Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Nét duyên thiếu nữ Hà Thành xưa

Nét duyên thiếu nữ Hà Thành xưa
Con gái Hà Nội xưa vẫn được tiếng kín đáo, nết na, đảm đang, khéo léo. Giọng nói của cô gái Hà Nội luôn nhẹ nhàng, ý nhị, lịch sự, tươi tắn, phát âm chuẩn. Đặc biệt, họ không nói trống không, nói tục hay cười hô hố hoặc gọi nhau í ới ngoài đường. Bước đi của cô gái Hà Nội lúc nào cũng khoan thai, uyển chuyển, nhấc cao chân để không phát ra tiếng động nơi công sở; không gõ guốc cồm cộp hay kéo lê đôi dép quèn quẹt.
Cách ngồi của cô gái Hà Nội rất ý tứ. Họ chỉ ngồi một góc, khép chân, thẳng lưng, không gác chân co lên ghế, không rung đùi, ngúng nguẩy chân tay. Họ không bao giờ ngồi xổm trên vỉa hè, dạng chân đến hơn 120 độ. Khi đi xe đạp, họ luôn khép chân, đầu gối gần xát vào khung xe, đầu ngón chân đặt trên bàn đạp, không khuỳnh tay, dạng chân, không phóng nhanh. Khi ngồi đằng sau thì không ôm choàng người đèo, không đặt tay lên đùi hay sờ bụng người đằng trước, vì thế là không đứng đắn.
Khi ăn, phụ nữ Hà Nội không vục mặt xuống ăn mà ngồi thẳng thắn đàng hoàng, không xoe chân, không liếc ngang liếc dọc. Một cô gái Hà Nôi có giáo dục không nhồm nhoàm nhai thức ăn, không đưa bát lên miệng húp xoàm xoạp, không tóp tép, xì xụp hay làm thức ăn rơi vãi, bắn ra ngoài và không nói cười hô hố trong khi ăn.
Khi xới cơm, người chị cả trong gia đình thường xới bát cơm của người lớn tuổi trước rồi mới đến những thành viên khác. Cơm xới vừa miệng bát, không quá đầy, bát cơm đưa tới ông bà, cha mẹ bằng hai tay kèm theo lời mời khẽ. Khi chấm thức ăn, nhất thiết người con gái phải đưa dũa chấm nhẹ, không nhúng món chấm quá sâu vào bát nước chấm, rồi đưa bát ghé sát để tránh làm dây nước mắm ra mâm. Ăn xong kín đáo lấy khăn tay lau miệng chứ không dùng đũa dựng đứng quệt miệng.
Con gái Hà Nội xưa
Con gái Hà Nội không rót nước chảy tồ tồ ra chén mà nhẹ nhàng, từ tốn. Khi uống, không ừng ực, không “rít” liền một mạch. Uống xong không đặt cốc, chén đánh uỳnh xuống bàn. Lối ăn mặc của cô gái Hà Nội luôn nền nã, duyên dáng mà kín đáo, ngay ngắn và phù hợp với từng môi trường. Sang mà không loè loẹt, đẹp mà không lố lăng.
Tà áo dù chỉ là vải thường cũng phẳng phiu, gọn gẽ, kín đáo vào sạch. Cái thắt lưng mớ ba, mớ bảy, một thời kín đáo, gió bay cái này còn cái khác che kín phía dưới bụng. Cách trang điểm của người phụ nữ Hà Nội cũng rất nhẹ nhàng. Chỉ phớt một chút để duyên hơn, nồng hơn chứ không “trát” màu loè loẹt…Chừng ấy điều thôi cũng phần nào thấy rõ, con gái Hà Nội được giáo dục kỹ lưỡng đến mức nào. Từ cái nếp được cha mẹ uốn nắn trong gia đình, để rồi khi ra xã hội cũng vậy, vẫn là người con gái kín đáo, ý nhị, lịch thiệp, mềm mỏng và giàu lòng tự trọng…
Khoảng hơn 40 năm về trước, nhưng cô bé được sinh ra trên đất Hà Nội, được nuôi dưỡng trong những gia đình Hà Nội và trở thành những cô gái Hà Nội. Cô gái ấy là tiểu thư khuê các hay dung dị, bình thường; là kiêu sa hay mộc mạc, chất phác…còn tuỳ thuộc hoàn cảnh kinh tế và địa vị gia đình. Nhưng dù là ai thì các cô cũng đều cảm thấy tự hào về những điều rất đẹp, rất riêng của người Hà Nội nói chung và con gái Hà Nội nói riêng.
Nhung Huyền
Theo http://nguoihanoi.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...