Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Văn Cao: Cuộc ra đi mãi mãi âm vang

Văn Cao: Cuộc ra đi mãi mãi âm vang
Le dernier des Mohicans. Có lẽ là thế. Ở bầu trời Hà Nội, anh Văn Cao là một mohican cuối cùng đã ra đi. Còn lại những ai nữa với một tấm lòng bao la yêu đời như thế. Có nhiều người nghĩ và hiểu nhầm anh Văn không biết vui cười. Theo tôi, anh Văn Cao rất biết cười và đùa cợt. Tôi đã từng là đối tượng để anh vui cười. Và từ đó chúng tôi đã thành hình một cuộc chơi đầy thú vị. Cuộc chơi riêng lẻ mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được vì sao. Sống là vui và yêu đời nhưng luôn luôn vẫn có cách yêu đời thế này thế nọ. Tôi thường nói với anh Văn, ta cứ theo cách mình mà yêu đời và yêu người.
Khi nhà đại danh họa Salvador Dali mất, tình cờ tôi đọc trên báo Paris Match với tựa đề lớn: Người họa sĩ siêu thực vĩ đại cuối cùng của thế kỷ đã ra đi. Ra đi có nghĩa là không còn ở lại với đời nữa. Và ra đi đồng thời cũng hàm ý một cuộc trở về. Trở về với quê nhà, với cố quận. Nói và nghĩ thế để sự mất mát không còn là một nỗi đau thương. Anh Văn Cao ra đi nhẹ nhàng như gió thoảng. Không nợ nần chi với cuộc đời và để lại cho đời nhiều giá trị.
Anh Văn Cao là nhạc sĩ hay thi sĩ hay là họa sĩ tôi không còn nhớ. Chỉ nhớ một điều duy nhất anh là một con người. Tôi đến với anh Văn Cao bằng một thứ chiều dài có thể đo lường được. Không dài lắm và cũng không ngắn lắm. Vừa đủ để hai người có thể uống cùng nhau những ly rượu của một cuộc đời riêng chung. Ở đó có niềm vui và đồng thời cũng có nỗi buồn. Cõi lòng anh tôi chưa đào hết và cõi riêng tôi anh cũng chỉ biết một phần.

Cần gì phải hiểu hết nhau mới trở thành tri kỷ. Tri kỷ đôi lúc chỉ vì một cái nhìn, một tiếng nói. Con mắt trẻ thơ trong anh và trong tôi đã từng thấy xuyên suốt những hài nhi đáng yêu và những mệnh phụ kiều diễm đáng ghét.
Anh Văn ơi, có thể nào cuộc đời của một con người chỉ có từng ấy thôi. Tôi tin rằng những va chạm ly cốc giữa anh và tôi vẫn còn âm vang mãi trong cuộc sống này. Tiếng long cong của thủy tinh còn rớt lại mà anh thì đã ra đi.
Anh đã không giữ nổi lời hứa: Chúng tôi sẽ sống đến thế kỷ thứ 21. Thế kỷ ấy đang ở trước mặt chúng ta và đang dần dần đến. Quá buồn và quá nuối tiếc vì một thế kỷ đầy hứa hẹn như thế mà anh không có mặt. 

Trịnh Công Sơn
Nguồn: Kiến Thức Ngày Nay
Theo http://216.119.90.158/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại (Đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” – NXB Hội Nhà văn) Bạn đọc đã biết nhiều đến tên tuổi nhà ...