Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Những chuyến đi tới sáng

Những chuyến đi tới sáng
Dân câu đồng ở Hóc Môn
Theo tui nghĩ, ở Sài Gòn có rất nhiều cần thủ đi câu đồng đêm, nhưng số lượng tập trung đông nhất, không có quận huyện nào, nhiều như dân Hóc Môn.
Từ ngày tui bỏ Saigon về thị trấn này, tui góp thêm cái “mẹc” của mình vào đội ngũ câu đồng, nhanh chóng tham gia vô một nhóm, toàn là dân mặt phố. Nói cầm đầu thì quá đáng vì nhóm của tui có rất nhiều bậc cha chú, nhưng bày trò thì chuyện nào cũng có tui.
Để phân biệt dân câu ở Hóc Môn, bạn hãy nhìn vào xe Honda của họ. Hoặc là cái bargare ở phía sau đuôi xe được lắp dài hơn, thường là làm từ inox, dùng cho việc cột đụt cá, thùng đựng đồ nghề vá xe và tất cả những vật dụng cần thiết, hoặc là phía trước gắn thêm cái đèn pha, tiện  cho 1 chuyến đi tới sáng.
Honda, tui có 3 chiếc. Su Skydrive và Exciter coi như đồ bỏ. Nó là chiếc wave A, đời 2001, lốc đen và chưa hề đụng bất cứ chi tiết nào trong máy. Nói về tốc độ thì em đời cũ này hỏng lại 2 đứa đồ bỏ kia nhưng nói về độ lỳ, cày bừa, thuận tiện thì chính xác 2 em kia là đồ bỏ (Híc bạn đừng đề nghị nếu ông bỏ thì cho tui đó nghen)
Câu đồng ban đêm, mồi câu nhạy nhất và hiệu quả nhất không có gì hay hơn trứng kiến vàng. Nhược điểm của nó là khó móc, khó bảo quản và dễ bị kiến đốt, đơn giản vì đó là.. trứng kiến. Dụng cụ ngoài cần câu, đục đựng cá, đèn pin thì có 2 điều đáng chú ý đó là thẻo câu và đài đựng trứng kiến.
Thẻo câu đồng, phao chì lưỡi được gắn thẳng vào trục. Nó hạn chế các vướng víu từ mặt nước như lục bình, chà... và các chướng ngại phía dưới như rong, rễ cây… Vì chỉ có 1 lưỡi cho nên mỗi lần câu chỉ dính được 1 con. Bạn đừng mong môt lần dính hai con như câu Đài, Hàn hay thẻo câu sông tới 4-5 cái lưỡi.
Đài đựng trứng kiến làm bằng tre, càng già càng có giá. Cột sợi dây đeo tòn ten trên cổ như đeo thẻ bài nên kiến vàng rất dễ xâm nhập vào trong áo. Để loại những cặp càng kiến lỳ lợm, trứng kiến mua về bạn lấy cái ao thun 3 lỗ, càng có mùi... hôi nách càng tốt, phủ lên rổ trứng kiến. Kiến thấy mùi người bu lên áo, bạn cầm áo giũ kiến đi. Hai ba lần là sạch.
Khoái nhất, cá đồng là cá thiên nhiên nên ăn rất ngon. Kênh rạch miền Tây trước đây cá nhiều như quân Nguyên. Bây giờ, nguồn nước lớp thì ô nhiễm, lớp thì cá bị chích điện và nhiều loại trong số chúng gần như tuyệt chủng. Các loại cá mà bạn có thể câu được bây giờ là: lóc, trê vàng, thát lác, rô và 2 loại mà dân câu đứng chửi thề là cá chốt và lòng tong.
Câu đồng ban đêm, thành hay bại phụ thuộc vào con nước và trăng. Cá thường ăn nhiều vào thời điểm nước vừa lên hay vừa xuống. Hai ngày trong tháng thường thấy dân câu đồng Hóc Môn chạy nườm nượp trên đường N2 hướng về Thạnh Hóa và Mộc Hóa là mùng 7 và 17 âm Lịch. Các ngày còn lại cũng nườm nượp không kém là chiều thứ Bảy bất kể nước lên hay xuống. Địa điểm câu chính xác, xin cho người viết được nói trong bài viết khác (bạn chê tui viết dở, tui cóc nói luôn).
Dân câu đồng Hóc Môn, nghe nói đến hồ câu dịch vụ là lắc. Không phải là họ hổng có tiền mà là cá hồ thường là cá nuôi. Đã là cá nuôi thì họ lắc cho dù đang thèm đi câu như thèm thuốc lắc. Các tiệm đồ câu như: Hoa Gia Thành, Châu A Ngầu, Hào cây Gõ, Định Đồng Diều, Tuấn Hàng Xanh mà gặp dân câu đồng là vô cùng buồn. Một ngày chỉ bán dăm cái lưỡi, vài mét cước thì có mà đốt phong long liên tục.
Cá trê vàng
Nhắc đến cá trê, đến bây giờ tui vẫn còn ngán đến tận bản họng. Nó là hậu quả của nhưng chiều ngồi mài mòn quần, vừa câu cá, vừa ngắm gái và phố xá Saigon thì ở một góc rất khác khi hoàng hôn buông xuống kinh Tàu Hủ, quận Tư.
Sau chiến dịch làm xanh những con kinh đen ngòm của chính quyền thành phố. Thành quả của nổ lực rất đáng ghi nhận đó là cá đã quay trở lại cho dù phần nhiều trong số chúng là cá phóng sanh. Trê trên kinh Nhiêu Lộc hay Tàu Hủ có kỹ năng tồn tại hết sức đáng kinh ngạc. Khi thủy triều lên, màu nước đúng là có xanh, có trong và ít mùi nhưng khi thủy triều xuống thì mèo vẫn hoàn mèo. Đen và hôi kinh khủng.
Ngày đó không thấy ai ra kinh Tàu Hủ câu cá. Đơn giản, họ nghĩ làm gì có thứ gì dưới sông ngoài rác và xác chuột chết. Những lần đi nhậu trên bến Vân Đồn, nhìn dòng nước xanh mát, thi thoảng lại xuất kiện tăm cá. Ngày rỗi hơi nọ, tui quyết định vác cần máy ra thử thời vận.
Người đi qua đường  thấy tui ngồi câu cá cứ tưởng tui điên, xúm lại xì xào bàn tán. Một lát sau cá lên, con trê lai đen thùi lùi, mập ú đâu khoảng nữa cân. Người ta tập trung lại mỗi lúc mỗi đông, vài người sống gần đấy chạy về nhà vác cần ra, xin mồi, mượn lưỡi. 20 K tiền trùn và dế vùa mới mua thoáng cái hết sạch, đã vậy còn thiệt hại thêm một hộp lưỡi Chinu số 7. Ở quận Tư, khi mà dân bản địa đã xúm lại quanh bạn thì tốt nhất là bạn nên thuận theo ý họ, ý Trời là chuyện nhỏ. Bữa đó, tui không nhớ nổi mình về nhà như thế nào vì cứ một người xin đồ tự nguyện đóng  góp 10 lon 333, bàn chuyện câu kéo tới 2 giờ sáng. Cuối cùng, cả đám quyết định thành lập một cái hội, bầu ra một anh nghe đâu cũng giang hồ khu đó làm trưởng nhóm, cứ địa đóng trước Riverside Palace. Tui làm cố vấn cho cái hội này khoảng 6 tháng, được chìu chuộng dữ lắm, đến ki đọc báo thấy dân tình phẫn nộ chuyện đánh bắt cá trên kinh ở Saigon, tui bỏ hội luôn.
Trê trên kinh Tàu Hủ là cá trê lai, cho tiền triệu tui cũng không dám ăn, vì lí do gì thì chỉ có những người câu ở đó mới biết. Các con kinh trong lòng thành phố chất chứa rất nhiều cặn bã và tội ác của loài người và những con trê lai sống dưới đó là nhân chứng. Chỉ tiếc là chúng không biết nói. Bây giờ, tui quay lại chuyện con cá trê vàng. Từ nỗi ám ảnh ở kinh Tàu Hủ, hễ câu được cá trê là tui chửi đổng làm chú Tư rất ngạc nhiên. Sau một lần đi câu ở kinh Lò Đường, ông chọn những con ngon nhất, không nói không rằng đem đi nấu một tô canh bầu. Đến bữa trưa mang ra tiệm của tui kèm theo tô cơm bốc khói nghi ngút và dĩa nước mắm y xắt ớt xiêm thơm phức. Bạn biết đấy, chỉ cần thấy canh bầu có hành ngò và tiêu là bụng tui sôi lên sùng sục. Múc lên thìa canh đầu, tui ăn liền, ngon cực ngon. Thìa thứ hai thì tui phát hiện ra khúc cá trê, có muốn nhả ra cũng không kịp nữa. Chú Tư cười hề hề, gắp nó ra dĩa, nói ngắn gọn: ”ăn đi”.
