Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Sông Dinh qua thi ca

Sông Dinh qua thi ca 
Hơn 10 năm trước, khi cộng tác với web đồng hương Ninh Hòa ở hải ngoại, tôi đã viết khá nhiều. Trong đó có loạt bài SÔNG DINH QUA THI CA, viết với tâm thế hào hứng, nồng nhiệt… Lúc đó, đọc những sáng tác văn, thơ, nhạc của đồng hương trên các diễn đàn mạng hoặc các ấn phẩm, thường thấy nhắc đến sông Dinh với những tình cảm, hoài niệm thiết tha… Có sẵn chất liệu và một số điều kiện thuận lợi, tôi hình thành ý tưởng viết SÔNG DINH QUA THI CA…
Bài đăng liên tục được 11 kỳ. Sau đó, không tiếp tục cộng tác với web trên, cùng lúc môi trường công việc chuyển đổi, tôi “mất hứng”, chấm dứt đề tài khi đang viết dang dở ở Bến Sông Dinh.
Dù viết trên tinh thần với cơ sở dữ liệu của hơn 10 năm trước và sông Dinh hiện tại có nhiều thay đổi. Nhưng thấy SÔNG DINH QUA THI CA vẫn chưa "lạc hậu", một số nội dung còn giá trị, tính thời sự, nên tôi cho “tái xuất”. Hy vọng "hàng cũ" vẫn còn dùng tốt...
I ) ĐÊM PHƯƠNG NAM NGHE TIẾNG SÔNG DINH
Một buổi tối, hai gia đình tôi và em tôi là Tấn Sơn rũ nhau đến quán ca nhạc loại “hát với nhau”, nằm trên con đường tập trung nhiều quán ăn chơi, phòng trà có tiếng ở trung tâm Sài Gòn. Thỉnh thoảng vẫn thế, Sơn thích ca hát và có giọng tốt nên thường sưu tầm những địa chỉ có hạng để được dịp phô diễn tài năng. Dĩ nhiên, mỗi lần Sơn rũ tôi không từ chối. Với máu nghề nghiệp và thích âm nhạc, đi chơi như vậy tôi được thưởng thức, học tập nhiều thứ. Được biết đây là quán mới mở, dành cho giới trẻ nên cách trang trí rất ấn tượng, hình khối, đường nét mặt tiền mạnh mẽ, với hệ thống đèn nhiều màu sắc rực rỡ. Bước vào cửa đã nghe tiếng nhạc disco với âm lượng kinh khủng, tiếng cười nói của từng nhóm bạn trẻ tạo một thứ tiếng ồn vượt mức chịu đựng ở cái tuổi trung niên như tôi.
Gian phòng chữ nhật không rộng, chính giữa một bar rượu hình oval đã đầy các thanh niên nam nữ ăn mặc thời thượng đang ngồi trên các ghế cao, hướng vào giữa. Hai bên, sát vách tường là các bàn nước đặt dọc ở trên nền cao và đầu kia là một sân khấu nhỏ. Các hình thức, chi tiết nội thất thể hiện như trong một chiếc tàu biển: Các ô cửa tròn, đó đây những mỏ neo treo lủng lẳng, sợi dây thừng to đùng giăng đong đưa, chiếc vô lăng như bánh xe luân hồi gắn cuối phòng, các nữ tiếp viên xinh đẹp, phơi phới với trang phục lính hải quân váy cực ngắn, đang rộn ràng trò chuyện với khách. Mật độ trang bị nội thất và con người nơi đây khá cao. Vì đi với gia đình nên chúng tôi tìm một vị trí ít ồn ào ở cuối phòng, nhờ vậy góc quan sát được rộng và đầy đủ…
Giờ hát với nhau đã đến, nhạc phát từ máy chợt tắt, tiếng cười nói giảm hẳn, khách phải đổi tư thế ngồi quay về hướng sân khấu. Một MC nam đẹp trai, tuổi trên 35 bước ra sân khấu, rất tự tin tươi cười chào khán phòng, cùng lúc vài nhạc công tiến đến dàn nhạc. Sau phần giới thiệu vào đầu chương trình ca hát hằng đêm của quán, một khúc nhạc intro trỗi lên như là thứ biểu tượng riêng, với âm lượng vừa phải trong giai điệu rumba khoan thai quen thuộc, tôi cảm thấy thật dễ chịu. MC vào đề rất tự nhiên, hàng loạt từ hoa mỹ được tung ra để giới thiệu một ca khúc với tốc độ chóng mặt, tôi há hốc theo dõi trong sự kính nể khả năng phát thanh trôi chảy, thuộc làu của chàng MC. Mặc dù đã nói rất dài nhưng tôi vẫn chưa đoán được bài hát tên gì, chỉ biết rằng đó là một chuyện tình lâm ly bi đát. Quay lại Sơn tôi hỏi :
- Chàng này ở đâu ra vậy?
- Tên là H.T, quen với em, làm ở nhà văn hóa quận X, chuyên hướng dẫn các chương trình, ảnh mời em đến đây chơi. Sơn trả lời.
…. Nói dai, nói dài cũng phải đến lúc kết thúc, đó là bài “Hoa sứ nhà nàng”, tôi ngớ người vỡ lẽ. Một chàng tướng to khỏe, cở anh Vọi trong tác phẩm Trống Mái của Khái Hưng, với chiếc áo hoa lá cành, ôm sát người, phơi lồ lộ những cơ bắp. Chàng rời bar rượu từ từ tiến lên sân khấu với dáng vẻ hiên ngang như đi chiến đấu, khán giả vỗ tay nồng nhiệt, một tín hiệu sinh động lạc quan khởi đầu, mấy đứa nhỏ con tôi và con Sơn thích chí vỗ tay hưởng ứng theo. Tôi thấy lùng bùng hai tai. Có lẽ chàng này đi rất sớm nên đã đăng ký ngay suất hát đầu tiên.
Câu vô đề - “đêm đêm ngửi mùi…, mùi hương của nhà nàng” thấy rợn cả người. Một chất giọng eo ẻo, pha cải lương, đúng chất với bài hát nhưng không tương xứng với tướng mạo của chàng lực sĩ. Chàng say sưa, rên rỉ diễn tả nỗi đau khổ, có thể xếp vào bậc thầy của sến…Không khí khán phòng tỏ ra nhẫn nại, chia sẻ, chờ phút cáo chung của khúc bi ca! Thế nhưng, kết cục lại có hậu với tràng pháo tay như pháo tết và vài tiếng huýt sáo inh tai. Anh “Vọi” hiên ngang trở về bar rượu.!. MC lại xuất hiện, rất hào hứng và chợt xuống giọng, ra vẻ triết lý cao siêu đầy kịch tính, nói về thân phận con người giữa cuộc đời ô trọc…Một lần nữa tôi được chứng kiến tài nghệ của MC - đúng là một cao thủ, chữ nghĩa dư thừa phát khiếp… - à, thì ra một bài hát của Trịnh Công Sơn, bài Phúc Âm Buồn. Một cô gái khoảng hai mươi lăm, mặt đầy đặn, mắt đeo cặp kính cận nặng, bước lên sân khấu - ”người nằm co, như loài thú, khi mùa đông về, người nằm yên không kêu than chết trên căn phần…” khán phòng trầm lắng, một chút chùng lòng vì lời hát thấm sâu, chất giọng alto khoẻ khoắn đầy dẫn dụ ngọt ngào, bài hát được kết thúc với sự ngưỡng mộ trân trọng... Và không khí như nóng lên khi MC giới thiệu một tay chơi gầy gò, mặc bộ Jean rách rưới bạc phết màu, điệu twist được trổi lên với bài “60 năm cuộc đời”. Tôi chợt nhớ đến giai điệu kích động được phổ biến, ngự trị ở các vũ trường, phòng trà Sài Gòn trong thập niên 60 với chiếc quần ống túm là biểu tượng. “…ới..ới… đời sống là thế không là bao, em ơi có bao nhiêu 60 năm…” Chàng trai vừa hát vừa lắc theo twist rất quằn quại, thỉnh thoảng ứ…ứ nghe điệu nghệ không kém ca sĩ nhạc kích động Hùng Cường một thời. Các nhạc công được dịp cũng xả hết công suất…
Những khách trẻ bị phấn khích, lôi cuốn với thân hình cựa quậy, tay chân quờ quạng theo điệu nhạc. Hậu quả là tiếng pháo tay, la hét dậy trời của đám cuồng nhiệt. Sau trận bị trấn áp ngạt thở bằng âm thanh, tôi nghe ê ẩm cả người. Đến nhân vật thứ tư, tôi không còn đủ kiên nhẫn để chăm chú theo dõi mà quay lại nói chuyện với gia đình. Nhưng lần nữa phải hướng về sân khấu, vì có một chàng trông rất lãng tử không hát mà đang tâm sự điều gì, khán phòng bớt ồn. Nhìn cách ăn mặc lè phè và cách diễn đạt lè nhè, tôi cảm nhận chàng là bợm nhậu hơn là ca sĩ, thử lắng nghe ??!. À, thì ra chàng muốn đọc thơ, bài thơ tự biên, tự diễn nói về một nghịch lý trong tình yêu mà chàng đã trải nghiệm. Tôi phải quay hẳn người lại để theo dõi, một cảm giác vừa khó chịu nhưng tò mò cùng chút quan tâm. Khó chịu vì nơi này đâu phải là chỗ diễn của thơ thẩn, nhưng thích vì chạm đến lãnh vực hảo của mình. Chiến hữu này xem chừng bị lạc lõng nhưng vẫn tự tin, mắt lim dim đầy tâm trạng, chậm rãi và xuất thần. Hai câu cuối chàng lại ngẫu hứng ngâm rống lên nghe thống thiết. Bài thơ dài vừa phải, đôi chỗ cảm thấy phê vì những ý tứ độc đáo, có thể xếp vào loại điểm khá. Thật ái ngại cho chàng, vì giữa chốn “đạn bom khói lửa” thế này mà dám bay bổng, gây mất hứng như vậy. Nhưng khán giả tỏ ra lịch sự cho những tràng pháo tay nhiệt liệt, một nửa để khích lệ tiết mục “lạc quẻ”, một nửa để tống tiễn cho nhanh?!.
Tưởng bở, chàng thừa thắng xông lên, quyết tâm không chịu buông rời micro, tiếp tục giới thiệu đến khán giả thêm một tiết mục. Lần này hát chứ không đọc thơ. Chàng thật can đảm trước một lực lượng “ca sĩ” hùng hậu nộp đơn xin hát đang hăm hở, chờ đợi đến lượt mình. Bài thơ vừa rồi đã làm nhụt chí, ngao ngán nhiều tay chơi nhưng chàng nào có hay biết, vẫn ung dung bình thản. Bài hát được giới thiệu có tựa đề “Con sông quê hương”- nói về một con sông ở Bình Định của nhạc sĩ Xuân An?. Thoáng qua tựa bài hát lạ hoắc và tên tác giả chẳng nghe bao giờ, có chăng một nhận xét là chàng này thích chơi hàng lạ, chỉ trình diễn những cái người khác không biết. Vẫn phong thái hào hứng, tự tin, sau khi dặn dò, chỉ vẽ các nhạc công, tiếng nhạc trổi lên, chàng cất tiếng: - “Bình thường, bình thường thôi bạn ơi…”, rất hồn nhiên, lạc quan - “…vẫn núi giăng mây, vẫn lúa xanh đôi bờ…”. Đến đây tôi cảm thấy ngờ ngợ, bài hát hình như đã nghe đâu đó, giai điệu và tiết tấu nhẹ nhàng, tha thiết, ca từ đơn giản, gần gũi, một air nhạc xưa cũ ?! Bài viết theo nhịp 2/4, không trang trọng, tươi vui, thướt tha dành cho những dòng sông theo điệu valse như Blue Danube, Danube waves hoặc Dòng An Giang, cũng không hào hùng như Bạch Đằng Giang hay Sông Lô...
Tôi cố suy nghĩ tìm những yếu tố quen thuộc để nhận dạng bài hát, nhưng sinh hoạt ồn ào thật khó soi ngược ký ức. Đang miên man, tôi chợt nghe Tấn Sơn lẩm bẩm – “Uả, bài này của anh Phước Liên viết về con sông Dinh đây mà”. Vừa lúc ấy tôi chợt nhớ ra tựa bài hát “Ơi con sông Dinh”, Sơn cũng gật đầu. Chàng ca sĩ rất thiết tha và tôi rời khỏi thực tại “…ơi con sông Dinh yêu thương và tháng ngày em thơ ấu, sớm tối qua cầu dừng chân ngắm xuồng câu, con sông quê hương chảy từ buồng tim của mẹ, ôm con chờ chồng rồi hoá đá vọng phu….”. Nhớ lại lần đầu tôi được biết bài hát này, khi xuất hiện trong tập nhạc mà Phước Liên in chung với nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng, do Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa xuất bản. Liên gởi tặng tôi trong những năm tháng mới ra trường, khi còn mãi mê với những công trình xây dựng ở Đồng Tháp, đầu thập niên 80. Sở dĩ tôi nhớ và có ấn tượng với bài này vì lần đầu trong đời, được nghe thấy một bài hát về con sông Dinh quê mình, mà tác giả là bạn thân cùng xóm. Tôi đã phải viết thư tới Liên với nhiều lời lẽ khen ngợi, cám ơn. Sau đó tôi cứ áy náy hoài về một ý đùa với bạn, vì trong bài hát có câu : “Sớm tối qua cầu dừng chân ngắm xuồng câu…”, tôi nói rằng – “đứng trên cầu Dinh chỉ thấy ghe thôi chứ làm gì có xuồng mà ngắm”, ý muốn nói phương tiện đi trên sông Dinh đoạn ấy người quê mình chỉ gọi bằng “ghe”. Tôi mạnh dạn nói lên điều này vì Liên là bạn cùng xóm Rượu, không xa lạ với sông Dinh, hình ảnh gì của sông quê cũng đều được chứng kiến, khắc sâu vào tâm trí mỗi người…. Sau này khi quay về Sài Gòn công tác, Tấn Sơn vào Sài Gòn học, anh em ở chung nhà, thỉnh thoảng nghe Sơn hát và được biết bài hát này khá phổ biến, được yêu thích ở Ninh Hòa…
Hơn 10 năm trước, khi cộng tác với web đồng hương Ninh Hòa ở hải ngoại, tôi đã viết khá nhiều. Trong đó có loạt bài SÔNG DINH QUA THI CA, viết với tâm thế hào hứng, nồng nhiệt… Khi đó, đọc những sáng tác văn, thơ, nhạc của đồng hương trên các diễn đàn mạng hoặc các ấn phẩm, thường thấy nhắc đến sông Dinh với những tình cảm, hoài niệm thiết tha… Có sẵn chất liệu và một số điều kiện thuận lợi, tôi hình thành ý tưởng viết SÔNG DINH QUA THI CA…
Bài đăng liên tục được 11 kỳ. Sau đó, không tiếp tục cộng tác với web trên, cùng lúc môi trường công việc chuyển đổi, tôi “mất hứng”, chấm dứt đề tài khi đang viết dang dở ở Bến Sông Dinh.
Dù viết trên tinh thần với cơ sở dữ liệu của hơn 10 năm trước và sông Dinh hiện tại có nhiều thay đổi. Nhưng thấy SÔNG DINH QUA THI CA vẫn chưa "lạc hậu", một số nội dung còn giá trị, tính thời sự, nên tôi cho “tái xuất”. Hy vọng "hàng cũ" vẫn còn dùng tốt...
I ) ĐÊM PHƯƠNG NAM NGHE TIẾNG SÔNG DINH
Cứ mãi suy nghĩ về chuyện cũ mà quên thực tại Sài Gòn by night tạp lục. Tôi với Sơn đang miên man với bài hát thì may mắn thay, chàng lãng tử đã nhường sân khấu lại cho MC và người khách được mời lên kế tiếp chính là Tấn Sơn. Tôi vội nói với Sơn sẵn dịp này khéo léo đính chính tên và tác giả bài hát mà vị khách vừa rồi nhầm lẫn. Sơn không vội rời chỗ ngồi và hình như đang do dự điều gì, rồi chậm rãi bước về hướng sân khấu. Với phong thái chững chạc, Sơn nhìn về phía khán giả, trịnh trọng với vài tâm tư, lý lẽ, giới thiệu bài hát. Ca khúc Xin còn gọi tên nhau của Trường Sa tôi rất thích, cùng những bài hát quí hiếm khác của cùng tác giả như Rồi mai tôi đưa em, Mùa thu trong mưa.v.v. Bài này tiết tấu sôi nổi nhưng thiết tha, lúc dồn nén, lúc dàn trải, tạo hiệu ứng cảm xúc, phải récitatif, nhấn nhá như Lệ Thu mới lột tả hết độ tuyệt cuả nó, nhất là những đoạn cao trào. Khánh Ly tuy mượt mà, ngọt ngào ở bài này nhưng diễn đạt đều quá. Sơn trình bày cũng khá ép phê. Tôi đã được nghe Sơn hát nhiều lần nhưng không cảm thấy nhàm chán, có lẽ là một trong những bài ruột và hình như hôm nay, Sơn ưu ái tặng tôi món đặc sản này !? – Nhạc đã hay, lời và nội dung cũng không kém… “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, chiều đông đưa những bước chân đau mòn…còn ai giữa mênh mông đời mình, nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ… rồi trong mưa gió biết ai vỗ về…tình trong cơn ngủ mê, rồi phai trong hàng mi.….” Một nỗi đau tình nhẹ nhàng, cách cư xử vị tha bao dung với người yêu, dù cuộc tình đã vỡ, lúc nào cũng lo toan cho một cánh chim bay xa ….Khán giả vỗ tay rất nhiều và cả nhà nồng nhiệt ủng hộ khi Sơn hát xong, nhưng tôi vẫn cảm thấy điều gì đó đang vướng víu, lại lơ đễnh cho đến khi mắt Sơn hướng về vị trí ngồi của ca sĩ hát về con sông quê, có vài lời đính chính :
- Thành thật cám ơn bạn vừa rồi đã trình bày bài hát ngợi ca con sông quê hương chúng tôi, chúng tôi rất xúc động vì đã lâu mới được nghe lại. Tác giả bài hát là người anh cùng xóm với chúng tôi tên Hình Phước Liên, hiện đang sống tại Nha Trang. Con sông mà bạn vừa hát tên là sông Dinh chảy qua thị trấn Ninh Hòa, một huyện của tỉnh Khánh Hòa, bài hát có tên là ”Ơi con sông Dinh”…
Phước Liên, Tấn Long, Tấn Sơn 
Cafe Bốn Mùa Nha Trang T3/2005
Sau những lời nhẹ nhàng phủ nhận toàn bộ cái “trật lất” của ca sĩ bạn, Sơn đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tâm trạng phức tạp, khó chịu trong tôi mới được giải tỏa. Tôi nghĩ rằng nhiều người, nhất là các bạn trẻ nơi chốn ăn chơi, náo nhiệt như thế này có mấy ai để ý đến bài hát xa lạ, bình thường hơn những gì bình thường ấy. Lẽ ra cũng chẳng cần đính chính, nhưng sao lúc ấy tôi vẫn muốn Sơn làm như vậy. Trên đường trở lại chỗ ngồi, Sơn ghé nơi vị khách hát nhầm nói điều gì rất lâu ra bộ vui vẻ, đồng cảm. Tôi cảm thấy mọi việc như vậy là ổn, đã không xãy ra phiền lụy gì. Sơn về chỗ ngồi, cười mỉm và được vợ con khen nức nở pha chút khôi hài. Con gái tôi rút cành hoa hồng duy nhất đang cắm trên chiếc bình trên bàn, đưa cho bé Khiêm tặng bố. Tôi định hỏi Sơn về cuộc kỳ ngộ vừa rồi thì lại thấy một người đi về hướng bàn của mình, nhìn kỹ tôi nhận ra chiến hữu “sông quê” đang tìm đến.
- Chào các anh chị, em tên Định, các anh chị quê ở Nha Trang phải không ?
- Đúng rồi. Tôi cười trả lời và đưa tay, chàng ra vẻ kính cẩn đưa cả hai tay nắm chặt.
- Vừa rồi em giới thiệu tầm bậy quá, cũng may các anh nói cho em biết, chứ hồi giờ em cứ nghĩ bài hát như vậy.
Nghe Định phân trần trong hơi men, tôi vội đỡ lời :
- Vui vẻ như vậy là sướng rồi, có gì quan trọng lắm đâu, ai biết đúng sai ra sao, Định hát hay đấy chứ, ờ mà sao em biết bài hát ấy.
Chàng bắt đầu kể : – Hồi em học Đại Học Thủy Sản Nha Trang, có thằng bạn ở chung phòng ký túc xá, nó hát bài ấy rất hay. Em thích quá nên nhờ nó chỉ em, nó nói xuất xứ bài hát như em giới thiệu trên sân khấu vừa rồi. Mình cũng ham vui, hay đi ca hát và bài này là bài ruột của em đấy, anh thấy em hát bài này được không? .
- Tuyệt vời rồi còn gì! nếu chọn là bài ruột thì cố gắng mà nhớ tên tác giả, tên bài hát, thuộc lời đầy đủ nhé, lần sau mà còn trật nữa là kêu cảnh sát phạt đấy.
- Định cười huề, xoa xoa vai tôi – tha cho em, như vậy là thuộc nhiều lắm rồi !
- Định hát có hồn lắm, anh nghe mà nhớ nhà, nhớ quê hương Ninh Hòa. Hồi học ở ngoài đó Định có ra Ninh Hòa lần nào chưa?
- Em có nghe nói chứ chưa ra ấy bao giờ, tiếc quá, Ninh Hòa đẹp lắm phải không anh? Hình như thằng bạn dạy em bài hát quê nó đâu ngòai đấy.
Tôi chẳng biết phải trả lời sao với câu hỏi ít vô tư và khá tế nhị này! Định một thoáng nghĩ ngợi, bồi thêm một câu rất tâm lý:
– Cảnh vật thiên nhiên và con người Khánh Hòa em thấy đều đẹp cả, các anh chị đúng là người Khánh Hòa, em rất cảm mến…bữa nào em mời mấy anh đi lai rai nói chuyện cho vui, em có mấy chỗ hay lắm.!
Qua tiếp xúc, tôi ghi nhận Định là một con người chân tình, có tâm hồn nhưng ẩn chứa một chút hoang đàng. Rất biết ơn Định vì Định đã quay ngược được dòng suy nghĩ của chúng tôi đến 180 độ trong một khung cảnh khó mà những cảm xúc loại ấy xen vào. Buổi tối hôm ấy trên đường về, tôi cứ miên man vô cớ, vùng ký ức đang bị khuấy động, một cảm giác bâng khuâng xen lẫn những hân hoan. Về đến nhà tôi đã phải điện thọai ngay ra Nha Trang để chia sẻ một nỗi niềm rất thực nhưng cũng rất mơ hồ với Hình Phước Liên dù đã gần 11 giờ đêm. Đây cũng là cái cớ để tôi liên lạc với Liên và nói một số chuyện, vì lâu rồi không tin tức về nhau. Tôi nghĩ rằng dù có phải bị đánh thức lúc này chắc Liên không trách cứ gì tôi... Và rồi Liên có mặt bên kia đầu dây. Sau những lời chào hỏi như mọi khi, tôi báo tin mừng cho Liên biết đã tìm được hai đĩa CD nhạc hải ngọai mà Liên giới thiệu. Đó là album Dòng Sông Kỷ Niệm do Asia phát hành, trong đó có bài Phố Huyện Chiều Em Nhớ của Phước Liên vẫn không thiếu bóng dáng sông Dinh “trôi trôi trên sông cánh lục bình…”. Và album Con Gái, do Hạ Vy thực hiện, trong đó có 2 bài của Phước Liên là Hồn Nhiên Như Lá và Mưa Xanh. Nhận xét chung về những bài hát trên là những cảm xúc nhẹ nhàng, gợi tả sinh động về vùng đất kỷ niệm, với nhiều chất Ninh Hòa. Rất tiếc, Phố Huyện Chiều Em Nhớ, giọng Lâm Thúy Vân non quá nên nghe không rõ, nhất là ở những nốt xuống thấp. Về điều này Phước Liên phân giải : Chất giọng như Lâm Thúy Vân rất thích hợp với tính chất ca khúc, nhưng nếu được Ngọc Lan hát thì hay hơn. Giọng Ngọc Lan tuy mong manh nhưng vẫn rõ ràng, có khả năng len lỏi đến tận cùng. Tôi nói vui, kể công với Liên khi nhắc lại câu danh ngôn - “chỉ vì một cái má lúm đồng tiền mà phải cưới nguyên một cô gái”. Ở đây - “chỉ vì một hai bài hát của bạn mà tôi phải mua đến 2 đĩa nhạc đấy nhé!”. Tôi đã phải mở đĩa nhạc nghe tới, nghe lui nhiều lần để thắm thía, mong đón nhận những rung động, tình tự quê nhà…, cho đáng đồng tiền bát gạo đã bỏ ra (những năm tháng ấy đĩa nhạc CD xuất hiện ở VN là chính hảng, chỉ có duy nhất con đường mang từ nước ngoài về, rất đắt và khó kiếm, nhất là những album nhạc không nằm trong thị hiếu của đông đảo người nghe. Kể cả Phước Liên, chỉ biết chứ không có 2 đĩa nhạc trên)…
Phước Liên kể lại việc ca sĩ Hạ Vy nhân chuyến về thăm quê, muốn tìm một số nhạc phẩm viết về quê hương Khánh Hòa để ra album riêng. Sau khi Liên cho nghe một số bài hát, Vy thấy thích nên mang đi và những bài hát ấy xuất hiện ở hải ngọai là do vậy (quê Hạ Vy ở xã Ninh Diêm, Ninh Hòa. Trước khi sang Mỹ, Vy là ca sĩ của đoàn Hải Đăng- Khánh Hòa). Cuối cùng, tôi nói về sự kiện đi xem ca hát tối nay, Liên lắng nghe tỏ vẻ thích thú. Liên nói rằng bài hát “Ơi con Sông Dinh” ra đời khoảng năm 1981. Ðó là một nội dung mà Liên ấp ủ rất lâu, với tâm nguyện rằng mình là người Ninh Hòa, đã có nhiều sáng tác với đa dạng nội dung, nhưng chưa viết gì về Ninh Hòa, về sông Dinh là không ổn. Khi ấy Liên công tác ở Ninh Hòa và vợ đang làm việc tại Nha Trang, nên nghĩ rằng tương lai phải “đoàn tụ” để ổn định cuộc sống gia đình. Chắc chắn một ngày nào đó phải giã từ vùng đất thân yêu, lìa xa con sông Dinh yêu dấu... Dự định và ý tưởng ấy đã thôi thúc Liên viết nên bài hát. Bài này được trình diễn nhiều lần, nhiều nơi trong các chương trình văn nghệ ở Ninh Hòa, và được nhiều người Ninh Hòa trong giai đoạn ấy biết đến.
Liên nói thêm rằng, anh Hình Phước Long có viết ca khúc “Nhớ sông Dinh” cũng rất hay. Chớp được thông tin đó tôi hỏi dồn - Liên có nhớ lời và hát được không ?. Liên cất giọng khàn khàn đặc biệt, tuy hát không hay nhưng thường các nhạc sĩ nắm bắt được ý tứ bài hát, có khả năng diễn đạt tinh tế nên khi hát dễ tạo cảm xúc “… có đi là đi trăm nẻo, có vượt là vượt nghìn đèo, vẫn nhớ tới quê hương mình có dòng sông Dinh nho nhỏ, vẫn nhớ bóng tre êm đềm, nghiêng mình soi bóng sông…”. Nghe Liên hát, tôi cứ ngỡ như lời nhắc nhở của con sông quê. Cũng như Liên, nhạc sĩ Hình Phước Long cũng gởi gấm tâm tư, nỗi lòng mình, lúc nào đó sẽ phải ly hương, mang tâm trạng tha phương, tự nhủ luôn tưởng nhớ về quê nhà. Điều ấy bắt gặp ở câu chủ đạo và tâm đắc nhất của bài hát Ơi con sông Dinh của Liên, như là thông điệp gửi đến tất cả những người con Ninh Hòa xa xứ. Chàng tên Định vừa rồi đã hát thiếu hoặc sai chỗ nào đó nghe là lạ. Tôi đang ngập ngừng chưa nhớ rõ hết thì Liên tiếp lời bài hát “nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà, là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ, như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô…”, thật đúng và ý vị cho sự so sánh này, vì không gì buồn và thất vọng khi thấy dòng sông xinh đẹp ngày xưa chỉ còn trơ lên một vùng rong rêu, bùn cát giữa mùa khô hạn. Những dáng vẻ thơ mộng, huyền hoặc tồn tại như là sự sống, như là phần hồn khi dòng nước còn hiện diện, còn êm đềm trôi giữa tháng ngày. Ta thử nghĩ một lúc nào đó, những hình ảnh quê nhà sẽ không còn nằm trong dòng chảy của nỗi nhớ thì liệu một cuộc sống đích thực của quãng đời ly hương có tồn tại, thân xác ta như bãi cát của lòng sông phơi trơ, như con sông đã mất đi sự sinh động….Liên im lặng một lúc, rồi nói vu vơ vài ý không ăn nhập gì vào những điều tôi mới gợi lên. Có lẽ Liên muốn dấu cảm xúc sâu kín của mình. Phải chăng là một thứ hạnh phúc của người trồng hoa, dù chỉ là một thoảng hương nhưng lại ngào ngạt tận sâu thẳm tâm hồn, nhất là thứ hương đồng nội, dễ gợi lên một vùng trời đầy hình ảnh của quê hương và kỷ niệm.
Nói về những ca khúc viết về sông Dinh, tôi còn nhớ buổi ra mắt tập thơ “Bóng lá” của Phạm Dạ Thủy ở quán cà phê Hoa Lan Ninh Hòa. Cái đêm hôm ấy trời mưa từ chiều, nhưng khách mời ở xa vẫn đến đông đủ - từ Huế, Hà Nội, Nha Trang và tôi về từ Sài Gòn… Với những nhận xét tinh tế, bình phẩm thơ súc tích, khá bài bản với nhiều ngợi khen, cổ vũ của những nhà thơ có tên tuổi trong giới văn học Khánh Hòa và Việt Nam. Hôm ấy cũng có một số giọng ngâm điêu luyện của Câu lạc bộ thơ nữ Khánh Hòa, làm cho những bài thơ thêm bay bổng, ngào ngạt . Chắc chắn Phạm Dạ Thủy rất sung sướng và hạnh phúc, vì buổi ra mắt tập thơ như vậy là thành công. Riêng tôi, một cảm xúc mạnh mẽ được ghi nhận, khi Phạm Dạ Thủy giới thiệu bài thơ “Nhớ quê“ không nằm trong tập thơ, vì chị mới viết riêng tặng các bạn trong Hội thân hữu Ninh Hòa tại Sài Gòn, mà tôi là một thành viên có mặt hôm đó. Bài thơ được nhạc sĩ Hình Phước Liên phổ nhạc rất thành công, cũng để riêng tặng tôi cùng vài bạn. Ca khúc được ca sĩ Kim Khánh, một giọng ca “dĩ vãng” như Ánh Tuyết, là ca sĩ nổi tiếng cuả thành phố Nha Trang trình bày. Nôị dung bài hát vẫn trung thành với lời thơ:
“Thoắt đó tóc em giờ chớm bạc
Thơ ngây gởi lại cuối trời xưa
Nhớ quê mấy độ buồn em hát
Lời trôi lênh đênh trên sông mưa……
Tháng ngày tơ tưởng dòng sông cũ
Vạt cỏ mềm xanh mướt tuổi thơ
Cánh bướm thắm, con chuồn chuồn đỏ
Bay chập chờn trong những giấc mơ. …“
NS Hình Phước Liên, Tấn Long dự ra mắt tập thơ 
Bóng Lá của nhà thơ Phạm Dạ Thủy, tại cafe Hoa Lan 2001
Vẫn là dòng sông Dinh lãng đãng trong thơ được âm nhạc chấp cánh bay cao đã tạo một sức truyền cảm gấp nhiều lần. Bài hát thiết tha, đầm thắm, tuy đượm chút buồn của hoài niệm nhưng vẫn là niềm tin yêu, hứa hẹn một ngày mai sáng tươi. Nhạc của Phước Liên thường nghe rất gần gũi nhưng lại rất khó diễn đạt, cách chuyển cung và những luyến láy thật “khó xử” cho những ai mới đụng vào bài hát, phải chuẩn bị, xử lý kỷ bài hát mới mong không vấp váp và khô cứng. Bài Nhớ quê cũng vậy, Kim khánh ca không chê vào đâu được, nhưng khi tôi đề nghị Tấn Sơn hát bài này trong dịp họp cuối năm 2002, của Hội thân hữu Ninh Hòa thì Sơn lại không truyền cảm hơn vì thiếu chuẩn bị, giọng Sơn khoẻ mạnh, nhiều kỹ thuật nhưng thiếu chất mượt mà, cứ “vô tư” hát thì không thể lột tả hết cái tình của ca khúc. Chịu khó vuốt ve một tí, đôi chổ sên sến mới đã ! vì âm giai những bài hát của Liên có nhiều chất dân gian. Có thể nói Dạ Thủy đã chọn đúng nhạc sĩ để trao việc phổ nhạc bài thơ và Phước Liên đã chọn đúng ca sĩ trình bày ca khúc cuả mình. Ngoài Phước Liên, hôm ấy còn có thêm 3 bài thơ được phổ nhạc với 3 nhạc sĩ khác cũng có mặt là Đỗ Trí Dũng - Nha Trang, Huỳnh Liên - Ninh Hòa và một người nữa là anh Tân chủ quán Thiên Thanh ở Lương Sơn, nhưng không gây nhiều ấn tượng trong tôi, và những bài ấy không dính líu gì với sông Dinh. Trong bữa tiệc văn nghệ “Bóng lá” linh đình hôm ấy, món nào cũng ngon lành, nhưng món “Nhớ quê” đã thực sự làm tôi khóai khẩu và xúc động, vì món ấy được Dạ Thủy xào nấu bằng nhiều nguyên liệu, gia vị quê nhà. Trong đó, mặc dù không nói rõ nhưng nước của sông Dinh rất tràn đầy, ngọt ngào và thấm đậm.
Điểm lại, số người sáng tác nhạc cuả Ninh Hòa chỉ cần dùng một bàn tay đã đếm đủ, vì đó là lãnh vực không phải ai muốn cũng làm được. Nó đòi hỏi người viết phải có một khả năng, một trình độ nhất định về cảm xúc, về thẩm âm, sự hiểu biết văn học và điều tiên quyết là phải biết nhạc thuật. Chúng ta có thể điểm danh không khó lắm những nhạc sĩ của Ninh Hòa như: Hình Phước Liên, Hình Phước Long, Bảo Anh, Huỳnh Liên và một vài anh em không chuyên khác. Như vậy số bài hát viết về Ninh Hòa cũng không thể nhiều hơn, và ca khúc viết về sông Dinh càng hiếm, chẳng khác nào đãi cát tìm vàng.
Để kết thúc phần này, một lần nữa chúng ta cám ơn những nhạc sĩ đã góp lời ca tiếng hát vào khu vườn văn nghệ của quê hương Ninh Hòa. Dù những sáng tác ấy đã có âm vang bay xa, được nhiều người biết đến hoặc lặng thầm như một lời nguyện cầu, thì cũng xin trân trọng dành cả tấm lòng theo những cảm xúc của người nghệ sĩ, người con Ninh Hòa viết ngợi ca quê nhà.
PHẦN 2: NƯỚC TRÔI RA BỂ LẠI QUAY VỀ NGUỒN
Để giới thiệu phần viết trong lãnh vực thơ văn. Tôi phải quay lại mượn một câu hát trong ca khúc “Ơi con sông Dinh” của Hình Phước Liên ở phần đầu, trong lĩnh vực âm nhạc: “Bình thường, bình thường thôi bạn ơi….”
Đúng vậy. Sông Dinh bình thường như bao con sông khác nằm trên dãi đất hình chữ S này. Sông không rộng, không dài hơn sông Hồng, sông Cửu Long, cũng không thơ mộng hơn sông Hương, sông Cầu. Không tiếng tăm, lẫy lừng như sông Lô, sông Đuống…Nói tóm lại, sông Dinh rất khiêm tốn trong vị trí địa lý và cả trên nhiều lĩnh vực khác. Thế nhưng, đối với người Ninh Hòa, sông có một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần, là điểm tựa, khởi đầu khi suy tưởng, lúc hoài niệm hoặc muốn diễn họa về Ninh Hòa. Cho nên, những sáng tác thơ văn về xứ Ninh, từ người nổi danh chuyên nghiệp, đến những tay viết “tài tử”, khi nói về quê nhà mà không nhắc đến sông Dinh như cảm thấy ít nhiều thiếu sót. Điều ấy rất tự nhiên, như là trực giác. Có người nhắc đi nhắc lại nhiều lần vẫn chưa thấy thỏa mãn. Một dạo, có bạn học phổ thông tên NXN, là phóng viên cộng tác với vài tờ báo ở Sài Gòn, lấy tên Sông Dinh & Nguyễn Ninh Hòa làm bút danh để viết báo, thể hiện tình yêu quê của mình.v.v. Để minh chứng cho điều này, chúng ta thử tìm hiểu người Ninh Hòa đã nói gì về sông Dinh và sông Dinh có gì để nói. Nhưng trước khi muốn biết mình thì thử xem người ngoài Ninh Hòa nói gì:
- Ngày ấy, lúc 14-15 tuổi, học lớp đệ tứ (lớp 9), tôi được học môn Văn do thầy Đặng Thành Thân, là giáo viên biệt phái, quê Phú Yên, mới bổ nhiệm về dạy trường trung học Ninh Hòa. Buổi học đầu tiên chỉ nói chuyện linh tinh làm quen, thầy tỏ vẻ đắc nhân tâm với học sinh Ninh Hòa, bằng cách sưu tầm, nghiên cứu kỹ những đặc điểm, thông tin về địa chí, văn hóa… của địa phương. Nhưng điều làm tôi ghi nhớ nhất là thầy đọc một bài thơ về sông Dinh. Thực sự với lứa tuổi ấy, lần đầu tiên được nghe bài thơ viết về Ninh Hòa, tôi mê mẫn, rất thán phục. Thầy đắc ý, ca ngợi quê hương Ninh Hòa giàu đẹp, nên thơ.v.v. nghe mà thấy lòng sung sướng và tự hào về quê hương mình. Thời gian sau, tôi được biết những điều thầy Thân nói và bài thơ được trích dẫn trong cuốn Xứ trầm hương của Quách Tấn, một cuốn sách viết về Khánh Hòa. Quách Tấn là thĩ sĩ của nhóm 4 nhà thơ nổi tiếng của trường thơ Bình Định gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan… Quách Tấn lại đang công tác tại tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa, phụ trách sọan thảo ”địa phương chí “. Chính vì vậy nên Thi sĩ có điều kiện để tìm hiểu, thu thập nhiều dữ liệu về Khánh Hòa. Khi viết Xứ trầm hương, Quách Tấn “méo mó nghề nghiệp”. Tuy không lý lẽ, siêu tưởng như Chế Lan Viên hoặc trữ tình, bi lụy như Hàn Mặc Tử, nhưng việc sáng tác văn thơ cho địa chí thì tài nghệ có dư thừa. Quách Tấn thường xen lẫn những bài thơ của mình vào để thi vị hóa, tạo hấp dẫn người đọc.
Quách Tấn thường lấy bút danh khác hoặc dấu tên, nói của những tao nhân, mặc khách, nhà thơ phiêu lãng nào đó, khi tình cờ đi qua vùng đất, thấy cảnh vật, non nước hữu tình nên đề thơ để lại. Lúc đó tôi rất “mê tín” những giai thoại huyền hoặc, thầm khen người xưa thật lãng mạn, tài tình và quê hương mình cũng tuyệt vời. Nhưng ba mươi năm sau, ta hãy nghe Quách Tấn thố lộ: - “… Lại một bận khác, một ông bạn đến xem bài. Lúc ấy tôi vừa viết xong con sông Cù ở Nha Trang và bước sang con sông Dinh ở Ninh Hòa. Tôi mới viết đến ba ngọn nguồn của con sông và đang nghĩ một bài thơ trang điểm cho phong cảnh nhưng chưa tìm ra ý. Ông bạn xem bài thơ về con sông Nha Trang:
Sông Nha Trang, cát vàng nước lục
Thảnh thơi con cá đục
Lội dọc lội ngang
Đã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng
Sao anh nỡ ham tách cà phê đen, ly sữa bò trắng
Mà phụ phàng nước non?!
Bớ anh ơi,
Nét bia Hòn Chữ chưa mòn
Lưỡi gươm rửa hận hãy còn mài trăng.
hỏi tôi: Sông Nha Trang có thơ, sông Ninh Hòa chắc cũng có chứ?
Ông bạn là người quen biết cũ. Trước kia bị tình phụ thường dùng rượu để giải sầu. Nghe ông bạn hỏi, tôi liền nảy tứ, đáp: - sông Dinh mà không có thơ thì chợ Ninh Hòa hết người đến uống rượu. Xem đây…Vừa dứt lời tôi đánh lốc cốc:
Sông Dinh có ba ngọn nguồn
Anh nhớ em băng đèo vượt suối
Nhưng không biết đường đến thăm em
Ghé vô chợ Ninh Hòa
Mua một xâu nem
Một chai rượu trắng
Anh uống cho say mèm để quên nỗi nhớ nhung
Rượu không say
Nghỉ lại ngại ngùng
Con gái mười hai bến nước
Biết thủy chung bến nào?
Nhân câu chuyện xưa của ông bạn mà kéo được nem và rượu là món đặc biệt ở Ninh Hòa vào để trang điểm cho sông Dinh thì thật là thú vị! Tôi nghĩ nếu không có ai đến, hoặc có mà là một người khác chứ không phải ông bạn say rượu vì tình kia, thì liệu có đem được nem và rượu vào làm gia vị cho cảnh sông Dinh không? ”. (trên đây là đoạn hồi ký của Quách Tấn, khi nhớ lại giai đoạn viết Xứ trầm hương, trong đó có bài thơ về sông Dinh mà thầy Đặng Thành Thân đã đọc cho học sinh nghe).
Như vậy Quách Tấn cũng rất giỏi về quảng cáo, đã khéo léo dùng thủ pháp kết hợp “3 in 1”, có bao nhiêu đặc điểm của Ninh Hòa đã lôi tuột vào một bài thơ ngắn, tưởng như rất súc tích và ý vị. Nhưng tôi lại có ý nghĩ bi hài : Thật tội nghiệp và kém may mắn cho cô gái sông Dinh được Quách Tấn mai mối, giới thiệu cho một đệ tử của Lưu Linh quê ở buôn K’hô, phải băng rừng vượt suối, trên đường chàng tìm đến nhà người yêu ở cầu Sắt đã đi lạc về xóm Rượu .!? Khốn khổ thay, chàng đệ tử của Lưu Linh lại mua phải rượu dỏm, uống hoài không say nên sinh ra cớ sự ngại ngùng như vậy. Con gái Ninh Hòa rất thủy chung nhưng dễ gì chọn anh chàng nát rượu như thế !!!. Tôi có hơi tự ái khi so sánh hai bài thơ viết cho hai dòng sông: - viết cho sông Cù (sông Nha Trang hoặc sông Cái) thì Quách Tấn rất văn vẻ, tình tự và hào khí, nhưng viết về sông Dinh Ninh Hòa thì cũng có tình đấy, nhưng lại khổ sở và trầy trật quá.! Không nên để tình duyên cô gái sông Dinh lận đận như vậy. (bài thơ này Quách Tấn lấy bút hiệu là Trường Xuyên)
Khá khen Quách Tấn đã gây “ân oán” cho quê hương Khánh Hòa nói chung và Ninh Hòa nói riêng bằng những vần thơ lý thú, tuy để phục vụ việc viết biên khảo của mình, nhưng lưu lại trong lòng người đọc Ninh Hòa những dấu ấn khó phai.
Tha nhân như vậy còn người bản xứ thì sao.? Đến đây tôi lại phải bật mí và tạm khóa sổ để công bố một tổng kết: sau hơn 11 tháng theo dõi website ninhhoa.com ở các Mục thơ văn, số văn thi sĩ tham gia là 43, thì số văn, thi sĩ nhắc đến sông Dinh là 27, tỷ lệ là 63%. Tổng số bài thơ, bài văn gửi đến ninhhoa.com là 198, thì số bài thơ, văn có nhắc đến sông Dinh là 45, tỷ lệ là 23%. Có thi sĩ nhắc đến sông Dinh nhiều lần trong các bài khác nhau của mình như Đường Hào, Nguyễn Văn Thành, Phạm Dạ Thủy, Vinh Hồ .v.v. Có người nói trực diện và đích danh sông Dinh. Một số nói gián tiếp qua bao nỗi niềm, bao sự vật, rồi mới liên hệ với sông Dinh. Có người không nhắc đến tên nhưng vẫn hiểu rằng không sông nào khác hơn là sông Dinh. Qua số liệu như thế chúng ta kết luận được gì.? Đó là chuyện con số, ai hiểu sao thì tùy cảm nhận, còn chuyện con sông và con người mới là vấn đề tốn nhiều bút mực.
Qua đây chúng ta lại phải tri ân các trang mạng đã xây dựng nên những “sân chơi” cho đồng hương. Nó đã thu hút, hội tụ được nhiều suy nghĩ, tâm tư, phản ảnh cho chúng ta khá rõ nét và toàn cảnh những sinh họat nhân văn của người Ninh Hòa. Được người Ninh Hòa lưu tâm đón đọc, cũng như gởi nhiều bài vở tham gia, đã nói lên tính hấp dẫn và sự quay về những giá trị tinh thần khi có điều kiện thuận lợi.
Qua sự việc trên, tôi muốn giải thích ý nghĩa sâu xa khi mượn câu thơ “nước trôi ra bể lại quay về nguồn”, trong bài “Thề non nước” của Tản Đà, làm đề tựa cho phần này. Tuy bài thơ được sáng tác bởi thi sĩ- thầy đồ đầu thế kỷ 20, nhưng vẫn rất thời sự, đầy lý tính, diễn giải khá tinh tế một sự vận động của thiên nhiên, của đất trời. Nhưng điều đáng khâm phục lại chính là tấm lòng của một người yêu tổ quốc, ẩn mình sau chuyện nước non. Người VN nói chung, mỗi người con Ninh Hòa nói riêng, sau những thăng trầm, nổi trôi của mệnh nước hoặc một sự chuyển dịch tự nhiên, rời xa quê nhà, đã hóa thân. Dù ở nơi nào trên đất nước VN hoặc khắp năm châu bốn biển, như những ngọn nước, những nhánh sông đã lìa xa nguồn cội, nhưng tâm tưởng luôn hướng về cố hương vẫn không phai nhòa. Dù nó mong manh, hư ảo, mỗi người mỗi kiểu, mỗi cảnh: Tây – Tàu, vinh - nhục, giàu – nghèo, thị thành – quê mùa .v.v. khác nhau. Hôm nay những ngọn nước, những nhánh sông ấy dồn tụ, chảy về, hiện diện một cách rộn ràng, vui vẻ, chân tình… chẳng khác nào sự “quay về nguồn” mà Tản Đà đã lên tiếng gần 100 năm trước.
Một nhà phê bình văn học có mặt trong đêm ra mắt tập thơ của Phạm Dạ Thủy đã nói: - Người Ninh Hòa có nhiều khả năng trong lãnh vực sáng tác thơ văn...Một nhà thơ lão thành nổi tiếng khác, viết lời bạt cho một tập thơ của người Ninh Hòa cũng nói: - Ninh Hòa là một trong những địa phương có truyền thống thơ ca... Tôi cảm thấy thích thú và ngạc nhiên khi nghe những điều này.
Các nhà phê bình đưa ra nhận xét ấy cũng có thể để lấy lòng người Ninh Hòa. Nhưng chúng ta thử xem xét mặt tích cực của vấn đề. Nếu khách quan và để ý một chút chúng ta sẽ thấy ngay điều này khi mở một trang web Ninh Hòa ở hải ngoại. Chương thơ văn chiếm phần lớn, với số lượng người và số bài thơ văn tham gia không nhỏ. Già, trẻ, bé, lớn đều có mặt. Đó chỉ mới trong một tỷ lệ nhỏ của những người Ninh Hòa có khả năng tham gia trang web do tiếp cận được phương tiện truyền thông hiện đại. Khi tôi tạm ngừng theo dõi trang web và nắm trong tay “bộ sưu tập” những bài thơ, văn viết về sông Dinh, tôi đã hăm hở, thỏa mãn vì thấy quá đủ dữ liệu để có thể tràng giang đại hải, nói không thiếu một thứ gì của sông Dinh. Nhưng cứ mỗi tuần lại thấy bài viết về sông Dinh xuất hiện trên web ninhhoa, tôi lại thấy mình hớ hênh, xót xa cả ruột gan, không cam lòng mà bỏ qua. Mặc dù chiếc ghe sông Dinh đã chuyển tải rất nặng, rất đầy nhưng tôi không sợ chìm, cứ viết và cứ cập nhật, cứ kéo vào, chèo chống để lội sang bờ. Bên cạnh ấy, chẳng biết có phải do duyên nợ thế nào, tôi được các thi sĩ Ninh Hòa gởi tặng các tập thơ: Lời ru gửi gió (Tường Hoài - xuất bản 8/2003), Sông tạnh (Điềm Ca – xuất bản 3/2001), Mưa nguồn, trầm tích, chim và rêu (Điềm Ca, Hồ Tịnh Vinh Điềm, TP Hoàng Điềm cùng in chung – xuất bản 8/2003) và mới nhất cũng là tập thơ tôi mong đợi - Lời ru sông Dinh (nhiều tác giả - xuất bản 12/2003) thì tôi mới biết sợ và cảnh báo rằng con thuyền mình đang đi sắp gặp giông bão.
Chỉ cần nghe tựa các tập thơ đã thấy chới với. Tính đến cuối năm 2003 tôi đã có trong tay hơn 70 bài thơ, văn, biên khảo nói về sông Dinh, một số lượng đáng nể! Chưa chắc gì những con sông lớn khác trên đất nước Việt Nam có số bài thơ, văn nhắc đến nhiều như vậy. Rất may tôi chỉ chọn chủ đề hạn chế là viết về sông Dinh, chứ tham lam viết rộng hơn về vùng đất Ninh Hòa thì rõ là xem trời bằng vung và chắc sẽ sớm toi mạng vì quá gắng sức hoặc bội thực.!
Vì lẽ gì người Ninh Hòa lại có thiên hướng về văn chương như thế thì đó là điều cần suy ngẫm và tìm hiểu. Người xưa có nói "địa linh sinh nhân kiệt" hoặc nói kiểu nôm na - nơi nào có núi cao, sông sâu thì sinh người tài giỏi. Với quan niệm đó, nếu đúng, thì xứ Ninh Hòa đã và sẽ không có nhân vật xuất chúng, nổi tiếng nào ghi trong lịch sử văn học nghệ thuật hoặc lịch sử dựng nước, giữ nước như một số tỉnh bắc Trung bộ hoặc miền Bắc nước ta. Vì Ninh Hòa không có sông sâu, núi cao.
Sông Dinh không sâu thì dễ biết, độ sâu trung bình của sông Dinh không quá 2 thước, nhưng núi Ninh Hòa không cao thì ta phải so sánh. Chẳng cần phải so sánh với những ngọn núi ở đâu xa, ta chỉ thử lấy 3 ngọn cao nhất của các địa phương chung quanh Ninh Hòa sẽ thấy núi của Ninh Hòa xếp vào hạng thế nào: Vạn Ninh có hòn Chảo (1564m), hòn Chát (1519m), hòn Đại Đa Đa (1709m). Diên Khánh có hòn Giao (2010m), hòn Gia Lo (1812m), hòn Ka Doung (1783m). Cam Ranh có MaRai (2356m), Bakoum (1403m), Ta Lô (1304m). Và Ninh Hòa có hòn Bà (1361m), hòn Long (1339m), hòn Giong hay Dung (1290m). Như vậy núi Ninh Hòa về độ cao được xếp ở cuối bảng, nên lại không lạc quan lắm cho tiền đồ, tương lai con cháu chúng ta.?!
Thế nhưng như anh Hồ Văn Thinh có nói và phân tích kỹ những đặc điểm địa lý Ninh Hòa trong web ninhhoa và kết luận rằng: ”Tất cả những điều nói trên có lẽ đã đủ để chúng ta tin rằng Ninh Hòa là một địa linh”. Thôi thì cứ nói như kiểu Hình Phước Liên là “bình thường, bình thường thôi...” chứ mãi tìm cách chứng minh cho Ninh Hòa là xứ sở địa linh sẽ sản sinh ra những anh hùng hào kiệt hoặc những nhân tài xuất chúng thì quá khứ đã mỏi mắt, còn tương lai thì mờ mịt lắm ?!

Thế thì địa linh của Ninh Hòa ảnh hưởng tới người Ninh Hòa ở lĩnh vực nào?. Chắc chắn phải có cơ sở để dẫn dắt ta vào hệ luận đó. Rõ ràng là môi trường khí hậu, vị trí địa lý, địa chất..v.v. và nhiều yếu tố thiên nhiên khác đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của con người sống trong môi trường đó. Có những tác động thấy rõ ảnh hưởng, nhưng cũng có những tác động sâu xa, nhẹ nhàng và trừu tượng, không phải ai cũng có thể hiểu và lý giải được. Tôi thấy rằng: - Ninh Hòa là vùng đất có nhiều núi xanh bao bọc chung quanh và chính giữa là đồng bằng. Trong đó tâm điểm của đồng bằng là nơi hội tụ của ba nguồn sông Dinh. Từ đó nguồn nước chi phối và ảnh hưởng rất đều khắp, nó như quả tim của Ninh Hòa.
Hầu hết những vùng có đồng ruộng và cuộc sống trù phú của đồng bằng Ninh Hòa đều có các nhánh sông Dinh chảy qua: - Đầu nguồn nhánh Đá Bàn thì có Ninh Trung , Ninh Đông. Nhánh kế thì có Ninh Thượng, Ninh Thân, Ninh Phụng. Nhánh sông Cái thì có Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Bình và khi hợp thành sông Dinh thì chảy qua Ninh Hiệp, Ninh Đa, Ninh Giang, Ninh Phú. Nhờ có hệ thống thủy lợi thì nước sông Dinh đã vươn xa hơn như Ninh Quang, Ninh Lộc, Ninh Hà, Ninh Hưng. Như vậy nước sông Dinh mang phù sa đến hầu hết các thôn làng Ninh Hòa, đã nuôi sống ruộng vườn, làm màu mỡ đất đai, tạo sự no ấm cho người dân. Mặc dù đồng bằng Ninh Hòa không rộng lớn nhưng sản lượng thóc lúa, hoa màu vẫn đủ để Ninh Hòa tự túc, kể cả cung cấp cho một số vùng phi nông nghiệp như Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Hải…v.v.
Nói cách khác, hầu như người dân Ninh Hòa được sinh sống, nuôi dưỡng, phát triển bằng hạt gạo lấy từ nước và phù sa của sông Dinh. Nhưng điều đáng nói và liên quan đến nội dung của bài viết là dòng nước sông Dinh đã gợi cảm, thấm sâu, vun bồi tâm thức của người Ninh Hòa, tạo thành những chất trữ tình, bởi sự ngọt ngào, hiền lành, êm thơ của dòng nước, của đôi bờ rợp bóng, của bến sông dạt dào, của xóm làng yên vui no ấm, bên cạnh núi xanh chập chùng là mây trời lãng đãng, là gió mát trăng thanh, là mưa dầm gió bấc,.. cùng nhiều thứ khác kết tinh lại. Sông Dinh nói riêng và sông ở miền Trung nói chung có nhiều đặc điểm khác với sông ngòi ở miền Nam. Mặc dù sông ở miền đồng bằng Cửu Long rộng, sâu, nhiều và chằng chịt nhưng lại không giàu tính “thơ”. Sông nước không có núi non trông rất trơ trọi. Phương tiện giao thông chủ yếu bằng đường sông nên ghe, tàu, và nhiều loại sinh hoạt khác rất nhộn nhịp, dòng sông không bao giờ êm đềm, lắng dịu. Tiếng máy ghe tàu, xuồng dọc, đò ngang, sống vỗ ồn ào xôn xao sông nước, tiếng người í ới bán buôn, vó lưới, giăng câu, các dụng cụ bắt cá lô nhô bến bờ, thậm chí một số vùng có nhà cầu vệ sinh rải rác ven sông, đứng ngồi thoải mái, nước sông không khi nào trong xanh và thường có mùi sình vì con nước ảnh hưởng thủy triều khi ròng, khi lớn. Như vậy làm sao mà nên thơ được.!!
Sự khác biệt đó phải chăng là địa linh của Ninh Hòa, đã sinh ra những người giàu tưởng tượng, dễ xúc động, nhạy cảm và lãng mạn, thích vần điệu, yêu thơ văn. Có phải mọi thứ đó bắt nguồn từ sông Dinh.? Những đặc điểm trên cũng có thể có ở nhiều địa phương khác của Việt Nam, nhưng Ninh Hòa vượt trội hơn ở yếu tố nào đó. Tuy không sắc xảo, ồn ào để nổi đình nổi đám, để thành danh nhân nhưng người Ninh Hòa lại rất tình và điệu nghệ. Nếu Ninh Hòa thực sự có một bản sắc văn hóa riêng thì tôi xin được gọi nó là “văn hóa sông Dinh”.
Người Ninh Hòa không ai là không biết sông Dinh, nhưng biết tường tận về sông Dinh không phải ai cũng dám khẳng định. Khi “địa lý sông Dinh” của tôi xuất hiện trên web ninh-hoa thì có ngay ý kiến của anh Vinh Hồ rằng -“Sông Lốt là đoạn đầu nguồn của sông Dinh, có dòng nước trong quanh năm, nên bảo rằng sông Lốt còn gọi là sông Đục là không đúng...” tôi không biết trả lời sao.! mặc dù điều này được in thành sách đã lâu.
Khi tôi viết “vì sông chảy qua trước Dinh quan trấn thủ Bình Khang nên người dân gọi là sông Dinh..” thì sau đó tôi tự hỏi - “vậy dinh trấn thủ Bình Khang nằm chổ nào?” tôi lại chào thua!. Chịu khó suy luận cũng chỉ suy được rằng – Dinh trấn thủ nằm trên giao lộ của “con đường cái quan” thời xưa ấy, con đường mà cha ông ta đi từ Bắc vào Nam mở cõi, với dòng sông. Như vậy Dinh trấn thủ lẩn quẩn chung quanh cầu Dinh trong phạm vi một bán kính nào đó??!.., nằm ở góc rạp Vĩnh Hiệp chăng? Hay vực đất đối diện. Nằm ở chùa Hội Quán hoặc chùa Triều Châu.? hoặc xa hơn nữa là nằm ở chợ Dinh.??! Và cũng chỉ tự nghi vấn vậy thôi. Sau đó tình cờ đọc bài của anh Hồ Văn Thinh lại rất khẳng định trong sử lược Ninh Hòa rằng “Dinh Bình Khang nằm bên tả ngạn sông Dinh”. Nghe gợi ý như vậy, đầu tôi sáng lên ngay, nó mở cho tôi một hướng suy luận tích cực - Vì trên đường đi chinh phục ấy, đội quân của thái thú Hùng Lộc do Nguyễn Phúc Tần đề cử dư hiểu tính chiến lược của con sông, nên lấy làm phòng tuyến hoặc ranh giới và căn cứ đồn trú chắc chắn phải nằm bên này sông, gần hậu phương miền Bắc, để khi rút binh hoặc được chi viện sẽ dễ dàng, nên dinh nằm bên tả ngạn là có cơ sở để tin tưởng.
Nếu phải quyết định chọn chính xác nơi nào thì tôi chọn dãi đất góc phần tư từ rạp Vĩnh Hiệp qua Phòng Văn hoá (Chi Thông tin cũ), ngược về phía đường sắt Ninh Đông là nơi đặt Dinh. Thậm chí trại quân và các bộ máy "công quyền" khác còn chiếm cứ một vùng kéo dài hơn nữa, vì khu vực ấy hiện tại phần lớn là đất công, như bệnh viện Ninh Hòa, trường tiểu học Bình Hòa, chùa Hải Nam, trường Pháp Việt (mặc dù trước đó hơn 200 năm, nhưng tính kế thừa về sử dụng đất công vẫn có, tuy bất thành văn nhưng đất công thường chẳng ai dám đụng tới). Vì nơi đó thế đất cao, rộng và bằng phẳng, hướng cửa, mặt tiền của dinh Thái Khang và các công trình phụ trợ khác sẽ được quay mặt về hai hướng tốt với thời tiết, khí hậu của là đông và nam. Và tốt về quân sự vì hướng đông là con đường và nam là mặt sông, sẽ có tầm quan sát tốt, dễ kiểm soát. Còn một yếu tố nữa cũng rất có cơ sở, cho ta xác định thêm tính đúng đắn của suy đoán trên là - con đường Trần Quí Cáp - trục lộ xương sống qua thị trấn Ninh Hòa tương đối thẳng nhưng không hiểu vì sao - từ chợ Ninh Hòa qua cầu Dinh vừa xuống dốc phải quẹo phải một góc khá lớn rồi mới tiếp tục đi thẳng. Có phải là vì Dinh trấn thủ án ngữ bên cạnh trái nên có một qui định (lệnh) của Dinh trấn hoặc nể sợ khu vực Dinh nên người dân khi qua lại trước dinh phải né xa, tạo một hướng đi khác như thế. Phải có một lý do mạnh mẽ nào đó mới đủ sức bẻ lệch con đường cái quan như vậy.?!. Qua đó chúng ta thấy rằng - lịch sử hình thành sông Dinh nói riêng và vùng đất Ninh Hòa nói chung vẫn còn có nhiều bí ẩn. 
Họa đồ vị trí cầu Dinh và khu vực Dinh Bình Khang
Việc phân tích, mổ xẻ sự kiện lịch sử trên, nhằm lý giải chữ “Dinh” mà người dân Ninh Hòa qua bao đời, đã được nghe từ khi mới lọt lòng cho đến lúc lìa đời mà không có một cơ hội thắc mắc nào. Như vậy những yếu tố của sông Dinh như các tên gọi, sự biến đổi dòng chảy, đổi thay của các lưu vực, các chuyển biến nhân sinh chắc chắn đã không bất di bất dịch qua thời gian. Rất tiếc các bậc tiền nhân của Ninh Hòa ta đã không có điều kiện ghi nhớ, lưu truyền cho đời sau cặn kẻ mà chúng ta chi biết một vài điểm chính yếu và khái quát qua sử lược Việt Nam. Cũng may chữ “Dinh” có một tính gợi hình và hàm ý rất cao để chúng ta còn dựa vào đó để truy nguyên, mà tìm ra lý lẽ như trên. 

 Dương Tấn Long
Theo http://www.ninhhoatoday.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...