Thành Thăng Long xưa, nổi tiếng với những lễ hội xuân như: Hội
pháo Đồng Kỵ ở ngoại vi Hà Nội, trong nội đô có hội gò Đống Đa. Ngày mồng sáu
tháng Giêng thì có tới ba lễ hội lớn cùng diễn ra một ngày và cùng có ý nghĩa
tưởng niệm lịch sử lớn lao: Hội đền Hạ ở Mê Linh, nơi thờ Hai Bà Trưng và Thi
Sách, Hội đền Sóc ở Sóc Sơn, nơi ông Gióng trở thành Phù Đổng Thiên Vương, Hội
đền Cổ Loa, nơi thờ Thục Phán và Mỵ Châu.
Người ta nhận ra Thu nhờ “hơi gió heo may” cũng như người ta
nhận ra Xuân nhờ “ngọn gió Đông” ấm áp còn ba trăm ngày mỗi năm là những cơn
gió mùa, Nồm, Bắc, Hè, Đông, từ những nẻo xa xôi Nam Bắc đến ngự trị. Xuân Diệu
rất tinh ý khi nhận xét rằng thơ hè Việt Nam rất hay từ thời Hồng Đức (thế kỷ
15) còn thu Việt Nam thì phải chờ đến cụ Tam Nguyên Yên Đổ thì mới đạt mức cực
thịnh, cực tả. Cho hay nhà thơ cũng bị ràng buộc bởi hệ sinh thái tự nhiên.
Khai mạc Lễ hội Gò Đống Đa
Đây là mùa xuân của đất trời và nhà khí tượng học khăng khăng
cho rằng cái Tết ta “không phải là một sự kiện đầu năm mà xảy đến giữa mùa đông
lạnh”. Thì cũng đúng thôi!
Nhưng nếu văn hóa là cái tự nhiên được thích nghi và biến đổi
với con người thì, đã từ lâu, nhân dân ta còn có mùa xuân khác, ta cứ gọi là
Xuân văn hóa – được mở đầu bằng lễ Tết, gọi nôm na là Tết cả (vì còn nhiều Tết
con, Tết nhỏ trong năm, như Tết Đoan Ngọ tháng năm, Tết Cơm tháng mười…) còn gọi
theo chữ nghĩa là Tết Nguyên Đán – buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên, tháng đầu
tiên của năm mới. Thế cho nên các loại lịch là các loại thước đo thời gian văn
hóa tuy cũng có căn cứ vào tự nhiên nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tự
nhiên. Lịch gắn với văn minh, văn hóa.
Tết và các lễ hội dân gian Xuân Thu hai mùa vốn nảy sinh từ nền
văn minh nông nghiệp, văn hóa xóm làng do những người trồng lúa dựng xây nền tảng.
Là hai mùa nông nhàn hay đúng hơn: tương đối nông nhàn – do đó xuân thu là hai
mùa lễ hội. Lễ hội dân gian, đa dạng trong sắc thái biểu hiện, trong đối tượng
thờ cúng, trong nghi thức lễ tiết, trong không gian văn hóa miếu - đền – đình –
chùa – nghè – phủ, trong diễn xướng ca múa nhạc – thể thao và các “trò” vui
khác, trong thời gian văn hóa Giêng, Hai, Bảy, Tám…
Múa rồng ở Lễ hội Gò Đống Đa
Nhưng lễ hội mùa xuân, dù là một nhưng vẫn có hai khía cạnh:
Lễ là phần nghi thức, phần dễ bị những tôn giáo chủ đạo chi phối, như lễ đạo ở
đền miếu, lễ phật ở chùa tháp, lễ nho ở đình làng, còn hai là phần hội hè, đình
đám, phần tụ họp để thỏa mãn nhu cầu cộng cảm của dân gian và vì vậy “chất dân
dã” thế tục vượt trội hơn nhiều và thường “tràn bờ” khi những lễ nghi
khuôn sáo mà giáo lý và nhà nước quân chủ ngày xưa thường cố ép buộc vào. Nội
dung cơ bản của hội hè là tụ họp trai gái, hát đối đáp, ví von, đánh đu, hất
phết, tung gòn, đấu vật, đua thuyền… có sự thăng hoa về tâm linh, sự buông xả về
tình cảm, sự thư giãn về tinh thần, sự phô diễn về thể xác.
Ở lễ hội dân gian nào khi trước cũng đang xen cái Huyền và
cái Thực, cái Chính thống và cái Dân gian, cái Gò bó của Lễ và cái Buông xả của
hội hè… Mùa xuân là mùa hòa hợp: xuân cách mạng hòa điều với xuân truyền thống,
văn hóa hiện đại hòa hợp với văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian.
Bạn sẽ thấy mùa xuân năm nay và mãi mãi những mùa xuân sau, từ
nội đô Đống Đa đến ngoại thành hội Gióng cuối xuân là một chuỗi sinh hoạt lễ hội
dân gian xuân văn hóa, mãi mãi tươi vui theo tinh thần nhà nước và nhân dân
cùng làm, cơ sở và thành phố với trung ương cùng làm. "Sẽ mất dần đi cái
mê tín, dị đoan/ Sẽ mất dần đi những nơi ăn chơi tiêu xài tốn kém" Nhưng
còn mãi mãi cái tinh thần hòa hợp cộng đống, cái lành mạnh tươi vui – bổ ích của
tinh thần cộng sản, đó là hương hoa của lễ hội mùa xuân.
Trần Quốc Vượng
Xuân ở một phường xưa của thành Thăng Long
Chợ Hòe Nhai và phố Ngọc Hà, hai điểm dân cư đông đúc ở hai đầu
Đông và Tây hoàng thành Thăng Long. Ngọc Hà thì sát kề cửa Tây, nơi có nhiều phủ
đệ các ông hoàng bà chúa, lại có chợ Hoàng Hoa từng được sử sách ghi tên. Còn
Hòe Nhai là dặm đường hai bên vệ rặt một loại cây hòe, dẫn từ bến Đông Bộ vào Bắc
hoàng thành.
Ông Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1508) Nguyễn Giản Thanh trong
bài phú Phụng thành xuân sắc, một áng văn ca ngợi sắc xuân của thành Phụng
– Thăng Long thế kỷ 16 có một đoạn như sau:
Hòe Nhai là Đường Hòe vậy. Thời Trần, khi kinh thành Thăng
Long chia làm 61 phường thì Đường Hòe thuộc phường Nhai Tuân (còn đọc là Giai
Tuân). Năm 1274 khi những đoàn người nước Tống bên Tàu chạy loạn Nguyên Mông
sang ta xin vua Trần cưu mang thì phường này chính là nơi họ được phép cư ngụ
làm ăn sinh sống.
Sang đời Lê Thánh Tông (nửa sau thế kỷ 15) các phường được gộp
lại chỉ còn 36 phường thì Nhai Tuân lại được đổi lại thành Đường Hòe. Cũng từ bấy
giờ khoa cử có quy củ thi Hương, thi Hội rồi mới thi Đình phân minh. Các ông
Hương cống về kinh đô dự hội thi, hôm tiến trường đều do Đường Hòe mà vào thành
nội. Cho nên một thời đã nảy sinh câu ngạn ngữ Hòe hoa hoàng, cử tử mang.
Tức là hễ hoa hòe ngả màu vàng (vào mùa thu đông thời cũng là mùa thi) là các Cống
sĩ thấy rộn lòng.
Xác máy bay rơi ở làng hoa Ngọc Hà
Đời Lê, phường Hòe Nhai vốn là đất danh thắng. Phía Đông Bắc
có sông Nhị bao bọc với bến Đông Bộ sầm uất. Phía Tây Nam giáp hoàng thành nhấp
nhô ba ngọn núi đất – Tam Sơn – cây mọc như rừng, khiến cho Hòe Nhai thành ra một
dải đất hữu tình có non xanh nước biếc, có trên chợ dưới thuyền, có phố phường
đô hội… Khi mùa xuân đến, nơi đây cũng rập dìu giai nhân tài tử. Các cô gái nón
thượng quai thao trẩy hội chùa Hồng Phúc. Các chàng trai tụ hội ở sân đình đá cầu,
đánh vật. Trên một đỉnh Tam Sơn có ngôi miếu Địa Linh, giấu mình dưới bóng cây
già. Quanh miếu vài đám hát ví, câu hát ví của Thăng Long xưa:
"Ở đây gần miếu xa chùa/ Không yêu anh lấy đạo bùa
cho yêu"
Cũng chính vì nét hữu tình ấy mà sang những thế kỷ sau, thế kỷ
17, 18, nơi đây thành một nơi giải trí của kinh thành Thăng Long với những tửu
điếm, trà đình. Bên các rặng hòe, rặng liễu loi thoi là những quán rộn ràng
sênh phách. Tao nhân, mặc khách lui tới xướng họa, vách phấn đề thơ. Ninh Tốn,
Thượng thư bộ Binh triều Tây Sơn, đồng thời là một thi sĩ tài hoa đã dành hẳn một
bài thơ cho đất Hòe Nhai vào xuân thủa ấy, bài Hòe Nhai:
Cả một mùa xuân biểu hiện lên qua cỏ cây, thanh sắc con người.
Liễu hoa đều tươi như mặt người. Người nõn nà rào ứ vẻ xuân. Giọng ca nhịp
phách rộn long. Và các chàng vương tôn nghìn vàng đổ một trận cười. Đúng là một
phường Hòe Nhai của kinh đô vào thời kỳ kinh tế thương nghiệp khởi sắc với lối
sống thị dân, tài tử nói theo cách của thi hào Nguyễn Du “Ý khí hào hoa vượt mọi
bậc công hầu”.
Sang đầu đời Nguyễn, đầu thế kỷ 19, lại một phen đổi tên phường
thôn. Hòe Nhai thành ra là Giai Cảnh. Phường Hòe Nhai – Giai Cảnh ấy so với phố
xá hiện nay thì tương ứng với địa bàn các phố Hòe Nhai, Hàng Than, Nguyễn Trường
Tộ… Đình của phường ấy nay vẫn còn ở phố Hàng Than mang biển số nhà 54. Trong
đình hiện nay có 9 tấm bia, một tấm bia khắc bài văn do danh sĩ Cao Bá Quát soạn
năm Tân Sửu 1841, có đoạn nói chính xác rằng phường Giai Cảnh vốn có tên cũ là
Hòe Nhai.
Nguyễn Vinh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét