Tôi nhận tập thơ của nhà
thơ nữ Lãm
Thúy do anh Trần Hoài Thư gởi đến tặng, theo lời tác giả. Tập thơ đến
vào giữa mùa đông Hoa kỳ. Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa trên những mái nhà,
trên những con đường. Thời tiết lạnh cóng dưới không độ. Ngồi nhà đọc thơ còn
gì thú hơn!
Trong bài: Tàn Thu nơi
trang đầu của tập thơ, Lãm Thúy viết:..
“Hàng cây trơ cành. Đợi
Mùa đông phủ tuyết lên
Nhánh khô gầy yếu đuối
Lặng lẽ chờ oan khiên...”
Bốn câu thơ trên đã gợi
lên cho tôi một ấn tượng. Mùa đông. Vâng. Mùa đông đang đến giữa cái băng giá
của tuyết, của đá( icy) đóng trên những cành cây trụi lá. Tàn Thu của
Lãm Thúy không có con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô (ở
quê nhà) mà một thời ai cũng thuộc “mùa thu” của nhà thơ tiền
chiến Lưu Trọng Lư. Ở đây Lãm Thúy không có con nai vàng ngơ ngác...mà có những
nhánh khô gầy, yếu đuối, buồn thảm... Và, lặng lẽ chờ oan khiên (ảm đạm).
Theo tôi: lá rụng, đó là một hệ sinh thái tự nhiên của đất trời. Lá rụng,
không có nghĩa là tự hủy diệt, mà vẫn còn đó qua một trạng thái khác để nuôi
cây. Rồi lá vẫn xanh trên cành (mùa xuân), vẫn khô gầy, yếu đuối( mùa đông).
Để rồi, trong bốn câu cuối của bài Tàn Thu:
“Dẫu trời im đứng gió
Đời không hẹn bình yên
Lá khô từ thiên cổ
Tàn thu. Sầu mênh mông...”
“Tàn Thu” là bài thơ đầu
trong tập “Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi” đã “hấp dẫn” để tôi đọc tiếp những bài
thơ khác trong thi tập của nhà thơ Lãm Thúy.
Ở trang sau của bìa sách,
tác giả ghi vài dòng tiểu sử thật giản dị. Nhưng cũng đủ để cho người đọc biết
được một phần đời của tác giả.
Sinh tại Nhơn Ái, Phong Điền,
Cần Thơ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần thơ. Định cư tại Mỹ năm 1992. Biết được
một ít thông tin về thân thế của nhà thơ nữ này, đọc tiếp nơi trang Lời
ngỏ tác gỉa ghi: “ Lãm Thúy làm thơ, tức là dàn trãi tâm hồn mình,
diễn tả những cảm xúc, những rung động với cái buồn, cái đẹp, nỗi yêu đương bằng
chính những gì thành thực trong trái tim và thường là nghĩ sao viết vậy,
không sửa đổi, không trao chuốt; vì thế chắc là thiếu phần tinh xảo và đặc sắc...”
Đó là những gì tôi đọc được
trong “lời ngỏ” của thi tập. Nhưng, càng đi sâu vào những trang thơ của tập
thơ, có lẽ đây cũng chỉ là những lời “khiêm tốn” đáng trân trọng của một nhà
thơ nữ , có lẽ mới in tập thơ đầu tay này?
Nói về nhà thơ nữ ở hải
ngoại cũng khá nhiều. Nhưng tìm được những bài thơ hay, phải nói
là hiếm. Thơ hay, dễ làm cho đọc giả dễ nhớ hơn là những bài thơ dỡ. Điều nầy,
rõ ràng như một quy luật dành cho người đọc thơ và thích thơ.
Nhưng với tập thơ “ Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi” của Lãm Thúy thì chưa có bài
thơ nào làm tôi chán, khi đọc.
Với 124 bài thơ nằm gọn
trong 153 trang. Có bài dài hai trang. Nhưng số nhiều, những bài thơ chỉ “
gói trọn” trong một trang. Ngắn. Dễ đọc. Đúng như những gì nhà thơ Lãm Thúy
đã viết trong “lời ngỏ”: nghĩ sao viết vậy,không sữa đổi, không trao chuốt..
Nhưng xuyên suốt 124 bài thơ tôi đọc, ít ra cũng “gây một cảm xúc mạnh” đối với
người đọc khó tính, khi đọc thơ Lãm Thúy.
Có những bài thơ Lãm Thúy
viết như một hoài niệm của những ngày còn ở quê nhà (chiếm khoảng 1/3 của tập
thơ). Nỗi hoài niệm rất dễ thương ở những cô “ nữ sinh áo trắng” làm thơ học
trò, dễ yêu và dễ nhớ. Hoài niệm về một vùng quê sông nước mênh mông, hoài niệm
về tình yêu...
“Nhớ thuở xuôi thuyền qua
đó
Rộn ràng mặt nước, bến
sông
Thơ ngây lòng vui hớn hở
Nhớ gì đò dọc hoài công!
Chiều xưa bên vườn thinh vắng
Bồi hồi chẳng biết thu
đông
Có cô học trò áo trắng
Về qua, xuân hạ vô cùng....
Chiều nay về ngang bến cũ
Một trời Phước Nhơn bùi
ngùi
Chẳng biết cây bằng lăng ấy
Còn hoa tím nữa hay
thôi?..”
(Còn hoa tím nữa hay
thôi?)
Nỗi hoài niệm về một vùng
quê sông nước Phong Điền chằng chịt những kênh rạch, những vườn cây trái xum
xuê, những con người với tâm hồn cởi mở, giàu lòng thương người...trong xóm
làng, hay trên chợ nổi Phong Điền đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhà thơ trên
một vùng sông nước Hậu giang. Cho dù ở một phương trời nào, thì dòng sông Hậu
cũng vẫn là nhịp thở trong cuộc sống hằng ngày của tác giả.
“Nghìn thu bến cũ chưa
nhòa
Hậu giang ơi, bóng con đò
chờ mong
Một đời người, một dòng
sông
Hậu giang còn mãi giữa
lòng hoài hương”
(Bến Cũ)
Dòng sông. Trong mỗi con
người đều có một dòng sông để nhớ. Có lẽ, nhà thơ Lãm Thúy cũng không thoát
ra khỏi cái quy luật ấy, nhất là với một người con gái đã mang trong mình một
“tâm hồn thơ”. Cho nên, dù ở đâu thì cũng về thôi. Về lại cái xứ sở thân yêu mà
người thơ đã lớn. Về lại bên bờ con sông cũ để xem hoa bằng lăng tím có còn nở
bên bến sông xưa? Về đề nghe điệu hò trên sông nước mênh mông, hay nghe lại
điệu đờn ca tài tử trong lòng người dân thôn xóm đã nuôi nhà thơ lớn lên từ
trong tiếng đờn, tiếng hát ấy. Về thôi. Với những câu thơ nặng tình, nặng
nghĩa: ...
“Về thôi, trăng úa
lâu rồi
Về thôi, mòn mỏi lắm, người
chờ mong
Về thôi, sầu đã thành dòng
Về thôi, gió đã lạnh lùng
từ lâu.
(Về Thôi)
Hay trong bài “Nỗi
Nhớ” Lãm Thúy đã bộc bạch một cách rõ ràng tâm trạng của một người xa quê. Có
lẽ nỗi nhớ của Lãm Thúy, cũng là nỗi nhớ chung của chúng ta khi phải lìa bỏ
dòng sông, bến cũ. Mà, với những con chữ trong câu đầu của bài “Nỗi Nhớ” ta
đã thấy nỗi nhớ đã réo lên trong máu huyết của nhà thơ qua những cái phẩy ngắt
câu thật dứt khoát, rõ ràng: vô cùng, vô tận, vô biên. Cái gì vô cùng,
vô tận, vô biên...Nhớ. Ta đọc bài Nỗi Nhớ để thấy tấm
lòng của Lãm Thúy:
“Vô cùng, vô tận, vô biên
Nỗi thương nhớ gởi về em,
quê nhà
Mênh mông, bát ngát, bao
la
Nỗi buồn gậm nhấm hồn ta từng
ngày
Mà không, từng phút, từng
giây
Vọng phương ấy, một phương
này vời trông
Ai đâu cách mặt xa lòng
Sao ta lại thấy nghìn
trùng mến thương
Một lòng hoài vọng cố
hương
Trong tim vời vợi nỗi buồn
tha phương
Còn xanh lá những con đường
Hoa cau, hoa bưởi sau vườn
còn thơm?
Con đò neo bến chiều hôm
Còn nghe tiếng gọi bên vàm
sông xưa?
Còn xa quê nữa, mấy mùa?
Còn hồi tưởng mấy cho vừa
nhớ nhung
Cô đơn, trơ trọi, lạnh
lùng
Nơi đây có một người không
linh hồn.
Đấy, nỗi nhớ quê của Lãm
Thúy mảnh liệt như thế đó. Đọc, tôi khoái 4 câu thơ: còn xanh lá những
con đường/ Hoa cau, hoa bưởi sau vườn còn thơm?/ Con đò neo bến chiều hôm/
Còn nghe tiếng gọi bên vàm sông xưa? Những câu lục bát như bức tranh thủy
mạc mà Lãm Thúy đã vẽ lên, gây cho người xem một cảm giác tươi mát, mà
chỉ có làng quê sông nước Việt Nam mới có. Tôi đoan chắc như thế. Trên xứ
người làm sao mà nghe được mùi thơm của hoa bưởi, hoa cau trong vườn? Làm sao
mà nhìn thấy bóng con đò neo bến chiều hôm? Làm sao mà nghe được tiếng gọi đò
bên vàm sông cũ? Chỉ có làng quê Việt mới có những hình ảnh ấy.
Mà, sao lạ, hình ảnh đó nó quây quắt chẳng những trong tâm thức của tác giả
mà còn cả đến người đọc bài thơ này. Với những ngắt câu bằng những dấu phẩy
rõ rệt làm tăng thêm nỗi nhớ quê lạ lùng.
Tôi vốn là một người mê
giáo lý của Phật Đà. Cho nên, khi tiếp nhận tập thơ của Lãm Thúy, rõ ràng: có
một sự đồng thuận ngay với tôi trong suốt tập thơ Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi
này; vì hầu như bài nào cũng có mang ít nhiều giáo lý của Phật Đà trong đó.
Có điều phải nói vì Lãm Thúy là nhà thơ nữ, cho nên, vẫn không thoát ra khỏi
nỗi lo âu rất là con gái khi nghĩ đến những người thân của mình, dù biết: tất
cả đều là huyễn trong cuộc sống. Cho dù trong cuộc sống hôm nay, ngoài những
công việc đa đoan hàng ngày của người phụ nữ trong gia đình phải làm (chăm sóc cho chồng, cho con). Đó là một bản năng rất quý của người phụ nữ Việt.
Nhưng với nhà thơ, hình như tất cả có một cái gì đó “tự nguyện” trả
cho nhau “món nợ đời”. Biết đâu trong muôn ngàn kiếp trước đã buộc vào nhau?
Và, trong kiếp nhân sinh tạm bợ này, Lãm Thúy đã nhìn thấy, đã biết ... Và,
cũng từ hai chữ “nhân duyên” ấy, mà nhà thơ cũng đi cho hết cuộc đời: nhân
duyên cột chặt không đành dứt .
Tuy nhiên với sự rung động
từ một trái tim của người làm thơ là nữ giới...thì sự lo âu cho những người
thân làm sao tránh khỏi những phút giây...mà trong bài thơ Bước Qua Cõi
Chết nhà thơ đã viết lên những dòng thơ sau. Dù đã biết:
“Biết rồi: sinh ký tử
quy
Sống là cõi tạm, chết về
thiên thu
Biết rồi cuộc thế phù du
Mất, còn cũng tựa chút mù
sương tan....
Nhưng sau đó, Lãm Thúy lại
viết:
“Biết rồi, chốn ấy trước
sau
Một lần, ai cũng qua cầu
mà thôi
Nhưng ta mới quá nửa đời
Bước đi chưa nỡ, chân rời
còn vương”
Hai câu thơ: Nhưng
ta mới quá nửa đời/ Bước đi chưa nỡ, chân rời còn vương. Đó là cái ý niệm
chung của kiếp nhân sinh. Có ai mà không muốn sống; dù cuộc sống ấy có thế
nào? Khổ đau, bịnh tật? Nhưng, qua những câu thơ năm chữ dưới đây, ta thấy
Lãm Thúy đã xác định cho mình một khái niệm rất rõ ràng trong cuộc sống:
“Người niệm chú từ bi
Có nghe lòng thanh tịnh?
Ta làm thơ tình si
Vẫn thừa niềm thành kính”
“Ta làm thơ tình si” mà
Lãm Thúy đã viết ở trên, trong thi tập ta thấy tình si của Lãm Thúy không là
tình “lứa đôi, trai gái”. Mà tình si ấy là: hoa, lá, muôn thú và con người.
Niềm an lạc chung đó đã đưa nhà thơ đến rất gần giáo lý Phật Đà rồi. Cho nên: cầu
cho người an lạc/ Hồn thấy chốn vĩnh hằng.
Rõ ràng, trong những con
chữ, trong những câu thơ của Lãm Thúy không cầu kì, không ẩn chứa nhiều mỹ ngữ
như nhiều nhà thơ khác. Giản dị trên những con chữ và giản dị trong tâm hồn của
người thơ ( có lẽ). Cho nên khi đọc bài: Thiện Tai. Tôi nghĩ về sự
suy nghĩ của tôi về nhà thơ nữ này: giản dị về tâm hồn, và nhất là “đầy ấp Phật
Tính, ngay cả trong giấc ngủ:
“Nghe anh, em lánh
sự đời
Đêm ôm sách Phật ngủ vùi.
Thiện tâm
Nghe trăng ghé lại chỗ nằm
“Nguyệt lai môn hạ...” Hỏi
thầm: “nhàn chưa?”
Lòng trần gột rửa bợn nhơ
Bỏ miền tục lụy, tìm bờ
giác, qua
Vẫn thương người hơn
thương ta
Trấn an. Em nhủ: chắc là
thiện căn
“Vẫn thương người hơn
thương ta” đó là một trong muôn nghìn giáo lý của Phật Đà. Nhưng, với bốn câu
thơ đầu, tôi nghe như vẫn có cái gì đó: nghịch lý (với tôi) có phải thế
không nhà thơ?.
Dù sao, khi đọc xong tập
thơ: Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi của nhà thơ Lãm Thúy, tôi có thể
hình dung ra ngay được con người của nhà thơ (ít nhiều). Ngoài cái giản dị,
chân chất trong những bài thơ, những câu thơ ra, tôi nghĩ Lãm Thúy chưa “Tịnh”
nỗi; vì “Tâm” còn “Động” ghê gớm với “Đời”. Bởi:
“Thì em vậy đó: Tâm chưa
tịnh
Lòng trần: Aí, ố vẫn còn
nguyên”
Đã là con người làm sao
tránh khỏi được cái “tham, sân, si” của cuộc đời này. Nó như một ma lực cám
dỗ. Nhưng, tôi lại chịu câu thơ này: lúc khổ cũng mơ thuyền Bát Nhã.Và: vẫn
thương người hơn thương ta thì Lãm Thúy, có lẽ, tránh được những “ái, ố”
tầm thường trong kiếp nhân sinh để trong lòng nhà thơ lúc nào cũng “ âm ỉ lửa
hoan bi”.
Tóm lại, đây là một tập
thơ dễ đọc, dễ thương, dễ gây trong lòng độc giả một “ấn tượng” qua những ý,
những lời thơ “mộc mạc” về quê hương, về con người, về kiếp sống... Nhưng lại
dễ đi vào lòng người.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét