Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Huế đẹp, Huế thơ!

Huế đẹp, Huế thơ!
Ở Huế lâu ngày hay chỉ biết qua một thời gian, mọi người đều cùng chung cảm nhận trên.
Huế đẹp vì phong cảnh nên thơ, vì thiên nhiên hữu tình. Nhìn gần hơn, Huế đẹp vì lối sống con người Huế biết thưởng thức và giữ gìn vẻ đẹp ấy nên thơ hơn, diệu tuyệt hơn, kế tục bao nhiêu thế hệ trước đã đem công sức xây dựng, tài bồi nên.
Nhìn vẻ đẹp Huế với thị giác và thị cảm thoáng qua thông thường e rằng chưa đủ, lại càng không nên nhìn Huế với trí óc phân tích đạo hàm toán học. Với cảm xúc bén nhạy, tâm hồn rung động và đôi mắt thẩm mỹ, du khách nhìn phong cảnh thiên nhiên từ nội tâm để rồi qua tâm thức phản hồi, cảm thụ nét đẹp Huế thêm sâu lắng thi vị.
Cùng chung tấm lòng nghệ sĩ tự tại và thanh thoát, du khách sẽ cảm nhận hết cái thiên nhiên hòa hài, cảnh sống hòa điệu, con người Huế, cảnh vật Huế. Nói rõ thêm, bản sắc Huế, cá tính Huế, cái phần Huế nguyên thủy, nguyên tuyền, từ đó phát sinh nét đẹp văn hóa Huế.
Huế thiên nhiên có sức gợi cảm và quyến rủ du khách, nhưng bốn mùa mưa nắng bất thường “có nắng hạ giữa mùa thu”, Huế đôi khi cũng ruồng rẫy du khách chưa sống thực với Huế. Đối với người Huế cũng vậy, di xa muốn về, về (rồi) lại muốn đi. Ra đi để rồi nhớ thương da diết!
Nhớ gì nơi Huế? Nhớ những màu sắc lung linh huyền hoặc đã tạo nên Huế huyền diệu thâm trầm. Nhớ cảnh vật Huế, nền trời Huế sáng xanh trưa vàng chiều tím, có đó mất đó. Nhớ Huế duyên dáng như nhớ người tình nhân lỗi hẹn “duyên trăm năm đứt đọan, tình một thuở còn mang” hay đau lòng đứt ruột hơn trong hai câu thơ tuyệt tác người xưa để lại:
Đập cổ kính ra tìm thấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Cái hương sắc màu nhớ ấy, hơn một lần dù ngắn ngủi, đã đến với du khách. Thanh lương tươi mát mà trang trọng, đậm nét cổ điển mà trẻ trung nồng thắm, hợp sắc mà rỡ ràng phong quang như bức họa muôn màu Huế đẹp, Huế thơ từ lâu đời.
Màu sắc đa dạng theo bốn mùa năm tháng hay qua lớp “sương khói mờ nhân ảnh”, đó đây bạn đọc sẽ nhìn thấy lại trên sông Hương núi Ngự hay xa xa nơi “núi phủ mây phong” bao quanh kinh thành.
Màu tím lan xa mấy dặm đường
Như cơ duyên tình tự thiên thu, thiên nhiên an bài sẵn món quà mỹ thuật hãn hữu dành riêng Huế: màu Tím.
Với nhiều sắc độ khác nhau, màu tím khi tươi thắm nhẹ nhàng, khi thấm đậm nồng nàn hoa rừng cỏ nội rắc theo lối đi khắp cùng. Tím mát, tím tươi, tím thẩm, tím than, tím ngắt hay tím ngát, cuối cùng vẫn là màu tím dễ thương dễ nhớ nhìn thấy khắp nơi khung trời Huế.
Ngày xưa không lâu lắm, dọc theo bờ sông Hương cỏ cây hoang dại còn nhiều, từ đồng nội ban sơ hay những đám đất vồng thoai thoải lưng chừng mọc lên một loài hoa, hương thơm nhè nhẹ gọi là dã cúc; sau này các nhà Nho thích “chữ” đặt thêm tên hán-việt “khổ-ý-dĩ”.
Dã cúc, khổ-ý-dĩ, cúc hoang, cúc dại hay cúc lãng sĩ đều là loại cúc màu tím nửa rừng núi nửa đồng nội chen lẫn với cỏ lau lan tràn, gió mưa thời tiết phũ phàng “cúc ngạo hàn sương an bần lạc đạo”.
Cúc tím hoang dã nhưng hương thơm phảng phất rớt rơi lãng đãng theo từng cơn gió thoảng dưới nắng hanh vàng. Màu tím hương quê lan xa mấy dặm đường đến những vùng đất cao hai huyện ngoài là Phong Điền, Quảng Điền gặp gỡ thêm người bạn mới, một loại hoa màu tím khác, hoa (rừng) bằn lăn.
Cây gỗ bằn lăn thông dụng nhiều người biết, nhưng mấy ai có dịp nhìn ngắm hoa rừng bằn lăn tím cả “trời xa trời gần”:
Bằn lăn soi bóng ven hồ
Xuân đi thu đến bao giờ nở hoa.
Hoa ơi có phải vì ta
Mà hoa tím cả trời xa trời gần.
(Tế Hanh: Hoa bằn lăn)
Vô đến thành phố, tung tăng tung tưởi khắp nơi, một loài hoa tím khác tươi đẹp mịn màng hợp sắc hài hòai với các sắc màu mơn mởn của Huế đẹp Huế thơ là hoa sầu đâu màu tím lạt.
Không lạt lắm, không đậm lắm, màu tím sầu đâu vừa đủ độ thắm tươi dịu dàng để phố phường làng xóm chung quanh tưởng nhớ. Lớn chỉ bằng đầu ngón tay, hoa kết thành chùm nhỏ bằng nắm tay, cánh hoa mượt mà óng ả hây hây trước gió mát thướt tha. Màu sắc tươi nhẹ, nhưng hương thơm không được dịu lắm, Huế mình thường cho là  hơi “hắc” (hay hắc-hắc).
Có lẽ vì hoa sầu đâu màu tím kết chùm trông đẹp, nhiều người thích nhìn ngắm, mỗi người một cách riêng, nên loài hoa tím này có nhiều tên gọi khác nhau: hoa sầu đông, sầu đâu hay thầu đâu. “Hoa thầu đâu ngát đường Giao Thủy”, con đường xưa thắm như mối tơ duyên với bài thơ Nhớ Huế, bà con mình ở nước ngoài gặp nhau thường ngâm nga (1).
Hai ba tên nhưng vẫn một loài hoa tím. Chưa đủ! Có người còn ví von thêm với tên gọi khác: hoa soan gợi buồn man mác, thương nhớ bâng khuâng:
Hôm ấy tôi đi ửng nắng vàng
Bời bời ngõ cũ tím hoa soan.
(Nguyễn Bính: Trở về quê cũ)
Cây thầu đâu nhìn thấy nhiều nơi ở Huế, quen thuộc như các khu nhà vườn lớn nhỏ, nhà nào cũng có trồng vài ba cây. Khắp nơi, những con đường học trò hoa tím lớp lớp rụng vơi đầy, từ trường Chaigneau (sau này Lycée Francais) đến trường Jeanne d’ Arc và gần đó dọc theo sông Hương, từ ngã ba Tòa Khâm xuống đến Đập Đá.
Trên những con đường học trò này, có những ngày hoa thầu đâu nở thênh thang và cũng có những ngày hoa rụng tràn đầy.
Bọt bèo, bèo bọt, “thời gian trôi đi, bọt bèo ôi bọt bèo”!
Nhớ những cánh hoa tím khác đang héo tàn, một loài hoa đang bồng bềnh nổi trôi, hoa bèo, màu tím lạt quen thuộc trên những con hói nhỏ hay ao hồ tĩnh lặng xung quanh thành phố.
Hoa tím trên sông, những cánh hoa bèo lửng lơ trên nước. Thơ mộng hơn, thử tưởng tượng một dòng sông tím lốm đốm xanh vàng trong cảnh chiều tà như câu ca dao xóm Ngự Viên ố Ao Hồ hồi nhỏ đi học thường nghe:
Gió may nổi, bờ tre buồn xơ xác
Trên ao bèo tàn lụi nước mây trôi.
