Từ bao đời nay, hình ảnh con đò luôn luôn đi cùng với hình ảnh
người thầy, người cô đã đưa lớp lớp học sinh của bao nhiêu thế hệ qua sông
trong suốt quá trình dạy dỗ và cống hiến của cuộc đời nhà giáo.
Đó là một hình ảnh đẹp nhất về những
người “lái đò đã chuyên chở những người khách” qua “dòng sông chữ” cập bến bờ
trí thức. Dù đi đâu, về đâu trên các nẻo nhân gian, các học sinh cũng không bao
giờ không phải qua dòng sông, một dòng sông tri thức và hành trang mang theo là
những kiến thức thầy cô đã truyền giảng.
Trong những chuyến đò ấy làm sao ta
quên được hình ảnh người lái đò tận tụy, dù mưa hay nắng vẫn lặng lẽ đưa những
chuyến đò qua sông, đưa mãi… và có bao nhiêu những người khách trên những chuyến
đò ấy còn nhớ đến người lái đò, chèo đò năm xưa, còn nghe tiếng vọng của những
dòng sông, còn nghe được tiếng mái chèo khua trên sông nước, có ghé về bến đò
năm xưa để thăm người chèo đò thời xa vắng, hay chỉ là tiếng vọng của sông nước,
tiếng vọng của thời gian đã qua và thời gian đã kịp phủ trên mái tóc người thầy
bụi phấn, phủ những bến bãi rong rêu…Và dù sao đi nữa, hình ảnh con đò vẫn là
hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất gắn với dáng vóc của người thầy và đã là một
biểu tượng vô hình mà hữu hình để hòa vào dòng chảy của các con sông luôn vươn
mình ra biển lớn và trở thành tượng đài của những hy sinh thầm lặng của những
người thầy trong đời sống chúng ta. Người thầy và con đò đã hòa quyện vào nhau
thành một cá thể hòa hợp, trở thành vĩnh hằng.
Dù năm tháng cứ trôi đi, dù bao
thăng trầm của cuộc đời, dù dòng sông có lúc lặng sóng, trời yên nắng đẹp hay gầm
thét sóng cao gió lớn thì người lái đò vẫn đưa những chuyến đò sang sông và
dòng sông ấy, dáng hình ấy đã trở thành những kỷ niệm không phai trong tâm thức
của chúng ta mãi mãi suốt cuộc đời:
“Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người
Qua sông giữ lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc - mái đầu sương
Mãi theo ta thấy muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông”
(Người lái đò – Thảo Nguyên)
Hình tượng người thầy đáng kính, người
lái đò luôn luôn sống động trong tâm thức không chỉ của lứa tuổi học trò mà ẩn
sâu mãi trong ta như một hình ảnh đẹp nhất, trân trọng nhất. Chính vì vậy chúng
ta luôn luôn tâm niệm một điều “Ai quên đi chuyến đò ngang/ Quên sao người
lái thuyền sang bến đời”.
Người lái đò, người chèo chống những
chuyến đò ấy là người thầy, người cô đã đưa chúng ta qua những dòng sông lấp
lánh trí thức, soi sáng cuộc đời chúng ta như những ngôi sao lung linh trên bầu
trời, như những tia nắng ban mai soi rọi miền tri thức, soi sáng cuộc đời chúng
ta. Làm sao chúng ta có thể quên được công ơn trời biển của thầy cô, làm sao
chúng ta để phai mờ trong miền nhớ của chúng ta những người lái đò những năm
tháng của cuộc đời ta, những người lái đò thầm lặng:
“Tri thức ngày xưa ở lại đây
Ân tình sâu nặng của cô thầy
Người mang ánh sáng soi đời trẻ
Lái chuyến đò chiều sang bến đây.
