Sức ám ảnh của hình tượng
khách chinh phu
trong văn học lãng mạn 1930-1945
1. Khái niệm “khách chinh
phu” theo Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (chủ biên) được hiểu
như sau: “Khách” là người tài hoa, người anh hùng, người hiệp khách (1); “chinh
phu” là người đàn ông đi đánh trận thời phong kiến (2). Cách hiểu này cũng phản
ánh cái cốt lõi của hình tượng “khách chinh phu” trong văn học lãng mạn
1930-1945 mà cụ thể là trong phong trào Thơ Mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn.
Nó được xem là những con người, những nhân vật sẵn sàng hi sinh tất cả những gì
riêng tư theo tiếng gọi lên đường cho một lí tưởng đẹp đẽ, thiêng liêng. Lí tưởng
đó được hiểu một cách chung nhất là phụng sự cho đất nước, cho dân tộc trong một
chặng đường trầm luân của lịch sử. Cách hiểu này kết tinh trong Thơ Mới bằng
cái tôi trữ tình trong một số tác phẩm của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Trần
Huyền Trân v.v. và các nhân vật như Dũng, Thái, Tạo, Trúc v.v. của tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn. Nó hiện ra thật đẹp với hình ảnh:
Năm năm theo tiếng gọi lên
đường
Tóc lộng tơi bời gió bốn
phương
(Thế Lữ - Giây phút chạnh
lòng)
Thật ra, khi nói đến hình tượng khách chinh phu chủ yếu là nói đến một kiểu
nhân vật trữ tình lí tưởng trong Thơ Mới mà tiêu biểu là của Thế Lữ. Nó hiện
lên trong các tác phẩm: Giây phút chạnh lòng, Tiếng gọi non sông, Bên sông
đưa khách, Tiếng gọi bên sông v.v. Bên cạnh đó, hình tượng khách chinh phu
cũng có thể là loại nhân vật li khách trong thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân v.v.
Đặc biệt, ngay cả hình tượng người chiến sĩ cách mạng như Dũng, Thái, Tạo, Trúc
v.v. trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thực chất cũng là một dạng của hình tượng
khách chinh phu. Tất cả đều thống nhất trong bản chất của nó như chúng ta đã khẳng
định.
Hình tượng khách chinh phu trước hết là hình tượng của con người cá nhân. Con
người này đòi hỏi được khẳng định với các nhu cầu trong mọi mối quan hệ làm nên
sự tồn tại của chính nó. Mặt khác, đây cũng là con người biết tự phủ định để khẳng
định chính mình trong hành động hy sinh vì cách mạng. Các nhân vật trữ tình
trong Thơ Mới cũng như nhân vật chiến sĩ cách mạng trong tiểu thuyết Tự lực văn
đoàn mà chúng ta đã nói đã khẳng định điều này.
2. Sức
ám ảnh của hình tượng khách chinh phu được cảm nhận ở nhiều góc độ khác nhau.
Trước hết, đó là hình ảnh của con người đời thường trong cuộc sống hàng ngày của
mỗi một chúng ta. Nó gắn liền với cái mà lí luận văn học gọi là tính lịch sử -
cụ thể. Hình tượng này được đặt trong một thời gian - không gian nhất định. Vì
vậy hình tượng khách chinh phu in đậm dấu ấn của con người bình thường, cuộc sống
bình thường trong sự vận động của chính nó. Nói một cách khác, hình tượng này
thoát thai từ cuộc sống của chúng ta. Nó hoàn toàn không có gì xa lạ với chúng
ta nhưng lại có khả năng soi rọi những chỗ khuất tất, thầm kín trong mỗi con
người. Đó chính là khát vọng được sống đẹp, sống có ý nghĩa. Đây chính là cái
mà nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã khẳng định: “Họ đã tìm thấy trong cái lí tưởng
mơ hồ nhưng đẹp đẽ của khách chinh phu một niềm an ủi trong những ngày dài của
một cuộc đời bằng phẳng, tẻ nhạt, vô vị” (3). Đây cũng chính là biểu
hiện sức sống của hình tượng khách chinh phu trong mỗi một chúng ta.
Con người bình thường trong hình tượng khách chinh phu cũng đồng thời là con
người có học mà có người cho đó là hiện thân của tầng lớp trí thức tiểu tư sản.
