Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Ngày xuân đọc trường ca “Biển mặn” của Nguyễn Trọng Tạo

Ngày xuân đọc trường ca 
“Biển mặn” của Nguyễn Trọng Tạo
Giữa những ngày Biển Đông đang nóng lên thì nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho ra đời trường ca “Biển mặn”, viết về sự hy sinh cao cả của bao thế hệ người Việt chúng ta trong sự nghiệp giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.
“Biển mặn” vừa ra đời đã được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc cả nước. Đọc “Biển mặn”, ta không chỉ thấy biển đảo đẹp như mơ, mà còn thấy cả phận người phận nước thăng trầm cùng lịch sử. Ta không chỉ thấy biển xanh mênh mông mà còn thấy cả máu của bao người dân, người lính đã hòa vào nước biển khi tác giả se lòng suy ngẫm: “Nhặt lên hạt muối, thưa rằng: Một phần biển mặn, mấy phần máu xương”.
Khi ký tặng 2000 cuốn sách cho các chiến sĩ Hải quân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tâm sự: “Sau nhiều chuyến đi đảo cùng bộ đội từ 1980 - 1981, đặc biệt mấy năm gần đây tình hình biển đảo nóng bỏng, tôi có ý định viết trường ca mang tên “Biển mặn”. Năm 2014 tôi đặt bút viết được nửa chương, nhưng thấy mạch vào chưa ổn đành bỏ. Mãi đến cuối tháng 4/2015, sau khi đã tìm đọc nhiều tài liệu về sử sách, về biển đảo của Việt Nam từ thư tịch xưa, những văn bản cổ về lịch sử, và bức xúc trước tình hình Biển Đông căng thẳng đã tạo cho tôi một cảm hứng rất mạnh, tôi ngồi vào bàn viết lại BIỂN MẶN. Trong cấu trúc trường ca này, tôi quyết định đưa vào một số bài thơ đã viết từ các đợt đi biển đảo trước đây, phù hợp với mạch cảm xúc chung. Những ngày này trời nắng nóng 40 độ hoặc hơn. Tôi thường viết từ lúc gần sáng. Hôm nào ngồi vào bàn, không lấy lại được cảm xúc, là tôi không viết. Chỉ khi nào nối được mạch cảm xúc tôi mới viết tiếp, vì trường ca rất cần cảm xúc mạnh, liền mạch. Sau hơn một tháng thì trường ca được hoàn thành.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ký sách tặng độc giả.
Sáng hôm đó, tôi ngồi ở nhà sàn viết xong đoạn cuối trường ca "Biển mặn" vào lúc 7 giờ ngày 24/5/2015 thì bỗng dưng rùng mình thấy bàn viết và nhà sàn quay nghiêng ngả như động đất. Tôi phải nhắm mắt dùng nội công định thần lại, và biết có một cơn chấn động máu lên não không bình thường. Khoảng 5 phút sau, tôi mở mắt và thấy nhà cửa, bàn ghế trở lại bình thường, nhưng rất mệt. Hoảng quá, tôi gọi điện cho bác sĩ Bản, Giám đốc bệnh viện Việt Pháp. Bác sĩ Bản bảo "Anh ở đâu để em đến ngay". Bản mang theo bác sĩ Huy cùng đến, và chở tôi đi. Chụp cộng hưởng từ ở Trần Bình Trọng, đọc phim bảo rằng: Có lấm chấm trắng nhỏ ở vùng não. May quá, chưa có vấn đề gì lớn, đo huyết áp máy Nhật do GS Trí, Giám đốc Viện Huyết học tặng: 120/80 (lạ thế). Bác sĩ Bản bảo huyết áp tốt, chắc là vì trời nóng và làm việc căng thẳng quá. Bản đưa thuốc cho tôi. Uống thuốc 2 tuần, nhưng thỉnh thoảng đứng lên còn chóng mặt. Quả là cuộc viết "Biển mặn" đã áp lực nguy hiểm lên triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não của tôi.