Ở đời, có những món ăn mà bạn nghĩ nó trông thật kinh khủng, chỉ khi bạn thực sự nếm nó theo cách nấu đúng, bạn mới nhận ra rằng mình đã thực sự hoang phí khoảng thời gian quá dài bỏ lỡ một món ăn ngon kinh khủng. Thế mới có câu: "cơm nhà mình, phở nhà hàng xóm". Đừng làm bất cứ món gì trở nên bội thực hay quý hiếm, kẻo không bạn sẽ phải hối hận như tui.
Để phân biệt trê lai với trê vàng, đầu tiên bạn nhìn kích thước của nó. Trê vàng rất nhỏ con, mình ngắn, sống lưng gù lên, thân và thịt vàng ươm. Điểm khác biệt độc đáo nữa là đầu cá trê vàng chạy hình dích dắc sâu hơn trê lai. Ngoài chợ, một số bà hàng cá lừa đảo chị em thiếu kinh nghiệm, lựa những con trê lai có kích cỡ như trê vàng, sau đó đem nghệ xát lên, bán với giá cá trê vàng. Người không biết là dính bẫy chắc luôn.
Giá cá trê vàng là 120k/kg, đầu nậu thu vào 70k/kg, mỗi tuần, đội của tui gồm tui và chú Tư đi câu 3 ngày, thu về chỉ được khoảng 6kg. Các loại cá khác như lòng tong, lóc, thác lát thì không bán (ngu sao bán) đem ra làm tùm lum món, ăn mệt nghỉ.
Nghề câu cũng lắm truân chuyên
a. Đèn pin kẹp nón hiệu Ông Tư, bảo hành suốt đời trừ điệu kiện đập, đạp, bỏ dưới bánh xe cán. Giá trọn bộ: 100k
b. Thẻo câu đồng hiệu Lộc fishing giá 10k/ cái
Trước chuyến đi.
Dân câu đồng, hễ thấy bạn câu mặc áo khoát rằng ri, cột bao cần trên xe chạy ngang trước ngõ, là trong lòng thấy rậm rực, nôn nao.
Chắc hẳn, bạn đã từng xem trọn bộ Tom &Jerry, bạn sẽ nhớ đoạn mèo Tom rình bắn đàn vịt trời. Tài thiện xạ của hắn hay đến nỗi nguyên cả bầy vịt  bự chà bá, bắn không trúng con nào. Phát đạn cuối sượt qua cánh một con vịt con, làm nó rơi xuống đất. Nhờ tính ưa cứu giúp người của Jerry, vịt con mới thoát được cái cảnh vịt quay Bắc Kinh mà người ta bán đầy trên đường Âu cơ, gần bùng binh Lê Đại Hành.
Bị gãy cánh và cháy long đuôi, vịt con hễ nghe tiếng bầy đàn là năm lần bảy lượt tìm cách bay trở về Phương Nam mặc dù Jerry cố gắng  hết sức để ngăn cản. Cái nỗi nhớ bầy đàn đó,bao giờ xem lại  cũng làm tui xúc động. Như bao dân câu khác, hễ thấy bạn câu mặc áo khoát rằng ri, cột bao cần trên xe chạy ngang trước ngõ, là trong lòng thấy rậm rực, nôn nao.
Đi câu, ngoài chuyện chính là cá, bạn còn được hòa mình vào thế giới sông nước, trò chuyện cùng cư dân bản địa và biết rất nhiều đặc sản mà trước đây bạn chưa từng được nếm bao giờ. Ngồi trên bờ kinh, những lo toan vặt vãnh thường ngày tự dưng biến đâu mất hết, nhường lại cái thư thả và sảng khoái khi bắt được cá. Thứ duy nhất làm phiền bạn chính là cái điện thoại và nếu có thể được, bạn nên tắt luôn cho nó lành (tui từng dại dột đập gãy mất cây Daiwa 3m6 cũng vì cuộc điện thoại chết tiệt, tiếc đến từng khúc ruột).
Trước chuyến đi câu đồng đêm, những vật dụng cần thiết dưới đây bạn cần phải bỏ vào bao cần và mang theo:
1. Cần câu cá, ít nhất là 2 loại: 3m6 và 4m5 (đi câu mà không có cần thì tay không bắt cọp như Võ Tòng)
2. Thẻo câu đồng, ít nhất là 4 cái loại 2m5 và 3m.
3. Móc bèo loại inox dài 3m6 trở lên
4. Phao mi nơ 2.5 m ít nhất là 2 bịch (vì hàng Tàu thì hên xui, gặp đúng bịch không sáng thì có mà vò đầu bức lông)
5. Đèn pin loại kẹp nón (loại này mà chú Tư làm thì chấp luôn hàng Mỹ, Nhật, Châu Âu)
6. Áo quần, giày câu (muỗi miền Tây thì như sáo thổi, mặc bộ đồ mỏng thì bao nhiêu máu trong người đều phải hiến nhân đạo hết).
7. Đài đựng trứng kiến (quên cái món này, thì xin lỗi bạn, không còn gì để câu luôn.
8. Trứng kiến, ít nhất là 1 lon, hiện tại giá 26k/lon.
9. Nước uống (bị chú: nước sông uống không được).
10. Đục đựng cá (xin lỗi bao ni lông không chịu nổi ngạnh trê vàng, chốt, rô và bạn sẽ thấy bao ni lông rỗng không vào cuối buổi câu)
11. Nếu bạn quên bất cứ điều gì bên trên thì bạn nên ở nhà, hoặc lúc đó thì đời rất chuối.
Đêm ngồi trên kinh, có rất nhiều thanh âm và khoảng khắc mà ở thành phố bạn sẽ không bao giờ bắt gặp được. Con người thật là kỳ lạ, họ luôn muốn điều trái ngược nhau, chẳng hạn như ở quê thì lại muốn lên phố, ở phố thì lại muốn về quê. Cuối cùng, như Trinh Công Sơn nói "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa" và kết luận: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Nếu một ngày bạn không biết phải đi đâu, làm gì, thì tôi khuyên bạn nên đi câu.
Con cá cũng biết chơi khăm dân câu, một trong tình huống đó là nó đợi lúc dân câu đang tè, lôi cần một phát xuống sông. Tui cam đoan với bạn rằng, bạn sẽ không có thời gian để đóng cần và kéo khóa vào lúc đó. Tốt nhất, bạn nên phóng nhanh tới chụp cây cần với cái quần bị ướt mem hoặc bạn phải chọn lưa ướt nguyên con nhảy xuống sông vớt cây cần câu lên.
Buổi tối trên kinh, không ai thấy bạn đang làm gì, chuyện đó: chuyện nhỏ
Lên là lên, là lên, là lên
Kỹ thuật câu tay các loài cá nước ngọt ở ngoài đồng khác với câu hồ rất nhiều, thế nên cần thủ loại này thường cãi nhau ỏi tỏm với cần thủ loại kia vào mỗi sáng trà đạo ở tiệm của tui. Tui là bậc hậu bối nên không  cãi, chỉ ngồi nghe. Tục ngữ có câu:’ thùng rỗng kêu to”, mấy ông ưa khoe câu được nhiều cá chổ này, chổ nọ. Trên thực tế, chổ đó chính là tổng kho Long Bình toàn là bom, mình với lựu đạn. Nổ giàn trời.
Dù có là bậc cao nhân cần thủ đi chăng nữa thì ai cũng phải thừa nhận rằng: yếu tố may mắn góp phần rất quan trọng cho chuyện cá lên. Nếu nhiều người câu cùng một địa điểm đều có cá mà riêng anh không có, thì anh phải xem xét lại kỹ thuật và mồi câu của mình. Ngược lại, nếu mọi người đều không có cá mà anh câu có,hoặc anh chính là quái nhân hoặc 99% anh quá may mắn.
Trong sự nghiệp câu kéo, tui chưa có cơ hội gặp được cần thủ quái nhân nào. Tất nhiên, tui có sư phụ nhưng họ không bao giờ chịu nhận mình là cao thủ. Hơn thua trong chuyện câu kéo, tui rất tâm đắc câu nói của Sir Alex:” phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”. Bạn đừng nghĩ tui đang cá biệt, sỡ dĩ tui mê câu nói đó vì tướng tui trông chẳng  có chút phong độ nào nên chọn lựa duy nhất là cố tạo cho mình một ít đẳng cấp( dù ngồi lề đường buông gánh bán bưng).
Trở lại chuyện may mắn. Bữa đó tui đi câu ở hồ Trường An, nguyên một dàn cần thủ tên tuổi đều “lốc” hết, bỏ vô chòi ngồi nhậu cho đỡ” ê” cái mặt. Thấy cây cần của thằng cha dựng  lăn lóc bên chòi, cậu con khoảng 7 tuổi, móc miếng thịt gà quăng xuống. Mới nghe một cái:’ tủm” thì con cá tra 10 kg bương vô, giựt một phát làm thằng nhóc lọt hồ luôn. Thiệt là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, nó dứt khoát chọn cảnh lọt hồ chứ không chịu buông cây cần. Báo hại cả bàn nhào xuống hồ vớt thằng nhóc, cây cần và…con cá tra. Ướt như chuột lột.
Cá tra mà chịu ăn thịt gà, dám toàn bộ tiệm câu ở Saigon chuyển sang bán gà hết.
Cái khoảng khắc chiếc phao nhún, nhấp, lút làm cho dân câu chết mê chết mệt và nhiều người ngay cả trong giấc ngủ vẫn mơ về thời khắc đó. Khoảng đê mê kế tiếp là  giựt cần cây cần lên, rồi nó oằn  xuống, cước rít từng hồi và dưới nước một con gì đó rẽ sóng chạy tới chay lui như tên bắn. Lúc này, bản chất và bản lĩnh của cần thủ mới thể đầy đủ nhất, nếu bạn để cá chạy thẳng ra ngoài tầm với của cây cần thì coi như thua, không cần nào cước nào chịu nổi. Nó giống như bạn chơi trò vật tay và bạn để đối thủ kéo giãn tay mình xuống. Bạn sẽ nghe một tiếng “rắc” và mọi thứ bỗng dưng nhẹ hều. Chiếc phao sẽ bỏ bạn chạy tít ra xa, nổi lên, thụt xuống trêu ngươi khổ chủ. Người thì hậm hực đứng trên bờ lôi hết tổ tiên con cá ra chửi. Người khác thì ngậm ngùi, nuối tiếc” nhìn người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Riêng tui, chỉ ngắn gọn một từ: “á đù”.
 Để mình không phải chửi thề, bạn hãy dìu đứng cây cần và chớ có nôn nóng. Cá mắc vào lưỡi câu nó sẽ cảm thấy đau và bạn đừng làm nó mất đi cảm giác đó. Chạy tới chạy lui một khoảng thời gian nó sẽ bị kiệt sức và bạn hãy lôi miệng nó lên trên mặt nước, lôi miệng chứ đừng nhấc nó lên bạn nhé. Tốt nhất, bạn nên sắm thêm cây vợt vớt cá cho chắc cú. Trong trường hợp không có vợt thì bạn hãy túm lấy dây cước mà lôi cá lên. Nhiều cây cần carbon giá vài triệu bạc bị gãy do người câu cố nhấc bổng con cá. Giới hạn chịu lực của cây cần chỉ ở mức độ nhất định, bạn không lường hết trọng lượng của con cá cộng thêm lực giãy, gãy cần là điều đương nhiên.
Nhiều khi, cái khoảng khắc chiếc phao nhún, nhấp, lút không có “phê” chút nào. Đó là khi một con cá rô phi bằng 2 ngón tay hay là con cá chốt “củ chuối” dính câu. Bạn sẽ thấy con cá treo vắt vẻo trên sợi dây điện hay tòn ten trên đọt tràm vì lực gật cần quá hớp. Người thì hậm hực ngó lên mà lôi hết tổ tiên con cá ra chửi rồi nghiếng răng giựt phăng dây cước.  Người khác thì kiên nhẫn, kéo, rung, lắc các kiểu cho con cá rớt xuống. Riêng tui, chỉ ngắn gọn một từ: “á đù”.
Đến đây, bạn đã hiểu vì sao dân câu bỏ bạn, bỏ bè, quên vợ,quên con,  chịu cảnh dầm mưa giải nắng như một thằng điên để đi câu cá chưa? Chú Tư kết luận rất riêng ” cảm giác giựt cá lên lên còn sướng hơn rờ đít vợ”. Tui thì không mê rờ đít ai nên xếp nó trên cả 4 cái “sướng” của con người.
Lên là lên, là lên, là lên.
Nguyễn Quang Lộc
Theo http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thành phố vắng bóng mặt trời  Nhà văn Trần Quốc Cưỡng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên. Xuất thân...