Nếu so với người lao động mà cụ thể là người nông dân, người công nhân, người
tiểu thị dân thì người khách chinh phu thuộc tầng lớp trên của xã hội. Họ được
học hành và hứa hẹn trở thành ông thông, ông phán, trở thành tầng lớp công chức
trí thức trong xã hội lúc bấy giờ. Ở một góc độ nào đấy, đây là những con người
mà xã hội thần tượng khao khát mơ ước. Nó là sản phẩm của một chặng đường khi
mà chế độ thực dân đã đặt được ách thống trị trên đất nước ta và khi văn hóa
phương Tây đã tạo được dấu ấn đáng kể trong truyền thống văn hóa dân tộc. Con
người đó không bằng lòng với cái hạnh phúc bé nhỏ đời thường mà muốn vươn tới một
cái gì đó có ý nghĩa. Chính cái vốn văn hóa, vốn tri thức giúp họ biết trăn trở
suy tư trước những vấn đề nhất định của cuộc sống, của thời cuộc. Đó là biểu hiện
của một con người có tâm hồn phong phú, có lí tưởng đẹp đẽ. Nó làm ta liên tưởng
đến những con người trong thực tế lịch sử như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu,
Cô Bắc, Cô Giang v.v. Đẹp làm sao khi những con người đó ra đi vì lí tưởng
nhưng lúc nào cũng mang theo hình ảnh một người con gái trong tâm tưởng. Nói
cách khác, đó là con người có một lí tưởng để tôn thờ và một người con gái để
tưởng nhớ. Nét tâm tư này là biểu hiện của sự lãng mạn, làm nên sức hấp dẫn của
hình tượng khách chinh phu. Đó cũng là sự ám ảnh mà chúng ta muốn nói tới.
Nói đến hình tượng khách chinh phu cũng là nói tới tiếng gọi lên đường. Nó được
các tác giả lãng mạn thể hiện như một ma lực. Sự lên đường đó thường bắt đầu bằng
một buổi tiễn đưa của người con gái (dĩ nhiên là vô cùng xinh đẹp). Tâm trạng của
người tiễn đưa này gián tiếp khẳng định lí tưởng của người ra đi. Đó là sự hi
sinh và cũng là lời hứa hẹn về sự chung tình. Thế Lữ đã viết:
Lòng ta phơi phới quên
thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ
(Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng)
Tương tự như vậy là hình tượng người chiến sĩ cách mạng được Nhất Linh thể hiện
qua hàng loạt các nhân vật như Dũng, Trúc, Thái, Tạo v.v. Nhân vật Dũng (Đôi bạn,
Đoạn tuyệt…) trên bước đường lữ thứ lúc nào cũng tưởng nhớ đến Loan. Thậm chí,
trong suy nghĩ của Dũng là suốt cả cuộc đời không dám nghĩ đến một cuộc sống xa
Loan. Con người đó là quá đẹp. Nó kết tinh trong đó những giá trị nhân bản như
là sự thống nhất của con người cá nhân và con người công dân. Mãi mãi trong lịch
sử phát triển của xã hội loài người, ai ai cũng mong muốn đạt được giá trị lí
tưởng đó. Ở đâu và bất cứ lúc nào người ta cũng tôn thờ con người với cái đẹp
trong hình ảnh:
Rũ áo phong sương trên gác
trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân
sang
(Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng)
Hình tượng đó của Thế Lữ cũng đã được các tác giả Tự lực văn đoàn cụ thể hóa bằng
hàng loạt các nhân vật trong các tác phẩm như Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Thế rồi
một buổi chiều, Tiêu Sơn tráng sĩ. Nó thống nhất với con người cá nhân trong sự
tồn tại của chính nó. Chẳng hạn Dũng (Đoạn tuyệt, Đôi bạn) được đặt trong quan
hệ với người lao động, gia đình, người yêu, với con đường chông gai gió bụi
v.v. của chính mình. Đó vừa là sự hi sinh vừa là mối quan hệ không thể tách rời
giữa lí tưởng và thực tại. Nó được kết tinh trong vẻ đẹp của lòng yêu nước với
khát vọng lên đường của chính con người đó trong Thơ Mới cũng như ở hình tượng
người chiến sĩ cách mạng trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Thâm Tâm từng viết:
Li khách! Li khách! Con đường
nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay
không
Thì đừng bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
(Tống biệt hành)
Trần Huyền Trân cũng viết:
Nẻo về chật chội áo cơm
Dặm đi chắc rụng từng cơn lá
buồn
Lòng ta không sóng không đừng
Thơ vang lại vướng mấy tầng
cửa quan
(Độc hành ca)
Ngay cả nhà thơ say Vũ Hoàng Chương cũng dừng bước chân giang hồ để cảm khái về
đất nước:
Phấp phới vàng sao hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô
Cái trữ tình đó của Thơ Mới được cụ thể hóa trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn bằng
con người dám từ bỏ cuộc sống gia đình, từ bỏ cuộc sống riêng tư, từ bỏ cái hạnh
phúc đời thường của con người cá nhân để dấn thân trên con đường gió bụi. Chiều
sâu của nó được cảm nhận bằng cả một thế giới tâm trạng với dòng độc thoại nội
tâm: “Dân là nước. Yêu nước nghĩa là yêu chung đám thường dân này”. Có lẽ trong
văn học công khai hợp pháp lúc bấy giờ, chưa có một nhân vật nào bộc lộ được
cái quan niệm nhân sinh tích cực và tiến bộ đến như vậy.
