Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Mùa xuân Ê-đê

Mùa xuân Ê-đê
Khi những cơn mưa rừng đã dứt hạt, những đám cỏ lau mọc dại bên bờ sông bắt đầu trổ cờ, là lúc các buôn làng Ê-đê đã xong vụ mùa thu hoạch; khi những con suối đầu nguồn trở lại trong xanh, khóm Djam tang bắt đầu đâm chồi nở hoa, là lúc buôn làng Ê-đê chuẩn bị bước vào xuân.
Như hầu hết các tộc người Tây nguyên, người Ê-đê ở Khánh Hòa - chủ yếu thuộc nhóm M’thua (Mđhua), sinh sống ở vùng miền núi phía tây bắc huyện Khánh Vĩnh và phía tây thị xã Ninh Hòa – kết thúc vụ mùa trên nương rẫy vào khoảng đầu tháng Chạp. Sau đó là khoảng thời gian dài nghỉ ngơi, lễ hội có khi đến hết tháng 2. Khoảng thời gian ấy người Ê-đê gọi là mùa “ăn năm, uống tháng”.  Vào mùa này, các buôn làng luôn rộn vang tiếng chiêng và dìu dặt tiếng Đinh – năm gọi mời cộng đồng vào mùa lễ hội. Trong đó lễ “Ăn mừng cơm mới” và lễ “Cúng bến nước” là quan trọng nhất.
- Lễ Ăn cơm mới:
Lễ Ăn mừng cơm mới (Hmă ngăt) của người Ê-đê ở Khánh Hòa, thường bắt đầu vào đầu tháng Chạp hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Sau lễ Ăn mừng cơm mới (Hma ngắt) thì tổ chức Ăn Tết (Mnăm thun). Ðó là tết lớn nhất của người Ê-đê, bà con mổ lợn, gà để tạ ơn vị thần lớn nhất là đấng sáng tạo Aê Ðiê và Aê Ðu, rồi đến Thần Đất (Yang Lăn), Thần Lúa (Yang Mđiê) và các thần linh khác. Những nhà giàu có khi còn mổ cả trâu, bò và tổ chức Ăn Tết lớn suốt cả ba ngày đêm.
Thuở xa xưa, trên rẫy của người Ê-đê bao giờ cũng dành một khoảnh đất tốt nhất không được trồng trọt một thứ gì ngoài cây lúa để cúng tế các Yàng, hoặc làm ma chay khi cha mẹ qua đời. Những cây lúa ở khoảnh đất này được chăm sóc rất công phu. Khi lúa chín, bà con chọn 7 bụi lúa tốt nhất bó lại rồi úp gùi đựng lúa lên trên rồi làm “lễ cúng xin tuốt lúa”; người đàn bà (chủ nhà), hoặc cô con gái lớn nhất, phải bứt bằng tay (tuốt lúa), không được dùng cật nứa hoặc lưỡi liềm để cắt như lúa thường. Khóm lúa này sẽ được “rước” về nhà để dùng làm lễ vật trong “lễ cúng đóng kho” và được giã ra để cúng tạ ơn Thần Lúa trong ‘lễ ăn cơm mới”. Nếu cúng xong còn dư, có thể rang lên, hoặc để dành, tuyệt đối không được ăn, bán, đổi, hay cho người khác.
Lễ Ăn cơm mới và Ăn Tết (Hmă ngăt - Mnăm thun) của người Ê-đê không tổ chức đồng loạt mà theo từng gia đình và theo trật tự đã thỏa thuận trước với những gia đình trong buôn. Quy mô của lễ cũng tùy thuộc vào kết quả thu hoạch vụ mùa của từng nhà. Khi chọn được ngày tốt, gia đình sẽ thông báo với bà con thân thuộc và bạn bè buôn gần, buôn xa đến nhà dự lễ. Ai có hảo tâm, tùy hoàn cảnh thì tham gia đóng góp. Dù ít, dù nhiều gia chủ cũng trân trọng đón nhận.
Vì là lễ của gia đình nên Lễ Ăn cơm mới được tổ chức ngay tại nhà và được cúng vào buổi trưa. Để chu đáo, gia đình phải nhờ người khéo tay tới làm cột gơng - dùng để cột ché rượu chính trong lễ cúng, đôi khi còn mời cả người giỏi nấu nướng đến giúp đỡ và tất nhiên không thể thiếu đội chiêng. Đến dự lễ, chủ lẫn khách đều ăn mặc đẹp. Khi rượu cần đã cột kỹ vào gơng, lá đã lèn chặt và nước đã rót đầy các ché. Gia chủ mời khách nam ngồi trên những chiếc chiếu trải đầy gian khách (Đinh Gar). Khách nữ ngồi kín gian chủ (Đinh Ôk) cùng với các nữ chủ nhân.
Trên chiếc chiếu mới trải giữa nhà, phía trong những ché rượu (tùy theo mức độ mùa màng mà cột từ 1-3-5 ché hoặc nhiều hơn nữa), chủ nhà bày lễ vật gồm: đầu heo, những chén đồng đựng huyết, thịt heo (mỗi thứ một ít, nhưng phải đầy đủ, không được thiếu thứ gì); ngoài ra còn có bầu nước suối, ống điếu, tô cơm mới, tô canh cà đắng và một số nông cụ như cuốc, rựa, rìu…Thầy Cúng cầm cần hút rượu vào chén đồng, đặt trước mặt nữ chủ nhân cao tuổi nhất: người nhận lễ. Dàn chiêng bắt đầu trổ tài diễn tấu.
Thầy Cúng ngửa mặt lên trời, hai bàn tay nắm lại, khấn: “Ơ Yàng ở phía Đông, Yàng ở phía Tây, Yàng trên mây, Yàng dưới nước, các Yàng đất, Yàng rừng… Yàng đã ban cho chúng tôi mưa thuận gió hòa, cho lúa bắp sinh sôi. Nay tôi suốt lúa một gùi, tôi bẻ bắp một giỏ. Tôi cột ché rượu này mời các Yàng về ăn cơm mới. Rượu này thần uống. Cơm này thần ăn. Mùa sau lại cho chúng tôi chân tay mạnh khỏe, lúa bắp tràn đến nóc đầy khắp nhà. Lời tôi ước xin các Yàng hãy nhận. Lời tôi cầu xin các Yàng hãy nghe. Ơ Yàng!”.
Khấn xong, ông cầm bát rượu hòa huyết heo bôi ba lần lên chân bà chủ nhà, rồi cùng vài người già trong gia đình, trong dòng họ trèo lên nhà kho để lúa (Sang Mdiê) khấn Thần Lúa; cắt cổ con gà, nhỏ vài giọt máu xuống vựa lúa. Sau đó họ trở lại nhà sàn, bôi rượu huyết vào cầu thang, cột nhà, thành bếp… Vậy là gia đình này đã được các vị thần linh ban phước và che chở.
Sau cùng, Thầy Cúng mời người phụ nữ chủ gia đình cầm cần ché rượu đầu tiên, rồi mới trao cần cho người chồng, rồi sang tay nối tiếp cần rượu các ché thứ 2, thứ 3… Thế là xong phần nghi lễ. Từ lúc này trở đi, cần rượu không được buông khỏi tay người và tất cả uống để mừng lúa mới chắc hạt, nặng bông. Trong tiếng chiêng dồn dập, vang xa như bay bổng lên chín tầng mây, như luồn xuống đáy vực, báo với các vị thần linh, với cộng đồng cái đói không còn đe dọa nữa. Cứ thế, rượu chảy tràn theo tiếng chiêng, theo những câu hát …
- Lễ cúng bến nước:
Nếu các nghi thức lễ trong vòng đời người và vòng đời cây trồng của người Ê-đê hầu như đều được tổ chức theo từng gia đình, dòng tộc, thì lễ Cúng bến nước (Yô pin ea) là lễ hội chung cho cả cộng đồng trong buôn. Vì vậy quy mô và ảnh hưởng của nó cũng sâu rộng hơn cả.
Cho đến nay, cộng đồng người Êđê ở Khánh Hòa vẫn còn là một xã hội đang tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta. Ngày xưa, đồng bào Ê-đê thường chọn những khu đất bằng phẳng, cạnh sông suối, ao hồ để dựng nhà, lập làng. Những gia đình người Ê-đê sống chung một làng thường có mối quan hệ dòng tộc với nhau. Mỗi làng đều có bến nước, nghĩa địa riêng; có nơi cư trú, nơi canh tác riêng và mặc nhiên được các làng khác thừa nhận. Trong thiết chế cổ truyền của người Ê-đê, làng được gọi là buôn và là đơn vị cơ sở xã hội duy nhất, cao nhất. Người đứng đầu của buôn thường là chồng của một người phụ nữ có uy tín nhất trong dòng tộc, trong buôn và cũng là Chủ bến nước (Khoa pin ea).
Bến nước vừa là không gian sinh tồn, vừa là địa điểm tổ chức các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân Tây Nguyên nói chung và cư dân Ê-đê nói riêng. Bến nước, được coi là khu vực thiêng, dân làng không ai dám xúc phạm nguồn nước, làm ô uế nguồn nước; bến nước còn là nơi hò hẹn và cũng từ đây nhiều đôi trai gái đã nên duyên chồng vợ. Bến nước vì vậy luôn là ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm thức của người Ê-đê.
Hàng năm vào khoảng tháng giêng, tháng hai, sau khi các gia đình trong buôn đã xong lễ Ăn mừng cơm mới, người Ê-đê tổ chức lễ Cúng bến nước để tạ ơn các đấng thần linh đã cho buôn làng nguồn nước tốt và cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người được nhiều sức khỏe. Vì là lễ cúng chung nên các hộ gia đình đều phải góp lễ bằng bất cứ thứ gì gia đình có như: gạo, rượu, heo, gà. Ngày xưa, lễ cúng thường kéo dài 3 ngày, ngày đầu cấm buôn và cúng ở bến nước; ngày thứ hai cúng tại nhà Chủ bến nước; ngày cuối cùng cúng mở cửa buôn. Ngày nay, tuy đã có sự giản lược để thích ứng với cuộc mới, nhưng các nghi thức thì vẫn còn được bảo lưu đầy đủ.
Ngày thứ nhất: Trước ngày vào lễ, Khoa Pin Ea nhắc nhở mọi người dọn dẹp sạch đường đi trong buôn, đường xuống bến nước; sửa sang lại máng nước, bãi tắm và chuẩn bị các lễ vật cho các lễ cúng. Trong đó không thể thiếu một con heo đực đen có đốm trắng trên đầu, rượu cần và trầu cau. Tại bến nước, bà con dựng cái cổng bằng tre lồ ô để báo cho dân làng biết ngày tổ chức lễ cúng, không được lấy nước tại bến.
Trong ngày này mọi sinh hoạt ngày thường của người dân như giặt giũ, chẻ củi, gùi nước, đi rừng… đều bị cấm. Bà con còn dựng một cổng tre ở để chắn ngang đường vào buôn, trên đó cho buộc sợi chỉ hồng, lông gà… để báo hiệu trong buôn đang có việc, cấm người lạ vào buôn.
Ngày thứ hai: Ngay từ tờ mờ sáng, mọi người trong buôn đã tụ tập đông đủ ở nhà Chủ bến nước và ai vào việc nấy. Trong nhà, các lễ vật gồm: 01 con heo; một cái nia lót lá chuối đựng năm món thịt heo thái nhỏ và một chén bằng đồng đựng tiết heo pha rượu; trầu cau, gạo, cơm xôi, thuốc rê; 09 ché rượu cần được buộc vào các cây tre tượng trưng cho cây nêu (Gơng) dựng thành một hàng dọc ở gian khách (Đinh Gar) của ngôi nhà dài. Ngồi phía vách bên trái là Chủ bến nước và đội chiêng K’nah. Ở gian chủ (Đinh Ôk) những người phụ nữ cùng ngồi với chủ nhà. Tất cả đều mặt sắc phục truyền thống được dệt bằng thổ cẩm màu chàm. Đặc biệt trang phục nam giới của người Ê-đê, khu giữa ngực áo có mảng sọc ngang trong bố cục hình chữ nhật màu đỏ thắm, tạo nên sự khỏe đẹp và rất đặc trưng của trang phục nam giới Ê-đê.
Đến giờ, khi Thầy Cúng và Chủ bến nước đến ngồi cạnh mâm lễ thì đội chiêng tấu bài “Gọi Yàng”, cũng là lúc những chàng trai trẻ cầm những ống tre đổ nước suối vào các ché rượu cần để mời Yàng và ông bà về chứng kiến cho buôn làng làm lễ Cúng bến nước. Sau nghi thức trình báo, Thầy Cúng mang mâm lễ vật đựng sẵn trong chiếc nia và bầu rượu đi trước dẫn đường ra bến nước, theo sau là Chủ bến nước, rồi đến Già làng tay cầm khiên, đao, chít khăn đỏ để bảo vệ Thầy Cúng và Chủ bến nước; nối tiếp là 5 cô gái trong trang phục truyền thống, gùi những quả bầu khô cùng 5 người con trai vác theo các ché rượu cần, ống nước bằng tre cùng ra bến nước để làm lễ. Đoàn rước lễ đi đến đâu thì bà con cũng nối theo đến đó, tạo thành dòng người cùng nhau ra bến nước.
Đến bến nước, Thầy cúng bày biện lễ vật ở gần máng nước rồi khấn vái cũng sự lắng nghe chăm chú của đoàn người dự lễ. Lời khấn đại ý như sau: “Hôm nay, buôn …làm lễ cúng bến nước, mời Thần Trời, Thần Đất, Thần Núi, Thần Sông, Thần Bên Đông, Thần Bên Tây về đây cùng hưởng lễ vật với dân buôn chúng tôi và phù hộ cho buôn chúng tôi hưởng mưa thuận gió hòa, dòng nước trong mát trong lành, mùa màng tươi tốt, tất cả già trẻ trong buôn đều khỏe mạnh…” Cúng xong, Thầy Cúng cầm khiên, đao chọc vào dòng nước với ngụ ý xua đi cái xấu để nguồ nước luôn được trong lành, thông suốt.
Cúng ở bến nước xong, Thầy Cúng lại làm lễ cúng ở một gốc cây cổ thụ to nhất, lâu năm nhất ở khu vực bến nước với ý nghĩa mong muốn thần cây linh thiêng sẽ bảo vệ cho nguồn nước không bao giờ khô cạn, mãi mãi trong lành. Xong các nghi thức trên, những thiếu nữ Êđê xinh đẹp được buôn làng tuyển chọn, thướt tha trong bộ đồ truyền thống sẽ nhẹ nhàng múc từng bầu nước mát dưới bến, rồi cùng Thầy cúng mang về tiếp tục làm lễ cúng Thần Đất, cúng ông bà tổ tiên và cúng sức khỏe cho Chủ bến nước…
Nghi thức cúng “Mừng sức khỏe Chủ bến nước” được tổ chức tại nhà riêng. Đối với người Ê-đê, Chủ bến nước không chỉ là người trưởng buôn mà còn là người đại diện cho buôn làng đề đạt nguyện vọng của mình đến các bậc thần linh. Do vậy, cầu chúc sức khỏe cho Chủ bến nước cũng chính là cầu cho sự bình an của cả buôn làng. Khi lễ vật đã bày biện xong, Chủ bến nước đã ngồi vào vị trí, Thầy Cúng đọc lời khấn cầu thần linh và ông bà tổ tiên về chứng giám, phù hộ cho Chủ bến nước trên nền nhịp chiêng k’nah âm vang; sau đó ông cần rượu trao cho Chủ bến nước cùng bà con trong buôn theo thứ tự nữ uống trước, nam uống sau. Lễ tất, Thầy Cúng phân phát mỗi hộ một ít gạo, một ít nước suối lấy tại lễ cúng ở bến nước, sợi chỉ hồng cho các gia đình để họ mang về lấy lộc và cúng tại nhà riêng. Ông cũng cẩn thận buộc sợi chỉ hồng vào tay các thanh niên dự lễ như vật thiêng phù hộ cho họ được may mắn cả năm.
Kết thúc, mọi người về nhà cộng đồng của buôn để tham dự uống rượu cần, ăn thịt heo nướng, đánh chiêng, múa hát. Càng về khuya, khi rượu cần đã nghiêng ché thì nhịp chiêng càng nao nức, gọi mời. Bên bếp lửa bập bùng người già đang kể Khan, điệu kể lúc trầm như con suối dưới khe sâu, lúc bổng như đỉnh cao chót vót làm cho lũ trẻ ngồi bên lắng nghe như nín thở. Ngoài sân, tiếng hát A-rei của những đôi trai gái trong buôn cũng vang lên tình tứ, dặc dìu như muốn níu kéo mùa xuân ở lại. Cứ thế…cuộc vui kéo dài đến sáng hôm sau.
Ngày thứ ba: Buổi sáng khi mặt trời vừa lên, Thầy Cúng, Già làng, Chủ bến nước cùng ra mở cổng làng, rồi trở về nhà cột một ché rượu nhỏ, chuẩn bị lễ vật bao gồm: 1 con gà trống; đèn Kông làm bằng đồng, gạo đựng trong nia, đèn cầy. Sau đó họ đọc lời khấn với ý nghĩa kết thúc nghi lễ, cho phép bà con dân làng được đi săn, bắt cá, thăm nương rẫy và sinh hoạt bình thường.
Lễ Ăn cơm mới và Cúng bến nước là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của người Ê-đê. Đến nay vẫn được cộng đồng bảo tồn và phát huy. Lễ Cúng bến nước kết thúc cũng được xem như dấu hiệu đã hết mùa “ăn năm, uống tháng” của người Ê-đê.
Giã từ những cuộc vui để bước vào những ngày lao động mới, nhưng họ vẫn mang trong lòng tình yêu của mùa “ăn năm, uống tháng” để cùng nhau vượt qua những cơn mưa đông, nắng hạ cuộc đời với niềm tin “mùa xuân Ề-đê” đang chờ ở phía trước.
HÌNH PHƯỚC LIÊN
Theo http://www.ninhhoatoday.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...