ đề: Vịnh sử, tự thuật thân thế, tình anh em, tình bạn, cảnh sắc thiên nhiên…
Thiên nhiên là đề tài lớn xuyên suốt thơ chữ Hán dân tộc từ thời Lý, Trần, Lê cho đến thời Nguyễn. Có thể nói đề tài về thiên nhiên, qua nhiều thế kỷ, đã là một “phạm vi đời sống” được phản ánh trong thơ. Trong bài viết này chúng tôi xin nói về con sông Hương - một cảnh sắc thiên nhiên tiêu biểu của Huế - trong thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.
Với tình yêu thiên nhiên nói chung và con sông Hương của quê hương nói riêng, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đã viết nhiều về con sông đáng yêu này.  
Hình ảnh sông Hương, sau khi ra khỏi rừng già, trôi đi giữa những núi đồi, làng mạc bát ngát tiếng gà quen thuộc dọc theo hai bên bờ hiện lên trong thơ Tùng Thiện Vương với vẻ đẹp đắm say lòng người. Đây, cảnh sắc sông Hương ở vùng Định Môn nơi có lăng Thiên Thọ của vua Gia Long được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch với “ngàn non thẳm, bờ đá dài”; với “mây núi ôm ấp cây”; với “sương mờ phủ dòng sông buổi sáng” trông thật thanh bình êm ả:
Đêm trú ngàn non thẳm,/ 
Chống sào bờ đá dài.
Mây ngàn ôm nhánh rậm,/ 

Sông sớm nhả mù mai.(*)
(Dạ túc thiên sơn lý/ 
Cao xanh loạn thạch biên  
Chướng vân tình quyến thụ/ 

Giang nhật hiểu hư yên.)
(Thuyền về từ Định Môn - Định Môn qui châu)
Trong cảnh thanh bình êm ả ấy, hình ảnh người dân làng trong sinh hoạt thường ngày được nhà thơ nhận ra và miêu tả thật dung dị:
Thôn nữ thổi cành bách,/ 
 Lão nông tưới ruộng khoai.(*)
(Ngư nữ xuy tùng diệp/ 
Thôn ông quán vụ điền.)

(Thuyền về từ Định Môn - Định Môn qui châu)
Một buổi chiều xuân, trên khúc sông ngang qua làng Hải Cát, một làng thuộc huyện Hương Trà xưa, dòng sông Hương hiện ra sâu thẳm, biếc xanh, lấp loáng dưới ánh nắng chiều lặng lờ trôi… Giữa cảnh sông nước thăm thẳm, mênh mang, êm ả; trong cảnh tịch mịch, hoang sơ của ngọn núi Ngọc Trản nơi toạ lạc điện Hòn Chén u sầm với núi cao, vực sâu, tác giả như say sưa nhìn ngắm:
Loáng biếc sông xuân lút nửa sào,/ Chèo thuyền đến chỗ sóng êm xao.
Bờ sông cát lở năm năm đổi,/ 

Dáng núi chiều tà chốn chốn cao.
Đường xóm khói mây che kín mít,/ 

Đền thiêng lễ vật thấy dồi dào…(*)
(Xuân thuỷ như du lục bán cao,/ 
Thôi bồng vạn lý tĩnh ba đào. 
Sa băng ngạn thế niên niên cải,/ 

Nhật lạc sơn dung xứ xứ cao.  
Thôn kính vân yên thâm tịch lịch,/ 

Linh từ trở đậu túc huân cao.  
(Ngắm cảnh buổi chiều bên sông làng Hải Cát - Hải Cát giang thứ vãn vọng)
Cũng trong buổi chiều, một lần dạo thuyền qua đoạn Nguyệt Biều, một làng ở phía hữu ngạn, đối diện với chùa Thiên Mụ ở bờ bên kia, ngồi trong thuyền nhìn ra qua mui thuyền, cảnh sông Hương với “những cánh chuồn chuồn nhỏ bay lung tung”; với “ráng trời pha đỏ mặt nước”; với “dãy núi dựng đứng đầu sông như tiếp giáp với con thuyền xanh”… trông rất đẹp, một vẻ đẹp thật đặc sắc của sông nước Hương giang:
Liệng lung tung những cánh chuồn đinh/ 
Ngắm bãi chiều sông nước dập dềnh.
Bảng lảng ráng trời pha nước đỏ,/ 

Trông như dãy núi giáp thuyền xanh…(*)
(Phiếm phiếm tiểu thanh linh/ 
Bồng song diếu vãn đinh    
Lạc hà diêu thủy xích/ 

Quần tiễu giáp thuyền thanh).
(Chiều dạo thuyền ở Nguyệt Biều nhớ xứ sĩ họ Hoàng -
Nguyệt Biều vãn phiếm hoài Hoàng xứ sĩ)
Rồi một đêm trăng bên bến sông dưới bóng trúc mát mẻ cũng ở Nguyệt Biều, nhà thơ buông thuyền trên dòng Hương giang mà nhìn trăng nước lung linh; mà cảm gió sông êm mát; mà nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ từng tiếng khua lên ngân vang, đồng vọng như xua tan những làn khói giữa không gian mờ ảo khói sương của bãi sông:
Thuyền neo bóng trúc giữa đêm thanh/ 
Trăng nước gió sông ngủ chẳng đành.
Thiên Mụ chuông lầu bên bến ấy,/ 

Dội vang tan khói bãi sông xanh.(*)
(Trúc âm lương xứ dạ đình thuyền,/ 
Thủy nguyệt giang phong vị nhẫn miên.
Cách ngạn chung lâu Thiên Mụ tự,/ 

Thanh thanh xao phá viễn đinh yên.)
(Đêm đậu thuyền ở Nguyệt Biều - Dạ bạc Nguyệt Biều)
Bài thơ nhắc ta nhớ đến bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế thời Thịnh Đường:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,/ 
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,/ 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Trăng tà tiếng quạ kêu sương,/ 
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,/ 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.)
(Tản Đà dịch)

Hai bài thơ đều miêu tả bến sông, trăng sông, cây sông cùng với sương khói và tiếng chuông chùa ngân nga, đồng vọng… nhưng nếu như ở bài thơ của Trương Kế cảnh vật có vẻ im lìm, quạnh quẽ với ánh trăng tàn rụng, với tiếng quạ kêu sương, với những cây phong hiu hắt bên sông và nhất là với ngọn đèn dầu leo lét trong khoang thuyền toát lên cảm giác lạnh lẽo, đìu hiu lan toả một nỗi buồn khôn nguôi thì ở bài thơ của Tùng Thiện Vương cảnh vật có vẻ mát mẻ, êm ả toát lên tâm thế bình an với cảm thức say ngắm cảnh đêm nơi dòng sông quê nhà. Và đặc biệt là tiếng chuông trong hai bài thơ! Nếu như tiếng chuông trong thơ Trương Kế ngân nga đồng vọng rồi mất hút trong đêm trường nghe buồn đến tê tái thì tiếng chuông trong thơ Tùng Thiện Vương với âm ba vang động như xua tan sương khói trên bãi sông xa. Tiếng chuông trong thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm như có sức sống hơn, có tác động tích cực hơn đối với cuộc sống và con người. Phải chăng nhà thơ muốn ẩn dụ một thông điệp nhân sinh với người đọc: Tiếng chuông chùa như có sức lay động, làm yên tĩnh tâm hồn, như xua tan những ưu tư, khổ lụy thế trần trong lòng con người?
Qua khỏi chùa Thiên Mụ xuôi về kinh thành Huế, dòng sông Hương còn chảy ngang qua một vùng đất rất nổi tiếng: Kim Long. Kim Long vốn là đất của xã Hà Khê xưa với những bãi, biền xanh biếc lúa ngô non, nơi trở thành thủ phủ chính của các chúa Nguyễn giai đoạn 1636 - 1687; về sau Hà Khê chia thành hai làng: Xuân Hòa và Kim Long (làng Kim Long nay đổi thành phường Kim Long thuộc thành phố Huế). Nơi đây phong cảnh hữu tình, cây trái trù phú và đặc biệt thiếu nữ ở đây đẹp nổi tiếng, đẹp làm say đắm cả những bậc vua chúa nhà Nguyễn. Chả thế mà trong dân gian đã truyền tụng câu ca dao:
Kim Long có gái mỹ miều,
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.
Kim Long nối liền với kinh thành Huế bằng cầu Bạch Hổ, cây cầu bắc qua sông Hộ Thành ở phía tây, chỗ cửa thông ra sông Hương. Đầu thế kỷ XX, khi Pháp xây cầu xe lửa bắc qua sông Hương trên cồn Giã Viên ngay gần đó và cho mang tên Bạch Hổ thì cầu này được đổi tên thành cầu Kim Long (cầu này nay đã được làm mới bằng bê tông). Kim Long với vị trí địa lý và lịch sử khá đặc biệt như thế cùng với sông Hương đã đi vào thơ Tùng Thiện Vương rất trữ tình và đầy chất thơ. Đây Kim Long trong một buổi chiều hè khi hoàng hôn sắp buông xuống:
Bên cầu Bạch Hổ cát bày ra,/ 
Xóm vắng Kim Long bóng ác tà.
Bãi khói khách kêu thuyền chuyển bến,/ 

Gác thơm chuông đổ nguyệt lồng hoa(*)
(Bạch Hổ kiều biên thiển thiển sa/ 
Kim Long hạng khẩu tịch dương tà.   
Yên đinh khách hoán thuyền di ngạn/ 

Hương các chung thôi nguyệt đáo hoa…)
(Cùng bạn đi chơi Kim Long - Đồng hữu nhân du Kim Long)
Và Kim Long trong một đêm thu với trăng và sương khói phủ mờ mặt sông Hương khi Tùng Thiện Vương cùng bạn đi chơi đậu thuyền lại nơi đây:
Dương ba cô gái hát bên sông,/ 
Đường nhỏ cây xanh bóng tối trùm.
Quán rượu hỏi tìm đâu chẳng thấy,/ 

Nước sông khói phủ cát trăng lồng (*).
(Giang biên nhi nữ xướng Dương ba (2),/  
Lục thụ âm trung thạch kính tà, 
Dục vấn tửu gia vô xứ mịch,/ 

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa.)
(Đêm đậu thuyền ở Kim Long - Kim Long dạ bạc)
Một bài thơ tả cảnh đêm Kim Long và sông Hương về thu giàu sức gợi cảm. Khách đi thuyền ghé lại, bên sông có tiếng cô gái ca bài ca cung đình mang tên “Dương ba”, một con đường nhỏ lát đá với cây xanh âm u phủ đầy bóng tối, trên sông sương khói phủ kín cả một khoảng sông lạnh, ánh trăng sáng tỏa lồng vào bãi cát. Cảnh thi vị khiến khách muốn thù tạc với bạn vài chung nhưng không tìm đâu ra rượu, khách chỉ còn biết nhìn ngắm cảnh sông mông lung sương khói, cảnh đêm trường, khói phủ nước lạnh, trăng lồng bãi cát. Cảnh đêm sao mà đẹp mà nên thơ!
Qua khỏi Kim Long xuôi về bến Phu Văn Lâu ngang qua trước lầu đài, cung điện, thành quách cổ kính của kinh thành Huế, sông Hương trôi lặng lờ, êm ả như một dải lụa dịu mềm, óng ả, biếc xanh nhất là sau cơn mưa vừa tạnh:
Sông Hương mưa tạnh biếc mông mênh,/ 
Cách bến cung vua lớp lớp quanh.
Liễu rũ sông quan nơi tượng tắm,/ 

Mây sà cửa khuyết chỗ rồng khoanh…(*)
(Hương giang vũ quá bích dung dung/ 
Cách ngạn lâu đài ngự khí trùng   
Liễu ấm quan hà tình tẩy tượng/ Vân thùy thiên khuyết trú bàn long…)

(Nơi sông Hương vội gửi thư thăm một hai người bạn cũ -
Hương giang tức mục phụng giản nhất nhị cố nhân)
Nơi đây vào những đêm mùa xuân trong lành, khi vầng trăng hiện rõ trên nền trời, mặt nước lấp lánh ánh bạc, trong vắt, phản chiếu ánh trăng, vài chiếc thuyền câu di chuyển theo con nước, dòng sông Hương sáng lung linh giữa bóng đêm trông đẹp vô ngần:
Nước ánh bạc, trong vắt,/ 
Trăng thanh hiện sáng ngời.
Thuyền câu theo ngọn nước,/ 

Sông chảy chiếu trang đài.
Lấp loáng tan ngàn sóng,/ 

Mát trong át bến mai…(*)
(Diễm diễm ngấn hoằng tĩnh/ 
Trừng trừng ngọc cảnh khai
Tùy triều di điếu đỉnh/ 

Độ thủy chiếu trang đài
Quang toái thiên tằng lãng/ 

Thanh khi lưỡng ngạn mai
(Trăng sông - Giang nguyệt)

Rời kinh thành cổ kính, qua khỏi cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Đập Đá, sông Hương nhẹ nhàng lượn một vòng cong mềm mại “ôm lấy cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói để rồi lưu luyến ra đi, xuôi về biển đông giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ…”. Ôi, dòng sông “dịu dàng và say đắm, (…) người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”!(3).
Và sẽ rất thiếu sót nếu nói đến sông Hương của Huế mà không nói đến những điệu dân ca trên sông nước Hương giang. Ai đã đến Huế, xưa cũng như nay, đều không khỏi nao lòng trước những làn điệu dân ca xứ Huế trong đó đặc sắc, sâu lắng, âm vang não nùng nhất là điệu hò mái nhì, mái đẩy đặc biệt là qua giọng ca dung dị, chân chất của những người chèo thuyền vang vọng khắp lưu vực sông Hương. Những người con của Huế, nhất là những người Huế xa quê, mỗi khi nghe giọng hò mái nhì, mái đẩy của Huế cất lên chắc hẳn không khỏi thấy một nỗi bồi hồi, xao xuyến dậy lên trong lòng giống như cảm nhận của Tùng Thiện Vương trong bài thơ sau đây:
Mái đẩy điệu buồn cứ vọng vang,/ 
Dư âm không dứt mãi xa loang.
Mang nhiều ý nghĩa màu xanh biển,/ 

Huống nữa lại ngân dưới ánh trăng (*)
(Ai nãi ngư nhân khúc/ 
Dư âm thính bất cùng     
Chính đa thương hải ý/ 

Huống tại nguyệt minh trung)
(Đêm nghe khúc ca chèo thuyền - Dạ văn trạo ca)
Riêng tôi, không biết sao cứ mỗi lần đọc đến bài thơ trên đây của Tùng Thiện Vương lòng tôi lại nao nao như nhìn thấy hình ảnh những khách thương hồ, những ngư dân sống ngược xuôi trên sông Hương, rướn mình mềm mại đẩy mái chèo khua động ánh trăng trên dòng nước trong lấp loáng ngả sang màu xanh đen thăm thẳm dưới trời đêm… Tình quê lại dâng lên trong lòng tôi lai láng cùng trăng nước Hương giang với âm vang trong ký ức những câu thơ của Hàn Mặc Tử năm nào:
Gió theo lối gió mây đường mây/
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ 

Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Chính trong giờ phút bồng bềnh giữa cõi thơ ấy, trong nỗi ru êm của hoài niệm, tôi như cảm nhận ra cái âm hưởng sâu thẳm của Huế.
Những vần thơ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm viết về dòng sông thơ mộng, dịu dàng và đắm say của Huế; tuy chỉ là một vài nét chấm phá nhưng cảnh sắc của sông Hương giữa lòng kinh thành Huế xưa cùng cuộc sống lao động bình dị của người dân nơi đây với nhiều sắc màu, nhiều dáng vẻ, nhiều âm thanh khác nhau cũng đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Tùng Thiện Vương quả đã biết khái quát hoá một cách đúng đắn, chính xác nên hình tượng cuộc sống lồng trong khung cảnh thiên nhiên đã trở nên sinh động mang ý nghĩa sức sống tinh thần của Huế xưa… Qua đó ta thấy Tùng Thiện Vương Miên Thẩm có một tình yêu thật sâu xa, thật hồn hậu đối với thiên nhiên và con người xứ Huế, đặc biệt là đối với những người dân lao động ở vùng quê nghèo của xứ Huế xưa. Ông thuộc rất ít nhà thơ chữ Hán trung đại đã miêu tả được vẻ đẹp và tinh thần nếp sống của người dân ở làng quê xứ sở. Từ lòng yêu quí, trân trọng vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, ông đã đem được vẻ đẹp của thiên nhiên; của người dân làng với cuộc sống đời thường thanh đạm, yên lành vào trong thơ mình... Đó là những vần thơ mang tính nhân văn sâu sắc.
Nguồn Tạp chí Sông Hương
 Theo http://khamphahue.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...