Đò đến vinh quang nơi đất lạ
Cám ơn thầy đã lái đò hay
Ơn này trò mãi ghi trong dạ
Người đã giúp con vượt đắng cay”
(Người lái đò thầm lặng – Nguyễn Trung Dũng)
Người thầy từ bao đời nay vô hình
chung đã trở thành một nét đặc biệt gắn với con đò trên sông trên bến đời. Đó
là một hình tượng được tạc vào không gian và thời gian không bao giờ phai mờ
trong tâm thức người dân để cho hình ảnh người thầy, người lái đò năm nào khắc
sâu vào tâm can chúng ta, những thế hệ học trò tiếp nối như những chuyến đò
liên tục không ngừng nghỉ của thầy cô. Và khi nhớ về người thầy cô của cuộc đời
mình chúng ta không chỉ cảm nhận thấy bụi phấn rơi rơi trên tóc thầy mà chúng
ta còn hoài niệm về con đò, một dòng sông, một bến nước đã có người đưa ta qua
và thoáng chút bâng khuâng, lặng buồn như một nốt trầm trong những cung bậc
muôn màu của cuộc đời, số phận con người:
“Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều
Bay lên tựa những cánh diều
Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên
Rời xa bến nước quên tên
Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười”
(Thầy và những chuyến đò xưa – Nguyễn Quốc Đạt)
Một cung bậc trầm buồn của cuộc đời,
một quy luật muôn thủa, có chút bạc bẽo vô tình bởi nào có mấy ai nhớ về dòng
sông bến nước năm xưa hay đã thành lãng quên. Một lần ra đi không trở lại và
nơi đó chỉ còn bóng người chèo đò đứng chờ một mình trên bến sông vắng, có tiếng
vọng nào vọng lại trong bến cô liêu một chiều buồn tênh, người đã xa rồi và đi
mãi… bởi bao giờ cũng vậy, quy luật của cuộc đời:
“…Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
Mái chèo đò là những viên phấn trắng
Và thầy là người đưa đò cần mẫn
Cho chúng con định hướng tương lai”
“Một đời tích nghĩa nhân. Thầy tôi đóng con đò đưa người qua
dòng sông chữ” để khi có ai đó có quay về bến sông xưa:
“Tôi về tìm thầy
Có người bảo lên sông ngân hà mà hỏi
Có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông…”
(Thầy tôi – Nguyễn Thúy Quỳnh)
Dẫu nắng mưa cuộc đời thầy vẫn là
người lái đò đưa ta qua biển rộng, sông dài, chở che cho ta qua bao bão tố thời
gian và ta vẫn một đời tri ơn thầy, vẫn nhớ về người thầy năm xưa, về bến đò
đó, vẫn nghe tiếng sông nước vỗ về như tiếng vọng của thời gian…
Nắng rớt xuống hoàng hôn trên mắt nước
Xa xa, bóng một con đò giữa dòng nước ngược
Thấp thoáng chao nghiêng…
…Con muốn hiểu, thầy ơi – người đưa đò vĩ đại
Con đến với cuộc đời vì sự hi sinh thầm lặng
Trên chuyến đò của thầy chở nặng yêu thương”
(Nghĩ về thầy)
Đúng vậy, chuyến đò của thầy cô chở
nặng tình yêu thương, chở những ước mơ của chúng ta bay cao, bay xa…Những người
thầy, những người lái đò năm xưa là “người đưa đò vĩ đại” theo đúng
nghĩa của một người thầy, của một nhà giáo. Sự hi sinh, vất vả có phần thầm lặng
của người thầy như một mặc định của nghiệp làm thầy, làm người đưa khách qua
sông. Biết bao khách đã qua sông, sang sông…để mà có thể nhớ về, có thể đoán định
những số phận con người? Suốt hành trình làm người chèo đò, người thầy đã hoàn
thành sứ mạng của mình, chuyên chở đưa các học sinh của mình đến với bến bờ mới,
đến với những vinh quang, những chân trời tươi sáng của tương lai. Thầy vẫn đứng
lại, vẫn ngóng trông và luôn luôn mong ước những người khách, những học trò của
mình đến được những bến bờ thành công. Muôn đời vẫn thế, muôn đời vẫn những
dòng sông luôn ở lại, những bến đò với đợi chờ, những người chèo đò vẫn làm
công việc thầm lặng của mình…Người thầy cũng vậy, vẫn lặng thầm dạy dỗ bảo ban
các thế hệ học trò…dìu dắt họ qua sông, trao cho họ hành trang là tri thức, là
những bài học làm người, khát vọng làm người. Những chuyến đò vẫn mải miết sang
sông và “Mỗi năm học là một chuyến đò, học trò là những người khách, thầy
là người đưa đò bền bỉ, thầm lặng đưa khách sang sông, đến với bến bờ tri thức”. Bình
dị thế thôi nhưng đã trở thành nét đẹp muôn đời mà chúng ta mãi tri ân, tôn
kính và nét đẹp ấy trở thành bất biến trong cuộc đời chúng ta, trở thành chân
lý, đạo lý làm người chân chính.
Xin cảm ơn những người thầy, cảm ơn
những người lái đò bình dị mà vĩ đại!
Nguồn báo GD&TĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét