Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Ngày xuân nói chuyện hoa

Ngày xuân nói chuyện hoa
Chỉ có một từ: Hoa, mà trên thế giới đã có đến hơn 250.000 loài. Mỗi loài hoa, sắc hoa, hương hoa đều mang một ý nghĩa riêng. Còn nghệ thuật, sở thích và niềm đam mê chơi hoa, thưởng thức hoa thì rất hiếm ai giống ai, bởi mỗi người có cảm nhận, quan niệm thẩm mỹ khác nhau.
Thuở xa xưa, ông cha ta đã dùng hoa để cúng thánh thần và tẩm liệm cho người chết, vì hoa là tinh túy của đất trời, tượng trưng cho sự thanh khiết mà con người muốn vươn tới để được đẹp như hoa. Hàng ngàn năm trước, người dân nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư...đã dùng hương hoa để chữa bệnh và mãi cho tới bây giờ, những phát hiện đó vẫn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sử dụng vào y học và mỹ phẩm dùng cho phái đẹp, hơn hẳn các loại hóa chất khác. Hoa tươi hiện diện thường nhật trên bàn Phật tổ, bàn thờ tiên linh vào dịp giỗ chạp, trong tất thảy các lễ hội, trong phòng khách, nhà hàng, khách sạn…
Hoa luôn là sứ giả của mùa xuân, của hòa bình và thân thiện, của tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Tạo hóa đã cho hoa một sức quyến rũ đến lay động lòng người, nhiều thi nhân, mặc khách si mê hoa, không thể sống thiếu hoa, không tiếc lời tụng ca vẻ đẹp của hoa. Đỗ Phủ từng nói: “Mỗi cánh hoa rơi cũng làm giảm đi vẻ đẹp của mùa xuân và muốn nâng niu từng đóa hoa xinh nhằm lưu mãi xuân thì”. Trong nghệ thuật, thì hội họa là nơi đặt tả hoa nhiều nhất, người họa sĩ khéo léo khai thác vẻ đẹp của hoa, nhất là hoa xuân để nâng giá trị thẩm mỹ của tác phẩm hội họa. Còn trong văn học, hiếm có nhà thơ nào không mượn một loài hoa để biểu cảm, chiếm phần lớn trong các bài thơ nhắc đến hoa. “Những nhành mai sớm sương bên lá/ Những nhánh liễu chiều gió bên cây…” (Bùi Giáng).
Người ta tặng hoa cho nhau là thể hiện tình cảm yêu quý, trân trọng cả ở tầm quốc gia trọng đại, đến sinh hoạt hội hè, giao tiếp bình thường của người dân. Hoa đã dành cho các chính khách, các đoàn ngoại giao tặng nhau; tặng người yêu nhân ngày lễ Tình yêu, ngày truyền thống của các ngành, các giới, mừng thọ, mừng sinh nhật, thăng quan tiến chức, hoa cài trên tóc, trên áo...tăng thêm sự trân trọng, gợi cảm và quý phái. Mỗi quốc gia, mỗi nền văn minh có một cách thưởng hoa, tặng hoa khác nhau, nhưng đều có chung một điểm giống nhau là lịch sự và tao nhã.
Trong dân gian, ai chẳng từng đọc hai câu ca dao: “Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”. Không chỉ có những nghệ nhân chơi hoa sành điệu biết thưởng hoa và kinh nghiệm chăm sóc những loài hoa xếp vào hàng quý hiếm ở phố thị, mà nhiều người trong chúng ta đã từng lớn lên ở làng quê, từng biết đến những loài hoa dân dã, gần gũi với tuổi học trò, gắn bó với cuộc sống bình dị của thôn trang. Mối quan hệ giữa hoa với người như có điều gì bí ẩn, ai cũng muốn ví mình với hoa, nhất là phái đẹp thích chọn những loài hoa quý để đặt tên cho mình, nào là Hồng Nhung, Cẩm Tú, Tuyết Mai, Kim Cúc, v.v…
Mỗi miền có loài hoa đặc trưng, nhưng hoa xuân vẫn là cành đào phương Bắc, chậu mai phương Nam. Cao Bá Quát mê hoa mai “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai” muốn nói cả đời chỉ bái phục hoa mai. Còn Tản Đà thì “Tin xuân đến ngọn cây đào/ Báo cho hoa biết ra chào đón xuân”, nhà thơ nhìn cành đào chớm nụ đã vui vẻ báo xuân về. Dịp Tết thì nhà ai củng có vài chậu hoa, tùy theo sở thích và khả năng mỗi người mà chọn hoa, có người mua chậu mai cả trăm triệu đặt giữa phòng khách, trên bàn trưng bình lay dơn, ngoài cửa sổ treo vài giò phong lan. Hoa quả là linh hồn của mùa xuân.
Tết đến, nếu nhìn đào nở cả khoảng trời đất Bắc nhuộm đỏ sắc hoa, thì hoa mai nở vàng rực cả không gian phương Nam. Mai hay đào đều tượng trưng cho sự tốt lảnh của năm mới, nhưng tôi là dân miền Trung gần gũi với cây mai và mê loài hoa này hơn. Hoa mai có màu vàng tươi, tượng trưng cho thịnh vượng và quý phái, hiện thân của nhũng gì cao quý trong phẩm cách con người như trung thực, nhân nghĩa, chịu thương chịu khó, vươn lên trong những điều kiện khó khăn. Dáng mai được ví như dáng đứng của người quân tử, hoa mai từ giống truyền thống, đến các giống mới đều cho ra những cánh tròn hướng tâm như là mặt trời tỏa nắng rạng rỡ.
Không chỉ có những loài hoa quý hiếm, mà ở mỗi vùng miền còn có nhiều loài hoa không kém phần hương sắc và cũng không ít người ưa thích. Nào là hải đường, đồng tiền, cẩm chướng, mẫu đơn, mồng gà, vạn thọ…Kể cả các loại hoa đồng nội như hoa mắc cỡ (trinh nữ), hoa cỏ may, hoa ổ tàu, hoa cau, hoa bưởi, hoa khế, hoa ngô đồng...Và, còn rất nhiều loài hoa không tên mọc lẫn với cỏ cây, vẫn có hương sắc riêng, nét đẹp riêng, góp phần làm nên nhũng bức tranh tuyệt mỹ.
Vẻ đẹp của hoa đã được nhiếu nhà văn hóa, nhà ngoại giao khái niệm để gọi tên một quốc gia, giàu có về hoa như Bungari là đất nước của hoa hồng, Nhật Bản là xứ sở của hoa anh đào, Đà Lạt của Viêt Nam được mệnh danh là thành phố ngàn hoa...Và, hiếm có loài hoa nào tinh khiết, thanh bạch như hoa sen “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại xen nhụy vàng…”. Các nhà sử học, nhà văn hóa đã và đang dày công nghiên cứu chọn loài hoa làm biểu tượng cho Quốc hoa Việt Nam. Với ưu điểm vượt trội về sức vươn lên từ bùn đất, về màu sắc, hương thơm tinh khiết, kỳ vọng hoa sen sẽ vượt qua cuộc bình chọn biểu tượng Quốc hoa.
Quê hương An Nhơn từng được cả nước biết đến là vùng đất của hoa mai, hoa cúc...Nhất là các làng mai ở xã Nhơn An, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cây “Mai vàng”; khu phố hoa cúc truyền thống Vĩnh Liêm, phường Bình Định...Cứ vào đầu tháng chạp đến giáp Tết Nguyên đán, hàng vạn, hàng vạn chậu mai, chậu cúc mang hương sắc từ các làng hoa ở An Nhơn đã hòa với dòng người đi vào, đi ra các tỉnh- thành trong Nam, ngoài Bắc đem đến cho mọi nhà phúc- lộc xuân.
Không chỉ có Tết, mà hằng ngày ở nhiều công sở, trường học, khách sạn, nhà hàng...cho tới tận ban công nhà dân cũng bài trí hài hòa một số chậu hoa, cây kiểng. Có khi chỉ cần vài giò phong lan, vài chậu hồng, đỗ quyên, mẫu đơn,...tùy theo điều kiện mặt bằng, không gian và sở thích của từng người mà chọn loài hoa thích hợp, giúp tinh thần thư giãn, tạo nên cảm xúc rất có lợi cho sức khỏe.
Hoa giữ vai trò sứ giả cho hai người yêu nhau bày tỏ những cung bậc của tình yêu. Chính những đóa hoa tặng nhau, tưởng như đơn sơ, có khi lại là kỷ niệm theo suốt cuộc đời của lứa đôi. Ai đã một lần nhìn hoa sim tim tím nở trên sườn đồi hẳn khó quên cái miền sơn cước ấy. Và, mỗi lần lên Tây Nguyên vào mùa hoa dã quỳ nở vàng rực bên đường, ra về rồi lòng cứ nao nao muốn trở lại phố núi!
Trong không gian bao la, đóa hoa bé nhỏ nhưng lại nói lên rất nhiều bằng thứ ngôn ngữ kỳ diệu, là biểu tượng của lời tỏ tình chân thật. Càng yêu hoa, con người càng yêu thiên nhiên và yêu cuộc sống. Ai đó đang ở trong phòng làm việc, dù đang có tâm trạng căng thẳng, nhưng khi nhìn lọ hoa tươi để trên bàn hoặc giò phong lan treo trên tường, tỏa mùi hương thanh khiết là cảm thấy lòng thư thái.
Người sành điệu chơi hoa, thưởng hoa cho rằng hoa nào cũng có hồn, có sự tích và nguồn gốc xuất xứ, có giá trị thẩm mỹ và biểu cảm riêng, mà mùi hương mới là cái hồn của loài hoa. Mùi thanh khiết của hoa huệ, hoa sen thường dâng lên bàn Phật tổ, bàn thờ ông bà; lọ hồng nhung, loa kèn...đặt ở phòng khách. Hương hoa quỳnh thoang thoảng giữa đêm khuya thanh vắng; mùi hoa nguyệt quế thơm lựng vào mùa trăng và lúc sương xuống; hoa lài thơm ngào ngạc vào sáng sớm tinh sương, vừa mở cửa ra ngưởi mùi hương là muốn uống nước trà buổi sáng.
Ngày nay nhờ khoa học phát triển, nhất là kỷ thuật lai tạo, ghép giống, nhân ra nhiều loài hoa quý có giá trị thẩm mỹ và kinh tế. Những vườn mai truyền thống ở Thủ Đức, Bình Chánh...Tp Hồ Chí Minh càng được mở rộng về quy mô và nâng dần chất lượng hoa. Những vựa hoa ở xứ ngàn hoa Đà Lạt vốn đã nhiều loài hoa, lại càng thêm phong phú, đa dạng chủng loại. Các vườn hoa đào nổi tiếng ở Hà Nội tuy không mở rộng nhưng phát triển theo phương pháp nhân ghép giống và thâm canh. Các làng mai ở An Nhơn- Bình Định cũng đang thuần chủng giống mai đẹp, chăm sóc tạo dáng để không ngừng nâng giá trị thẩm mỹ, cây mai không to về kích thước, nhưng lão hóa gốc cội, thân cành phát triển hài hòa, cân đối và điều chỉnh hoa nở đúng vào dịp Tết, nhằm làm cho cây mai đủ tiêu chuẩn: Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống, và dĩ nhiên giá bán chậu mai không hề ít tiền.
Tôi viết những dòng tản mạn về hoa thì mùa xuân Bính Thân - 2016 đang đến gần, các vườn mai bắt đầu lặt lá, khoe búp chào khách. Và, Fettival hoa Đà Lạt cũng vừa kết thúc, để lại dấu ấn tốt đẹp về thành phố ngàn hoa. Có người nói, Đà Lạt mộng mơ, hiếm nơi nào có được, nhưng giả như Đà Lạt thiếu hoa, không phải là thành phố của hoa thì hẳn là chưa có được bức tranh toàn mỹ, hấp dẫn đến thế!.
Trần Duy Đức
Theo http://huongxua.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...