Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Ngồi nhớ thiên thu

“…ngồi nhớ thiên thu”
Tôi viết những dòng này khi ngồi ngoài sân nhà Thủy tạ trên hồ Xuân Hương, Đà Lạt, trong một ngày hạ trắng. Mấy năm nay Đà Lạt mất nhiều rừng thông, thêm nhiều công trình bê-tông hóa; bụi đường khiến nhiều người đeo khẩu trang chẳng khác Sài Gòn. Nhưng giữa những ngày Sài Gòn nóng bức, thì ở đây trời còn mát dịu, những cánh chim trắng chập chờn trong sương rơi trên mặt hồ xao gợn buổi sớm, và ở bên kia tháp chuông trường Cao đẳng Sư phạm vẫn thấp thoáng nỗi niềm hoài nhớ.
Mới đó mà Trịnh Công Sơn đi xa đã 13 năm. Đà Lạt vẫn ân cần ghi nhớ ông sâu đậm, từng ngày. Trong café Tùng, Mộc, Bích Câu, Rainy, bar Guitare, phòng trà Diễm xưa, Cung tơ chiều hay Một cõi đi về… đâu đâu cũng dìu dặt âm nhạc Trịnh Công Sơn. Đà Lạt giới thiệu với ta những giọng hát trong nỗ lực làm mới tình khúc của ông: Nguyên Thảo, Xuân Giang, Cilk’rao, Khánh Tâm, Từ Lãnh, Nhật Phượng…
Một tháng trước đây, hôm 28-2, Giang Trang từ Hà Nội đem vào cho khán giả Sài Gòn một đêm nhạc thật độc đáo nhân dịp sinh nhật Trịnh Công Sơn. Bay từ miền đất lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột, người ca sĩ vóc dáng mảnh mai này tưởng chừng không cất nổi giọng ca. Nhưng sau vài bài hát như hơi gắng sức, Giang Trang đã vượt lên chính mình, cùng với Trần Đức Minh, Vân Mai, Dương Đức Thụy, Ngô Hồng Quang trong một ban nhạc được phối khí sáng tạo với guitare, keyboard, đàn tranh, đàn nhị và sáo, tạo nên một bữa tiệc âm thanh cuốn hút. Ca từ của Trịnh Công Sơn lóe sáng trong âm hơi trong trẻo, thanh khiết của Giang Trang, tuy đôi chỗ còn thiếu một chút mê đắm. Giang Trang là một thế hệ mới kết nối dư vang nghệ thuật của Trịnh Công Sơn. Hình dung nếu người nhạc sĩ hiện diện trong khán phòng, hẳn ông sẽ rất ngạc nhiên và hạnh phúc khi thấy âm nhạc của mình khúc xạ qua lăng kính tâm hồn của tuổi trẻ băn khoăn thời nay.
Cũng vào dịp ấy, ở hai phòng trà Đồng dao và Không tên, Đức Tuấn lần đầu tiên biểu diễn một số ca khúc trong các tập Ca khúc Da vàng, Phụ khúc Da vàng, Ca khúc Trịnh Công Sơn, Kinh Việt Nam và Ta phải thấy mặt trời (Gần đây một số người hay gọi chung những bài hát trong các tập này là “Ca khúc Da vàng”, tuy điều này không chính xác). Đó là những bài hát mà lúc sinh thời tác giả cũng hoài nghi không biết có sớm được tái ngộ với công chúng hay không. Nghe Đức Tuấn nhiều lần, tôi vẫn đinh ninh rằng giọng ca của anh hát hay nhất với tình khúc Phạm Đình Chương, kế đến là Phạm Duy, sau mới là Trịnh Công Sơn. Không ngờ lần này giọng ca khỏe khắn và đa sắc thái đó lại rất hợp với những bài về thân phận con người, quê hương và chiến tranh của họ Trịnh. Đức Tuấn làm mới một phương diện của tài năng đầy huyết lệ của Trịnh Công Sơn mà vô tình hay cố ý, sự tiếp nhận sau chiến tranh đã làm mờ đi.
13 năm qua, Trịnh Công Sơn và di sản âm nhạc của ông vẫn là lời thiên thu vẫy gọi, vẫy gọi những quãng đời đã mất, những cuộc tình đã phai, những chân trời đã khuất bóng. Âm nhạc của ông day dứt những nỗi niềm, đồng thời làm sống lại thời gian và ký ức của mỗi người chúng ta, và vì vậy tiếng gọi của ngày hôm qua vẫn nối dài sự hiện hữu trên cõi đời này.
Huỳnh Như Phương
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...