1- Mênh mông và cô độc!
Đó là cảm giác đầu
tiên ngay khi vừa đặt chân lên đất Mỹ. Vẫn là những căn nhà xinh xắn, khang
trang, sân trước vườn sau, nhưng khoảng cách từ nhà này đến nhà kia trông giống
như những dòng kênh mà vắng bóng chiếc cầu, chia cắt.
Trước nhiều căn nhà ở Mỹ thường
có một lá cờ tung bay, không biết đó là dấu hiệu của tự hào, phô trương hay đơn
giản chỉ là ý nghĩ thuộc về một cộng đồng nào đó để thấy mình bớt lẻ loi?
Quy hoạch đô thị ở Mỹ khá giống
Úc, khu nhà ở, khu thương mại riêng biệt và cách xa nhau… nhưng cách tổ chức xã
hội năng động hơn, hiện đại hơn và dĩ nhiên là cũng xô bồ, náo động hơn.
Người Việt ở Mỹ sống ở
những căn nhà rộng, tiện nghi, đời sống sung túc nhưng nếp sống và sinh hoạt của
họ chẳng khác lúc còn ở VN là bao. Khác với người Việt ở Âu Châu, thường xem
mình là dân ngoại quốc sống trên đất người, người Việt ở Mỹ sau vài mươi năm
sinh sống đã tự cho mình là dân Mỹ. Nghĩ, Tin như vậy ..nhưng trên thực tế, bị
bứng gốc, thế hệ thứ nhất đâu dễ gì hội nhập nơi quê người. Tôi tin là rất khó
thể xóa mất nền văn hóa đã ăn sâu vào máu thịt.
Nhà ở và phố thị cách xa
nhau, không phương tiện công cộng- hay hạn chế- nên hai giới là người già
và trẻ em coi như bị bỏ rơi. Ở Mỹ vì chỉ có thể đi lại bằng xe hơi và mục đích
của quy hoạch này là tăng tiêu thụ xăng, món hàng ruột của các tập đoàn tài phiệt.
Vì lý do đó mà xe lửa gần như vắng bóng trên đất Mỹ.
Sự cô đơn và lạc lõng ở Mỹ dễ
khiến những người già bị trầm cảm. Họ cô đơn, sống qua ngày trong những căn nhà
đóng kín. Con cháu đi làm từ sớm, chiều tối mới về, họ nằm nhà xem phim Hàn hay
nghe nhạc, thi thoảng mới có thể tổ chức gặp nhau để tha hồ kể chuyện ngày xưa.
Đường phố rộng mà những ai
không biết lái xe là xem như bị bỏ tù giữa bốn bức tường, cho đến khi con cháu
rảnh rỗi đưa đón.
Khoảng cách ở Mỹ không tính
bằng km mà bằng đơn vị thời gian. 30 phút. 60 phút. Đó là thời gian đi
xe, nếu không bị tắc đường. Khoảng cách rộng, mỗi lần rời khỏi nhà mất rất
nhiều thời gian..
Bạn bè hẹn cà phê mất cả buổi.
Những người già từng nhóm chụm đầu nói chuyện, nhiều nhóm khác nhau. Vắng bóng
những người trẻ. Sinh ra ở đây, họ thực dụng, tính toán, thiếu tình cảm gia
đình và phần lớn không rành tiếng Việt nên ít quan tâm đến cộng đồng của cha mẹ,
ông bà mình.
Khi mới qua, ai cũng cố
làm việc để mua nhà lớn, nhiều phòng. Lớn lên, các con đi làm xa và cha mẹ sống
đơn độc trong căn nhà rộng. Các phòng trống, họ giữ lại nhiều kỷ vật của các
con, những bức vẽ nguệch ngoạc ngày còn bé. Còn khi ba mẹ mất đi, các con thường
vất bỏ các đồ vật vô ích mà ba mẹ đã mua và lưu giữ.
Trên đây chỉ là vài nét chấm
phá về cảm giác ngay khi vừa mới tới Mỹ. Có thể còn thiếu sót hay chủ quan…và
tôi muốn để dành một bài viết khác về giấc mơ Mỹ và về miền đất hứa này.
Ở nhà chị Thi Nga, em
gái Nguyên Minh ở Santa Clara chừng mươi ngày rồi chúng tôi đón xe đò đi
Santa An, phía nam California. Nơi đây có nhiều cuộc găp gỡ với các văn
nghệ sĩ mới quen hay từng quen biết : Du Tử Lê, Trần Văn Nam, anh chị Dạ Từ,
Thu Vân cũng như Đặng Phú Phong, Thành Tôn, Trần Yên Hòa, Nguyễn Lương Vỵ, Trần
Văn Sơn, Nguyễn Đình Thuần, Trịnh Cung, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Khánh
Minh, Đặng Kim Côn, Lữ Quỳnh, Tôn Nữ Thu Dung, Thân Tạ, Hứa Trinh, Hải,Trung
HB... tất cả đều vui mừng gặp nhau trên đất khách.
2- Mùa thu ở Virginia Từ
giã thung lũng Silicon khô cằn và nắng hạn mấy anh em trong nhóm Quán Văn gồm
chủ bút Nguyên Minh, nhà thơ Đoàn Văn Khánh và vợ chồng tôi cũng lên đường bay
về miền Đông nước Mỹ. Những người tuổi “chớm thu” bay về tiểu bang Virginia vào
đầu mùa thu. Những rừng thu lá hãy còn xanh…
Đích đến ban đầu là viếng
thăm họa sĩ Đinh Cường, nhà thơ Phạm Cao Hoàng và nhà thơ Nguyễn Minh Nữu.
Phòng tranh họa sĩ Đinh Cường là một thế giới riêng biệt. Khép lại mọi xáo trộn
của thế giới bên ngoài để sáng tác. Tất nhiên là có rất nhiều tranh.Tạp chí.
Văn. Bách Khoa. Hợp Lưu. Nhiều kỷ vật của bạn bè. TCS. BùiGiáng. Bửu Chỉ. Kiệt
Tấn. Khi đi, chúng tôi mang hơn 60kg sách qua cho họa sĩ Đinh Cường. Nhìn
thấy đống sách, anh vô cùng xúc động.
Trên chuyến bay, phần lớn sách là các số Quán Văn được bỏ trong 3 vali..xách
tay. Ngăn chứa hành lý trên máy bay American Airlines nội địa nhỏ nên vất
vả lắm tôi và Elena mới bỏ 3 chiếc xách vào được. Chỉ có điều là khi đến sân
bay Washington Dulles, không thể nào kéo ra. Thấy tôi loay hoay nên một anh bạn
Mỹ cao lớn đến phụ. Cả hai cũng vật vã lắm mới kéo, lắc rồi lấy được. Đỡ xuống,
năng trịch. Anh bạn Mỹ hỏi các bạn mang gì mà nặng thế? Tôi đáp sách. Nhìn nét
mặt ngẩn ngơ của bạn, Elena nói thêm “Văn hóa nặng lắm bạn ơi!”
Buổi sáng gặp nhau, họa sĩ Đinh Cường khen chiếc foulard màu vàng cam quấn
quanh cổ áo Elena rất phù hợp với màu tóc. Bất ngờ là ngay tối hôm đó, anh phát
họa chân dung Elena rồi copy và post lên blog Phạm Cao Hoàng cùng với một bài
thơ mừng gặp lại những người bạn từ xa đến thăm (*).
Trong Phòng Tranh của
Hs Đinh Cường (21/10/2015)
Thời gian gần đây, có lẽ do chứng mất ngủ của tuổi già, khoảng 2, 3 giờ sáng
anh thức giấc và ngồi dậy làm việc. Vẽ. Làm Thơ. Suy Nghĩ. Thương nhớ bạn
bè, kẻ ở xa, người đã mất.
Những bài thơ của anh giống như một nhật ký, ghi chép những cảm nhận trong
ngày. Nó có thể là thơ, hay những câu văn ngắn, ý tưởng lạ, sâu sắc nên có nhiều
người thích.
Khác với những nhà văn, nhà thơ lớn tuổi khác thường viết về quá khứ, về hoài
niệm, anh Đinh Cường, có lẽ do ảnh hưởng thiền môn Phật Giáo, thích nói về hiện
tại, sống hết mình với giây phút quan trọng nhất của đời sống, với một sự
nhạy cảm, nhân hậu và một tâm hồn nghệ sĩ.
Trong một thời gian chỉ mươi ngày nhưng anh Nguyễn Minh Nữu đã tranh thủ
đưa chúng tôi đi thăm rất nhiều nơi: những 7 tiểu bang ở miền Đông. Một ngày chủ
nhật, vợ chồng Nguyễn Minh Nữu - Kim Mai.. thay phiên nhau lái xe đưa chúng tôi
đi thăm New York. Đi từ sáng sớm đến nửa đêm. Mệt. Thân tình. Vui. Trên đường
đi chúng tôi có ghé lại New Jersey để thăm nhà văn Trần Hoài Thư và ghé lại bệnh
viện thăm chị Yến, vợ anh, bị bệnh.
Và sự kiện quan trọng nhất trong thời gian này là buổi gặp mặt thân tình ở
phòng tranh họa sĩ nhà văn Trương Vũ. Anh em văn nghệ từ các tiểu bang xa kéo đến.
Phòng tranh rộng như một bảo tàng nghệ thuật. trên vách rất nhiều tranh, chân
dung.. tạo nên một không gian thật ấm áp và rất…văn nghệ. Chính vì buổi họp mặt
đông đủ này nên Quán Văn số 34 mới có chủ đề Bên dòng Potomac.
Buổi hội ngộ văn nghệ sĩ tại nhà
Nhà Văn/ Họa Sĩ Trương Vũ 24/10/2015
Sau lần gặp đông đảo anh em
văn nghệ này nhà thơ Nguyễn Minh Nữu đã ghi lại trong một bài thơ “Tan mùa Lễ Hội”
đầy cảm xúc (**).
…Nhớ hoài buổi tụ
hội lớn nhất ở nhà Trương Vũ
Hôm đó giữa căn phòng lớn là
nơi sáng tác tranh của Trương Vũ
Những tác phẩm hội họa tạo
ra cảm giác được bước vào cái không gian kỳ lạ
cái không gian của sắc màu
trang trọng và rất mực gần gũi thân tình
Đến từ Việt Nam thì có
Nguyên Minh, Đoàn văn Khánh,
Trương văn Dân, Elena Trương
và Thân Trọng Minh
từ Massachusetts có
anh chị Trần Doãn Nho
đến từ California có
anh chị Lữ Quỳnh
đến từ Maryland có Phùng
Nguyễn
ngay tại Virginia thì anh chị
Trương Vũ, Đinh Cường
Đinh từ Bich Thúy, Phạm Cao
Hoàng - Cúc Hoa
Phạm Nhuận, Nguyễn Quang,
Nguyễn Thị Thanh Bình, Bạch Mai
Nguyễn Tường Giang, Nguyễn
Đinh Vinh, vợ chồng Nguyễn Minh Nữu
và cháu Thiên Kim, con gái lớn
của Pham Cao Hoàng một thiên tài về ẩm thực…
Ôi cái tình văn chương của
những người quen hay chưa quen mà mến nhau qua trang viết, đã bỏ bao thời gian,
trải bao dặm đường để đến tìm nhau. Trong xúc cảm đó tôi nhớ một câu nói
của chị Ngô Thị Mỹ Lệ, một độc giả thân thiết phát biểu trong buổi
ra mắt Quán Văn: “Em phải công nhận một điều là mình càng già càng "nông nổi".Cứ
thấy chỗ nào có mặt các anh chị mình là em thấy chỗ đó đẹp ghê luôn”. Một câu
nói chân tình đến nỗi để lại một dư âm trong lòng những ai cầm bút. Chị Hạnh vợ
anh Đặng Châu Long sau đó còn “phán” thêm một câu, xanh rờn: “Mấy ông ai
chẳng vậy, gặp nhau là như mèo thấy…mỡ”
Mà văn chương và nghệ
thuật không phải là lời THÚ TỘI rằng thế giới này bất toàn, nhỏ bé và cuộc đời
này còn thiếu quá nhiều thứ để tâm hồn có thể bay bổng hay sao?
Được gặp và quen biết
các anh Trương Vũ, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Đình Vinh.. tôi rất muốn có dịp
nói chuyện và học hỏi nhiều điều từ họ… rất tiếc là không có nhiều thời
gian.
3- Bên dòng Potomac:
Sau chuyến đi, chủ bút Nguyên Minh bảo: Quán Văn số tới (034) mình nên chọn chủ
đề bên dòng Potomac. Khi biết chủ đề này, anh Nguyễn Minh Nữu đã đưa
Nguyên Minh và vợ chồng tôi chạy cả buổi chiều, đến tận thượng nguồn, nơi giáp
giới ba tiểu bang để chụp mấy tấm hình in sách.
Con sông này dài khoảng 665
km, có khúc tạo thành ranh giới giữa West Virginia, Maryland và cũng chia
Virginia ra khỏi Maryland và Đặc khu Columbia . Các tàu lớn có thể đi trong
sông Potomac đến Washington D.C. và các địa điểm lịch sử khác nằm hai bên
bờ.
Viết về dòng Potomac, không thể không nhắc đến một nhân vật nổi tiếng thời còn
chiến tranh Việt Nam.Một con người đáng để lịch sử và chúng ta ghi nhớ...
Anh tên là Norman
Morrison, một người đàn ông Mỹ đã tự thiêu trước Lầu Năm Góc (Bộ Quốc Phòng Mỹ)
để phản đối chiến tranh Việt Nam vào ngày 2-11-1965.
Sự kiện này, nhân chuyến đi
hội thảo về Alan Edgar Poe ở Mỹ (2009) đã được một bạn văn của QV, TS
Hoàng Kim Oanh cảm xúc trong bài thơ (***):
Một người Mỹ đem cái chết bất
tử của mình
Tặng người dân Việt Nam
chúng tôi niềm hy vọng về những ngày thôi tan tác, bom đạn bão bùng
Tặng đồng bào tôi sự sống giữa
mịt mùng cái chết
Chân lý ngập ngụa mùi bùn lợi
danh bất chấp
Lương tri im ngủ nắng rám
mùi dâu trên cây vương trượng…
Trong chuyến đi này, tôi và Elena có
đên thăm bức tượng của mục sư Martin Luther King Jr. Ông là một nhà đấu tranh
công lý chính trị người Mỹ da đen nổi tiếng nhất. Bài diễn văn của ông “Tôi
có một giấc mơ” (I Have a Dream), tuyên bố sự công bằng không chỉ riêng
cho người Mỹ da đen mà cho cả nhân loại. Ông nhận giải Nobel hòa bình (1964)
nhưng sau đó bị ám sát tại Memphis (1968).
Chỉ xin nhắc lại ở
đây vài câu nói nổi tiếng của ông: “Tôi đã chọn tình yêu. Hận thù là một gánh nặng
quá lớn.” Hay “Đừng quên rằng những gì Hitler đã làm ở Đức Quốc đều hợp
pháp.”
Và “Tự do không bao giờ được
ban phát từ những kẻ cai trị, nó phải được đòi hỏi bởi những người bị cai trị”;
“Sẽ có một ngày nào đó một cá nhân phải đứng về một phía, không nhất thiết là
an toàn, cũng không phải là chính trị, hoặc phổ biến, mà anh ta phải đứng về
phía đó vì lương tâm anh ta cho rằng đó là điều đúng.”
Sau khi thăm khu tưởng niệm
Luther King, chúng tôi cũng có ghé đến thăm tượng đài cựu chiến binh Việt
Nam và nghĩa trang Arlington nổi tiếng.
Tượng đài này được khánh
thành vào năm 1982 là một bức tường đá cẩm thạch đen cắm sâu vào lòng đất, tạo
thành một chữ V (có lẽ ngụ ý từ chữ Vietnam. Một cánh của chữ V chỉ về phía tượng
đài Washington, cánh kia hướng về tượng đài Lincohn. Tổng chiều dài bức tường
đá này là 76 mét.
Bức tường này đã trở thành một
trong những nơi được thăm viếng nhiều nhất ở thủ đô Washington, như một minh chứng
về nỗi đau và sai lầm của nước Mỹ. Hầu như bất kỳ lúc nào ta cũng thấy nhiều
người đứng cạnh bức tường đá khổng lồ này. Họ trầm tư nhìn lên bức tường, tìm
dòng chữ ghi tên người thân hoặc bạn bè mình đã tử trận trong cuộc chiến.
Nghĩa trang Arlington
Nghĩa trang Arlington
Nghĩa trang Quốc gia
Arlington nằm trên khu đồi có nhiều cây xanh và cỏ bao phủ rất rộng lớn, nằm gần
bờ dòng sông Potomac phân chia Washington và tiểu bang Virginia và chỉ cách
trung tâm thủ đô chừng hơn mười lăm phút xe hơi.
Chúng tôi tới nghĩa trang
vào giữa mùa thu, hầu hết lá trên cành đang khoe sắc, từ màu vàng đến đỏ, tím.
Nhìn quanh đâu cũng thấy bạt ngàn những bia đá cẩm thạch màu trắng giản dị, cắm
thành hàng rất đều trên mặt đất bằng phẳng. Tất cả các ngôi mộ đều giống nhau về
kích thước, kiểu dáng và cách trang trí. Arlington còn là nơi chôn cất các nhân
vật nổi tiếng của nước Mỹ, như các nhà chính trị, các bộ trưởng, các thành viên
tòa án tối cao liên bang, các vận động viên thể thao xuất sắc và một số minh
tinh màn bạc.
Khác với nghĩa trang Père-Lachaise (Cimetière
du Père-Lachaise) nổi tiếng nhất thế giới và lớn nhất ở của thành phố Paris có
rất nhiều các ngôi mộ quý tộc và danh nhân. Nếu khi sống người ta ăn mặc nhiều
kiểu cọ thì lúc chết cũng có những ngôi mộ không giống nhau. Đủ hình. Đủ kiểu.
Những pho tượng tiếc thương. Cầu nguyện. Người quỳ gối, kẻ ngửa mặt nhìn trời.
Mộ đơn độc. Mộ gia đình. Những nhà nguyện. Pere-Lachaise là một bảo tàng về nghệ
thuật và một trong những địa điểm thu hút khá nhiều khách du lịch tại
Paris. Hằng năm hàng trăm ngàn lượt người đã đến đây để thăm viếng những ngôi mộ
có từ 200 năm qua và mộ các danh nhân.
Arlington thì cũng nổi tiếng
nhưng vì một lý do trái ngược. Ở đây, khi chết mọi người đều bình đẳng trước
Chúa, phương châm đó bắt nguồn từ Kinh Thánh. Nơi đây, mộ của đại tướng John
Pershing lừng danh thời đệ nhất thế chiến hoặc của nguyên soái George Marshall
thời thế chiến lần thứ hai cũng y hệt như mộ của hàng vạn binh nhất, binh nhì
dưới quyền chỉ huy của họ. Vẫn chừng ấy diện tích đất, cùng một dãy với nhau,
và vẫn chiếc bia mộ đá màu trắng giản dị. Khác chăng chỉ dòng chữ khắc trên
bia. Nơi đây yên nghỉ trong danh dự và vinh quang người lính Mỹ và chỉ một mình
Chúa biết là ai.
Kể lại vài sự kiện nhỏ trong
chuyến thăm viếng nhưng trong bài này người viết muốn tìm hiểu do đâu mà (trước
đây) nước Mỹ được xem là thiên đường và hiện nay đó là một thiên đường có súng
và két sắt giữ tiền.
Câu trả lời có thể nằm trong những con người vĩ đại và lý tưởng lớn giành
lấy tự do và dân chủ từ thời lập quốc. Phần lớn đều có tầm nhìn xa và tấm lòng
nhân ái. Chính họ mới là những người đã làm nên một Nước Mỹ Vĩ đại… …
Sự kiện gần đây nhất là McCain, phi công ném bom miền Bắc, bị dân Hà nội bắn rớt,
ngồi tù hỏa lò 6 năm; 1973 được thả về, phấn đấu trở thành nghị sĩ Mỹ và tranh
cử tổng thống với Obama. Ông là người có tầm nhìn rộng, biết biến hận thù
thành tình bạn, và đã không mệt mỏi giúp hàn gắn mối quan hệ Việt-Mỹ.
Nhưng hai nhân vật gắn liền với chiến tranh trong thế kỷ 19 và 20 mới là những
con người kiệt xuất.
Thắng vinh quang mà bại
cũng anh hùng
Từ Vị tướng thắng vinh
quang…
Douglas MacArthur là vị tướng tài ba của nước Mỹ vào thời Thế chiến Thứ
hai. Nhưng thành công sáng chói nhất của ông là chỉ trong vài năm mà đã tạo ra
nền tảng tự do và dân chủ cho một nước Nhật bại trận hồi sinh từ những hoang
tàn đổ nát. Ngày ông rời Nhật Bản, hàng trăm ngàn người xếp hàng dài hàng chục
cây số để tiễn đưa. Họ kêu to "Sayonara, Sayonara," hay giơ cao biểu
ngữ ghi "Chúng tôi thương mến và cảm ơn ông."
Sau hai quả bom nguyên tử thả xuống hai thành phố
Hiroshima và Nagasaki, Nhật hoàng Hirohito kêu gọi nhân dân Nhật hãy can đảm chấp
nhận đầu hàng vô điều kiện.
Khi ông đến Tokyo để tiếp quản,
bộ tham mưu thúc ông triệu Nhật Hoàng đến tổng hành dinh để biểu lộ quyền uy
nhưng ông bỏ qua những lời đề nghị của họ. "Làm như thế là xúc phạm đến
tình cảm của nhân dân Nhật và biến Nhật Hoàng thành người tuẫn đạo”và ông bình
tĩnh và kiên nhẫn chờ Nhật Hoàng sẽ tự đến gặp mình.
Quả nhiên chẳng bao lâu Nhật
Hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Ông dành cho Nhật hoàng tất cả những danh dự thích
hợp với bậc quân vương và tiếp đón chân tình. Khi ông châm thuốc lá cho Nhật
hoàng, ông nhận thấy hai tay ông này run nên tin rằng Nhật hoàng sẽ kể ra những
lý do để khẩn cầu đừng truy tố ông như một tội phạm chiến tranh.
Trước đấy nhiều đồng minh, đặc
biệt Nga và Anh, đã đòi đặt tên của Nhật Hoàng đứng đầu danh sách tội phạm ấy.
Thế nhưng MacArthur cực lực chống đối. Khi Washington sắp nghiêng về quan điểm
của người Anh, ông đề nghị là sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa.
Lý do: Dân Nhật vẫn còn sùng bái Hoàng Đế của họ. Nếu Nhật Hoàng bị buộc tội
và bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập
trên toàn cõi Nhật Bản, và chiến tranh du kích chắc chắn lẽ sẽ bùng phát. Nhờ
vậy tên của Nhật Hoàng bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh.
Nhưng những lo nghĩ của ông
không có căn cứ. Nhật Hoàng đã không van xin mà còn nói: "Thưa Tướng Quân
MacArthur, là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và
quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi khi tiến hành chiến tranh, tôi đến
đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện." Lòng
MacArthur chợt dâng trào cảm xúc phi thường. Sự can đảm gánh vác trách nhiệm
này đồng nghĩa với cái chết, khiến ông xúc động đến tận cõi lòng. Ông biết là
trong khoảnh khắc lịch sử ấy mình đang đối diện với một Đệ Nhất Quân Tử Nhật Bản.
Và thế là MacArthur nhẹ nhàng nói “Tôi mời Ngài hôm nay đến đây để giúp tôi và
cùng hợp tác với tôi tái kiến thiết lại một nước Nhật đang hoang tàn.”
Cách hành xử này minh chứng rằng MacArthur, ngoài bộ áo quân nhân, còn là một
chính trị gia cực kỳ khôn ngoan và có tầm nhìn.
Sau đó MacArthur còn
nghiêm cấm quân Mỹ không được phép ăn thực phẩm của Nhật vì dân Nhật đang đói.
Ngược lại, chương trình cứu trợ Nhật với thực phẩm Mỹ đã giúp Nhật tránh được nạn
đói mùa đông 1945 vì đất đai khắp nơi vẫn còn bị tàn phá. Sau 3 năm, tất cả
quân Mỹ đều rút về căn cứ ở Okinawa. Ngoài việc dùng quyền lực Mỹ như một lá chắn
bảo vệ nước Nhật khỏi những đe doạ nguyên tử từ Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Hàn,
McArthur còn “lobby” quốc hội Mỹ viện trợ tái thiết Nhật liên tục qua nhiều
chương trình kinh tế và xã hội. Sau 40 năm, nước Nhật phát triển ngoạn mục và
vào thập niên 80’ được coi như con rồng Châu Á.
Nước Mỹ rộng mênh
mông. Từ thảo nguyên rộng lớn đến những vùng sa mạc hoang vu. Có lẽ
đó là lý do mà Người Mỹ có tầm nhìn xa, cởi mở và rộng lượng khi họ thắng
trận chăng? Đọc lịch sử Mỹ, chúng ta thấy từ Washington, Lincoln đến MacArthur,
Eisenhower, các lãnh tụ luôn luôn muốn làm “quân tử” và giúp kẻ bại trận phục hồi.
Không hề có chuyện trả thù, nợ máu hoặc bị tru di tam tộc!
Những chính khách Mỹ
đã nghĩ nghĩ sâu xa với tầm nhìn rộng lớn như miền đất sinh ra họ? và
Grand Cayon với những dãy núi đa sắc mầu hùng vĩ đã giúp con người nơi đây có tầm
nhìn vượt qua thời gian và không gian?
… Đến vị tướng bại cũng anh hùng
Ở nghĩa trang
Arlington, ngay cả mộ của vợ chồng tổng thống Kennedy cũng thế, có điều chúng
được bố trí ở một chỗ riêng, trên đỉnh đồi, dưới chân Nhà tưởng niệm danh tướng Robert
Lee.
Nói đến tướng Robert Lee
không thể không nhắc qua về cuộc nội chiến Nam Bắc, bắt đầu năm 1861. Khi
Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và muốn xóa bỏ thể chế nô lệ. Trước
ngày ông nhậm chức, bảy tiểu bang miền Nam, sống về canh nông, phản đối
và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson
Davis làm tổng thống. Chính quyền Abraham Lincoln không công nhận. Khi quân miền
Nam tấn công đồn Sumter, nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ và thêm 4 tiểu bang khác gia
nhập phe miền Nam.
Cuộc phân tranh kéo dài 4
năm, tổn thất gần 1 triệu nhân mạng và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm
1865. Trận chiến lớn nhất xẩy ra ở Gettysburg, sau ba ngày chiến đấu, quân hai
bên đã thiệt mạng lên tới gần 50.000 chiến binh.
Chỉ huy quân Miền Nam là Tướng
Robert Lee ra đầu hàng tại Richmond, thủ phủ tiểu bang Virginia, và
được quân sử Hoa Kỳ ca ngợi như một nhân vật Anh Hùng. Ngày nay, ở bất cứ thành
phố nào của Hoa Kỳ, cũng có ít nhất một con đường chính mang tên vị tướng này.
Ông Robert Lee nguyên là tướng
lãnh của quân đội liên bang Hoa Kỳ nhưng gốc người miền Nam. Ông đã từng là chỉ
huy trưởng trường West Point. Khi chiến tranh Nam Bắc xảy ra, Tướng Lee được đề
nghị chỉ huy quân miền Bắc nhưng ông xin từ nhiệm để về đầu quân miền Nam tại
Richmond, tiểu bang Virginia. Ông nói là không thể quay lưng với nơi ông đã
sinh ra và trưởng thành.
Trong chiến tranh, ông lập
được nhiều chiến công và là vị tư lệnh sau cùng của miền Nam nhưng sau khi thủ
đô Richmond của miền Nam bị thất thủ, ông đã quyết định đầu hàng.
Cuộc chiến tranh tương tàn đẫm
máu làm tổn hại hàng triệu sinh linh Hoa Kỳ, tan nát các đô thị miền Ðông và
vùng Virginia. Tất cả đã thể hiện trong tác phẩm và cuốn phim bất hủ Cuốn
Theo Chiều Gió mà phần lớn chúng ta đều đã đọc cũng như coi nhiều lần suốt
thời niên thiếu.
Bài học từ câu chuyện đầu
hàng. Chấm dứt chiến tranh.
Câu chuyện về vị tướng phe bại
trận miền Nam Robert Lee được viết ra và hình ảnh của ông lại được chiêm
ngưỡng nhiều hơn cả phe thắng trận.
Khi thủ đô miền Nam là
Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm
quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để
giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Ông viết thư
riêng cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Ông Grant, vị tư lệnh miền Bắc
ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ
hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam.Trưa ngày 9 tháng 4-1865, Tướng
Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn. Hình ảnh
ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.
Cả hai vị tư lệnh đã từng biết
nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ.
Theo quy luật chiến tranh thời
đó thì quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng và được tự
do trở về quê cũ. Tướng Lee đồng ý, nhưng đòi hỏi một điều là cho binh sĩ của
ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi
chiến đấu chứ không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc.
Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ
không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền
Nam đem lừa ngựa về nhà.
Sau này khi viết về văn bản
đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The
Gentlemen’s Agreement).
Là bại tướng nhưng trên các
bảo tàng viện, đặc biệt ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee
hiên ngang trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người
Mỹ anh hùng dù thua vẫn không bị khuất phục. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng
khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay miền Bắc cũng vẫn là một
người Mỹ bị sỉ nhục. Và tôi cho rằng đây chính là điều đáng yêu nhất của
nước Mỹ. Lịch sử không ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào. Dù trên
thực tế dư vị cay đắng giữa Nam Bắc vẫn còn nhiều.
Dễ gì mà trút bỏ hận thù
ngay sau khi hai bên chết cả gần một triệu người mà một số lớn đã giết nhau khi
giáp mặt bằng gươm dao? Hai phe cùng đốt nhà của nhau và cùng tàn phá đô thị,
nông trại, đôi khi có cả những hành động dã man như hãm hiếp phụ nữ và tàn sát
trẻ em. Cuộc chiến nào mà không có những lần quá khích? Nhưng thời gian rồi
cũng xoa mờ những vết thương đau đớn ấy. Và Bảo tàng viện “Ðầu hàng” và nghĩa
trang phe thua trận Arlington thường dạy chúng ta bài học làm người văn
minh.
Rồi vết thương nào cũng phải
được hàn gắn. Nước Mỹ đã có những bước ngoạn mục đầy màu sắc văn minh ngay từ
khi chiến tranh chấm dứt để chấp nhận và tôn trọng người bại trận như những anh
hùng.
Ngay sau khi chiến tranh chấm
dứt, hoàn toàn không có tù binh, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.
Bây giờ hình tượng của tướng
Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High
Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận
như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học về
người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu
chiến.
Khi
chúng tôi trao đổi với nhau về sự kiện lịch sử đáng trân trọng này, anh
Nguyễn Minh Nữu ngậm ngùi ngâm hai câu thơ trong bài hát về nghĩa trang
Arlington của ( Nguyển Đức Quang)
Đã bảo vết thương
không nhắc nữa
Mà sao thấy sẹo cứ bâng khuâng!
Nước mắt tôi và Nguyên
Minh ươn ướt. Nhìn người lại ngẫm đến ta, không những bâng khuâng mà còn xót
xa, trăn trở.
Mong lịch sử quay lại là một
điều không tưởng. Nhưng bọn viết lách là những người mơ mộng. Biết
yêu cái đẹp và thích điều thiện. Tôn trọng tính nhân văn. Đọc lịch sử,
trông người rồi ngẫm nghĩ… cảm xúc trong lòng trào dâng khó tả. Một nỗi
nghẹn ngào, cay đắng.
Ôi, hãy khóc lên hỡi
quê hương yêu dấu!
4- Những chiếc lá..hốt
hoảng tìm nhau
Khi chúng tôi rời Virginia để về lại San Jose, miền Tây nắng ấm nên nhiều chiếc
lá rụng đã khô. Có những trận gió lốc làm lá bay lơ lửng trong không khí. Rồi
những chiếc lá rơi. Gió thổi xào xạc bên đường làm tôi chợt nghĩ là chúng đang
hốt hoảng chạy đi tìm nhau, cùng trở về cành, những người con yêu văn chương,
nghệ thuật. Để, dù xa quê, mà lòng còn ấm áp bên nhau.
…chúng ta chỉ còn nhau thôi
còn nhau trong nghĩa tình yêu chữ này (****)
còn nhau trong nghĩa tình yêu chữ này (****)
đó là chất liệu gắn kết
chúng tôi. Dù ở cách xa nhau nửa vòng trái đất.
Cả đoàn chúng tôi không
thích đời sống buồn buồn ở Mỹ thế nhưng lúc ra sân bay San Francisco để về lại
Sài Gòn mắt người nào cũng ươn ướt. Có lẽ không phải vì rời xa đất nước này, mà
là bạn tình bạn sâu sắc, chia sẻ cảm xúc và tâm hồn.
Thương lắm những người bạn
chưa gặp mà quen, mới quen mà nhớ! Mấy ngày trước, anh Đinh Cường đã buồn lắm
khi nghĩ đến ngày chia tay. Đây là hai câu thơ của anh viết giữa khuya hôm đó:
…mai kia mốt nọ đi thôi
bạn về xứ bạn tôi còn bóng tôi… (****)
bạn về xứ bạn tôi còn bóng tôi… (****)
Vâng, anh Đinh Cường ơi, những
kẻ mơ mộng thường rất sợ bơ vơ và lạc lõng giữa cõi đời!
(*)http://phamcaohoang.blogspot.com/
(**)http://phamcaohoang.blogspot.com/
(***)http://xunauvn.org/
(***)https://tranthinguyetmai.wordpress.com/
Trương Văn Dân
Sài Gòn, 21-11-2015
Nguồn: Tập san vhnt Quán
Văn số 34,
bên dòng Potomac,11- 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét