Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Viết lời mới cho dân ca bài chòi

Viết lời mới cho dân ca bài chòi
Tôi đã từng nghe không ít người nói: “Viết lời mới cho làn điệu, bài bản dân ca, bài chòi Khu V đâu có gì khó. Anh cứ làm thơ theo kiểu lục bát hoặc song thất lục bát chính thể hay phá cách là có thể hô, hát bài chòi và các bài bản hò, vè, lý, lía Khu V thoải mái!”.
Nhiều người sành hô, hát bài chòi và dân ca Khu V cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Cứ đưa cho tôi bất kỳ một bài thơ thể lục bát nào đó, tôi sẽ hô liền cho anh nghe một làn điệu bài chòi…”.
Ừ…quả là có như vậy thật! Nhưng rồi nghĩ cũng lạ…Viết lời mới cho một làn điệu bài chòi nghe chừng quá dễ, vậy mà mỗi lần dàn dựng chương trình văn nghệ, cần có một vài tiết mục độc tấu bài chòi, một ca cảnh, một vở kịch ngắn dân ca, bài chòi cho “đậm đà bản sắc” Khu V, thì tìm đỏ mắt, bởi không tìm ra người viết! Vậy là viết lời mới cho một thể loại dân ca, bài chòi đâu có phải là chuyện dễ ăn!
Cũng có nhiều anh, chị diễn viên nóng ruột, chọn lấy một bài thơ lục bát nào đó có nội dung phù hợp với kết cấu chương trình làm tiết mục độc tấu bài chòi, cũng phân chia bài thơ ra làm nhiều làn điệu cho nó phong phú, rồi biểu diễn… Thường ngày bài ruột thì hô, hát rất hay, đảo hơi, láy giọng ngọt lịm, bà con thưởng thức vỗ tay tán thưởng quá chừng, bỗng dưng bữa nay trình diễn bài lới nghe khô rôm, khô rốc…lét đét vài tiếng vỗ tay như nậu đập muỗi! Té ra hô, hát phải đâu là chuyện dễ chơi, cứ có thơ lục bát là có thể “gặm” được (!).
Vậy là rõ, đâu phải hễ có cá, có thịt, có rau đậu, có gia vị đủ thứ thì ai cũng nấu thành món ăn ngon. Muốn có được món ăn ngon, lúc này phải do tay nghề của người nấu. Chuyện bếp núc là vậy, xem chừng việc sáng tạo nghệ thuật cũng không khác mấy!
Bản thân tôi cũng có chút ít kinh nghiệm về điều này…Để viết được lời mới cho bài chòi và dân ca Khu V, tôi đã phải học hô, hát và hô, hát sành sỏi như một nghệ sĩ chuyên nghiệp vậy. Có hô, hát điêu luyện, hồn vía bài chòi thấm vào máu thịt -nói theo cách dân dã- thì lúc sáng tác lời mới ứng dụng vào các thể điệu bài bản, làn điệu mới không xơ cứng.
Trong hệ thống làn điệu, bài bản dân ca, bài chòi có đủ các tính chất vui buồn, giận hờn, oán trách… Thuật ngữ điệu tính đã chia ra nhiều giọng điệu : hơi Xuân, hơi Ai, hơi Oán, hơi Quảng và còn có cả hơi Đão nữa… để chỉ rõ tính chất âm nhạc của từng điệu hát. Vậy nên khi viết lời mới cho một làn điệu, bài bản nào, thì phần lời phải phù hợp với tính chất âm nhạc của bài bản, làn điệu đó, hiệu quả nghệ thuật mới đạt được cao hơn. Điệu hát buồn lời hát phải buồn. Điệu hát vui lời hát phải vui…Người sáng tác lời mới cũng không thể làm khác được!
Thứ đến là phải biết âm nhạc. Biết âm nhạc để khi viết lời mới chúng ta có thể kết nối từ làn điệu này, sang bài bản, làn điệu kia mà không bị sai lệch, khập khiễng về giọng điệu. Những làn điệu, bài bản kết chuỗi với nhau thành một thể liên hoàn, làm cho người thưởng thức thêm thú vị với cái cảm giác vừa lạ vừa quen… Đây là thủ pháp sáng tác khi chúng ta ứng dụng vào sân khấu, vào các thể loại ca cảnh, tồ khúc giao duyên…
Còn với sân khấu kịch hát, dù là kịch ngắn, việc xử lý bài bản, làn điệu cho nhân vật trong vở diễn cũng không phải là điều đơn giản. Bởi lẽ khi là kịch hát, thì ngôn ngữ chính của diễn viên trên sân khấu lúc này là hát chứ không phải nói…Mọi tính cách của nhân vật như: trung, nịnh, ngay thẳng, gian xảo, hiền đức hay hiểm ác, đều biểu hiện thông qua hô, hát. Thế nên khi viết lời ứng dụng vào làn điệu, bài bản, phải làm sao cho đúng với từng hoàn cảnh, từng tính cách riêng của từng nhân vật trên sân khấu. làm được như thế, mới tạo được sinh khí phong phú cho sân khấu kịch hát, mới lôi cuốn được khán giả thưởng ngoạn đến với nó.
Điều sau cùng là phải có chút ít vốn liếng hiểu biết về văn hóa dân gian, nơi vùng dân ca mà mình tìm hiểu sáng tạo. Cái gì đã tạo nên sự khác biệt giữa dân ca quan họ vùng Kinh Bắc với dân ca vùng Lam Kinh Thanh Hóa? Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh có địa bàn tiếp giáp với nhau, nhưng vì sao trong ca hát dân gian lại khác biệt nhau đến vậy? Rồi ca Huế khác với Khu V, khác với ca hát tài tử cải lương Nam Bộ..v.v..
Có nhiều yếu tố hợp thành để tạo nên sự khác biệt, đó là phong tục, tập quán, tín ngưỡng, phương ngữ…rồi từ trong lao động sản xuất mà hình thành nên phong vị của từng miền, từng vùng trong ca hát dân gian. Từ giọng nói đến ca hát là một khoảng tương đối gần, ngữ điệu của cư dân mỗi vùng đã góp phần làm nên đặc thù cho dân ca vùng ấy. Có lúc vui, bạn bè thường nhại nhau tiếng vùng này, vùng khác để làm trò…Ai cũng thừa nhận giọng Bắc là chuẩn, giọng Nam mềm mại, nhưng nếu bảo một người miền Nam hát một câu chèo, câu quan họ thì nghe sao… trớt quớt! Còn bảo một người miền Bắc hát thử một câu vọng cổ, hay điệu Lý Cái Mơn thì nghe sao cứ cứng ngơ, cứng ngắt! Dân Khu V mình thường bị giễu cợt là có giọng nói hơi ‘lọa”, nhưng cứ thử xem, hô bài chòi đâu hơn dân Quảng Nam, Quảng Ngãi? Hát bộ hỏi nơi nào bằng Bình Định, quê hương của vị hậu tổ ngành tuồng Việt Nam cụ Đào Tấn? Do vậy, muốn viết lời mới cho dân ca vùng nào thì phải hiểu cho rõ, cho chắc văn hóa dân gian vùng ấy.
Không dám nhiều lời, kinh nghiệm bản thân tôi khi đến với nghệ thuật dân ca, bài chòi Khu V là vậy. Ghi lại ít điều đã học hỏi và làm được để cùng đồng nghiệp tham khảo.
Hình Phước Long
Theo http://www.ninhhoatoday.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

tống tiền Đêm khuya. Sau cuộc tổ tôm, bữa cháo gà thết khách đã hầu tàn. Đồng hồ rè rè buông hai tiếng, rời rạc, mỏi mệt như hai cái n...