Trước khi về đến ngã ba Tuần-Bảng-Lãng, sông Hương vượt thác băng ngàn hòa mình với núi rừng hai bờ hữu ngạn và tả ngạn. Núi sâu rừng rậm Thừa Thiên - Huế có nhiều hoa rừng. Tiếng đồn khắp nơi nhiều người tìm kiếm hoa lan rừng, những cánh hoa màu tím điểm trắng bên cạnh những cành hoa trắng phơn phớt tím, sắc thêm nhụy vàng.
Lan nở từng chùm, từng chuổi, hương thơm ngào ngạt hay phảng phất tùy theo mỗi loại. Đẹp nhất trong những hoa rừng lạc lòi sơn dã vẫn là loại hoa lan màu tím như kim chi lan, cát tường lan, chu đỉnh lan..
Cát tường lan, cũng có tên lan báo hỉ (cát tường). Thêm thắt chữ nghĩa cho cánh hoa thêm đẹp, cho cuộc đời thêm tươi, mấy o sinh viên Huế môn Thực Vật học ngoài nớ còn đặt thêm tên:  lan khai bao báo hỉ, lan thoát bào báo hỉ ... Nhiều người dễ tin, cho vui cửa vui nhà mỗi lần hoa lan “thoát bào” hay “khai bao” nở rộ là có tin vui, tin mừng tới nơi.
Lan thoát bào báo hỉ màu tím, cạnh đài hoa có những đốt màu đỏ như nét chấm phá nhẹ nhàng, hương thơm thoang thoát. Nhìn hoa nở một màu tím ngát, tím cả tâm tư, tím cả rừng chiều tịch mịch, đẹp buồn vương vấn nhớ thương!
Đã lam tím cả cảnh chiều
Trong hồn đã lặng hiu hiu mộng tàn.
(Lưu Trọng Lư: Tiếng Thu)
Tím, sắc màu mỹ thuật của Huế đẹp: trời tím, hoàng hôn tím, sông nước tím, núi rừng tím.
Tím, sắc màu kỷ niệm bâng khuâng thương nhớ của Huế thơ. Cành lá tím, cỏ cây tím, chiều tím, mùa thu tím!
Bông hoa tím Huế còn nhiều lắm, luôn dịp chỉ kể qua vài loại thông thường như hoa cà tím, hoa khế tím, hoa mua tím, hoa thạch thảo tím (hồng tím hay tím hồng), hoa ngũ trảo tím (tím lam)...
Lại còn hoa tím học trò, hoa bâng khuâng, hoa tương tư, hoa violette, hoa pensée ... những cánh hoa mặc dù nhớ thương ngập trời, không chịu “gởi hương cho gió”, năm năm tháng tháng nằm trốn mãi trong những trang sách. Lâu lâu, cô nữ sinh áo tím ngày nào, giở ra coi lại, có khi quên luôn cho đến khi “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi”! Ôi đẹp thay loài hoa tím tương tư:
Sớm trông mặt đất thương xanh núi
Chiều vọng chân mây nhớ tím trời.
Hoa tím tương tư đã nở đầy
Mời em dạo bước tới vườn đây
Em xem, yêu mến em gieo hạt
Hoa tím tương tư đã nở đầy.
(Xuân Diệu: Hoa tím)
Màu tím nhu mì thanh nhã từ xa xưa lâu đời hợp với thị hiếu màu sắc Huế được nhìn nhận làm màu áo phụ nữ cùng chung với hai màu đen trắng cổ truyền. Trường Đồng Khánh Huế từ buổi đầu tiên thành lập, màu tím được chọn làm màu áo đồng phục nữ sinh. Từ màu tím Chàm thời Thuận Châu - Hóa Châu trở thành màu tím Kinh thuở ban đầu Thuận Hóa - Phú Xuân, màu tím áo dài từ đó phấp phới trên mấy nhịp cầu Trường Tiền trở thành sắc màu đặc trưng: màu tím Huế, khó tìm được nơi nào khác ngoài cảnh sắc sông Hương, núi Ngự.
Màu tím Huế vào Nam trở thành màu tím Gia Long hay ra Hanoi trở thành màu tím (nữ sinh) Đồng Khánh. Tím Hanoi, tím Saigon, cuối cùng vẫn là tím Huế mênh mông bát ngát hợp ý hợp quần, màu tím vừa đủ độ tươi thắm nhẹ nhàng như cái cười mĩm chi cô gái Huế đoan trang thục nữ:
Màu áo tím đơn sơ
Bay dài mây núi Ngự
Dòng Hương Giang ngẩn ngơ
Lượn mái bồng thi tứ.
(Đinh Hùng: Phong vị thần kinh)
Từ đỉnh đồi Thiên An (Belvédère), núi Thiên Thai hay núi Kim Phụng cùng với ánh tà huy đang chuyển động, ai đó đi xa hơn về dãy núi Trường Sơn sẽ bắt gặp màu xanh của núi rừng đang lần lần ngã sang màu tím.
Dưới cái nhìn của họa sĩ, có thể đây là màu tím Chàm, màu tím than, màu tím lam, tím thẩm. Dù sắc độ nào đi nữa, vẫn là màu tím Huế, màu tím đang chuyển sắc cùng với ánh trời chiều, ba hồi từ màu xanh qua màu tím, ba hồi từ tím chuyển qua xanh, tùy theo thời gian hay vị trí ngắm nhìn:
Dãy núi tím bỗng thay màu xanh ngắt
Rồi ố lần trong giờ khắc nhá nhem
(Nam Trân: Nắng thu)
Không gian tím, thời gian biền biệt tím ấy hơn nửa thế kỷ trước đây đã là nguồn cảm hứng tạo nên thi phẩm “Màu thời gian”, bài thơ hay trong Thi Nhân Việt Nam xuất bản năm 1941:
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
(Đoàn Phú Tứ)
Cùng với không-thời-gian tím ngắt còn lưu luyến nhiều kỷ niệm Huế đẹp Huế thơ, năm 1988 trở lại thăm Huế, Đoàn Phú Tứ nhớ lại:
“Hai câu thơ cuối cùng trong bài Màu Thời Gian của tôi:
            Hương thời gian thanh thanh
            Màu thời gian tím ngát
ghi những cảm xúc của tôi trước những màu tím của các cô gái sông Hương vẫn vấn vít trong tâm hồn tôi (2)”.
Màu tím nên thơ vẫn thường nhìn thấy những ngày còn đi học mới đây, màu tím dễ thương ấy vấn vương mãi Hữu Loan đang tuổi thanh niên, vừa lý tưởng vừa lãng mạn mộng mơ trong thời kỳ kháng chiến. Qua những đồi sim vùng cận sơn Huế, hồn thơ cảm xúc, Hữu Loan nhớ Huế, nhớ tím ngắt bầu trời Huế:
Những đồi hoa sim
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt ...
Cỏ lục nhuốm màu xuân
Cũng xa xưa lâu đời như màu tím, Huế bát ngát thắm tươi màu lục với nhiều sắc độ (nuances) khác nhau: màu lục tươi, lục xanh, lục huyền, lục điều. Rêu xanh cỏ lục, đồi cây rừng lá, cánh đồng làng sau mùa cấy một màu xanh lục thăm thẳm!
Trong gia đình mọi người náo nức chờ đợi gặp gỡ nhau mỗi độ xuân về, áo lục khăn lục được đem ra khoe tươi; nhẹ nhàng hơn có màu xanh lục hay màu nguyệt bạch làm áo lót mớ hai, mớ ba ... một thời là trang phục của các mệnh phụ phu nhân.
Màu lục biểu hiệu sự tươi thắm mát dịu như thảm cỏ mùa xuân, như “mạ xanh non nỏn nên tình, bao nhiêu lá mạ thương mình bấy nhiêu”.
Cùng thích màu tươi mát, giới phụ nữ trẻ tuổi chọn màu xanh lơ hay xanh biếc, các cụ bà trái lại chọn màu lục, như trở lại thắm tươi thời thanh xuân, kéo dài thêm tuổi thọ:
            Kìa rêu xanh cỏ lục nhuốm màu xuân
            Cây cổ thụ cùng mừng thêm một tuổi.
(Ưng Bình Thúc Giạ: Dạo chơi hồ Tịnh Tâm. 1939)
Màu lục thơm ngát hương bài sắc phục chốn nội cung, trong triều ngoài quận vang vọng chốn thôn quê về tận những bến đò xa lắc xa lơ:
            Chiều xuân sang chuyến đò đông
            Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi.
         (Hồ Dzếnh: Chiều xuân Trung Kỳ)
Ao lục, quần lục, khăn lục, nhiều độc giả thế hệ trẻ ngày nay ở hải ngoại hẳn sẽ ngạc nhiên tại sao có màu sắc mới lạ này trong y phục Việt Nam cổ xưa.
Độc giả chắc còn nhớ, có một thời cách đây không lâu, màu sắc thời trang nhất, mốt (mode) nhất trong y phục phụ nữ Tây phương là màu lục (vert). Lai rai đến ngày nay màu lục ấy vẫn còn và còn phổ biến hơn. Sắc màu này (lục tươi hay lục thẩm) trước đây hơn thế kỷ, có khi lâu hơn, là màu sắc thông dụng thường thấy tại kinh đô Huế!
Điển lệ thời quân chủ trước đây định rằng, các tôn tước, tôn thất từ bậc công trở xuống, tùy theo thứ bậc mặc áo đoạn sa màu xanh lục.
Luật lệ triều đình thời ấy cũng ấn định thêm, ngoại trừ các văn quan hàm nhất phẩm (chánh nhất và tòng nhất) sắc phục màu vàng cổ đồng và màu thiên thanh; văn quan từ nhị phẩm đến lục phẩm sắc phục thường triều màu quan lục.
Màu lục áo bào các vị tân khoa tiến sĩ đệ nhất giáp, đệ nhất danh, dự yến tiệc và dạo chơi vườn thượng uyển, trên đường hoa thắm vinh quy “hương trời lộc nước phấn vua” còn vươn xa tận núi rừng đến các lăng tẩm u sầu tịch mịch.
Lo việc hương đèn phụng tự nơi chốn thâm nghiêm vắng vẻ này là các nữ quan, các bà hộ lăng. Sắc phục nhìn thấy trước tiên ở đây là màu lục (3).
Phong cảnh hòa hợp, thiên nhiên và nhân tạo. Dưới rừng thông xanh ngát và sắc màu lục xôn xao lay động, lạ lùng thay nơi đây vừa lạnh lẽo hiu hắt, vừa êm đềm thơ mộng! Nhẹ nhàng mát dịu như cây cỏ mùa xuân, màu lục tươi thắm nơi chốn tôn nghiêm “trong lư hương còn đọng nắm tro tàn” như gợi lên  kỷ niệm trầm buồn, thế giới người xưa đang gần gũi đâu đây, giữa rừng thiêng âm u:
            Các chị thấy bóng vua xưa thấp thoáng
            Rủ nhau về thăm viếng cõi giang sơn.
                       (Xuân Tâm: Gái hộ lăng)
Cùng chung dòng tâm tư cảm ngộ như Xuân Tâm trong Thi Nhân Việt Nam, hơn 20 năm trước đó (năm 1927), từ những lăng tẩm ẩn uất, giáo sư thi sĩ Henri Cosserat tưởng nhớ kinh đô Huế:
Thành đô đây, bóng tà dương sắp khuất
ánh trời tây sáng lạn lửa vinh quang
Một chiều nọ từ lăng tẩm ẩn uất
Dĩ vãng kia, bừng sáng dậy ... hồi sinh.
(Võ Như Nguyện, dịch)
... Ô Cité, que le soleil qui tombe
  Allume à l’Occident le clair bucher de gloire
Pour que revive un soir ton Passé de sa tombe!
(H.Cosserat: Hué)
Bên cạnh bức tranh kỳ vĩ có mãnh lực khơi lại dĩ vãng hùng tráng, tìm về cảm quan mỹ thuật lễ nghi truyền thống thời xa xưa cổ điển. Màu lục tươi thắm thông dụng còn kết hợp với nhiều sắc màu khác tạo thành những hợp sắc, những lối “chơi màu” (jeu de couleurs) thật đặc biệt, nửa âm nửa dương, nửa tân nửa cựu: áo lục quần điều, khăn chít màu hỏa hoàng, có khi áo rộng xanh, khăn lục quần điều ...
Hơn 100 năm trước, Huế màu sắc “technicolor”! Bên cạnh màu sắc tươi đẹp duyên dáng trong sắc phục các nữ quan và các bà hộ lăng, còn rực rỡ thêm màu lục áo dài cung phủ những ngày đản kÿ hay lễ Tết quanh năm.
Nhớ biết mấy, Huế màu sắc một thời trước 1945, từ Bến Ngự - Nam Giao xuống đến Ngự Viên, Đông Ba - Gia Hội hai cầu, màu lục thắm tươi như màu hẹn hò thương nhớ:
            Nhớ cả cây đa và bến cũ
            Nhớ người áo lục phố Đông Ba.
                  (Bửu Cầm: Xuân nhớ)
Thắm tươi dịu dàng trong y phục cổ truyền, từ cung đình đến dân gian, màu lục gây nguồn cảm hứng trong thi ca, điển hình với một loài hoa nhiều người biết là hoa thiên lý, loài hoa đã để lại dấu tích trong văn học, ca dao ngày nay còn vang vọng:
            Tóc em dài, em cài hoa thiên lý
            Anh thấy em cười, để ý anh thương.
Hoa lý (nói vắn tắt) hay hoa thiên lý đẹp, nhiều người mến chuộng: thân cây mảnh mai mềm mại, hương thơm thanh khiết nồng nàn. Bông lý đẹp và dễ thương thường được ví với đàn bà đẹp chốn thị thành hay nơi thôn xã:
            Em chưa có chồng tựa như bông hoa lý
            Em có chồng rồi như trái bí ong châm!
            Bông chi thơm bằng bông hoa lý
            Trái chi quý bằng trái đào tiên
            Kiếm nơi mô thầy thảo, mẹ hiền
            Gởi thân cho trọn vẹn, của với tiền phù vân.
                                  (Ca dao)
Hoa thiên lý, tên chữ trong bản thảo Lục Mạt Ly; theo Gia Định Thông Chí, Mạc Lý hoa. Theo các nhà thảo mộc học Tây phương, viết theo tiếng La Tinh Pergularia odoratissima hay Cynanchum odoratissimum. Rắc rối quá!
Lý giải hay viết theo lối nào đi nữa thì lý vẫn là loài hoa màu lục có hương thơm nồng nàn, hoa lá bò trên giàn (giậu) “quấn quít nhau như cây lọng”.
            Trước sân nhà có giàn thiên lý
            Khoe lá hình tim mơn mởn xinh
            Từng cụm hoa vàng, vàng ngã lục
            Hương đưa theo gió nhẹ rung cành.
                          (Vị Hoàng)
Gần như nhà nào ở Huế, nhà vườn rộng rãi phong lưu hay nhà tranh giản dị đều có  giàn hoa thiên lý để có bóng mát, vừa có hương thơm, chiều chiều cả gia đình cùng nhau sum họp trò chuyện. Có khi, chỉ hai người dưới gió mát trăng trong; rứa mà vẫn cứ rụt rè e lệ sợ rằng lỡ người khác biết “dị lắm”!
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
(Hàn Mạc Tử: Mùa xuân chín)
Từ màu lục duyên dáng thời Huế đẹp năm xưa mùa cổ điển, hoa thiên lý trở nên hoa duyên tình nồng đượm trong cổ nhạc Huế. Nhiều điệu ca Huế, từ Nam Ai, Nam Bình, đến Long Ngâm, Quả Phụ đều thấy thoáng qua bóng dáng Lục Mạt
Ly, hoa thiên lý:
Bông đào, bông lý, ấy nhụy bông hường
Thơm nức bên vườn, ấy mùi hương, mùi hương.
Gảy nhịp đàn, nghe câu quỳnh tương
Tơ tình lăng líu vì sợi tơ vương ...
Hành Vân (điệu):  Tuyển tập ca Huế, T.S.H.
Sông Hương một giải xanh xanh
Màu tím Huế trang nhã đưa duyên, màu lục mộng mơ huyền thoại, hai màu sắc mỹ cảm này hợp cùng với ba màu xanh, đỏ, vàng tạo thành một gam màu sắc mới gọi là ngũ sắc Huế nổi bật trong các họa phẩm Huế đẹp, Huế thơ.
Không những hiện hữu trong thiên nhiên, trong mỹ thuật, ngũ sắc Huế xanh đỏ vàng lục tím lóng lánh trong thi ca từ buổi đầu tiên có thành Thuận Hóa - Phú Xuân, mấy trăm năm rồi ký ức còn mãi đến ngày nay.
Màu lục, màu tím vừa mơ màng thoáng qua. Đặt chân đến Huế du khách nhìn thấy trước mắt màu xanh. Màu xanh sông Hương dịu dàng, màu xanh gần gũi núi Ngự, màu xanh cảnh vật khắp nơi từ đồng bằng duyên hải lên đến núi rừng Trường Sơn diệu vợi.
Xứ Huế ngát xanh với màu lá cây. Xứ Huế ngát xanh với dòng nước sông Hương. Xứ Huế xanh ngát với khung trời vào độ tháng bảy, tháng tám. Nghĩ lại thời xứ Huế còn mang tên Châu Rí, thời ấy chắc chỉ mới có một nửa màu xanh!
Người con gái đầu tiên mở nước về phương Nam đã mang lại màu xanh toàn bích cho xứ Huế: Công chúa Trần Thị Huyền Trân.
Con đường đưa về nhà chồng không dừng lại ở cố đô Phật Thệ (Nguyệt Biều) mà vượt núi băng ngàn tiến mãi vào phương Nam đến vùng kinh đô mới: Đồ Bàn.
Phật Thệ- Nguyệt Biều đã trở thành lễ vật rước dâu trong ngày vu quy tháng 6 năm Bính Ngọ. Theo dấu kiệu hoa, di dân các vùng Thanh-Nghệ đã trải tấm thảm xanh lên vùng đất khô cằn. Từ đó, màu xanh càng ngút ngàn, càng chìm sâu, càng thăm thẳm.
Màu xanh sính lễ, màu xanh Trần Thị Huyền Trân kỷ niệm một mối tình, màu xanh ấy càng đẹp thêm qua màu xanh đôi mắt dịu hiền mộng mơ và mái tóc thề óng mướt buông lơi. Người con gái Huế đã dùng nước sông Hương để mái tóc thêm xanh, đã dùng màu lá cây để tô thêm mắt biếc. Màu xanh đã trở thành lời tình tự thiên thu, Huế đẹp, Huế thơ (5).
Màu xanh ca ngợi một mối tình! Sắc màu duyên dáng biểu tượng tính cách Huế ấy hiện thực trong thi ca, trải dài trong hội họa, sống mãi trong tâm tư. Mở đầu với màu xanh, kết thúc với màu xanh. Tất cả đều một màu xanh, như lời giáo sư thi sĩ, thầy Henri Cosserat: “Tout est bleu”.
Sinh trưởng ở Huế, sống trọn đời với Huế, không những mê say cảnh vật Huế, thầy H. Cosserat còn tâm tình với cảnh vật Huế như với cố nhân. Mở đầu bài thơ “Trên sông Hương” (Sur la Rivière des Parfums), màu xanh của thi sĩ H. Cosserat xuất hiện như một khám phá đợi chờ: “Tout est bleu”, tất cả một màu xanh!
Tout est bleu comme au flanc nu d’une porcelaine
Sur le Fleuve Embaumé chanté par tant de Rois.
La lune qui s’allume à l’horizon des plaines
Accroche son fanal aux dragons d’un vieux toit.
      (H. Cosserat: Sur la Rivière des Parfums (6).
            Sông xanh màu Huế thanh tao
            Dòng thơm lưu luyến biết bao anh tài.
            Đế vương ca ngợi sông dài
            Mái xưa rồng chạm trăng cài đèn hoa.
                          (Lệ Vân, dịch)
Màu xanh sông Hương vừa nhìn thấy chưa phải là màu xanh cổ điển quen gặp trên chén bát sành sứ giới chuyên môn cổ ngoạn gọi là màu xanh Huế (Bleu de Hué) khác biệt với màu xanh Bắc Kinh - Bleu de Pékin (7).
Màu xanh cổ ngoạn tuy đẹp nhưng quan cách quý phái, xa xôi với đại chúng bình dân, khác màu xanh thông thường nhìn thấy khắp nơi trong không gian Huế: cảnh vật xanh, lá cây xanh, núi rừng xanh, dòng sông xanh ...
Sông Hương một dãi xanh xanh
Gió vờn mặt nước, sóng tình đầy vơi.
(A Nam Trần Tuấn Khải:  Non Nước Thần Kinh)
Cùng trên dòng sông ấy gần 20 năm sau, Xuân Diệu xôn xao thưởng thức ca nhạc cổ điển Huế “trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh”. Nhìn bến sông Hương nhà thơ nhớ bến Tầm Dương của Bạch Cư Dị, trong bài thơ nổi tiếng Tỳ Bà Hành:
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.   
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
(Xuân Diệu: Nguyệt cầm)
Biết Xuân Diệu không ai bằng Huy Cận vì cả hai cùng chung mái trường Khải Định, một thời gian cùng sống với sông Hương, có khi cùng “ngậm ngùi, nắng chia nửa bãi chiều rồi”, như sau này Huy Cận hồi ức:
“ . . . Xuân Diệu học ở Huế ... Xuân Diệu gặp Huế là gặp người và cảnh đồng điệu. Anh rất mê ca nhạc Huế và anh biết ca hát khá hay hầu hết các bài ca Huế, từ Nam Ai, Nam Bằng, Tứ Đại Cảnh ... đến các điệu hò Mái Nhì, Mái Đẩy ... Việc anh thuộc ca nhạc Huế có ảnhhưởng cho sự phát triển của thơ anh, chính anh cũng nhận rõ thế..”  (8).
Không ngạc nhiên lắm, đến lượt Huy Cận khi nhìn sông Hương nước xanh, bến sông cùng một màu xanh, nhà thơ tưởng tượng con sông trường giang nào đó “Nắng xuống trời lên sầu chót vót”, cảnh vật hình như khác đi, màu sắc tác động ảnh hưởng qua lại, sắc độ biến đổi khá nhiều.
Mênh mông, cô liêu quá; bên bờ sông xanh, Huy Cận đứng đó trầm ngâm mơ màng:
            Không cầu gợi chút niềm thân mật
            Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
                  (Huy Cận: Trường giang)
Cùng có chung dòng sông Hương, cùng một tâm hồn thơ, nhưng cái nhìn của hai trò Huy Cận và Xuân Diệu đang độ thanh xuân khác thầy H. Cosserat của mình.
Nhìn màu xanh qua nhãn quan một giáo sư khoa học, ngôn ngữ Pháp lại quá phong phú về địa hạt này, ngữ thi thay hình đổi dạng, màu xanh của thầy Henri Cosserat dưới cái nhìn sắc độ khác nhau, khi xanh tuyền như bình sứ, có khi màu xanh tím, có khi màu xanh ngọc, xanh lam.
Thủy chung một tấm lòng, sông Hương ấy đối với giáo sư thi sĩ H. Cosserat vẫn là một, vẫn đượm ngắt màu xanh, màu thiên thanh sáng trong, long lanh như thủy tinh khi trời bình minh.
L’horizon cristallin est transparent et nu
Il règne au bas du ciel d’un azur inconnu
Une vapeur d’encens dont l’aurore est baignée.
             (H. Cosserat: Aube sur le Huong Giang).
Trời pha lê... phơi trần và trong vắt
Dưới gầm trời đượm ngắt một màu xanh
Hơi hưong tỏa, cả bình minh sáng rạng.
                   (Lê Văn Lân dịch)
Huế mơ màng, qua Huế đẹp Huế thơ càng thấy mơ màng, chơi vơi hơn!
Dòng sông xanh, cảnh vật chung quanh cùng ngã màu xanh. Tuổi xanh nhìn trời xanh một màu. Rồi ngày xanh thoáng qua mau với thời gian xanh. Xa xa khói xanh mơ màng bên xóm vắng.
 Đợi đò sang sông, một buổi chiều giao mùa “ buồn hơn nhớ, nhẹ hơn điều trông mong”, Hồ Dzếnh cảm thấy ngẩn ngơ:
            Hiu hiu chiều ngã tà tà
            Buồn lên xóm vắng, cây nhòa khói xanh.
                          (Chiều xuân Trung Kỳ)
Hết một giải sông Hương, màu xanh  như còn quyện lẫn đó đây, vương vấn không rời bước chân du khách. Lưu Trọng Lư nhìn “dãi rêu xanh in dấu vết thời gian”, tự hỏi:
            Em có bao giờ nói với anh
            Những câu tình tứ thuở ngày xanh
               (Lưu Trọng Lư: Khi thu rụng lá)
Huế đẹp, Huế thơ, màu xanh ấy không phải chỉ có Lưu Trọng Lư, mà còn Chế Lan Viên, còn Xuân Tâm nhiều nhiều khác nữa.
            Trời xanh ơi hỡi! Xanh không nói
            Hồn tôi muốn hiểu, chẳng cùng cho
            Có cánh chim gì bay chới với
            Hết rồi! Nó lạc giữa hư vô.
             (Chế Lan Viên: Đọc sách)
Không, tôi chỉ thấy, khi tôi đến viếng
Dãi rêu xanh in dấu vết thời gian.
        (Xuân Tâm: Gái hộ lăng)
Giống Huy Cận, thời tuổi xanh của trò Tế Hanh tại trường Khải Định Huế là một không gian xanh “ngõ quạnh, đường quanh mở khắp nơi”.
Sau này, nhớ lại trường cũ, “nhớ thuở lòng xanh”, màu xanh thân thiết ấy hai lần trở lại với Tế Hanh trong cùng một bài thơ “Nhớ trường”:
            Nhớ thuở lòng xanh dưới mái nâu
            Bâng khuâng ôm ấp mộng ban đầu
            Ôi thuở đầu tiên của ái tình
            Người đi đâu mất hỡi cây xanh
            Vẳng nghe lá đẹp còn to nhỏ
            Tiếng ngọc lời vàng “em với anh”.
                             Tế Hanh (9)
Có những màu xanh quen thuộc nhiều người đã đi qua và trở lại. “Cảnh đẹp dưới trăng xanh êm ái” nhiều lần đến với Phạm Huy Thông trong thời gian dạy học tại Huế đô. Mấy mươi năm sau trở lại Huế, kỷ niệm khó quên của nhà thơ Phạm Huy Thông vẫn là dòng sông xanh êm đẹp năm nào (10):
“Với Huế lòng tôi trước sau sâu nặng ân tình. Song nhìn sông Hương êm đẹp hôm nay mà lòng tôi vẫn cứ nao nao nhớ về sông Hương êm đẹp những ngày năm trước”.
            Tiếng giả từ núi cao cùng sông rộng
            Chào rừng xanh với vòm trời lồng lộng.
(Phạm Huy Thông: Con voi già, Tặng Phan Bội Châu)
Cùng một màu xanh, nhưng sắc xanh của Hàn Mạc Tử không còn là màu xanh của Huy Cận hay Xuân Diệu mà ẩn hiện nét phong nhã riêng. Từ tà áo biếc sông Hương, màu xanh lan xa đến đồng nội “nắng ửng khói mơ tan”, nơi có những ngôi nhà vườn vô tình đã để lại nhà thơ một vài thương tiếc bâng khuâng:
            Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
            Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
                           (Thôn Vỹ Dạ)
            Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
            Bao cô thôn nữ hát trên đồi
            Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
            Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
                            (Mùa xuân chín)
Hơn tất cả các màu khác, màu xanh trong Huế đẹp Huế thơ có nhiều sắc độ biến đổi đa dạng. Tùy theo thời tiết hay sáng trưa chiều tối, tùy theo đối tượng, dưới cái nhìn nghệ sĩ nhà thơ hay họa sĩ, sắc màu ấy có khi là xanh da trời, xanh lá cây, khi xanh nước biển, xanh lơ, xanh biếc, xanh lam, xanh ngọc...
Trong ngôn ngữ hàng ngày, màu xanh còn được nối dài bằng nhiều tỉnh từ hay trạng từ tưởng tượng như xanh lè, xanh lét, xanh xám, xanh rì, xanh rờn, xanh ngắt, xanh bướt...
Tuy xanh nào cũng là xanh, nhưng xanh tươi (verdoyant), xanh dịu (vert tendre) khác xanh đậm, xanh thẩm (vert foncé). Tận cùng trong ngôn ngữ thơ và thường được nhắc đến nhiều hơn cả là sắc xanh biếc, hay biếc, nghĩa tương đương với xanh thẩm tươi (vert émeraude).
Đi xa hơn trong giấc mơ thi sĩ, nhìn người đẹp dịu dàng với tà áo trắng “tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay”, Huy Cận tưởng tượng màu biếc lưng trời:
            Em lùa gió biếc vào trong tóc
            Thổi lại phòng anh cả núi non.
                        (áo trắng)
Non xanh nước biếc! Còn viễn cảnh nào mênh mông thương nhớ hơn khi khách viễn du dừng chân trên bến bờ xa vắng mơ về cố đô:
            Lòng son thắm mãi dù đầu bạc
            Nước biếc non xanh vẫn đợi chờ
                           Bửu Cầm: Hồn vũ trụ
Cùng chung cảnh ngộ như nhà thơ Vỹ Dạ Bửu Cầm, thiền sư Viên Thành một lần “dạo chơi núi” nhớ dấu xưa người cũ:
Rêu xanh đá mọc nhìn đường cũ
            Khói biếc xây thành tưởng dấu xưa.
                      (Viên Thành : Chơi núi)
Trong bối cảnh chùa Ba La Mật ố Nam Phổ với vị cao tăng thi sĩ tư tưởng thượng trí, tư cách phong nhã, “khói biếc” của Viên Thành thượng nhân làm người viết nhớ lại “khe biếc” của nhà thơ Thanh Tịnh ố Dương Nổ trong thi phẩm “Kính tặng sư Viên Thành”, TSH đã một lần đăng tải, nay chỉ nhắc lại đôi ba câu gợi lại ngũ sắc trừu tượng Huế:
            ( . . . . ) Cửa Phật đây rồi, tôi thấy tôi
            Mơ trời cao cả luyến xa xôi
            Chuông chùa ngân rả mười phương mộng
            Khe biếc say kinh cá hận mồi.
            ( . . . . ) Cảm tấm chân thành đạo sĩ thương
            Đón tôi trong cửa mở muôn phương
            Nhưng sen hồ lạnh mùa thu dậy
            Tôi nhớ hương cây cảm bụi đường.
            ( . . . . ) Đạo sĩ chờ tôi chán hải hồ
            Tôi chờ đạo sĩ lãng hư vô
            Tôi mơ đêm lạnh lòng sơn tự
            Ấp ủ men ngàn đợi áo khô.
                        Thanh Tịnh (11).
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Huế đẹp, Huế thơ với khung trời xanh, dòng sông xanh với làn gió biếc. Nhưng lạ chưa tề!  Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Thúc Tề, rồi thì Thế Lữ, Huy Cận và cả Văn Cao nữa, mấy nhà thơ này nối tiếp nhau cùng nhìn màu xanh đang lần lần đổi sang màu trắng. Tùy tâm tư thi tứ, tùy góc độ nhìn, có khi là màu trắng tinh, có khi màu trắng bạc, có khi vừa trắng vừa xanh.
Lâu ngày với cảnh vật Huế, với người Huế, Hàn Mặc Tử nhìn màu trắng sông Hương lan xa đến màu trắng cô gái Huế “áo em trắng quá nhìn không ra:
            Chị ấy năm nay còn gánh thóc
            Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
                          (Mùa xuân chín)
Trái với Hàn Mặc Tử nhìn sông trắng nắng chang chang, Thúc Tề lê thê, có khi ẻo lả với vừng trăng Huế, nhìn màu trắng sông Hương trải dài như tiếng nước thở dài hay có khi chính niềm trăng đang thở dài với nhà thơ:
Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước
Ngập tràn sông trắng gợn bâng khuâng.
(Thúc Tề: Đêm trăng trên sông Hương)
Sau Tản Đà “tâm tình man mác”, Thế Lữ là người thứ hai mở đầu phong trào Thơ Mới, trường phái lãng mạn bắt gặp trong Thi Nhân Việt Nam:
            Tiếng sáo diều nao nao trong vắt
            Trời quang mây, xanh ngắt màu lơ
            Thuyền trôi nước đẩy hững hờ
            Hàng cây lặng đứng trên bờ trông mong.
Có thể nói rằng với khung trời mộng mơ Huế đẹp, Huế thơ, Thế Lữ đã có dịp sống nhiều hơn những bâng khuâng man mác của lòng mình.
Trên dòng sông Hương từng nghe tiếng đàn “khiến trăng nước đắm say hồn ly biệt”, Thế Lữ tưởng tượng những cuộc tiễn đưa bên mấy khóm cây “để dài thêm hạn cuộc tình duyên”.
            Đổ bờ sông trắng, con thuyền bé
            Cạnh lớp lau già, gió lắt lay.
         (Thế Lữ: Bên sang đưa khách)
Cũng như Thế Lữ với dòng sông Trắng, Văn Cao có nhiều kỷ niệm với dòng sông Thơm, cho đến lúc “tà tà trăng lặn hiu hiu gió” mới sực nhớ ra:
            Thuyền xuôi về bến mô thuyền hí
            Sông trắng bờ xa lộ vắng nhà.
         (Văn Cao: Một đêm đàn lạnh trên sông Huế)
Sống nhiều với Huế, với những đêm đàn lạnh trên sông Huế “ngẩng lên kinh kỳ khói vấn vương”, Văn Cao lạc lỏng đêm vàng  tương tư màu áo xanh:
            Tri âm nghe thử dây đồng vọng
            Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru.
Cũng vì những kỷ niệm cũ ấy, hơn bốn mươi năm sau (năm 1986) trở lại Huế nhà thơ nghệ sĩ nhắc lại:
“Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ nơi ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo.
Đối với nơi đó, người ta phải suy nghĩ nhiều không vì lịch sử mà vì một nền văn hóa. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế, tôi làm được thơ và nhạc” (12).
Cũng với cái nhìn hội họa ấy, trước Thế Lữ và Văn Cao hơn 20 năm, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thăm Huế theo lời mời của chủ nhân nhà in Đắc Lập, cụ Bùi Huy Tín. Mê say cảnh vật Huế “gặp ta nay, xuân chớ lạ lùng”, Tản Đà thả hồn theo sông Hương vừa trắng vừa xanh:
            Dòng sông trắng, lá cây xanh
            Xuân giang, xuân thụ cho mình nhớ ai.
                              (Chơi Huế)
Cùng học ở Huế, cùng có chung hồn thơ Huế đẹp, cùng chung nguồn thi hứng “tà áo dài trong nắng nhẹ nhàng bay”, nhưng Hàn Mặc Tử và Huy Cận mỗi người hiện thực màu trắng theo một thi ngữ, thi hứng riêng.
Hàn Mặc Tử đứng nhìn áo trắng từ xa mà chẳng bao giờ gặp:
            Mơ khách đường xa, khách đường xa
            áo em trắng quá nhìn không ra.
Tà áo trắng đến với Huy Cận khác hơn. Người đẹp, nơi “nương tựa” của nhà thơ để thấy mình không lẻ loi, hình bóng ấy đến với nhà thơ “nở bừng ánh sáng” khi “gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng”. Từ cõi lòng mơ ước, Huy Cận đi giữa đường thơm với mối tình tưởng tượng như vừa chớm nở:
            áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
            Hôm xưa em đến mắt như lòng.
            ... Dịu dàng áo trắng trong như suối
            Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.
                             (Huy Cận: áo trắng)
Từ màu trắng dòng sông Hương đến màu áo trắng ước mơ hôm nào; bên kia cầu lá rụng đã bao lần! Thay đổi là chuyện thường tình. Biến ảo, biến dịch nghĩ cho cùng là chuyện tất nhiên. Với cảm giác và thị hiếu màu sắc gần như tiếp nối vô hạn, ảnh hưởng qua lại giữa các hợp sắc, thiên nhiên cảnh vật biến đổi, màu trắng trinh nguyên chuyển sắc thành màu bạc, màu trắng bạc hay trắng bạch. Từ đó, nhân gian có thêm màu mây bạc, màu sương bạc và xa-xa lờ mờ núi bạc, tiếp nối thêm màu trăng bạch trời hồng:
            Tôi nghe xa lắm màu mây bạc
            Rời bóng kinh thành lửng thửng đi.
                    (Trần Huyền Trân: Giao thừa)
            Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
            Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
                     (Xuân Diệu: Nguyệt cầm)
            Trông chừng mây bạc lưng chừng
            Phải chăng cố quận dưới hàng mây kia.
                                       (Ca dao)
            Lớp lớp mây trôi đùn núi bạc
            Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
                      (Huy Cận: Trường Giang)
            Xem lên trăng bạch trời hồng
            Nào ai đón ngỏ bên sông
            Không cho em dạo miền sơn thủy,
            bẻ bông thái bình.
                              (Ca dao)
Cũng trong tâm tư tuần hoàn biến dịch ấy, trước thế hệ Thơ Mới gần 200 năm, Nguyễn Du đang làm quan tại Huế, hai lần đến thăm chùa Thiên Thai ở phía đông kinh thành.
Thời gian trôi qua, ngôi chùa thêm cổ kính, mây trắng bay lững lờ, lá vàng rơi lả tả. Riêng mình đầu đã bạc và vị sư già ngày trước cũng đã “tiên triều tăng lão bạch vân trung”.
Cảnh đẹp mà lửng lơ buồn! Có đủ núi xanh, lá vàng, mây trắng và đầu...bạc!
            Chùa cổ lá vàng thu phủ kín
            Triều xưa mây trắng sãi già rồi
            Thương cho đầu bạc còn vương lụy
            Cũng với non xanh trót phụ lời.
(Vọng Thiên Thai Tự, Nguyễn Du toàn tập (13).
Huế mình, nắng vàng phượng đỏ
Nhị vàng bông trắng lá xanh, hai màu vàng trắng nhẹ nhàng lửng lơ này thường đi cặp đôi.
Màu vàng phấp phới trên kỳ đài trước năm 1945:
            Cờ vàng xinh xinh bóng cờ vàng
            Huy hoàng bóng huy hoàng,
            mấy phen gây dựng giang sơn...
Màu vàng trước cửa Ngọ Môn:
            Ngọ Môn năm cửa chín lầu
            Một lầu vàng, tám lầu xanh...
Màu vàng nhắc lại thanh âm bản Đăng Đàn Cung năm nào còn đi học trường Đông Ba:
            Kìa núi vàng bể bạc
            Có sách trời, sách trời định phân...
Màu vàng hoàng gia, sắc vàng cung đình quen thuộc với người Huế, nhiều người biết, khỏi nhắc lại đây.
Trên đường khám phá và sáng tạo, trong không gian Huế đẹp Huế thơ, màu vàng rất nhiều khi là nguồn thi hứng đối với nghệ sĩ:
            Nơi đây rụng đổ lá vàng
            Lăng vua xa lắm, dặm đàng nhạc xanh.
                        (Bích Khê: Huế đa tình)
Không chờ đợi được đưa vào Huế đẹp Huế thơ, có những cảnh vật rất thông thường được thi vị hóa trở nên đẹp, nên thơ và thành thơ. Cảnh vật nên thơ và trở thành thơ ấy gợi tình, gây xúc động người khác, từ đó phát sinh tình cảm lưu luyến, chờ đợi ngóng trông, thương nhớ dài dài...
Mùa thu chung của bà con thiên hạ khác mùa thu trong thi ca. Cả đến lá vàng cũng vậy. Lá rụng đầy sân một ngôi nhà vườn đâu đó khác lá vàng trong thơ “nơi đây rụng đổ lá vàng” hay lá vàng mộng mơ của Xuân Diệu:
            Đây mùa thu tới, mùa thu tới
            Với áo mờ phai dệt lá vàng.
                         (Nguyệt Cầm)
Hay của Chế Lan Viên, cả về âm thanh, chữ nghĩa và cảm hứng:
            Ai đâu trở lại mùa thu trước
            Nhặt lấy cho tôi những lá vàng.
                          (Xuân)
Trong không gian Huế đẹp Huế thơ ấy, hình như rằng màu vàng đang di động biến đổi từ cái chung đến cái riêng, màu vàng theo cảm quan của các thi nhân nghệ sĩ. Cũng như trong hội họa, trong cái riêng ấy không màu vàng nào giống màu vàng nào: chút đậm, chút lạt, có khi lấm tấm vàng hay xanh vàng hợp sắc:
            Vài hòn non bộ nhiều đêm vắng
            Biển cạn đầy trăng, cá đớp vàng.