Không dừng lại ở nhận thức đó, khách chinh phu của văn học lãng mạn cũng đồng
thời là con người hành động. Đặc điểm này được bộc lộ ngay trong tiếng gọi lên
đường mà chúng ta đã nói tới. Như vậy, lên đường là biểu hiện đầu tiên của hành
động. Đây là điểm xuất phát của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tiểu
thuyết Tự lực văn đoàn. Thậm chí, nhu cầu hành động đã trở thành trí lí nhân
sinh trong lẽ sống những con người này. Dũng (Thế rồi một buổi chiều) đã tâm sự:
“Theo ý tôi tưởng, người ta muốn quên… không gì hơn là quên mình trong hành động.
Thưa ni cô, tôi vì chán đời mà hành động, ngờ đâu chính sự hành động đó đã đem
lại cho tôi cái vui vẻ, cái hăng hái ở đời”. Cũng một ý như vậy, Phạm Thái (Tiêu
Sơn tráng sĩ) khẳng định: “Đời kẻ tráng sĩ chỉ có một nghĩa là hành động”. Đây
là bộ phận hợp thành cái gọi là “khách chinh phu”. Nó hiện thực hóa cái khát vọng
tâm hồn, khát vọng lí tưởng của chính những con người đó.
3. Hình
tượng khách chinh phu trong văn học lãng mạn mà cụ thể là trong Thơ Mới và tiểu
thuyết Tự lực văn đoàn là vô cùng phức tạp. Các nhà nghiên cứu phê bình đã nói
đến khách chinh phu bằng những thái độ rất khác nhau. Tùy theo từng góc nhìn mà
khách chinh phu được khẳng định hoặc bị phủ định. Dù vậy, theo quan điểm của
chúng tôi thì sự đánh giá hình tượng văn học này phải chú ý đến những yêu cầu
sau:
- Một là, đối tượng được phản ánh trong hình tượng khách chinh phu là một sản phẩm
xã hội gắn liện với những yêu cầu lịch sử xã hội cụ thế. Đó là sự yếu ớt của một
số phong trào cách mạng và sự thất bại của chính nó. Hiểu như vậy thì sự thoái
li, tâm lí thất bại chủ nghĩa, sự mơ hồ trong lí tưởng v.v. của khách chinh phu
là một tất yếu. Phải xem đó như là một vấn đề của hiện thực xã hội.
- Hai là, khách chinh phu là một hình tượng nghệ thuật. Nó phải được định giá bằng
những tiêu chí nghệ thuật. Nếu sử dụng yêu cầu của hình thái ý thức này cho
hình thái ý thức kia một cách trực tiếp thì cách nhìn nhận, đánh giá sẽ khó
thuyết phục.
- Ba là cái buồn của khách chinh phu là một hiện tượng có thật. Tuy nhiên, cái buồn
này tự nó là một sắc màu thẩm mĩ trong đời sống tinh thần tình cảm của con người.
Vì vậy nếu khách chinh phu có buồn bã đến não lòng thì cũng là điều hợp lí.
- Bốn là phải có cái nhìn đa chiều với văn học cũng như với hình tượng khách
chinh phu. Điều này đồng nghĩa với việc tránh sử dụng tư duy đối cực để giải
quyết vấn đề. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng đơn giản hóa đối tượng vốn vô
cùng phức tạp.
Hình tượng khách chinh phu, như chúng ta cảm nhận, là hình tượng nghệ thuật hàm
chứa trong đó một sức sống mãnh liệt. Nó được cá thể hoá một cách vô cùng sinh
động trong cách viết của nhà văn. Chất nhân bản của hình tượng này gắn liền với
những vấn đề mà mọi thế hệ quan tâm. Đó là một trong những hình tượng đẹp nhất
của văn học dân tộc. Các giá trị này làm nên cái mà chúng tôi gọi là “sự ám ảnh”
của hình tượng khách chinh phu.
Chú
thích
(1), (2) Nguyễn Như Ý (chủ
biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999, tr.883, 367.
(3) Phan Cự Đệ, Tự lực
văn đoàn, Nxb Văn học, 2001, tr.543.
Tài liệu tham khảo
1. Phan
Cự Đệ, Tự lực văn đoàn, Nxb Văn học, 2001.
2. Phan
Cự Đệ (chủ biên), Vhọc VN (1900-1945), Nxb GD, 1998.
3. Đỗ
Đức Hiểu, Đổi mới phê bình văn học, Nxb. KHXH, 1993.
4. Lê
Đình Kỵ, Thơ Mới - Những bước thăng trầm, Nxb. Tp. HCM,
1989.
5. Trần
Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội,
2001.
6. Hoài
Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, 1988.
7. Đỗ
Lai Thúy, Con mắt thơ, Nxb Lao động, 1994.
8. Đặng
Tiến, Thơ, thi pháp và chân dung, Nxb. Phụ nữ, 2009.
9. Nguyễn
Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, 1999.
Tháng 9-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét