Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Thơ thức tỉnh và hy vọng

Thơ thức tỉnh và hy vọng
Thơ của tuổi trẻ dấn thân ở các đô thị miền Nam những năm chống Mỹ là một hiện tượng đặc biệt của văn học sử, gợi cảm hứng cho nhiều bài phân tích sâu sắc của Nguyễn Ngọc Lan, Lữ Phương, Trần Bạch Đằng, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục, Trần Thức, Hoàng Dũng, Phạm Phú Phong… Sau hơn 35 năm, chúng tôi xin góp thêm một vài ý kiến nhìn nhận lại hiện tượng này, để giới thiệu một lần nữa với bạn đọc trẻ hôm nay những tác phẩm mà từ đó có thể cho ta một cái nhìn chân thực về hành trình tư tưởng, tâm hồn, tính cách và thái độ của một lớp nhà thơ trẻ trong thời buổi đen tối của đất nước.
Thức tỉnh và phản kháng
Những người làm thơ dấn thân tuổi đôi mươi ở miền Nam những năm 1960 - đầu 1970 là học sinh, sinh viên, giáo chức và cả những người lính trẻ, đã có một chọn lựa khó khăn cho ngòi bút. Trước và trong khi cầm bút, họ đã có một hành trang văn học là thơ ca yêu nước và lãng mạn được giới thiệu trong nhà trường, đồng thời với thơ ca hiện đại chủ nghĩa đương thời mà họ không thể phủ nhận giá trị. Trong sổ tay và ký ức của họ chắc chắn hiện diện những bài thơ tình của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền… Ở họ, chính những phác thảo văn chương đầu đời cũng là những kỷ niệm bật ra từ tiếng nói trữ tình cá nhân. Vẻ đẹp của hình ảnh và giọng điệu trong thơ họ gắn liền với những rung động trong tâm hồn những người đang yêu, đắm say và tinh tế:
                   Thôi từ đấy con đường rêu phủ ngập
                   Dấu giầy qua lên tiếng nói thì thầm
                   Hơi thở này còn lắng đọng thanh âm
                   Đêm mưa nhỏ còn thơm mùi tóc ướt.
                   Lối đi ấy vai nghiêng chùng dáng bước
                   Hồn trên cao và tim ở dòng sông
                   Mật trên môi và nước mắt trong lòng
                   Bàn tay ấm âm thầm nghe nhịp thở.
              (Trần Quang Long, Ngày đó chúng mình)
Có thể Trần Quang Long đã trở thành nhà thơ của tuổi trẻ đam mê, nếu anh sinh ra trong hoàn cảnh đất nước yên hàn. Nhưng tình yêu của thế hệ anh là tình yêu trong bão giông, một tình yêu hiến dâng, nên nó không thể tiếp tục bày tỏ bằng ngôn ngữ lãng mạn.
Những năm 1960, ở miền Nam, triết lý về cá nhân được phổ biến khá sâu rộng và có một chỗ đứng không gì sánh được. Người làm thơ những năm tháng đó được bao bọc giữa một bầu không khí tư tưởng đưa tâm thế con người trở về với nội giới. Quả thật, trong xã hội chiến tranh và nhiễu nhương, thơ ngợi ca cô đơn cũng là dễ hiểu và nếu nhà thơ khai thác sâu sắc và tinh tế cõi nội giới trong khung cảnh tự lưu đày, vẫn có thể tạo ra một tiếng nói nghệ thuật ở lại với thời gian. Những bài thơ thuở ban đầu của Ngô Kha trong hai tập Hoa cô độc và Ngụ ngôn của người đãng trí chứng minh điều đó.
Thế nhưng, thay vì truy tìm ngục tù trừu tượng của bản thể, nhiều nhà thơ trẻ đã tìm cách nhận chân những ngục tù có thực của ý thức và của đời sống. Từ tâm thức tự lưu đày, họ cảm nhận tâm thức của kẻ bị lưu đày và khám phá ra mình ở giữa muôn người, giữa người bạn tù sơ sinh (Võ Quê), người em trong xưởng máy(Thái Ngọc San), người mẹ Bàn Cờ (Nguyễn Kim Ngân), người cha bến tàu (Võ Thiều Quang)… Có thể nói thơ đã bước vào cùng chuyến tàu với đám đông bầm dập. Xin giới thiệu một bài thơ, theo ý chúng tôi, tiêu biểu cho tinh thần phản kháng của tuổi trẻ lúc đó:
                         Hôm qua tôi nằm mơ
                         Thấy mình đến khu chợ lạ
                         Chợ không bán thực phẩm hàng hoá
                         Mà chỉ bán máu tươi
                         Cuộc diện chỉ có hai người
                         Một người da vàng, một người da trắng
                         Ngồi cạnh nhau nói nói cười cười
                         Họ đếm, họ đong, họ lường từng chén.
                                   (Đam San, Ác mộng)
Cho nên, bài học lớn nhất mà thơ tranh đấu của tuổi trẻ trong lòng đô thị đem lại là sự bừng tỉnh trước thực tại, một thực tại độc đoán, áp bức, bất công, nghèo đói giữa một cuộc chiến tranh bạo tàn do người Mỹ gây nên. Và khi đó, cái cá nhân không thể không tự hỏi về tháp ngà đã khiến mình chìm đắm trong cơn mê ngủ lịch sử.
Từ tâm thức bị lưu đày, thơ ca đi đến tâm thức nhập cuộc, đứng ở tuyến đầu của ý thức cộng đồng. Sự thay đổi tính cách đó của thơ ca đã tạo thành số phận của nó. Những người trẻ làm thơ phản kháng ở miền Nam đã gánh trên vai một sứ mạng quá hiểm nguy trong một tình cảnh cực đoan của lịch sử, khi lời nói không chỉ dẫn đến hành động mà còn chính là hành động. Thơ ca bị theo dõi, bị kết án và người làm thơ phải trả giá cho sự lên tiếng của mình.
Có lẽ thơ trẻ những năm tháng này có nhiều tác giả, tác phẩm bị bách hại chỉ sau thơ ca yêu nước giai đoạn 1930-1945. Có những câu thơ phản chiến rất nhẹ nhàng cũng bị cắt bỏ hay bôi đen vì kiểm duyệt:
                Tôi nằm trong phố chiến tranh
                Xe nhà binh chạy, dãy thành đạn reo
                Bụi tung mù mấy đoạn đèo
                Rừng âm u có người theo bước người.
                Sớm mai trở dậy qua đèo
                Mù sương giăng bủa hiu hiu đất trời
                Xác người còn thắm máu tươi
                Xác ai, ai nhận khi ra trận tiền…(*)
                Em về thành nội ngủ yên
                Bước chân lau sậy trắng miền mộng du
                Chiều qua ra đứng Biển Hồ
                Nhìn đồi xa thấy xa mờ dáng em.
(Đinh Cường, Ghi từ Pleiku. Hai 7 và 8 (*) là hai câu bị bôi đen vì kiểm duyệt trên Tập san Giữ thơm quê mẹ, số 7-8, 
Xuân Bính Ngọ, Lá Bối xuất bản, 1966).
Có những bài thơ khiến tờ báo đăng tải bị tịch thu và đưa ra toà (Cho những người nằm xuống của Ngô Kha, Những bước chân người của Phạm Thế Mỹ, Về một cái chết của Lê Ký Thương, Chẳng phải là điều nhục nhã  của Lê Văn Ngăn, Mười năm con đã lớn của Lê Gành, Máu chúng ta một rừng biểu ngữ, Người con gái của thành Huế ngày đứng lên của Thái Ngọc San, Cho người bạn tù sơ sinh của Võ Quê, Cả đất nước đang vì các anh chiến đấu của Hoàng Sơn Tây…). Có những tác phẩm ra đời khi tác giả bị giam cầm hay trên đường lưu đày (Trần Quang Long, Chinh Văn, Hữu Đạo, Triệu Từ Truyền, Đam San, Hoàng Nghĩa…). Có cả một loạt tác phẩm ấn hành ngoài vòng pháp luật của chính quyền đương thời: Vực thẳm và hy vọng của Trần Quang Long, Lời chim bão tố của Chinh Văn – Ngọc Dung, Những cánh bồ câu mơ ước của Nguyễn Quốc Thái, Thơ máu của Đam San,Rừng dậy men mùa của Đông Trình, Bếp lửa còn thơm mùi bã mía của Lê Ký Thương, Sài Gòn ơi 71 của Hữu Đạo, Buồn nôn của Tú Vẽ… Và nhất là, có những nhà thơ đã trả giá cả mạng sống của mình cho sự chọn lựa lý tưởng xã hội và lý tưởng thơ ca đó: Phan Trước Viên tự tìm đến cái chết để bảo toàn khuôn mặt tinh thần của mình, Ngô Kha bị thủ tiêu và mất tích, Trần Quang Long ngã xuống cùng bản thảo tập thơ Sao rừng được chép trong một quyển vở học trò còn thấm máu và lưu dấu mảnh bom B52.
Bất bình và hy vọng
Thơ trẻ những năm tháng này chủ yếu không miêu tả thực tại, nhưng vẫn nhắc gợi người đọc về một bối cảnh mà con người không thể hoà giải. Thức tỉnh trước thực tại, thơ đồng thời nói lên tiếng nói bất bình trước thực tại:
                         tôi yêu đất nước này cay đắng
                         những năm dài thắp đuốc đi đêm
                         quen thân rồi không ai còn nhớ tên
                         dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
                         áo mồ hôi những buổi chợ về
                         đời cúi thấp giành từng lon gạo mốc.
            (Trần Vàng Sao, Bài thơ của một người yêu nước mình)
Nhà thơ không chỉ bất bình với hoàn cảnh mà còn không bằng lòng với chính mình, đòi hỏi và phán xét chính mình. Thơ, vì vậy, cũng dẫn đến sự tự nhận thức và tự tra vấn:
                         Năm cùng rồi đó ư?
                         tháng tận rồi đó ư?
                         ta xin chào ta một năm đã qua
                         một năm đã qua đầu ta âm mưu
                         một năm đã qua tim ta nham hiểm
                         một năm đã qua ta run bỏ bạn
                         một năm đã qua ta sợ chối mình.
                         (Nguyễn Quốc Thái, Chào tất niên)
Càng về cuối cuộc chiến tranh, thơ trẻ càng lên tiếng phản ứng lại hoàn cảnh với giọng quyết liệt và xác tín hơn:
                         bạo lực thường bắt tay nhau, nhưng bạo lực cô đơn
                         chúng tôi chia lìa nhau
                         nhưng lòng đầy tín hiệu
                         ở quê hương tôi, khi trở lại nhà, kẻ lưu đày hát
                         lòng tôi là mặt biển tối tăm
                         vừa lấp lánh những ngọn đèn thuyền đánh cá.
                         (Lê Văn Ngăn, Của một người sống sót)
Và như vậy, thơ tuổi trẻ miền Nam những năm tháng đó không chỉ bằng lòng với sự tái hiện bóng tối. Nói đúng ra, thơ có nhắc gợi về bóng tối để người đọc ý thức về thực tại, nhưng thơ không để bóng tối lấp đầy khoảng trống của từ ngữ. Thơ đã tìm cách khắc phục nỗi hoài nghi và tuyệt vọng để biểu hiện một niềm hy vọng, tuy mong manh, mơ hồ nhưng có sức vẫy gọi. Niềm hy vọng đó gắn liền với những hình ảnh có tính chất dự báo: ngọn cờ, ngày mai, nắng hồng, bến chờ, bếp lửa …
                         chúng ta về qua một dòng sông
                         trời quê hương đã không còn mưa bụi
                         hàng cây xưa thay lá mới bên đường
                         khắp mọi lòng đang mở cửa ra vui
                         người người đã thấy nắng hồng lên chật phổi.
                        (Tần Hoài Dạ Vũ, Dòng chữ máu rưng rưng)
Thơ đã cất lên như một lời hò hẹn, hò hẹn với non sông, hò hẹn với lịch sử:
                         tôi sẽ lội qua con sông này
                         dấu chân mẹ cha hãy còn để lại
                         con đường dài như sáng mùa đông
                         khi cánh cửa mở ra một trời trắng buốt
                         một sớm mai về với núi sông
                         nghe tiếng anh em gọi mãi bên cầu.
                        (Hoàng Ngọc Biên, Nói với mọi người)
Có thể nói thơ trẻ dấn thân những năm tháng này là những bài thơ có viễn cảnh. Đọc lại thơ họ, thiết nghĩ, độc giả hôm nay không thể vô tình và bạc bẽo với những niềm hy vọng đó.       
Giọng chung và giọng riêng
Thơ trẻ dấn thân ở các đô thị miền Nam là một bản hòa ca nhiều cung bậc, nhiều giọng điệu, trong đó có những giọng điệu chưa thật định hình rõ nét. Âm hưởng chung là hào hùng, khí phách. Nhưng cũng có giọng điệu thâm trầm, suy niệm.
Nằm trong huyết mạch thơ ca yêu nước của dân tộc chảy qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tản Đà, Tố Hữu…, thơ trẻ kế thừa thơ ca truyền thống với những thể loại và ngôn ngữ đã thành mẫu mực nghệ thuật. Đọc thơ Trần Quang Long, Phan Trước Viên, Võ Quê, Đông Trình, Phan Duy Nhân, Đỗ Nghê, Cao Quảng Văn, Hoài Hương, Hữu Đạo (Đồng Tháp), Lê Gành, Trần Vạn Giã, Hoàng Thoại Châu, Nguyễn Kim Ngân, Nguyễn Tường Văn, Trần Huiền Ân, Trần Ngọc Hưởng, Nguyễn Như Mây, Phan Viên Hoài, Hà Thạch Hãn, Hoàng Tư Thiện, Từ Huy…, ta thấy cả thi liệu lẫn ngôn ngữ đều hoà điệu với thơ ca dân tộc. Không thiếu những dẫn chứng cho nhận xét ấy:
                        Ta yêu Huế những ngày Huế khóc
                        Nước mắt nhoà ướt áo mẹ tìm con
                        Lá muối rụng vàng đường lên Thừa phủ
                        Mảnh tim già ứa máu héo hon
                        Muối xát lòng đau ruột thắt gan mòn.
                        (Võ Quê, Huế)
                        Mẹ nhìn rất xa về những cánh đồng
                        Thấp thoáng trong tre khói ôm mái rạ
                        Có tiếng chim chiều gọi nhau về tổ
                        Vọng giữa bầu trời bàng bạc thuỷ ngân
                        Và cụm hương tàn trên mồ mả cha ông…
                        (Đông Trình, Tiếng đàn bầu)
Bên cạnh đó, không thể không ghi nhận những tìm tòi nghệ thuật thể hiện qua những cách tân của nhiều nhà thơ khác: Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Nguyễn Quốc Thái, Lê Văn Ngăn, Hoàng Ngọc Biên… So với các giai đoạn trước, thơ trẻ giai đoạn này sử dụng thể thơ tự do với một tỉ lệ cao hơn hẳn. Ngoài các tác giả nói trên, nhiều nhà thơ khác cũng ưa chuộng thơ tự do với những câu thơ mở rộng: Tần Hoài Dạ Vũ, Chinh Văn, Thái Ngọc San, Đam San, Lê Ký Thương, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Thiên Trung (Nguyễn Đông Nhựt), Trần Đình Sơn Cước, Triệu Từ Truyền, Lê Nhược Thuỷ, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Miên Thảo, Chu Vương Miện, Từ Hoài Tấn…
Trong những nhà thơ đó, theo chúng tôi, Ngô Kha là tác giả mà tác phẩm mang đậm hơi thở hiện đại hơn cả. Trong một thời gian ngắn ngủi chỉ hơn mười năm, nhà thơ vắn số này đã làm một cuộc hành trình nghệ thuật đi qua những miền địa ngục của thế giới siêu thực, đi qua tâm thức hoài nghi và cô độc, đến với cánh đồng ngôn ngữ mà thi sĩ là người gieo hạt cho tương lai. Như một nghịch lý, Ngô Kha là người viết bản requiem cho chính mình, cũng là người “tấu khúc hoà bình” dâng cho đất nước:
                          bằng trái tim nôn nao hay bằng ước vọng
                          người đã ra đồng gieo những hạt bông
                          ta trông thấy đất đai hiền thục
                          sông núi trữ tình
                          người ốm đau cũng lên đường
                          cùng ngô khoai ngỏ ý
                          khi cánh quạt mở tung mùa nắng
                          người lính canh về trong lớp áo nông phu
                          khi tình yêu thổi bùng lên cơn gió
                          giữa mùa xuân ngọn đuốc mặt trời.
                         (Ngô Kha, Mùa xuân ánh lửa mặt trời)
Đọc thơ Ngô Kha viết trước ngày bị thủ tiêu, ta thấy phảng phất hơi thơ hào sảng và thoáng đãng của Pablo Neruda ở châu Mỹ la tinh dưới gót giày của các thế lực quân phiệt, của Agostino Neto ở châu Phi da đen trong vòng kẽm gai của chủ nghĩa thực dân.
Để mượn cách nói của một nhà phê bình, với các nhà thơ trẻ, sáng tạo là hành động nhận thức chính bản thân mình trong dòng lịch sử; là phát hiện ra chỗ đứng, khả năng và sứ mệnh của thế hệ mình trong cơn nguy biến của đất nước. Và họ đã viết nên những câu thơ khát quát được số phận con người trong số phận chung của dân tộc:
                          Trái tim là của Con Người
                          Viết lịch sử mình trên mặt đất
                          Bằng từng nét máu thắm tươi.
                    (Trần Quang Long, Thưa Mẹ, trái tim)
Tác phẩm của họ là nỗi niềm và khát vọng của tuổi trẻ băn khoăn đi tìm nghĩa sống, là tiếng hát vượt qua vực thẳm để đến với hy vọng, như nhan đề một tập thơ của Trần Quang Long. Và dù phải đương đầu với những tình huống khắc nghiệt, thơ họ bao giờ cũng vẽ nên bức chân dung tinh thần của thế hệ qua tiếng gọi của tình yêu và tự do.  
Những ngày tháng này, đọc lại thơ trẻ đô thị thời chống Mỹ, lòng tôi vừa dịu lại vì những ước mơ hoà bình trong thơ họ toả vào trang giấy, lại vừa cảm thấy nóng bỏng với những vần thơ kêu gọi giữ làng, giữ nước. Những bài thơ của một thời đã qua không lặp lại vẫn làm nhức nhối tim gan vì nó còn gợi trong ta một nỗi niềm, một ý thức nào đó. Nó làm động lòng ta mỗi khi vang lên như tiếng vọng từ những dòng sông, những bãi bồi, những vịnh biển, những triền núi… Đó là tiếng vọng của hồn thiêng đất nước được truyền thông từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà thơ ca là một kênh truyền dẫn không bao giờ đứt đoạn.
(Đã in trong sách Ngô Kha – hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu, NXB Hội nhà văn, 2013).
Huỳnh Như Phương
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một d...