                (Anh Thơ: Vườn xưa)
            Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
            Trên xóm mai vàng chốn Đế kinh
            Có một buổi chiều qua lối ấy
            Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.
         (Nguyễn Bính: Người con gái lầu hoa)
            Trong làn nắng ửng khói mây tan
            Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
              (Hàn Mặc Tử: Mùa xuân chín)
            Không cầu gợi chút niềm thân mật
            Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
                  (Huy Cận: Trường  giang)
Trong vũ trụ thi ca, màu vàng thường nhìn thấy qua ánh trăng, qua cây lá, những buổi trưa hửng nắng hay những đêm dài mộng mơ:
            Tri âm nghe thử dây đồng vọng
            Lạc lỏng đêm vàng khi nhạc ru.
(Văn Cao: Một đêm đàn lạnh trên sông Huế)
            Mặt trăng vàng trỏn trẽn
            Nấp sau nhánh phượng khô.
                (Nam Trân: Huế đêm hè)
Hơn ai cả, từ những ngày còn chủ trương Ngân Sơn Tùng Thư bên kia bờ sông Bến Ngự, Lưu Trọng Lư vẫn thường xao động với tiếng thu, với màu vàng, ánh trăng vàng, rồi mộng vàng khép kín, có khi con nai vàng ...đạp trên lá vàng khô.
            Còn đâu ánh trăng vàng
            Mơ trên làn tóc rối.
            Ta hát dăm câu vô nghĩa lý
            Lá vàng bay lả vào buồng ta.
            Mưa chi mưa mãi
            Buồn hết nửa đời xuân
            Mộng vàng không kịp hái.
            Em không nghe rừng thu
            Lá thu kêu xào xạc
            Con nai vàng ngơ ngác
            Đạp trên lá vàng khô.
        (Lưu Trọng Lư: Tiếng Thu 1939)
Cuối cùng Huế màu vàng hiện đến với Tương Phố cô đơn khi chuyện tình dang dở như Bình Hương Lỗi Hẹn vì người xưa say giấc ngủ ngàn năm, mới thấy đó nay đã xa rồi:
                    Bình Hương non nước hữu tình mấy mươi.
            . . . . Tro vàng lẫn khói hương bay
            Tro tàn, khói tỏa bao khuây hận tình!
            (Tương Phố: Bình hương lỗi hẹn)
Trong ngũ sắc nhìn chung, màu đỏ được xem như đứng hàng đầu nói về tượng trưng giá trị tinh thần và tâm linh người Việt Nam.
Màu đỏ vui tươi mạnh mẽ, biểu tượng hạnh phúc, thịnh vượng dài lâu.
Bao gồm ý nghĩa tam đa Phước-Lộc-Thọ, màu đỏ được nhìn thấy đầu tiên và khắp nơi mấy ngày Tết: màu sơn đỏ, câu đối đỏ, pháo đỏ... hay trong các dịp vui mừng như lễ khánh hạ, khánh thành hay lễ thọ (lễ mừng thọ).
Mang thêm ý nghĩa may mắn, vận số tốt (số đỏ) trong tương lai, màu đỏ được nhìn thấy trong dịp đám cưới.
Màu đỏ văn nghệ được dùng nhiều trong lối hóa trang hát bội Huế: võ quan trung thần như Quan Công, Tống Địch Thanh, Tống Nhạc Phi... mặt tô màu đỏ (xích diện). Về trang phục, tùy theo cấp bậc đúng theo tuồng hát, võ quan mặc áo “long chấn” màu đỏ hay màu xanh.
Nét đẹp trong không gian mỹ thuật Huế có màu đỏ hoa phượng. Màu sắc này nhìn thấy khắp phố phường Huế mùa hè, gây nhiều cảm hứng trong thơ văn; đầy đủ nhất có lẽ chưa ai bằng thi sĩ Nam Trân.
Chỉ 4 câu ngũ ngôn cuối cùng, mỗi chữ là một cành hoa, mỗi câu là sắc màu đỏ hiện thực trước mắt. Cảnh tình lồng trong nhạc thơ, vui vẻ rộn ràng như nét đẹp mùa hè “trời hồng hồng, sáng trong trong” của Hùng Lân.
            Hoa phượng như giọt huyết
            Dỏ xuống phủ lề đường
            Mặt trời gay gay đỏ
            Nhuộm đỏ góc sông Hương.
              (Nam Trân: Huế ngày hè)
Biểu lộ hết mức độ hăng nồng son trẻ, màu đỏ thường đi đôi với màu xanh, “tóc xanh em xin nguyền dệt võng” hay có khi ai đó  “đã chết một đêm rằm theo lá xanh”. Nhưng đam mê sôi nổi như Xuân Diệu, nhà thơ thấy còn chưa đủ khi “non xa khởi sự nhạt sương mờ”. Nhà thơ của thế hệ trẻ trước năm 1945 vì thế náo nức xông xáo tìm đến những ảo ảnh màu sắc mới đối chọi nhau:
            Hơn một loài hoa đã rụng cành
            Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh.
                          (Đây mùa thu tới)
Màu đỏ sắc độ nhẹ tươi biến chất thành màu hồng, tuy rằng nhìn chung trong nhiều trường hợp hồng đỏ đi liền nhau hay có khi đồng nghĩa. Gọi màu hồng thay vì màu đỏ, cũng được, không ai nỡ chấp nê chi.
            Trong gánh tương tư những vật gì
            Dây hồng, lá đỏ, đó chi chi.
(Ưng Bình Thúc Giạ Thị: Gánh tương tư)
Chín bỏ làm mười: gót sen, gót son, gót đỏ, gót hồng để chỉ bước chân người đẹp. Người đẹp sẵn rồi, chữ nào nghe cũng đẹp!
Trước khi tặng thêm người đẹp mỹ từ khác, dễ thương hơn: gót vàng, xin hãy trở lại với gót ngọc, gót hồng của Huy Cận:
            Nở bừng ánh sáng em đi đến
            Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
                                   (áo trắng)
            Thích màu hồng trong thi ca có lẽ không ai ngoài Thanh Tịnh. Chỉ trong một bài thơ ba đoạn, sáu câu, sắc màu hồng trở đi trở lại ba bốn lần và cũng nhờ màu hồng ấy, bài thơ đọc nghe thấy nên thơ hơn, duyên dáng hơn:
            Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
            Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.
            Ô kìa! Bên cõi trời đông
            Ngựa ai con ruổi dặm hồng xa xa...
            Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
            Phải chăng mình ngựa sắc hồng in?
            Ngựa hồng đã đến bên hiên
            Chị ơi trên ngựa chiếc yên ... vắng người.
                         (Thanh Tịnh: Mòn mỏi)
Cũng như từ đỏ sang hồng, màu đỏ biến sắc trở nên màu tía, màu đỏ thắm.
Cũng như màu đỏ, màu tía quen thuộc trong ngôn ngữ dân gian:  lầu son gác tía, muôn hồng nghìn tía.
            Ngậm ngùi giai nhân khẽ thở dài
            Nắng chiều ngã tía sắc lâu đài.
            (Đông Hồ: Trong đôi mắt Huế)
            Bồng bềnh mun chảy óng lưng thon
            Nhạc tía đền vua chuyển gót son
            Yểu điệu Hương Giang mềm nếp áo
            Trầm bay khói mỏng vạt trăng non.
(Vũ Hoàng Chương: Em là công chúa)
Hồng hồng tía tía khắp nơi còn chưa hết thì màu phượng đỏ phố phường hai bờ sông Hương đã lan xa tận núi rừng trở thành màu đỏ ráng chiều pha:
            Âm thầm cảnh vật vào đêm
            Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cùng tắt.
                                       (Nam Trân: Nắng thu)
Màu đỏ khi mặt trời lặn, nhìn ráng chiều bên kia dãy Trường Sơn càng thấy đỏ rực, nửa tươi nửa hồng. Màu đỏ nào đây? Khó mà diễn tả thật đầy đủ các sắc độ quấn quít xung quanh màu đỏ này. Gọi đỏ rực, đỏ au, đỏ chói (rouge vif), chưa hẳn đúng! Đỏ thắm, dỏ bầng bầng (rouge cramoisi), chưa đủ! Màu lửa vàng (hỏa hoàng), màu lửa cháy (rouge feu), gần gần đúng!
Màu đỏ khi bóng tà dương gát núi làm nhớ đến màu đỏ hồng ngọc (rubis) trong ánh lửa long lanh của thầy H.Cosserat với bài Sur la Rivière des Parfums:
Tandis que sur les monts aux lointains coloris
Un feu de brousse rampe et sertit de rubis
Le bleuâtre manteau des forêts nostalgiques.
Rặng đồi xa còn lung linh muôn sắc
Đám lửa rừng như hồng ngọc điểm trang
áo choàng xanh hoài vọng của núi ngàn...
(Trên sông Hương, Diên Chi chuyển ngữ)
Và cứ thế, màu đỏ tiếp tục rung rinh tác loạn cho đến khi chìm đắm hẳn trong không gian ngũ sắc Huế.
Để kết luận:
Thế giới màu sắc Huế qua thi ca bạn đọc vừa nhìn thấy, không ngưng đọng tỉnh mịch mà lưu lãng chuyển hóa, từ lâu rồi vẫn mơ về những hợp sắc, biến sắc mỹ lệ hơn thoát khỏi được những bụi mờ hoen ố từ bên ngoài.
Trên đường sáng tạo, các nhà thơ chúng ta vừa hội ngộ tìm về Huế đẹp Huế thơ như tìm về cội nguồn xa xăm chờ đợi lâu ngày. Sống với Huế, người nghệ sĩ trăn trở với mộng mơ, đúng hơn với giấc mơ tìm về những nét đẹp toàn hảo có khả năng bù đắp được những gì chưa thỏa mãn lâu nay. Họ đang trên đường tìm về một đích điểm nào đó, cái phần đích thực Huế trinh nguyên vượt qua được những ràng buộc của cuộc sống nhân sinh đầy hệ lụy.
Cái tạo nên Huế, vẻ đẹp Huế, tâm linh Huế các nhà thơ đang trên đường khám phá, chính là cái “tâm” Huế đẹp Huế thơ đang ôm ấp cưu mang từ buổi đầu tiên cho đến khi không bao giờ tận cùng.
Của quý báu nhất trong cuộc đời thi nhân nghệ sĩ là một chữ Tình để sống trọn vẹn với thế gian. Cái tình ấy cùng với một tấm lòng, người nghệ sĩ đã trao hết, gởi hết trọn vẹn cho Huế.
Kết thúc thi phẩm Tịnh Hồ Hạ Hứng, tác giả (vua Thiệu Trị) cảm khái:
            Y nhiên nhân trí tình vô hạn
            Đồng lạc giao phu vạn vật gia.
Phong cảnh hồ Tịnh Tâm hợp với tình cảm và nhân trí, mọi người cùng với thiên nhiên vạn vật chung vui chung hưởng an lạc đời đời.
Không phải chỉ riêng quang cảnh hồ Tịnh Tâm, cảnh Huế khắp nơi khắp cùng vừa thích nghi diệu lý với trí tuệ, vừa hòa hợp nhất trí với hai chữ nhân ái và nhân tính. Cái nhân và cái trí ấy chính là cái Tâm đang bao gồm cả càn khôn vũ trụ Huế đẹp Huế thơ, cái Tâm đã tạo nên Huế và để lại cho mọi người.
Đây là cái Tâm trinh khiết của những người đã xây dựng nên kinh đô Huế, cũng với một tấm lòng, sẵn sàng và chờ đợi, cùng chung chia xẻ với mọi người, với các nghệ sĩ thi nhân, từ quá khứ xa xăm ấy đến ngày nay và mãi mãi vô cùng tận.
Đây cũng là cái Tâm toàn bích toàn mỹ của Huế đẹp, Huế thơ, cái Tâm vẫn ước mơ chờ đợi cùng vui với cái vui chung cả-và-thiên-hạ an nhiên, hòa ái.
Đến đây rồi bạn đọc nhìn thấy rõ hơn, thì ra thế giới ngũ sắc Huế trong thi ca vừa tạo dựng lại đúng là cái duyên gặp gỡ của hai tinh cầu rực rỡ, cái Tâm cùng với cái Tình.
Cái Tình của nghệ sĩ thi nhân đối với cái Tâm Huế đẹp Huế thơ; nói khác đi cái Tâm của Huế đẹp đền đáp lại cái Tình của thi nhân nghệ sĩ.
Cái Tâm và cái Tình ấy suy đi nghĩ lại chính là nguồn gốc, khởi điểm và đích điểm của con người trong cuộc sống nhân sinh kể từ thiên thu vạn đại.
 Chú thích:
(1) Tô Kiều Ngân, bút hiệu của Lê Mộng Ngân, tác giả bài thơ “Nhớ Huế”.
(2) Ký ức trên của Đoàn Phú Tứ cũng như của các nhà thơ Huy Cận, Văn Cao, Phạm Huy Thông (bản viết tay) đều trích dẫn theo tác phẩm: Bài Thơ Thôn Vỹ. Thơ viết trước 1945. Sông Hương xuất bản Huế 1987.
Bản đề tặng cùng với băng thơ (ngâm) nhận được nhân dịp tổ chức văn nghệ TSH năm 1989.
Bài Thơ Thôn Vỹ, tuyển tập thơ Huế đầu tiên, tuy bị hạn chế vì ảnh hưởng chính trị nhưng nói được là tương đối đầy đũ, gồm 51 tác giả, rất nhiều nhà thơ không có trong Thi Nhân Việt Nam như Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Trần Tuấn Khải, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Trọng Cẩn, Khương Hữu Dụng, Manh Manh, Nguyễn Thị Thiếu Anh, một số nhà thơ chỉ đến Huế, sống với Huế một thời gian nhưng đã để lại nhiều kỷ niệm Huế thơ như Yến Lan, Anh Thơ, Tương Phố, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Vũ Đình Liên, Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính...
(3) Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Bộ Lễ. Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1993.
Trang phục, mũ áo Hoàng Đế, Hoàng Hậu, Hoàng Thái Hậu, Hoàng Tử đến Hoàng Tôn, Tôn Tước; mũ áo văn quan, võ quan, mệnh phụ văn võ, giám sinh Quốc Tử Giám, tân khoa cử nhân, tiến sĩ ... đều được triều đình quy định rõ (Q.78) như đoạn ngắn dưới đây trích dẫn:
Thiệu Trị năm thứ 5 (1845): Trước đã chuẩn định: tôn tước từ thân vương, quận vương, thân công, quốc công, quận công, huyện công, hương công, huyện hầu, hương hầu, kỳ nội hầu, kỳ ngoại hầu, đình hầu ... tá quốc lang, trợ quốc lang có thứ tự cấp bậc rõ ràng ... theo tước và phẩm trật có màu sắc áo phẩm phục để phân thứ bậc và tỏ lễ nghi.
(4) Nguyên Hương: Huế thơ, nhớ thầy Henri Cosserat. TSH 1991.
Sáu bài thơ Huế của thầy H. Cosserat, nguyên tác bằng Pháp văn, bản dịch Việt ngữ của Lệ Vân, Diên Chi, Võ Như Nguyện, Lê Văn Lân đều lần lượt đăng tải trên TSH từ 1991-1994.
(5) Tiếng Sông Hương: Bên dòng Sông Thơm. TSH 1989, Tr. 5-6.
(6) Xem chú thích (2).
(7) Nguyễn Thị Thanh: Vài ý kiến về gốm men lam. TSH 1995, Tr. 5-21.
(8) Xem chú thích (2).
(9) Tế Hanh: Nhớ trường. Trích dẫn từ tuyển tập Bài Thơ Thôn Vỹ. Xem chú thích (2).
(10) Xem chú thích (2).
(11) Chơi Núi: Sư Viên Thành. Trích dẫn theo Phạm Quỳnh: Mười ngày ở Huế.
Thanh Tịnh: Kính tặng Sư Viên Thành. TSH 1997. Tr. 24.
(12) Xem chú thích (2).
(13) Vọng Thiên Thai Tự, trích dẫn theo Nguyễn Du Toàn Tập. Q.IỊ San Jose 1996.
Nguyên Hương
 Theo http://ttntt.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...