Khi tôi đưa "Biển mặn" lên mạng, bất ngờ nhận được chia sẻ và nhận xét “nóng” của bạn bè. Nhiều bạn thúc giục tôi nên cho xuất bản sớm. 2 tháng sau tôi quyết định cho xuất bản với giấy phép của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. “Biển mặn” được in 4000 bản, tôi quyết định tặng Bộ Tư lệnh Hải quân 2000 bản, vì sợ lính Hải quân không có điều kiện đến hiệu sách. Sách đã được Bộ Tư lệnh Hải quân trân trọng tiếp nhận, và Tết này, “Biển mặn” được chuyển tới các chiến sĩ tận đảo xa. Sau đó tôi tặng Việt kiều ở Nga, tặng Tập đoàn TSQ của Đỗ Quân, tặng Nhịp cầu Hoàng Sa để gây quỹ xây nhà cho cựu chiến binh Gạc Ma. Tập đoàn Thành Hưng đã “nổ phát súng đầu tiên” mua 300 cuốn đủ phát cho cán bộ và nhân viên. Một số bạn cũng đã gửi tiền vào tài khoản để mua sách...“Xúc động lắm, vì tôi không nghĩ là nó lại được đón nhận nồng nhiệt như thế. Có lẽ trường ca này đã đi thẳng được vào trái tim của bạn đọc”.
Quả đúng như vậy, hàng trăm bạn đọc, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã đến với cuộc ra mắt trường ca này tại Không gian Văn hóa Đông Tây để có “Biển mặn” có chữ ký của tác giả, được chia sẻ cùng tác giả.
Nhà thơ, nhà báo Từ Ngọc Lang chia sẻ: Ấn tượng khắc vào tâm khảm tôi sau khi đọc trường ca “Biển mặn” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là hình ảnh những người con nước Việt đang ngày đêm kiên cường với biển đảo quê hương. Cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc đã đưa dải Trường Sơn hùng vĩ thành biểu tượng rất đỗi tự hào. Ngày 30/4/1975, nước nhà thống nhất, người dân Việt Nam khát khao được sống trong hòa bình để dựng xây đất nước, nhưng không ai có thể hình dung dải đất hình chữ S này đã có “Trường Sơn rừng” nay lại có thêm “Trường Sơn biển” đứng trước nhiều bão tố phong ba: Cha đã lính, bây giờ con lại lính/ Những thế hệ nối theo nhau đi giữ nước non nhà/Xưa cha Trường Sơn rừng/ Nay con Trường Sơn biển/ Những hòn đảo dựng vòng cung phòng tuyến/ Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên…
“Trường Sơn biển” là sáng tạo bất ngờ, độc quyền của Nguyễn Trọng Tạo. Trước anh, chưa một ai nghĩ ra. Tôi nghĩ đây không đơn thuần chỉ là phép so sánh hay khái niệm đối ứng biển - rừng. “Trường Sơn biển”, trước hết là biểu tượng thiêng liêng của tình yêu Tổ quốc, là dự báo đầy trách nhiệm của nhà thơ trước vận mệnh Dân tộc, là lời tuyên thệ của những người con Việt nguyện đem máu xương mình bảo vệ chủ quyền đất nước…
Cô giáo Tuệ Mỹ từ Quy Nhơn viết một bài tiểu luận dài đăng trên FB có đoạn:  "Không thể nào mất đảo", "phải giữ cho bằng được" lá cờ Tổ quốc, đó là lời tuyên thệ của người lính biển đối với Tổ quốc, nhân dân. Chính vì lời thề khắc cốt ghi xương đó mà các anh sẵn sàng hy sinh tất cả. Không chỉ hy sinh xương máu bản thân mà còn hy sinh cả mái ấm gia đình. Có ai mà không có gia đình cha mẹ, Vợ con, người yêu dấu… Nhưng đáp lời Tổ quốc gọi, người lính sẵn sàng gác lại bên lòng những tình cảm riêng tư ấy để lên đường canh giữ biển đảo quê hương. Đoạn thơ dài kể về chuyện trung tá Trần Đức Trung "chìm dần xuống biển" mà vẫn còn nợ con gái lời nhắc nhở bố “Nhớ viết thư cho mẹ kẻo mẹ mong", và "Anh không bao giờ nhận được lá thư con" để được đọc "những dòng chữ nhớ nhung" cùng lời động viên chiến đấu của con anh đã làm ta rơi nước mắt. Thế mới biết người lính hy sinh rất lớn cho từng giọt nước biển quê hương. Thế mới biết biển "mặn" không chỉ vì "máu" của người lính mà còn bởi cả "nước mắt" của người thân...
Tiến sĩ khoa học Trịnh Quốc Dũng từ nước Đức cảm nhận: “Biển mặn” là trường ca thứ ba, sau “Con đường của những vì sao” viết về 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc lịch sử và “Tình ca người lính” viết về thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. “Biển mặn”, ngay ở câu thơ mở đầu “Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:/Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…” đã gợi cho tôi cái mặn mòi của biển và cái đắng chát của những hy sinh gian khổ mà cha ông ta đã phải trải qua để giữ biển, giữ lấy cái không gian sinh tồn của nước Việt. Với mạch cảm xúc này, “Biển mặn” khéo léo dẫn dắt người đọc đi sâu vào lòng biển cả, với những câu chuyện của tiền nhân đã đặt mốc chủ quyền, những mưu sinh nhọc nhằn của ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, những cuộc hải chiến chống lại lũ giặc xâm lăng. Để rồi khúc vĩ thanh của tác phẩm là những hình ảnh thanh bình nơi đảo xa, là tiếng đồng dao của bầy trẻ đến trường: “Và em biết biển nơi này mặn lắm/ Những cuộc đời máu thắm đã thành hoa”.
Kể từ bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” cách đây 35 năm, và hôm nay là trường ca “Biển mặn” tôi thấy thơ anh vẫn mãnh liệt, nồng nàn và da diết như thuở ban đầu. Vẫn “ngọt và cay và thơm như rượu gạo” như câu thơ anh từng viết. Đúng là: “Gừng càng già càng cay, thế mới hay!”
Nhà phê bình văn học Vũ Nho nhận định: “Tôi muốn nói tới những tìm tòi của tác giả Nguyễn Trọng Tạo trong bản trường ca này. Các chương được liên hệ với nhau chặt chẽ theo chiều rộng không gian biển Việt Nam. Và theo chiều dài lịch sử từ khi Chúa Nguyễn lập Hải đội Hoàng Sa, cho đến những trận hải chiến gần đây nhất. Tác giả đã sử dụng những thần thoại, truyền thuyết về con Rồng cháu Tiên, về Đảo là con trai đất liền, Biển là tiên nữ; về việc ném đá thành các đảo, và cả những tục lệ “Tế lễ sân đình/ Tế lễ khao quân/ Tế sống lính lên đường” trong nghi lễ dân gian. Nhân vật xưng tôi trong bản trường ca khi là một ngư dân “ra khơi vào lộng”, nhưng khi lại hóa thành một nạn nhân trên thuyền bị hải tặc ráp vây, hoặc thành “Con thuyền bị đâm trên biển của mình/ Những xương sườn gãy nát”, khi khác thì như là trong thần thoại “Tôi mảnh ván tả tơi lại mọc thành cây/ Thành rừng xanh/ Thành cổ thụ/ Lại xẻ ván đóng thuyền”.
Tôi chính là người lính hải quân, có người cha đã viết bài thơ “Những người lính đi qua thành phố”… Nhân vật tôi vì thế mà đa dạng, đa thanh. Sử dụng “điệp khúc tiếng sáo”, sử dụng những ghi chép trong sách vở, trong bản tin. Sử dụng cả đồng dao mới. Sử dụng bài thơ hay của mình đã viết về người lính. Tất cả đều được huy động có chọn lọc, được sắp xếp cài đan chặt chẽ. Đó chính là độ chín trong cảm xúc và nghề nghiệp của người viết. Và điều cuối cùng là có nhiều câu thơ hay có thể đứng độc lập.
Một bản trường ca hay là bản trường ca có giá trị tư tưởng cao và có giá trị văn chương tương ứng. Thiếu một trong hai thứ là không trọn vẹn. Rất đáng ghi nhận là giá trị tư tưởng của bản trường ca này nằm trong văn mạch yêu nước, một truyền thống quý báu của dân tộc. Và về nghệ thuật, ngoài bố cục chặt chẽ liền mạch, hợp lí, còn có rất nhiều câu thơ được viết bởi một tài hoa đang vào độ chín. Những câu thơ có thể neo vào tâm trí mọi người, như mỏ neo của Hải quân neo vào lòng biển cả.
Nhà báo Mặc Lâm ở hải ngoại tâm đắc: “Máu hòa tan với biển là chất xúc tác mạnh mẽ cho “Trường ca biển mặn” và chỉ riêng cái tựa sách, Nguyễn Trọng Tạo đã giới thiệu tới người đọc hồn cốt của tác phẩm. “Biển mặn” thoát ra được chiếc vỏ hoành tráng giả tạo của thể loại, bởi nó xây dựng lên từ mùi máu của đồng đội, vị mặn của nước mắt người thân và anh linh của hồn thiêng sông núi. Nguyễn Trọng Tạo đã dựa vào bộ xương sử sách để tái tạo lại hình ảnh của Biển Đông hôm nay mà trong đó những mảnh vỡ tản mác của nhận thức được gom góp lại để chúng ta nhìn ra hình ảnh thật của những gì đã mất.
“Nếu những bài thơ riêng lẻ của Nguyễn Trọng Tạo được hình thành từ khoảnh khắc của những cảm xúc bất chợt thì trường ca của ông là một tập hợp của những tìm kiếm và kiểm chứng cảm xúc để xâu chuỗi chúng lại trong sợi dây chuyện kể. Đôi lúc ông miêu tả, có khi ông phác thảo và nhiều lúc ông không ngại đem sức tưởng tượng phong phú của một nhà thơ lồng vào câu chuyện để phả thứ ánh sáng huyễn hoặc nhưng nóng bức vào nhân vật, sự thể, chà sát chúng làm nóng lên tính nhân văn cuồn cuộn bên dưới mỗi khuôn mặt, cuộc đời. Ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Trọng Tạo gần như hơi thở và xa như bóng chim ngoài đảo vắng. Ông tĩnh mịch và tài hoa trong chữ nghĩa và từ đó kéo người đọc theo dõi cả tập trường ca vốn dài và khó đọc chỉ trong khoảnh khắc”...
Mỗi người đọc “Biển mặn” theo cách của mình, nhưng tựu trung lại là sự xúc động mãnh liệt mà tự thân tác phẩm mang đến. Ta gặp hàng trăm comment dưới statut “Trường ca Biển mặn” trên FB của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo như sự đón nhận một món quà văn học nghệ thuật đặc sắc thật đáng trân trọng. Nhà văn Nguyễn Quang Lập ngạc nhiên: “68 tuổi rượu vẫn đều, bạn vẫn lắm và vẫn đủ sức chơi được cả trường ca. Và, trường ca này còn hay hơn hai trường ca trước của bác. Quá phục bác Tạo”. Nhà thơ Tuyết Nga ví von: “Điệp khúc tiếng sáo” sau mỗi chương của trường ca vừa như một sợi dây diều, vừa như một sợi dây neo. Mảnh, nhỏ nhưng lại có sức nâng đỡ cả con tàu BM. Rất lạ. Anh ạ. Nó là đoạn gen duy nhất lưu giữ ADN thơ Nguyễn Trọng Tạo”. Nhà thơ Hà Linh điềm tĩnh: “Người đọc cũng sẽ rất thích các lớp thơ của Trường ca, kết hợp hài hòa các thể loại thơ, và thích “Điệp khúc tiếng sáo” đầy nhân văn và tính nhạc, đau thương nhưng không hằn học, và vẫn nuôi một niềm tin như tin vào lời ru ngàn đời sẽ còn sống. Người đọc cũng sẽ rất thích hình ảnh “Trường Sơn Biển”, vì đó thực sự là một thành công cả về phép so sánh và tư tưởng”. Nhà thơ Lê Văn Vỵ hy vọng: “Văn học nghệ thuật của mình bấy lâu nay ngủ quên, hiếm có những tác phẩm thao thức với nhân dân, đau đáu về non sông Tổ quốc, hiếm có một "Nam quốc sơn hà" hay một "Hịch tướng sĩ văn". Với  "Biển mặn" thắp lên trong tôi trong bạn niềm yêu thương về những nhà văn chân chính, không bao giờ đứng ngoài cuộc sống của nhân dân Tổ quốc và hy vọng sẽ có nhiều hơn những tác phẩm như BIỂN MẶN”. Còn anh trung úy hải quân Hoàng Triệu thì nhắc lại câu chuyện một lần được gặp tác giả “Biển mặn”: “Trò chuyện với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Từ thơ ông chuyển sang nhạc, rồi ông ngân lên câu hát:  “Ngồi dưới bóng phong ba/ Ríu ran chuyện cửa nhà / Đàn gà vừa ấp trứng/ Đàn lợn mới sinh con..." mà ông đã phổ nhạc từ bài thơ “Trường Sa làng ta” của một nhà thơ quen biết. Ông nói: Xây dựng văn hóa làng Việt trên các hòn đảo của Tổ quốc chính là xây những “cột mốc tinh thần” của dân tộc ta. Tôi nghĩ, đó cũng là một phần tinh thần mà ông đã gửi gắm trong trường ca “Biển mặn”...
Vâng, tôi đã đọc “Biển mặn”, và Tết này, những câu thơ như sóng vẫn dạt dào trong tâm trí tôi vỗ hoài về phía biển. 
                                “Biển mặn” 
            CHƯƠNG II. NHỮNG CỘT MỐC SỐNG (trích).
3. Tôi trên con thuyền ngày sóng dữ
Hải tặc ráp vây thuyền
Súng ống
Dùi cui
Choang
Xoèng
Ực
Huỵch
Những con cá ngáp khan trong lưới
Mắt không mở được
Tiếng la
Tiếng thét
Tiếng bồm bộp dùi cui
Tiếng lạnh tanh qui-lát
Tiếng chân bước nặng nề
Từ thuyền này sang tàu kia
Từ tàu kia sang thuyền này
Từ thuyền này sang tàu kia
Oằn lưng răng rắc…
 Không thể nào mở mắt
Loang loáng dao găm, lưỡi lê
Tôi nghe mình nói mê
Trên hoang đảo một miền nào xa lắm
Những con cá bị cướp
Hội họp căm thù
Những con tôm bị cướp
Duỗi thẳng lưng đứng lên
Rồi tất cả bị mũi giày đè bẹp
 Tanh tởm ngoại ngữ quen nghìn năm
Nhai xác…
 Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức
Gầm vang
Tôi nghe hồn Hoàng Sa nghiêng bóng thuyền, che chở
Các bạn thuyền chụm vào nhau trên con thuyền rách nát
Tiếng rên thành bản nhạc chiêu hồn
Có người chết mà tôi không khóc được
Không nói được
Không làm gì được
Tôi chìm vào những bàn tay
Ngày ngày cầm nắm
Những bàn tay xoa dịu
Những bàn tay vuốt ve Sói Biển
Những bàn tay bảo tôi: Nhớ lấy!
 4. Tôi con thuyền bị đâm trên biển của mình
Những xương sườn gãy nát
Ứa máu ngư dân
Ứa máu ngư trường
Bọn cướp biển là ai? Tôi đã nhìn rõ mặt
Chúng lén lút
Chúng ngang nhiên
Chúng hằm hằm
Chúng sằng sặc
Chúng ngụy trang áo mặc
Chúng trá hình dân đen
Chúng giả bạn giả anh em
Giả tình giả nghĩa
Chúng phản bội cả đàn cừu lột lông và xẻo thịt
Phản bội những con thuyền đánh đắm cả yêu thương
 Tôi con thuyền gãy nát cột buồm
Tâm hồn làm phao biển
“Không thể dìm được phao”
Bọn cướp biển hiểu chăng điều đơn giản
Những chiếc phao tâm hồn trong bão tố lớn lên
Mang những chiếc thuyền về bến
Dù vỡ nát
Không thể nào chìm xuống….
 5. Tôi mảnh ván tả tơi lại mọc thành cây
Thành rừng xanh
Thành cổ thụ
Lại xẻ ván đóng thuyền
Lại đợi ngày hạ thủy
Lại tế lễ sân đình
Lại đánh trống khao quân
Lại tuyên thệ sống còn vì biển đảo
Những con thuyền tung bay cờ đỏ
Lại rẽ sóng ra khơi…
Sừng sững giữa biển trời.
 Những ngư dân trên đất nước tôi
Nguyện làm “cột mốc sống”
Ngàn vạn “cột mốc sống”
Cả triệu “cột mốc sống”
Trên biển sóng
Trên đá ngầm
Trên đảo chìm đảo nổi
Trên tự do lãnh hải Việt Nam tôi!
Điệp khúc tiếng sáo 
Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ
Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng
Mọc lên lớp lớp tầng tầng
Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô
Những vùng biển đẹp như mơ
Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…
 Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:
Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…
Phóng viên/Lao động và Xã hội
 Theo http://baodansinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...