Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Phê bình sách và sách phê bình

Phê bình sách và sách phê bình
Trong nền kinh tế thị trường, sách cũng là một loại hàng hoá - người kỹ tính có thể nói thêm, là “hàng hoá đặc biệt” để nhấn mạnh giá trị tinh thần, chức năng giáo dục của nó. Dẫu sao, cũng đã qua cái thời sách xuất bản mà không cần tính đến nhu cầu và sức mua của độc giả, có thể in ra hàng vạn cuốn phân phối về các thư viện để rồi nằm im trên các giá sách.
Là hàng hoá thì việc sản xuất và lưu thông phải theo quy luật cung cầu và phải bảo đảm chất lượng. Hàng hoá kém chất lượng, nhưng quảng cáo “nổ” hay tiếp thị khéo léo cũng có thể đánh lừa người tiêu dùng một thời gian nhất định. Một xã hội có tổ chức cần có cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng thông qua cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, dù đó là thực phẩm, dược phẩm, hàng công nghệ, sản phẩm du lịch hay giải trí. Đối với sách, phê bình là một phương diện của hoạt động kiểm định chất lượng, tuy không dễ dàng như kiểm định những loại hàng hoá khác.
Khó khăn của phê bình sách trước hết là về tiêu chí. Ngạn ngữ phương Tây có câu: không ai tranh cãi về thị hiếu, vì thị hiếu là sở thích của cá nhân. Thật khó mà ép những thị hiếu khác nhau cùng thừa nhận những tiêu chí chung về sách hay, nhất là sáng tác nghệ thuật. Người viết sách thuyết phục bạn đọc về nội dung mà mình trình bày; người phê bình sách cũng thuyết phục bạn đọc về lý lẽ mà mình đưa ra để khẳng định hay chỉ trích một cuốn sách. Tiến trình phát triển của văn hoá đọc sẽ góp phần thiết lập một hệ quy chiếu về giá trị, từ đó hình thành nên “chân trời chờ đợi” của công chúng đối với những sản phẩm tinh thần và khi môi trường xã hội, văn hoá, thẩm mỹ thay đổi, “chân trời” đó cũng sẽ thay đổi theo.
Khó khăn tiếp theo của phê bình sách là sự đa dạng của các đề tài, kiến thức, thể loại… đòi hỏi người phê bình phải am hiểu chuyên môn, chứ không thể nhận xét, bình phẩm chỉ theo cảm tính. Người làm “nghề đọc sách” chuyên nghiệp không thể nào bao quát hết mọi lĩnh vực. “Phê bình quần chúng” được ghi nhận thông qua những ý kiến kịp thời là cần thiết, nhưng để đánh giá toàn diện một cuốn sách nhất thiết phải có sự đầu tư nghiên cứu, suy ngẫm, so sánh và định vị cuốn sách trong bối cảnh lịch sử của nó. Những phát biểu chủ quan, thiên kiến dẫn đến quy kết vội vàng một cuốn sách là mối nguy của đời sống văn hoá.
“Nghệ thuật thì khó, phê bình thì dễ”, câu nói đó chỉ đúng với loại phê bình tuỳ tiện, nông cạn và thô lậu. Viết phê bình cũng là một lao động gian khổ chẳng kém gì sáng tác, nó đòi hỏi những phương pháp, kỹ năng và thao tác có hiệu quả. Sách phê bình còn lại với thời gian cũng hiếm như sách nghệ thuật. Bởi phê bình là khoa học và nghệ thuật phán đoán về những tính chất, giá trị, ưu điểm và nhược điểm của những tác phẩm, công trình.
Nếu tác giả đem hết tài năng, tâm huyết của mình để khám phá chân lý, ngợi ca điều Thiện và cái đẹp; thì nhà phê bình cũng đem hết kiến văn, bản lĩnh của mình để khẳng định những giá trị khoa học và nghệ thuật.
Sự phát triển của văn hoá, giáo dục, khoa học và nghệ thuật đặt ra yêu cầu cấp bách về việc phân tích, nhận định và đánh giá những thành tựu mới trên các lĩnh vực ấy. Ở nước ta, công việc này hiện nay còn để nhiều khoảng trống. Những người viết phê bình sách ngày càng thưa thớt và nhiều năm gần đây hầu như không có những cuốn sách phê bình gây tiếng vang.
Số phận của phê bình có quan hệ với số phận của những quyển sách được phê bình. Khẳng định những tác phẩm dở, những công trình kém  chất lượng sẽ dẫn đến việc hoài nghi chính sứ mạng và sự trung thực của phê bình. Ngược lại, sự dè bỉu, thậm chí vùi dập những tác phẩm hay, những công trình giá trị cũng vi phạm đến lương tri và đạo đức của người phê bình. Phê bình cần phải tỉnh táo và giữ một thế đứng độc lập nhất định với đối tượng để vững vàng trong sự xác tín của mình. Phê bình là nhịp cầu nối liền tác giả với bạn đọc, nhưng không phải là công việc khua chuông đánh trống để tiếp thị sách mới.
Huỳnh Như Phương
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...