Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Đảo Thuyền Chài - Kỷ niệm một bài hát

 Đảo Thuyền Chài - Kỷ niệm một bài hát
Hồi ức Trường Sa lại trở về với  tôi, trước hết là những âm vang của sóng và gió mà con tàu phải vượt qua để đến từng đảo nhỏ. Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, tàu buông neo ở phía Tây đảo Thuyền Chài. Thuyền Chài là một đảo chìm, khi nước thủy triều xuống thấp nhất thì đỉnh đảo mới trồi lên được vài mươi mét vuông. Đảo nằm cắt mặt giữa Đông –Tây, sóng từ phía Đông dội vào thành đảo làm tung bọt sóng trắng xóa chạy dài đến ngút tầm mắt. Nghe những thủy thủ trên tàu nói, đảo có chiều dài 17,2 hải lý, khoảng chừng 32km. Được che chắn sóng từ phía Đông, nên khi tàu neo ở phía Tây vẫn yên ổn như neo ở giữa lòng hồ vậy.
Đại tá Phạm Công Phán, Lữ trưởng 146 và một số cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đang vần tấm bia chủ quyền làm từ một tảng đá hoa cương nặng đến vài trăm ký lô xuống chiếc xuồng nhôm đưa vào đặt trên đỉnh đảo. Đưa được tấm bia bằng đá ấy lên được trên đảo phải mất hơn cả tiếng đồng hồ. Trở lại tàu, người nào người nấy, mồ hôi nhễ nhại, đẫm ướt cả lưng áo, nhưng trên gương mặt mọi người đều mang nét cười rạng rỡ, họ vui vì vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ. Đại tá Phạm Công Phán nói với chúng tôi:
- Đây không phải lần đầu mình đặt bia chủ quyền ở đảo này đâu. Những lần trước ta đặt bia bằng tấm đúc xi măng, với chất liệu nhẹ, nên các nước đang cùng có mặt ở vùng đảo này đi ngang qua, thấy bia chủ quyền của ta liền ghé vào rồi đập vỡ, xong thì họ lấy một tấm gỗ viết tên chủ quyền đảo này là của họ rồi cắm vào thay chỗ. Lần này ta thay bia chủ quyền bằng đá hoa cương, không  dễ gì  đập phá như trước nữa!.
Buổi chiều trên biển hình như xuống chậm hơn ở đất liền, đã hơn 5 giờ chiều rồi mà trời vẫn còn sáng rỡ. Khi chúng tôi ăn cơm thì nghe tiếng máy bay đang bay đến. Nhìn những thủy thủ trên tàu vẫn bình thản nên chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Những chiếc máy bay trinh sát của Mỹ bay lượn đến 3 vòng trên không, nó bay thấp đến độ chúng tôi nhìn thấy phiên hiệu lá cờ Mỹ và chữ USA trên cánh máy bay. Bay đến vòng bay thứ 3 thì chúng ngoặt về hướng Đông rồi bay thẳng.
Đêm ấy tàu neo lại ở đảo Thuyền Chài . Mới mồng 10 âm lịch, trăng lên rất sớm nên không có cảm giác là hoàng hôn đang dần buông xuống. Nằm trên boong tàu nghe radio đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh chương trình dân ca Nam bộ, lòng chợt nôn nao nhớ đất liền. Chuyến đi của chúng tôi ngày thứ mười tám, chỉ mới 2/3 chặng đường, ngày mai phải đến đảo An Bang, rồi Phan Vinh, rồi Trường Sa Đông và cuối cùng là về đảo Trường Sa Lớn để kết thúc chuyến đi thị sát toàn quần đảo. Dưới ánh trăng huyền ảo và làn gió đêm mát dịu, nỗi nhớ trong tôi cứ bềnh bồng theo con sóng, bàng bạc theo áng mây trôi, êm đềm ru tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay biết.
Hôm sau, tàu trên đường đi đến đảo An Bang, tôi đã phác thảo ca khúc: “Đêm trên đảo Thuyền Chài”, chỉ viết được đoạn mở đầu rồi thôi không viết được nữa, để rồi 4 năm sau đó tôi mới viết tiếp và hoàn thành ca khúc. Ca khúc Đêm trên đảo Thuyền Chài tôi viết bằng chất liệu âm nhạc dân ca Nam bộ giai điệu mượt mà, nhiều luyến láy nên hơi khó hát đối với những giọng hát nghiệp dư. Còn giọng ca chuyên nghiệp hát được bài hát mang chất liệu dân ca, thì ở đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng khi ấy, duy nhất mỗi ca sĩ Anh Đào, trong khi đó cô còn phải hát bao nhiêu bài hát khác nữa do đoàn phân công, nên làm sao mà cô có thể ưu ái dành riêng để hát bài hát của tôi cho được! Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, ca sĩ Anh Đào bây giờ đã lớn tuổi, có muốn hát giúp tôi thì giọng hát của cô cũng không còn trẻ trung để mà chuyển tải được nữa. Do vậy mà bài hát ấy đến nay vẫn chưa được phổ biến đến với công chúng! Bài hát Đêm trên đảo Thuyền Chài mở đầu bằng đoạn tự sự: 
Đêm trên đảo Thuyền Chài, nghe câu dân ca Nam bộ. Lòng nhớ về cánh đồng xanh quê ta. Vờn trên sóng biếc bao la, nhớ cánh cò nào qua sông chở nắng. Để khúc dân ca xao xuyến vọng đôi vờ…”
Với tôi, thì đây là một trong những ca khúc hay mà tôi đã viết về Trường Sa, nhưng có lẽ vì nó chưa tìm được giọng hát nào đồng thuận nên nó chưa thể trao duyên? Hay có khi nó lại rơi vào cảnh “Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người !”, mà cụ Nguyễn Tiên Điền ngày xưa đã phán rồi sao (?). Thôi thì cứ đành cho số phận vậy!.
Hình Phước Long
Theo http://www.ninhhoatoday.net/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...