Không gian xứ Huế
Con người từ khi cảm nhận thế giới xung quanh là lúc cảm được
sự xa vắng, ly biệt... Nhớ hồi thơ dại, đứng trên bến sông trước nhà nhìn sang
Cồn Hến thấy sông rộng lắm cứ nghĩ khó mà bơi sang sông được. Mỗi lần đi bộ từ
nhà lên cầu Gia Hội dù chỉ vài trăm mét nhưng lại cảm thấy rất xa. Càng lớn
khôn cảm nhận về khoảng cách được rút ngắn. Nhưng lạ thay khoa học ngày càng
khám phá không gian, vũ trụ thì chạm đến cõi vô cùng.
Sông Hương - Phu Văn Lâu,
nơi thường diễn ra các cuộc thả thơ thuở trước
Thời gian đến với nhận thức của con người muộn hơn so với
không gian. Và người ta thường nói thời gian là chiều thứ tư trong không gian
chúng ta đang sống. Khi ta nhìn vào dòng lịch sử hào hùng của dân tộc, nhìn vào
những thời đại xa xăm trên thế giới trong mỗi chúng ta lại dấy lên nỗi niềm vời
vợi của kiếp phù sinh. Phải chăng điều đó làm nên cấu trúc tư duy của loài người
chúng ta, để rồi từ lối mòn tư duy đó mà thế giới chúng ta đã xuất hiện các triết
gia, những nhà khoa học, các đạo sĩ, nghệ sĩ, những tay khủng bố, những người
bình thường, cũng từ vết tư duy đó đã gợi lên cơn xao xuyến, hãi hùng, niềm vui
hạnh phúc và nỗi khổ đau mà mọi người đang trải nghiệm. Không gian của một xứ sở
không chỉ là vùng trời mây, sông núi... mà còn có cả những nền văn hóa đang tiềm
ẩn, hiện lên trên xứ sở đó.
Xứ Huế, một vùng miền thơ mộng đã đi vào trong thi ca, hội họa...
một xứ sở được mệnh danh là “bài thơ đô thị”, quê xứ của “thanh sắc thi ca” đã
được cả thế giới công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi quần thể di tích gồm
hệ thống kinh thành, lăng tẩm, miếu chùa, đền đài... và cả một nền âm nhạc cung
đình vừa được ấn chứng là di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng không vì thế mà
không gian Huế chỉ hiển hiện nơi những di sản đó. Ngoài những màu thông thường
thì sắc màu của không gian Huế thay đổi theo bốn mùa. Mùa Xuân, không gian Huế
nở rộ những gam màu của các loài hoa, nhưng đặc biệt nhất là sắc vàng rực rỡ của
hoa Hoàng Mai, biểu tượng của mùa xuân, đã khiến thi nhân Cao Bá Quát phải đảnh
lễ (Nhất sinh đê thủ bái hoa mai). Mùa Hạ, dưới nền trời trong xanh bạt ngàn
mây trắng chợt điểm xuyết những mảng màu đỏ thắm của những cánh Phượng đang khẽ
lay theo những ngọn nến lung linh. Mùa Thu đất trời xứ Huế chuyển sang gam vàng
mơ phơn phớt của màu lá đang rơi pha lẫn chút sắc mờ trắng của màn sương ảo diệu
và chút tim tím mơ hồ. Mùa Đông không gian xứ Huế như được phủ một màn mưa trắng
đục lất phất buồn và tản mác đâu đó những điểm nhấn mang màu hoài cổ.
Một ngày đông những sợi mưa trắng buồn níu trời gần đất, gây
nên cảm giác cô quạnh, lúc này không gian Huế như bức tranh thủy mặc u hoài, gợi
cảm. Buổi sáng mù sương những làn da bỗng mát lạnh khi va chạm vào những hạt nước
li ti đang lờ lững khắp phố thị tạo nên không gian ảo huyền, thực thực hư hư.
Những lúc ngồi bên hiên phố nhìn chiều buông mà thấy lòng yên
ắng lạ thường, phía Tây xa xôi những ánh tà dương cuối cùng sót lại, lất phất
những lớp bụi mỏng ửng hồng mơ hồ như đời người và phía sâu thẳm của dòng Hương
văng vẳng điệu Nam Ai, Nam Bình sao mà thê thiết, bi ai, bùi ngùi cái chất thôn
làng ngay giữa phố thị và trên dòng Hương Giang mờ ảo ẩn hiện bóng hình của con
đò lênh đênh về phía trời chiều bất tận. Không gian Huế là không gian của hoài
niệm, khung trời xưa sẽ hiện về khi đâu đó trong không gian ngân vọng một điệu
hò, phải chăng trong thăm thẳm cõi không gian xứ Huế đang tàng ẩn những cung bậc
của “Hò”, một thể loại đặc trưng của làng quê Việt Nam. Và thi thoảng ta lại thấy
ngay giữa phố hội yêu kiều nhộn nhịp lại tái hiện những lễ hội tế làng truyền
thống nơi những ngôi đình làng đang ẩn dật một cách khiêm cung trong nội thành
và những miền ngoại ô phố thị.
Sau những ngày lang thang miền núi đồi xứ Huế trở về, bất
giác ngước nhìn lên dãy Trường Sơn cảm nhận được sự hùng vĩ của một vùng trời
và thấy con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên bí ẩn. Một chiều tà chớm thu ngồi
bên sông Như Ý trong xanh như ngọc, hướng ánh mắt phía trước cầu Trường Tiền lịch
sử đã tồn tại hơn trăm năm mà lòng bỗng ngậm ngùi theo những nhịp cầu. Ô hay!
nhịp cầu và nhịp đời hay nhịp bước chân đi uyển chuyển với đôi quang gánh trên
vai những mệ, những o... trông thật nhẹ nhàng nhưng đã khiến cho cõi lòng tôi nằng
nặng một nỗi xót xa, bởi bên dưới những đôi quang gánh là vệt thâm tím ám ảnh cả
một đời người. Rồi cái âm thanh của gióng, gánh níu nhau hòa vào tiếng bước
chân khô khốc cứ gợi lên trong tâm tưởng tôi những tiếng ray nghiến oan nghiệt
của phận người đang cam lòng chịu đựng nỗi khốn khó nghiệt đầy uy lực hứa hẹn
những tương lai xán lạn của xứ sở thân yêu. Dưới bầu trời trong xanh là những
áng mây trắng trôi bềnh bồng như đang khảm vào phía núi tạo nên cảnh sơn thủy hữu
tình. Có những dịp đi đây đó, khi bạn đến Huế thì cảm nhận đầu tiên có lẽ thời
gian nơi con phố này chậm hơn những nơi khác? Và không gian ở Huế thật êm đềm.
Đúng vậy, nếu ban mai khi bạn vừa tỉnh giấc và nghe một tiếng gà gáy vừa ngưng,
bạn sẽ cảm nhận được một sự yên ả đến lạ thường. Tiếng gà không những báo hiệu
cho ngày mới bắt đầu mà tàng ẩn trong âm hưởng đó là cả một vùng trời thơ mộng,
một khung cảnh yên bình.
Có thể nhìn không gian của Cố Đô Huế như những cặp không gian
đối ngẫu nhưng luôn bổ khuyết cho nhau. Ví như Huế không có dòng sông Hương mơ
màng thì không ai nhắc đến núi Ngự Bình và sẽ không bao giờ xuất hiện hai câu
thi sấm của Bùi Giáng thi sĩ:
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Phía Bắc sông Hương là kinh thành cổ kính, cùng những dãy phố
cổ Chi Lăng, Bạch Đằng, Bao Vinh trông thật tĩnh lặng thì ngược lại bờ Nam sông
Hương là phố hội với những ngôi nhà chọc trời, những trung tâm vui chơi giải
trí nhộn nhịp Ngự Bình, Thiên An... Nhìn ở góc độ triết học, ta có thể cảm nhận
được tính lưỡng nghi của đất Cố Đô đã tàng ẩn trong không gian Huế và điều đó
còn được thể hiện qua những bức tranh của họa sĩ Bửu Chỉ với bóng hình nhật
nguyệt và chiếc đồng hồ khuyết tật được bao trùm bởi không gian ảm đạm, thăm thẳm
đè nặng lên phận người gầy guộc... hay trong một số ca khúc của Trịnh Công Sơn
như “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”, “Trời xanh trong mắt em sâu”...,
trong nhiều câu thơ của Ngô Kha như “nhìn nếp nhăn bao la trên vầng trán mẹ",
"khoảng hư vô như cánh tay gối đầu”...
Phải chăng không gian của đất thần kinh là không gian của
thanh, sắc, thi, ca? Không gian của nỗi niềm tri âm, hoài vọng... được hòa trộn
bởi quá khứ, hiện tại và vị lai. Không gian mà khi trời chuyển mưa thì đông về,
chớm nắng thì hạ lên. Một vùng không gian rất nhạy cảm đã tác động đến tâm thức
của con người xứ Huế.
Huế là xứ sở chịu nhiều sự khắc nghiệt của thiên nhiên như lụt
bão và hạn hán hàng năm. Đã có không ít những cơn bão, trận lụt lịch sử đã gây
bao tang thương và hằn sâu trong dân gian như: cơn bão năm Thìn (1904) và người
dân Huế có câu vè: “Bão năm Thìn xô cầu Trường Tiền gãy bốn, cột cờ gãy ba”, trận
lụt năm 53 (1953), lụt năm 1975, bão năm 1985 và gần đây nhất là trận lụt thế kỷ
năm 1999 đã khiến cho cả thế giới phải hướng vào xứ sở lạ lùng này. Nhưng lạ
thay dù phải chịu sự khắc nghiệt đến vậy mà xứ Huế vẫn được mệnh danh là một
thành phố xanh. Khi nói đến thành phố xanh, người ta thường nghĩ ngay đến màu
xanh của cây cối. Điều này cũng được thi nhân Hàn Mặc Tử nói đến trong bài “Đây
thôn Vĩ Dạ” qua câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.
Nhưng không hẳn như vậy, Huế, ngoài những mảng xanh của cây cối,
vườn tược... còn có cả màu xanh của bầu trời và dải lụa biêng biếc của dòng
Hương Giang danh tiếng. Để có những mảng xanh như vậy một phần do người Huế rất
yêu quang cảnh thiên nhiên, phần do sự sắp đặt huyền diệu của tạo hóa. Hầu như
không có thành phố nào có nhiều nhà vườn như ở Huế. Mặc dù trước đây đã có nhiều
trận lụt lớn nhưng người Huế hầu như rất ít xây nhà cao tầng. Cũng từ những
ngôi nhà vườn tưởng rằng đơn sơ nhưng nó đã trở thành một trong những nét văn
hóa của người dân Huế. Có thể nói “Vườn Huế”, một xứ sở của văn hóa tâm linh là
cõi để mỗi người đối diện với không gian nội tâm của chính mình. Khi nói đến
không gian người ta thường nghĩ đến cái khoảng trống vật lý. Thật ra, không
gian là những gì đang hiển hiện trước mắt chúng ta như cảnh đẹp của thiên
nhiên, khoảng trống của trời mây sông nước và nét đẹp văn hóa được người dân bản
xứ tạo dựng nên. Và để có những không gian vật lý đẹp phục vụ cho các giác quan
của chúng ta thì chắc chắn rằng bên trong mỗi con người của quê xứ đó phải có một
cấu trúc không gian tâm lý độc đáo, thắm đượm bản sắc dân tộc. Đó chính là văn
hóa, cái nôi của sự tồn tại và phát triển.
Phú Xuân, 9/2002
Lê Hoàng Hải
Nguồn Tạp chí Sông Hương
Theo http://www.hue.vnn.vn/
Sau gần 20 năm xa Huế tôi mới nghe được những phương danh,
danh xưng mới hơi lạ tai: Nhà Huế Học. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về một
danh xưng như thế quả là duyên may cho Huế, bởi vì Huế hay bất cứ nơi nào, người
nào mà đi theo cái “học” đều hay ho hơn là “Huế... đói, Huế đau, Huế sầu, Huế
khổ...”.
Trong khái niệm về “học” đã hàm chứa ý niệm nhân văn. Nếu đã
có những nhà “chuyên học mang tính nhân văn”, nghĩa là chuyên nghiên cứu, khảo
luận về một lĩnh vực chuyên biệt nào đó thì sẽ trở thành một nhân vật có thẩm
quyền về bộ môn đó. Như một người chuyên môn nghiên cứu về lịch sử thì sẽ thành
nhà Sử Học; về ngôn ngữ thì thành nhà Ngữ Học... và cứ thế, nhân loại đã và sẽ
có những nhà Tâm Lý Học, Triết Học, Toán Học, Tâm Linh Học, Bệnh Lý Học,
Ai Cập Học, Pari Học... Huế Học là chuyện tất nhiên.
Thế nhưng vị trí của chữ “Học” (hiểu ở đây với ý nghĩa là sự
sở đắc hoàn chỉnh và cao nhất về mặt kiến thức, lý giải và phương pháp luận) đặt
ở trước Huế hay là sau Huế mang một ý nghĩa khác biệt: Người học Huế và nhà
Huế Học. Cũng như người học Toán và nhà Toán Học, người học Tâm lý và nhà Tâm
lý Học...
Cần phải có những công trình nào để một người học Huế hay
quan tâm nghiên cứu, sưu khảo về Huế trở thành nhà Huế Học?
Có lẽ công trình Huế học quy mô đầu tiên là những công trình
biên khảo củaHội Những Người Bạn Cố Đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué).
Hội này được thành lập năm 1913 do đề xuất của linh mục Léopold Cadière. Hội xuất
bản một tạp chí định kỳ lấy tên là Tạp Chí Những Người Bạn Cố Đô Huế
(Bulletin des Amis du Vieux Hué. Viết tắt: BAVH.) Ra đời năm 1914 và đình bản
năm 1944 với 31 tập và 15 nghìn trang ấn bản, tạp chí BAVH đã trở thành một nguồn
tư liệu rất phong phú nghiên cứu về Huế và có khi đi xa hơn trong phạm vi cả nước
về các mặt địa lý, lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ, dân tộc học... hay nói một
cách tổng quát là văn hoá cung đình, văn hóa học sĩ và văn hóa dân gian.
Những tác giả thường xuyên đóng góp các bài vở nghiên cứu
trong suốt 30 năm cả ta lẫn Tây phần đông là những người học Huế và nhà
Huế học tương đối có thẩm quyền khi viết về Huế.
Từ sau thế chiến thứ hai (1945), những công trình nghiên cứu
về Huế hầu hết tập trung trên nỗ lực cá nhân. Mãi đến năm 1992 mới có một công
trình tập thể khác của Hội Sử Học Thừa Thiên - Huế qua tạp chí nghiên
cứu có tên là“Huế, Xưa & Nay” ra đời năm 1992 tại Huế.
Tiêu chuẩn phân định giữa người học Huế và nhà Huế học là ở
chỗ công trình sưu khảo chứ không phải là đã viết được bao nhiêu trang sách. Nếu
chỉ tìm tòi những điều đã có sẵn trong BAVH hay trong mớ tài liệu cổ nằm trong
các tàng thư các hay thư viện để gom góp lại cho một đề tài nào đó, theo kiểu
“tập đại thành; thuật nhi bất tác” (gom góp tài liệu, rồi kể lại chứ không tìm
tòi hay sáng tạo được cái gì mới) – theo kiểu đức Khổng Tử thường khiêm tốn nói
về mình – thì vẫn còn ở mức độ của một người học Huế. Chỉ khi nào chính người
đó tìm ra, nghiên cứu, đào sâu, phân tích được cái mới hoàn toàn hay
tìm đươcchất mới mới từ trong kho cũ mới là một nhà Huế học đích thực.
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, chúng ta phải vui mừng đón
nhận số lượng những người học Huế và những nhà Huế học ngày
một khởi sắc. Đã có rất nhiều tác giả, nhà sưu tầm, nghiên cứu trong và ngoài
nước thành danh vì có những bước đi rõ ràng và mạnh dạn từ vị thế của người
học Huế sang nhà Huế học.
Tại vùng Bắc California nước Mỹ nầy, chỉ riêng năm 2006, tôi
đã hân hoan nhận được khoảng 12 cuốn sách viết về Huế từ Nguyễn Lý Tưởng,
Hoàng Long Hải đến Hồ Đăng Định, Lê Chí Kham và khá nhiều tạp
chí, đặc san Nhớ Huế, Thương Huế, Yêu Huế, Tình Huế, Bạn Huế... Mỗi tác giả
và tác phẩm đều có một vị trí riêng; một cảm quan nghệ thuật và cách nhìn riêng
khi nhìn về Huế Xưa, Huế Nay.
Bên cạnh những tâm hồn máy động cùng tần số với Huế, thì cũng
có những tâm hồn tha thiết với Huế một thời, nay bỗng thành dửng dưng với Huế.
Đi trên cầu Trường Tiền mà nhớ đến quặn mình một chiếc cầu Trường Tiền Áo Trắng
thuở xa xưa. Chèo đò trên dòng sông Hương mà cứ ngỡ như đang đi trên dòng sông
Seine, trên American River và nhớ về một Sông Hương ngày cũ với bến đò Thừa Phủ
lưu luyến. Miên man... một tâm trạng Nguyễn Bính ngày xưa chăng:
Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lở sông bồi cảnh biến thiên
Ngự Viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
... Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
Trong cảnh biến thiên “bạch vân thiên tải không du du” –
nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay – đó, có một người như đang đứng lại: - Thầy
tôi!
Thầy Võ Văn Dật, bút hiệu Võ Hương An, dạy tôi môn công dân,
sử địa năm đệ thất, đệ lục trường Hàm Nghi Huế 47 năm về trước. Thuở đó, thầy
là mộtngười học Huế. Qua những bài giảng của thầy trong lớp học, tôi hiểu được
điều đó. Thầy học Huế, thầy học trường luật, thầy ra làm thẩm phán, thầy đi cải
tạo, rồi sau đó qua Mỹ làm chuyên viên kỹ thuật, rồi viết lách, viết về Huế.
Tôi tin là phải qua những chặng đường gian nan như thế thầy mới hiểu được mình
trong tận cùng chiều sâu của Huế. Thầy viết về Huế thật tình. Những bài viết về
Huế có nội kiến (insight) như Chuyện Cung Đình Nghe Kể Lại, Những Sai Lầm
Đáng Tiếc, Vua Bảo Đại Con Ai... là những khám phá và phát kiến mới lạ, độc đáo
mang tính lịch sử và thâm cung bí sử của tác giả Võ Hương An.
Hai tác phẩm ra đời trong năm 2006 của tác giả Võ Hương An đều
viết về Huế: Huế Của Một Thời và Vua Khải Định... Với lối nhìn độc
sáng trong Huế Của Một Thời và những dữ kiện lịch sử gồm cả lời minh
giải thiết thực và hình ảnh phong phú rõ ràng trong tác phẩm Vua Khải Định,
nhà văn, nhà biên khảo Võ Hương An đã định hình cho mình một tinh thần Huế học
rất nghiêm túc.
Từ Huế Của Một Thời sang Vua Khải Định, tác giả
Võ Hương An đã xác định một bước đi lên tất yếu của người cầm bút có tài năng
và bản lĩnh. Riêng với Huế, đấy là con đường tiệm tiến nhưng rạch ròi từ người
học Huế sang nhà Huế Học.
Trần Kiêm Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét