Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Một chút về lý tưởng, tâm hồn và niềm sống

Một chút về lý tưởng, tâm hồn và niềm sống
Tôi đã từng chia sẻ với nhiều người, cả trong những buổi nói chuyện với đông đảo sinh viên rằng: Có thể các bạn không cần đến khái niệm Lý Tưởng, nhưng mỗi người đều cần tìm thấy Niềm sống của mình giữ cho nó chảy hào hứng mỗi ngày! Nhưng trước hết hãy nuôi dưỡng Tâm hồn mình không bị khô cạn
Nhiều bạn ngạc nhiên hỏi: tại sao lại không cần Lý tưởng? Điều đó có phải là không đúng với tinh thần của một công dân tốt chăng?
Câu hỏi rất thú vị! Tôi cho rằng: Lý tưởng là khái niệm chính trị - xã hội, có thể nói là ‘công cụ’ tư tưởng mà các nhà cầm quyền đưa ra và thổi vào cộng đồng tạo nên ‘những khí thế’ mới, ‘kick off cho những làn sóng ý chí’ hướng vào những phong trào do nhà cầm quyền mong muốn khai thác và sử dụng năng lượng tin thần của dân chúng. Trong nhiều trường hợp điều đó tạo nên khí thế thời đại to lớn và có thể làm ‘sông có thể cạn đá có thể mòn…nhưng chúng ta nhất quyết….’! Thật vĩ đại! Không có gì nghi ngờ cả: Người làm chính trị thường là người biết và phất cao ngọn cờ tư tưởng mà khởi nguồn của nó là dấy lên trong xã hội Lý tưởng sống…có ý nghĩa như cộng vec tơ những nguồn lực, ý hướng của dân chúng mà hướng theo mục tiêu chính trị theo yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử.
Theo đuổi Lý tưởng luôn cần đến sự hy sinh của mỗi người về Niềm sống riêng của họ, ví như chúng ta đọc trong nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm chẳng hạn…Có trường hợp khác dường như không ít người tìm thấy Niềm sống riêng của họ ở Lý tưởng như Pavel Coocxaghin (Thép đã tôi thế đấy), hay như Tố Hữu thể hiện trong tập Thơ Từ ấy…Xét về dòng cuộc sống tự nhiên thì không hẳn đúng như họ đã từng nhất thời theo đuổi hay người khác nghĩ ‘mặc định’ như thế về họ!
Nhưng tôi luôn dâng đầy cảm xúc và cảm động đến vô bờ khi đọc bài thơ ‘Con sông Quê hương’ của Tế Hanh, hay bài hát ‘Câu hò bên bến Hiền Lương’ dù tôi sinh ra lớn lên ở Hà nội xưa nhỏ bé , mà thời thơ ấu không phải trải qua cảnh huống như vậy. Dù trong những tác phẩm ấy không bộc lộ gì tính ‘Lý tưởng’ cả! Nhưng tôi cảm nhận được Tâm hồn và Niềm sống của các tác giả đó thật tha thiết, nồng nàn và đẹp đẽ biết bao….Điều đó đã lan toả sang tôi suốt cả thời thơ ấu đến khi trưởng thành…
Tính nhân văn ở chỗ: Niềm Sốngluôn cựa quậy, sống động, như suối chảy trong khí huyết tinh thần của mỗi con làm chúng ta hừng hực chỉ biết lao về phía trước bởi những khẩu hiệu ‘cách mạng’, bởi những đòi hỏi hy sinh cho mục tiêu chung….vì trước hết và cuối cùng chúng ta là Con Người thuộc về cuộc sống, thuộc về mình, thuộc về quy luật..cho dù từng đoạn giữa trong đó chúng ta có thể thuộc về điều gì đó khác: đoàn thể, giai cấp, cương vị…
Niềm Sống vì thế trong mỗi người, tự có nhưng cũng giống dòng suối mà sự trôi chảy của nó như thế nào không chỉ được phát xuất từ cội nguồn Tâm thế mà còn phụ thuộc vào môi trường cảnh quan rừng núi, ghềnh thác. Và ở những nơi đã đi qua, trải dòng nước của mình dọc đường đi có thể thẩm thấu, hoà quện, hút thêm vào lòng mình bao nhiêu mạch nguồn li ti từ lòng đất, từ rễ cây bên bờ để chống lại sự cạn kiệt mà tiếp tục tích nạp dung lượng và sức mạnh đi ra biển lớn…để có thể hội nhập với những dòng sông lớn hơn mà ra biển cả mênh mông được hay không… rồi từ sự mênh mông ấy hợp vào quy luật muôn đời mà tiếp tục duy trì mình tự tại, vĩnh hằng trong muôn điều chung riêng?
Từ ý niệm về dòng suối, ta mới thấy thêm sâu sắc rằng: dòng suối cho đi nước của nó vào cây cối, ruộng đất bên dòng chảy chính là sẽ được nhận lại từ đó mà hồi sinh, đồng thời hoà lưu với thiên nhiên vĩ đại mà tiếp tục trôi chảy…Thật buồn cho sự tù túng, luẩn quẩn ! Chả ai vui được khi chứng kiến hình ảnh về dòng suối không thể bồi đắp cho cái gì khác mà lại khô cạn hay đen đúa khiến cho mọi thứ bị ô nhiễm, bị gặm nhấm, bị bào mòn …Chúng ta chứng kiến mà thương tiếc, tinh thần cũng theo đó khô kiệt đi u hoài… mà lẩn thẩn nhớ mãi đến cội nguồn, muốn quayvề quá khứ…Vì thế Niềm sống đích thực là tinh thần tạo năng lượng sinh sôi thêm giá trị sống hướng tới tương lai trù phú an hoà của mình và của người
Xưa tôi vốn thích nghe ca cải lương có cốt chuyện bi ai, những khúc hát buồn của Lam Phương … Đến tuổi hơn 20 lại đặc biệt thích nhạc cổ điển…cho đến một hôm khá trưởng thành tôi nhận ra rằng : nhạc cổ điển là một thế giới âm thanh đầy xúc cảm về tinh thần trong cuộc đời hoạt hoá với bao nhiêu niềm sống năng động, hướng thượng như với triết lý thời gian nhân sinh: Thế giới là gì, Ta là Ai trong đó…
Trong nhạc cổ điển không tìm được những nét buồn ‘bi thiết’ kiểu như cải lương hay như nhiều lời ca lâm ly hát lên muốn ứa lệ tự kỷ, hay ở những điệu nhạc lướt mướt âm tiết nỉ non làm lòng mình mềm yếu đi như bún…Điều đó có thể ví như khi ta một mình đứng trong cảnh hoàng hôn bát ngát nhìn cánh chim chấp chới cuối hừng mây nhuốm ráng đỏ… Niềm sống dâng lên cảm nhận về bản thân trong thiên nhiên bao la mà giao hoà tư tưởng (nhạc cổ điển), thay vì tuôn trào nỗi buồn thê luỵ trong dòng tình cảm ủy mị về quá khứ : ‘em đã bỏ anh đi mãi…chỉ còn mình anh cô đơn’ làm tan nát Tâm hồn (ca khúc buồn). Như vậy Tâm hồn và Niềm sống có điểm khác nhau! Tâm hồn như mặt nước hồ tĩnh, thế giới bên ngoài soi vào trong đó, sự biến động của môi trường bên ngoài, dù nhỏ cũng khiến nó lay động và phản ảnh...Hồ càng rộng và sâu thì sự quảng giao về Tâm hồn cũng lớn theo… Còn Niềm sống là con suối đầy nước, luôn chảy, thế giới bên ngoài có soi vào trong nó nhưng với hình ảnh đã biến diệu, vô cùng sống động, mạnh mẽ là bởi sức chảy của chính nó. Dễ hiểu là người có Tâm hồn phong phú đa cảm giống như cái hồ nước đầy, nhưng chưa chắc đã trỗi dậy được những Niềm sống tích cực, nhưng nếu khởi nguồn cho dòng suối của Niềm sống thì tuyệt vời ! Trở lại bài hát, bài thơ trên Người có Tâm hồn thì nghe bài ‘Câu hò bên bến Hiền Lương’ và ‘Con sông quê hương’ thấy nức nở thương, thổn thức buồn vì nhạy cảm. Người có Niềm sống nghe thấy tha thiết nhưng tinh thần chạm tới được tầng xúc động Chân, tinh tế Mỹ, cao cả Thiện.
Khi còn học phổ thông, tôi hay băn khoăn tự hỏi : tại sao ở nông thôn, người ta khi buồn hay thốt lên ‘buồn như chó sủa’ ( chứ không phải ai đã làm biến thể đi là như chó cắn )? Nghe qua cảm thấy cái khẩu khí cục mịch, thô thiển thế nào ! Tôi đã hỏi bao nhiêu người cả các vị trưởng lão…chả ai chả lời được cho tôi thoả đáng, chỉ khiến tôi thêm thấy thành ngữ đó ngớ ngẩn! Nhưng rồi giữa một đêm trăng mờ tỏ tôi một mình trải chăn nằm dưới gầm xe chở đạn Tên lửa, nép sát bên ải Chi lăng gió hú man mác (khi còn chiến tranh biên giới phía Bắc ), bỗng nghe tiếng chó sủa vu vơ ở đầu làng xa xa đó vọng tới….Tiếng chó sủa không phải vì có tiếng động lạ của người, mà như nó đói bụng, như oan ẩn cô độc, như hoài niệm về cội nguồn hàng ngàn năm trước của mình trong rừng thẳm…làm không gian trở nên hoang vắng, mê dã đến lạ kỳ …thì tôi bỗng thấy ý nghĩa của thành ngữ trên sâu sắc đến vô cùng.
Nhưng ngay sau đó tôi bị ám ảnh lạnh lẽo hoang hoải của tiếng chó sủa đó. Tôi thương mình quá, tại sao mình cô đơn đói rét ở đây….nhưng trong tôi dần trỗi lên cựa quậy : mình sẽ thức đợi lúc Rạng đông trèo lên đỉnh mỏm núi của ải Chi Lăng, không phải là tìm nơi có tiếng chó sủa mà muốn nhìn thấy một điều gì của dòng sự sống hướng tới tương lai, để tự tìm một chút lý giải được ý nghĩa tích cực về trách nhiệm đang mang trải trong gian khổ như thế. Từ trên cao tôi hướng mắt nhìn ngôi làng nghèo khó đằng kia xem một ngày mới bắt đầu như thế nào…và tôi nhìn thấy có một con chó sù chạy lon ton đằng sau một lão nông điền dong trâu vác cày ra ruộng…Tôi thấy ấm áp và vui lên trong lòng, như thêm một tinh thần để tiếp tục lên xe đưa đạn lên chiến tuyến. Thế đấy! Đó không phải là Lý tưởng gì (hẳn nhiên cuộc chiến tranh đó không có thể áp vào được một mẩu Lý tưởng nào đâu!) mà thuần tuý chính là Niềm Sống được khởi nguồn từ Tâm hồn của tôi mà thôi!
Trong một lần tuyển tân binh, một sĩ quan hỏi người thanh niên A: anh có Lý tưởng không? Dạ thưa không! Anh ta nhướn mắt nhìn như bất cần? Không sao, sau khi nhập ngũ chúng tôi sẽ đội cái mũ đó cho anh! Tuyển!
Đến thanh niên B, viên sĩ quan hỏi: anh có Tâm hồn không? Dạ thưa có rất nhiều ạ. Chấp nhận tuyển anh, mong rằng thời gian ở quân ngũ sẽ biến đổi thứ đó thành thứ mạnh mẽ và hữu ích! Viên sĩ quan lạnh lùng đáp
Đến thanh niên C, sĩ quan đó hỏi: anh có Niềm sống không? Thưa không! C cúi mặt buồn trả lời. Vậy không có vị trí nào trong quân ngũ cho anh cả, ở đâu cũng sẽ chết một cách vô dụng thôi, là người lính không thể thiếu điều đó! Ta giới thiệu đưa anh vào trại cải tạo lao động, may ra nơi đó cứu được anh! Viên sĩ quan đáp gằn từng tiếng
Tôi hình dung: trong những năm tháng chiến tranh bom rơi đạn lửa, vô cùng gian khổ thiếu thốn mọi bề, Bắc Nam bị chia cắt thê lương không biết đến bao giờ mới thống nhất đất nước để gia đình đoàn tụ...Nhạc sĩ Văn Ký lại có thể sáng tác được 'Bài ca Hy vọng' hay đến như thế, trong đó chính là sự hội tụ Tâm Hồn, Niềm Sống và Lý tưởng vậy!!! Các bạn có thấy rằng tôi trích dẫn ba bài (Câu hò bên bến hiền lương/ Con sông quê hương/ và bây giờ là bài ca Hy vọng) mà tác giả đều là người Miền Nam, đều sáng tác cùng thời gian khổ trên...để đưa vào bài viết này của mình! Các bạn có biết tôi ngụ ý gì về Lý tưởng/ Tâm hồn và Niềm sống không? 
Từng đôi chim bay đi
Tiếng ca rộn ràng
Cánh chim, xao xuyến, gió mùa Xuân
Gửi lời chim yêu thương
Tới miền xa quê hương
Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ
Ước mơ, nhưng mùa Xuân bóng dáng tương lai
Đường ta đi xây đời trong Hoa thơm, có mùa Xuân nào đẹp bằng
Về Tương lai.... đàn chim ơi... cùng Ta cất cánh....
Nguyễn Tất Thịnh
Theo http://nguyentatthinh.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Đi Khám Bệnh Cô lên chương trình ngày mai đi khám bệnh. Tất cả hồ sơ, sổ khám bệnh chuẩn bị sẵn. Kiểm tra lại xem còn sót gì không? Tu...