Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Đêm nhạc "Cho đời chút ơn"

Đêm nhạc "Cho đời chút ơn"
Đêm 30/3/2011, khoa Viết Văn đã tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ 10 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về cát bụi (2001-2011) mang tên “Cho đời chút ơn”.             
Sân khấu chương trình được bày biện giản dị nhưng ấm áp. Nến được thắp làm điểm nhấn ánh sáng chính. Chân dung Trịnh Công Sơn, các bìa tập nhạc từng làm nên tên tuổi nhạc sĩ như Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Như cánh vạc bay, Tự tình khúc, Khói trời mênh mông, Phụ khúc Da vàng…được lồng vào các khung tranh tạo sự bất ngờ và liền đó là nét hoài niệm về một quá vãng tưởng đã pha phôi. Một góc sân khấu dành để đặt rượu và lạc rang, thức uống thức nhắm ấy làm bồng bềnh thêm những giai điệu.
Mười năm Trịnh Công Sơn trở về cát bụi là mười năm người đời không ngừng hát nhạc của ông. Đêm nhạc bắt đầu với lời tự sự như thế. Người ta hát nhạc ông ở khắp nơi, từ Paris, London, Toronto hay ở những cánh rừng già Brasil, bên bờ biển La Haye… Nhạc Trịnh đã luôn hiện hữu để cuộc đời nhiều người tự thấy mình đã/đang cưu mang chút ơn trong từng lần lật thời gian. Cho đời chút ơn, có lẽ, là cách nói nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Nhạc phẩm Hạ trắng được “phiêu” bởi saxophone và violon
Âm nhạc Trịnh Công Sơn có chừng 40 năm hành trình. Khoa Viết Văn đã tái hiện lại hành trình đó qua việc trình chiếu các slides. Đầu tiên là giai đoạn 1958 -1965 khi Trịnh viết, chủ yếu, là các tình khúc. Trùng với tuổi trẻ và tình yêu, mà rất nhiều những cảm xúc nồng nàn tinh khiết ấy, đã liên tục xuất hiện trong các hồi ức của Trịnh về sau, 1958-1965 là không – năm – tháng của những Ướt mi, Diễm xưa, Phôi pha, Biển nhớ, Nắng thủy tinh, Hạ trắng, Còn tuổi nào cho em, Như cánh vạc bay…  Mỗi tình khúc một tích tình. Nhưng con chữ và giai điệu của nó thì là gia hệ muôn lớp xuân thì. Nên những huyền thoại không ngừng được sắp đặt, để thỏa mãn, ngay từ đầu, trí tò mò của kẻ đồng điệu. Giai đoạn thứ hai, 1965-1975, là mười năm thăng hoa nhất trong cuộc đời Trịnh Công Sơn. Từ năm 1965, bỏ hẳn vùng cao nguyên Lâm Đồng, ông về Saigon, một đô thị phồn hoa nhưng đang rất nhiều biến động lúc bấy giờ, để cùng với Khánh Ly tạo nên một hiện tượng âm nhạc vô tiền khoáng hậu – âm nhạc đường phố và ca khúc phản chiến. Phản chiến, từ việc chỉ hành động xã hội, đã trở thành một thuật ngữ thể loại nghệ thuật và với riêng Trịnh Công Sơn, nó bao hàm di sản âm nhạc được lan truyền và có sức ảnh hưởng lớn lao nhất, không chỉ ở Saigon lúc đó, mà còn ở Nhật Bản, Pháp, Anh… Vươn tới siêu thực nhờ tính chất hiện thực được rọi chiếu bởi cảm quan hiện sinh, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn gần hơn bao giờ hết những tiếng nói nghệ thuật phản chiến của nhân loại, từ P. Picasso đến Bob Dylan. Về sau, khi tình thế đổi khác, những Người con gái Việt Nam, Gia tài của mẹ, Người già em bé, Đại bác ru đêm, Tình ca của người mất trí…dù không được biểu diễn công khai, thì trong những trường hợp cần thiết, khi nói về sự bi đát và đau khổ do chiến tranh gây ra, vào năm 2006, Hát trên những xác người vẫn khiến người Hàn Quốc khóc sụt sùi. Giai đoạn thứ ba, thập niên ’80 và ’90, nhạc Trịnh nghiêng về thái cực Lặng lẽ nơi này và Tiến thoái lưỡng nan. Kể từ Em còn nhớ hay em đã quên có đôi lúc đẩy ông vào tình thế phải phân trần khó khăn, thậm chí Nhớ mùa thu Hà Nội đã chịu hệ lụy, thì chỉ Huyền thoại mẹ, Hai mươi mùa nắng lạ là giúp ông Tôi ơi đừng tuyệt vọng.
Cuộc gặp gỡ với giọng ca Hồng Nhung thâp niên ’90 đã cho ông nhiều cảm xúc tươi mới khiến Thuở bống là người có duyên thêm với Đồng dao 2000. Có lẽ, cũng như những ai từng dũng cảm nhận món quà số phận vốn dè sẻn với đám đông, ông đã trở về với cội nguồn dân tộc mình, từ cái bống cái bang đến đồng dao. Nên ông mới bình thản và hồn nhiên đến thế, trong Tình khúc Ơ bai, Ru tình, Hoa xuân ca…
Nhà văn DiLi hóa thân vào Phôi pha
Chủ động tạo một không gian tương tự Quán Văn những năm ’60, đêm nhạc không có khoảng cách giữa người hát và người nghe. Vừa nghe vừa hát và hát như bấy lâu vẫn từng hát. Đấy là cách duy nhất để biểu thị tình yêu và cách hiểu về nhạc Trịnh Công Sơn. Người hát là các bạn sinh viên, thầy cô giáo, những người yêu thích nhạc Trịnh. Người nghe cũng chừng ấy. Có khác chăng là trong cách thể hiện. Một Hồng Tú gây ấn tượng với Diễm xưa bằng tiếng Nhật, một Hạ trắng được “phiêu” bởi saxophone hay Em là hoa hồng nhỏ rộn ràng trong tiếng harmonica, Huyền thoại mẹ trầm lắng khi phối bằng đàn bầu… Nhà thơ Quang Hưng tự kể Tình xa, nhà văn DiLi thì Phôi phachầm chậm. Thầy Văn Giá vừa Như cánh vạc bay vừa Hoa vàng mấy độ. Một bạn sinh viên hát Sóng về đâu thì cô Phi Nga Biển nhớ ; bạn Sĩ Nguyên Ru đời đi nhé thì cô Hồng Liễu  Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui… 16 nhạc phẩm Trịnh Công Sơn đã cất lên trong đêm nhạc để cuối cùng ai cũng hát Để gió cuốn đi. Guitar, piano, violon khi độc tấu khi song/ tam tấu. Chân chất, mộc mạc và sang trọng có thể đã cùng chung lời tình tự. 
Một điểm nhấn của đêm nhạc là đoạn clip ngắn về Quán Văn thời ‘65- ‘68. Sắc màu đen trắng của những tấm hình chụp không gian Quán Văn và đặc biệt là chất giọng Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đích thực rút từ các băng cassettes đã giúp người xem lí giải phần nào hiện tượng Trịnh Công Sơn lúc đó. Rõ ràng du ca và băng cassette là hai phương tiện chính yếu để nhạc Trịnh đến với đông đảo quần chúng, áp đảo tuyệt đối các hình thức âm nhạc salon. Khởi thủy là guitar mộc và du ca, băng cassette, nên bây giờ, hễ ‘salon hóa’ nhạc Trịnh, người ta sẽ thấy có gì đó thật xa lạ. Điều này, thêm một lần nữa, được củng cố, nếu nhìn vào mối quan hệ giữa nhạc Trịnh và văn hóa đại chúng ngày nay.
Thật khó để nói hết lòng yêu nhạc Trịnh của sinh viên Viết Văn. Khi đêm nhạc kết thúc, vẫn còn rất đông các bạn Viết Văn ngồi lại, cùng với nghệ sĩ violon đường phố Tạ Trí Hải, nhóm Trịnh ca, hát tiếp nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác của Trịnh Công Sơn. Yêu nhạc Trịnh là yêu vốn liếng thi ca chữ nghĩa có trong từng ca khúc của ông. Chả thế mà cố Gs Hoàng Ngọc Hiến, người thầy đáng kính của khoa Viết Văn, đã từng tiến cử ca từ Đêm thấy ta là thác đổ là một trong những bài thơ tình hay của thế kỉ. Nhiều sinh viên Viết Văn hôm nay, dù tuổi đời tuổi viết còn rất trẻ, thì họ vẫn tìm thấy ở Trịnh Công Sơn một nguồn xúc cảm sâu lắng, vừa cứu rỗi và nâng đỡ tâm hồn, vừa đẩy đưa, khơi gợi từng đường đi câu chữ. Một khi như thế, có lẽ họ, sẽ là thành phần hiếm hoi lắng nghe người-ca-thơ trong đời sống đang nguy cơ mòn cũ dần mọi châu ngọc, gấm thêu. Xét cho cùng, yêu nhạc Trịnh là một thử thách.
Theo http://vietvan.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bé dắt ta vào thế giới thần tiên của tuổi thơ 36 bài trong tập thơ “Bé dắt mùa sang” của tác giả Lê Phương Liên (Hải Phòng) đã đưa chúng...